K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

7 tháng 8, 2018

“VẾT CÀO” CỦA ANH TRAI

Image may contain: Trần Thanh Tuân, standing and indoor Vài hôm nữa là tới lễ “ bách nhật” của anh trai rồi .
Tôi hay trầm ngâm đứng ngắm những bức tranh chép cực to của anh để lại cho gia đình con rể con gái Nguyễn Hưởng - Trac Lan, tranh cho con trai Vĩnh Phúc...
Và dường như do độ lớn , bố cục, sắc màu tươi vui tinh tế của bức vẽ gợi ý trả lời cho tôi câu hỏi : - Anh trai mình thế nào nhỉ?

+ Anh trai mình theo Bố tôi là tào lao. Chẳng là Bố tôi là người mạnh mẽ, ông muốn con mình quyết đoán. Nhưng ở anh tôi trong tâm thức luôn lãng đãng đâu đó. Có thể một nhóm bạn đang vui chuyện , khi anh tôi xuất hiện. Anh không tham gia đề tài dang dở này , nhưng tự nhiên chỉ lên một áng mây, hoặc một con vật có nét kỳ kỳ rồi anh thao thao bất tuyệt. Được cái những điều anh nói ra mang tính nghệ thuật, logic, khám phá, khiêu gợi người nghe cùng muốn được chia xẻ. Nhớ có lần chúng tôi làm vườn, nghỉ giải lao. Anh gợi ý,- "Các em có biết những đường cong trang trí trên phù điêu, bằng khen, giấy khen... từ đâu ra không? – Từ đường cong thân thể của người phụ nữ đấy. Này nhé, cong như thế này giống phần ngực ; chỗ cong này thì giống phần eo ; chỗ này thì y hệt ... người phụ nữ ngồi xổm . Ghép vào nhau, làm mọi người cứ khen lấy khen để". Đang tuổi tò mò, há hốc mồm chờ xem anh thể hiện tiếp thì Bố tôi xuất hiện. Ông nghe được và gầm lên, bởi ông sợ chúng tôi bị anh ‘làm hư”.
Image may contain: 1 person
+ + Khi tôi lớn, anh đã ra ở riêng. Những chuyện về anh chủ yếu qua bạn bè và đồng nghiệp.Họ khen anh vẽ bản vẽ kỹ thuật rất sáng sủa, chữ ngay ngắn mà bay bướm; Khen anh tự học vẽ truyền thần, tự sửa chữa đồng hồ, viết chữ thờ bằng sơn màu lên kính, lâu rồi thành danh; lại khen là anh thấy thiên hạ khen âm hưởng của đàn piano hay, anh cũng vét túi ra sắm một chiếc đàn rồi tự học,tập dần cũng lõm bõm vài ba bài,chủ yếu mấy bài ca ngợi Hồ Chủ Tịch thời thượng lúc đó; Nào là anh ham “mới”, thấy có công nghệ dùng sợi đốt tạo hình. Anh cũng lọ mọ đêm hôm dùng sợi mai so khắc họa hình tượng Bác Hồ trên gỗ, các sản phẩm đó, trang trí cho phòng học các trường cấp 1, 2 của Hòn Gai những năm 90.
Rồi có cả những chuyện cười ra nước mắt. Họ kể là anh cũng tham gia đội bóng đá của xí nghiệp gốm Móng Cái, giữ chân bắt gôn. Trận đấu đó anh vào ra hợp lý, bắt được một quả sút khó của đội bạn, khi đội nhà đang thua, có nguy cơ bị loại khỏi giải ... Thế là cả sân bóng vỗ tay nhiệt liệt. Anh phấn khởi vung vung bóng trong tay và bỗng “ nhỡ” để bóng lăn ngược vào gôn. Hê hê, cả sân lại rộ lên tiếng phản đối , phẫn nộ, chửi rủa ..rồi lại cùng cười. Ấy thế mà chả ai ghét anh.
Nhưng cũng có lần Bố tôi cũng “nhớ” anh. Ông kể, anh B. giám đốc nhà máy sứ Quảng Ninh hồi ấy đến nhà biếu ông quà và kể anh trai tôi đã có công giúp nhà máy giải quyết khó khăn là lưu giữ được kỹ thuật xây lò nung .Anh B kể hồi giữa năm , những ông thợ xây lò đều là người Hoa, họ chuẩn bị rời khỏi Việt Nam. Ông giám đốc đề nghị họ xây giúp 1 lò trước khi thôi việc. Rồi ông phân công anh tôi tìm cách “ tiếp thu” kỹ thuật đó. Ngày mùa hè mà anh tôi phải khoác vỏ áo bông. Tay phải luôn đút túi áo. Bên trong đó có cuốn sổ nhỏ và cái bút chì. Anh vừa nói chuyện vui với bác thợ cả, vừa lần tay vào túi áo, nhanh chóng ký họa và ghi chép lại những kỹ thuật cơ bản khi xây . Tối về lại lụi hụi “dịch” lại những ghi chép, hoàn chỉnh sạch sẽ , trở thành tài liệu kỹ thuật. Liên tục như vậy cả nửa tháng mới xong.( Sau này anh có nói , hình như mấy ông thợ cũng biết nhưng họ không nói gì). Bố tôi kể lại rồi bảo tôi : ‘ Con nhắn thằng anh nửa người nửa nghệ sỹ, tết này về Bố bảo” ...
+++ Quay lại ngày hôm nay. Khi viết về người quen, hay nhớ viết những điều tốt đẹp khi họ ngang qua cuộc đời mình. Nhưng đây anh trai mình , ngoài những điều yêu quý , mình chứng kiến thêm cả những “ eo sèo mặt nước lúc đò đông “. Bởi vì , có không ít lần , có cả vợ con anh đủ đầy, anh vẫn nghêu ngao : - ..” Hồng hà ơi, ta nhớ mùa thu kia ...” , rồi lại những rúc rích bến nước trên sông Việt Trì. Anh lại đãng trí , lại thả hồn về những năm 1956, 1957 anh lên tham gia xây dựng cầu Việt trì, nghe nói có cô tên Hồng rất mến anh... Đến nỗi sợ anh ở lại miền trung du, Ông nội hỏi cưới cô gái ngoan cùng phố cho anh... Vậy là ( " Vợ con thì nhớ thương mình // Mình đi thương nhớ người tình xa xôi - Nguyễn Bính ); Anh ơi, thực sự có ‘ Hư” không nhỉ?
++++ Có nhà văn nói ( đại ý ) là , mỗi con người khi trở về bên kia thế giới, ai cũng để lại một vết cào nào đó.
Tôi xòe bàn tay ra , thấy trong đó có bao vết lằn chỉ . Có rất nhiều vệt nhỏ ngang dọc, có rồi lại ẩn mất. Duy chỉ những đường rãnh, mà người đời gọi là đường sinh lực đường trí lực, đường tình cảm, hằn sâu vết đỏ, không bao giờ đổi thay.
Có gì đó liên hệ màu đỏ thắm chỉ tay với những bức tranh sống động anh để lại cho các con không? Bởi nghĩ đến cùng nó cũng giúp vui, an ủi , làm đẹp đời sống mà thôi. Vậy anh trai mình là nghệ sỹ chứ? - Không hẳn,ở anh phần đam mê có thừa, nhưng đi học nâng cao,rèn luyện để đạt những tầm cao lại không có, bởi anh luôn "dềnh dàng" với những niềm vui dân dã thường nhật? - Nhưng hình như là nghệ sỹ thật,cái phần NGHỆ nhạt màu ấy làm anh cứ lãng đãng với đam mê của mình, sao nhãng trách nhiệm với gia đình, vợ con...
Có người nói, người quá cố hay về “ thăm” nhà, mà hay về nơi ưa thích là những chỗ họ gửi gắm nhiệt huyết khi còn sống.
Em ngước nhìn những bức tranh, ánh dương sáng nay tràn ngập, lấp lánh và thân thiện. Hay là, hồn anh Nghệ Sỹ của nhà mình đã về và tự chọn cho mình góc quan sát ưa thích, đang đậu ở đâu đó trên những bức tranh tươi sáng kia?
Anh Dần ơi, anh đã có cuộc sống nhiều góc cạnh với thế giới này. Hãy bằng lòng " Trăm năm hăng hái trả ơn trời" anh nhé.




2 nhận xét:

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]