Lời BBT: Nhân dịp Hồ Nam kể lại chuyện tán gái ở Nông Cống thì blog xin đăng lại lời kể của một nhân vật trong chuyện nhưng không đăng trong blog K6 mà đăng bên CCB để các bạn tiện thể so sánh xem ai là người kể đúng sự thật hơn vì câu chuyện là sự thật và chỉ có 1 mà trí nhớ thì trên 1.
Hắn tên thực là Nhuận, nhưng gọi hắn là Nhuội nghe nó cứ ngồ ngộ mà
hay, vả lại hắn cũng không phản đối. Trong một lần nói chuyện về hắn, Hồ
Nam và tôi thống nhất gọi hắn là Nhuội và thế là từ đó hắn có cái bí
danh mới. Hắn học k7i, nghe đâu là b
quay từ Liên Xô về thì phải (B quay là từ chỉ những học sinh đi nước
ngoài học, sau đó không học được vì một lý do nào đó và bị tống về nước)
Hắn được biên chế về tiểu đội tôi, từ cái hồi bắt đầu đi lính và đóng
quân ở Phú Bình Bắc Thái. Thấy hắn có cái cười ngoác mồm thân thiện với
vẻ hiểu biết và ăn nói cũng hấp dẫn nữa nên chúng tôi nhanh chóng trở
thành chiến hữu. Trong tiểu đội tôi, hắn thuộc loại ăn mặc luộm thuộm.
Ba lô của hắn lỉnh kỉnh nhiều thứ. Hồi đó khi đi B, chúng tôi được phát,
ngoài quân trang như quần áo, chăn màn, tăng võng thì còn một hộp sữa
bột và được căn dặn là chỉ dùng khi ốm đau thương tích vv. Hộp sữa bột
ngon lắm, nghe nói là của Tàu, đôi lúc đói mệt tôi cũng chỉ dám mở nắp
hộp ra đưa lên mũi hít hà cái hương vị thơm thơm mùi sữa, sau đó lại
đóng nắp vào mà chẳng dám ăn. Thế nhưng khi vào đến Thanh Hóa thì tôi
đã phát hiện hộp sữa trong ba lô của hắn nhẹ bỗng, hắn đã chén sạch từ
đời nào vậy.
Chuyện em út của hắn thì cũng đáng nể. Hồi đầu mới nhập ngũ, khi
chúng tôi còn đang loay hoay thư từ sướt mướt với người yêu về cảnh chia
ly, rồi hứa hẹn ngày về, rồi động viên nhau chờ đợi…thì hắn đã có
“chiến tích” rồi. Chẳng phải ở đâu xa, chính ngay tại nhà hắn đóng quân.
Số là tại gia đình, nơi tổ ba người của hắn ở, có một cô gái, mới mười
tám đôi mươi, học xong phổ thông thì ở nhà giúp bố mẹ làm đồng áng. Cô
ta hình như cũng có người yêu là lính chiến nên nhanh chóng có cảm tình
ngay với anh lính trẻ có cái miệng hay cười để lộ cái răng khểnh vàng
khè khói thuốc và cách nói chuyện duyên dáng. Cũng chẳng biết hắn cưa
kéo thế nào mà trong ba tháng đóng quân ở đó thì đến tháng thứ hai hắn
đã mò được vào giường cô ta. Vào một đêm tối trời, hắn kể lại với tôi,
chờ mọi người đã ngủ say hắn rón rén mò vào buồng cô ta. Buổi chiều hắn
đã đánh tiếng, vừa đủ để cô ta nghe thấy là tối nay hắn sẽ “vào” và cũng
vừa đủ để không thấy cô ta phản ứng gì, nên hắn quyết định hành động…Và
đêm ấy hắn đã thành công. Chỉ có một tình tiết làm hắn thót tim, số là
sau lúc “hành sự” xong, trong lúc quờ quạng tìm quần áo để mặc, tay hắn
bỗng sờ phải vật gì mềm mềm như tay một người nằm ngay bên cạnh làm hắn
giật bắn người. Hỏi ra thì được trấn an rằng đấy là đứa em gái của cô ta
thường nằm ngủ với chị. “Nó ngủ say lắm, anh yên tâm”, cô ta khẳng
định. “Hú hồn, chứ nó mà biết la làng lên thì có mà mặt mo”, hắn kể với
tôi mà giọng vẫn còn hồi hộp.
Hồi đơn vị dừng chân ở Nông Cống Thanh Hóa cũng có những kỷ niệm “chiến tích” đáng nhớ. Lần ấy, chúng tôi được nghỉ đến 15 ngày. Lính tráng cứ bán tín bán nghi về một khả năng là đoàn sẽ quay ra bổ sung vào một đơn vị cơ yếu hoặc được đi học một lớp kỹ thuật nào đó. Bàn tán mãi rồi mà vẫn chưa thấy gì. Chiến tranh thì vẫn diễn ra ác liệt, quân vào và quân ra kìn kìn không ngớt. Ăn ngủ và chờ đợi mãi cũng chán, chúng tôi rủ nhau tranh thủ đi "tán gái". Lại là Nhuội, hắn đã đi "tiền trạm" từ lúc nào và về thông báo cho chúng tôi biết là ở phía bên kia con lạch nhỏ, gần chỗ đơn vị đóng quân có một trạm quân y chuyên đón tiếp các thương bệnh binh từ phía trong ra nghỉ ngơi, điều trị rồi lại giới thiệu đi tiếp. Đích ngắm là mấy o y tá, điều dưỡng viên trẻ. Hắn nói đã làm quen được với mấy o rồi và thấy chúng tôi háo hức thì hứa sẽ dẫn chúng tôi sang.
Và hắn dẫn chúng tôi sang thật. Hôm ấy là vào một đêm trăng tháng 10,
trời mát mẻ và khô ráo, ngày mà chúng tôi không ngờ lại là ngày cuối
cùng ở Nông Cống. Buổi tối, sau khi ăn cơm và điểm danh xong, 3 chúng
tôi (tôi, Hồ Nam và hắn) lặng lẽ trốn đơn vị chuồn sang phía trạm điều
dưỡng. Đó là một xóm nhỏ bên kia lạch nước mà muốn vào phải đi qua một
chiếc cầu tre nhỏ. Đây đó lúp xúp những mái nhà dân với những đụn rơm
khô ở sân nhà. Ánh trăng tràn ngập khắp nơi và là một khung cảnh lý
tưởng cho các cuộc hẹn hò. Sau vài động tác huýt sáo và ám hiệu, cuối
cùng thì Nhuội cũng lôi được ra 3 o cho 3 chúng tôi, mỗi người một o và
không quên dặn dò chúng tôi phải dùng tên giả, để lỡ có chuyện gì …. Tôi
(lúc đó được mang tên Hưng) và một o chọn một chỗ cạnh đống rơm để trò
chuyện. O kể cho tôi nghe về cuộc sống thường ngày của o, một cô gái
hiền lành chất phác từ một miền quê ven biển dưới xuôi lên đây với bao
nỗi vất vả nơi tiền phương bom đạn với công việc chăm sóc thương bệnh
binh. Hơi thở của em nồng nàn, mùi bồ kết gội đầu lúc ban chiều trên làn
tóc xõa tỏa ra thơm ngát và bàn tay em mềm mại cứ quấn chặt, quấn chặt
lấy bàn tay tôi… Thời gian như ngừng trôi và tôi cũng không còn nhớ đã
nói những gì. Chỉ biết là khi con tim đã đập gấp gáp và lời nói đã trở
nên lắp bắp, vội vàng thì đúng lúc đó vang lên tiếng kẻng dồn dập ở phía
xa. Bừng tình như vừa thoát khỏi cơn mê, tôi lập tức gọi Nhuội và Hồ
Nam phải về ngay, khả năng đơn vị có báo động. Lúc đó vào khoảng 10 giờ
tối. Ba thằng nói lời chia tay vội vàng, chân chạy đi mà lòng còn bịn
rịn, mơ hồ về những cuộc hẹn hò có thể còn tiếp diễn trong vài ngày tới.
Khi về tới đơn vị thì mới tá hỏa tam tinh ra rằng đơn vị được lệnh lên
đường, kết thúc chuỗi ngày dừng chân tại đây. Vội vàng thu dọn ba lô,
quần áo chỉnh tề lên xe quân sự đi ngay trong đêm mà lòng chúng tôi buồn
tê tái. Không ngờ ngày làm quen các em lại là ngày chúng tôi phải đi
xa. Giá mà, ôi giá mà … được ở thêm vài ngày nữa. Cuộc chiến thật khốc
liệt và không nương tay cho một quy luật nào, kể cả quy luật tình cảm
trai gái rất đỗi thân thương.
Đường hành quân ngày càng dài ra tưởng chừng như vô tận. Sau Nông
Cống đến trạm Cự Nẫm Quảng Bình rồi từ đó sang Lào. Chúng tôi như mê
mải, đêm nghỉ ngày đi. Trước mặt, sau lưng, xung quanh chỉ có rừng,
không còn cảnh làng xóm với những khuôn mặt thân thương ngày nào. Đến
trạm 249 vào đất Việt thì gặp tiết trời mùa mưa ở Trường Sơn, lính tráng
bắt đầu lăn ra ốm, sốt rét. Nhuội cũng không thoát. Khật khừ từ trạm
251, đến trạm 252 thì hắn không đi được nữa, phải ở lại trạm và từ đấy
tôi không còn được tin gì về hắn nữa.
Bạn đọc thân mến, đọc xong những dòng này sẽ có người hỏi tôi rằng trường hợp của tôi thì như vậy thế còn Nhuội và Hồ Nam tối hôm ấy ra sao. Có mà trời biết Hồ Nam và hắn “thu hoạch” được những gì, đi mà hỏi họ ấy. Có thể họ kể mà cũng có thể không, nhưng một điều chắc chắn là cả ba chúng tôi đêm ấy đã trải qua những giây phút rung động tuyệt vời không thể nào quên và những kỷ niệm đẹp đó còn vương vấn mãi trong lòng chúng tôi trên những nẻo đường hành quân sau này.
Một ngày tháng 5 nóng bỏng
TVL
Hơi thở của em nồng nàn, mùi bồ kết gội đầu lúc ban chiều trên làn tóc xõa tỏa ra thơm ngát và bàn tay em mềm mại cứ quấn chặt, quấn chặt lấy bàn tay tôi....
Trả lờiXóabàn tay tôi...., hay.......của tôi.
Nghe pac HN kể đã ngây thơ, nghe pac TVL kể cũng ngây thơ, nay mai pac Nhuận kể chắc cũng ngây thơ như vậy, và chắc cũng xắc mắc không biết hai ông kia làm cái gì....
Nhưng chắc chắc đấy là kỷ niệm đẹp, đã tăng thêm sức chiến đấu cho những chiến binh xuất thân từ sinh viên.
Cha Dũng chít này tinh quái thật, chắc ngày xưa cầm tay em H cũng lại so sánh tay nào đẹp hơn tay nào, thảo nào mà nó chê, nó không cho....
Trả lờiXóa