Trung Sỹ
Ông ngoại bà ngoại, ngày bé tôi gọi là ông ta, bà ta, để phân biệt với ông bà bên nội. Sau cải tạo Công tư hợp doanh, sở Thương nghiệp gọi bà đi làm. Cơ quan của bà tôi là cửa hàng Mậu dịch Quốc doanh số 53 phố Hàng Ngang, với công việc là dán phiếu. Từ một chủ hãng buôn, nay bà tôi đã vinh dự trở thành một cán bộ công nhân viên nhà nước XHCN. Về việc này, ông tôi có hẳn một bài thơ đầy tự hào mà tôi nhớ nhất hai câu:Ông ta công tác bảo tàng
Bà ta dán phiếu cửa hàng Hàng Ngang
Dán phiếu là một công việc buồn tẻ. Để tôi giải thích rõ về công việc đó nó là thế này. Cán bộ, công nhân viên và nhân dân thành thị, kể cả trẻ em, được nhà nước cấp phát tem phiếu mua hàng theo quý. Mỗi loại tem phiếu ứng với một loại hàng chất đốt, thực phẩm hay nhu yếu phẩm nhất định. Các cô mậu dịch viên bán hàng cầm kéo nhoay nhoáy cắt xoẹt, thu lại các ô phiếu tiêu chuẩn mà người dân vừa mua, xếp vào những chiếc hộp. Nó cũng giống như cảnh sát giao thông đục lỗ bằng lái xe bây giờ vậy.
Họ đưa các hộp tem phiếu đã cắt rời lên tầng hai, là chỗ công tác của bà ngoại tôi. Các nhân viên dán phiếu quét hồ dính lên những tấm bìa giấy xi măng khổ 0.8 x 1.0 m, dán những ô phiếu cùng loại lên đó theo hàng lối, kiên nhẫn như người thợ thêu tranh. Cán bộ kế toán sở Thương nghiệp tổng hợp thống kê được lượng bách hóa bán ra nhờ đối chiếu với những tấm bìa phiếu dán này. Cùng dán phiếu với Giang Ký bà tôi, là các bà chủ nhà buôn khác: bà Phúc Tường, bà Vạn Lợi, bà Huân Ký....Các bà vẫn cười đùa, gọi nhau theo tên đăng ký môn bài cũ, không gọi tên thật bao giờ. Không khí lao động rất phấn khởi, rất vui tươi theo tinh thần công tư hợp doanh vì nhân dân phục vụ. Khác hẳn với mấy cô mậu dịch viên cau có tầng dưới do khách đông chen lấn.
Khi tôi đến cơ quan mậu dịch, lên tầng hai chơi với các bà, bao giờ cũng được một vài cái bánh chả thơm phức lá chanh, hoặc ít ra là khúc sắn vàng dẻo quánh. Nhưng ấn tượng nhất ở đây là một thứ mùi đặc biệt, là tổng hợp của các thứ mùi. Mùi hồ chua chua từ các súc vải ẩm, mùi men kẹo giấy chảy, mùi mốc các thùng gỗ cũ, mùi hăng hắc từ các con cá chép nhựa mới nhập... Lĩnh xướng trên tất cả loại mùi, có lẽ là mùi khen khét, ngầy ngậy của xà phòng cục 72% Liên Xô. Tổng phổ mùi đó cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được, nó ám vào đầu óc rồi, và tôi tạm đặt tên là mùi mậu dịch.
Bà tôi đi làm về, thong thả đi bộ giữa hàng phố lưa thưa người bộ hành trong một ngày lạnh. Bà tôi tóc đen, vấn trần khăn nhiễu đen, áo nhung tuyết đen trần trám, với chùm chìa khóa đồng leng keng reo trong gió đông. Răng bà tôi nhuộm đen nhức hạt na, như răng bác trưởng Yên_vốn cũng chủ một hiệu buôn nhưng không chịu vào hợp doanh với nhà nước. Bác trưởng Yên gọi bà tôi là cô ruột, bán chanh ớt chợ Hàng Bè, tá túc tại nhà tôi để hàng ngày đi chợ cho gần. Tối tan chợ về, thế nào bác cũng có quà cho con em út tôi, năm đó mới bi bô học nói. Những hôm không có quà, con bé dỗi, chê răng bác đen sì sì như hòn than. Bác trưởng cười bảo răng bà ngoại cũng đen. Nó gân cổ cãi không phải, răng bà ngoại trắng tinh như tờ giấy.
Con bé có năng khiếu này, giờ cũng làm cán bộ nhà báo, với chức danh cơ cỡ ở một cơ quan truyền thông quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]