K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

11 tháng 3, 2018

NGƯỜI HÀ NỘI CŨ (phần 3)

Trung Sỹ

Chiến thắng Điện Biên phủ và Hiệp định Genève đưa những người con của Hà Nội trở về. Năm cửa ô đón mừng đoàn quân, "như năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh".
Sau những buồn tủi, mừng vui hạnh phúc ngày hội ngộ, Hà Nội bắt đầu công cuộc đổi mới, "từ một thành phố tiêu thụ sang thành phố sản xuất", cùng với nông thôn đang kỳ rầm rộ tiến hành Cải cách ruộng đất. "Những người lao động quang vinh/ Chúng ta làm chủ đời mình từ đây".

Người Hà Nội trong giai đoạn này theo tôi, chia làm hai khối: Khối Quân nhân và khối Xã hội. Khối quân nhân, bao gồm các sỹ quan binh lính cùng gia đình hay đơn vị của họ, về tiếp quản và bảo vệ thủ đô. Họ sống tập trung trong doanh trại, chủ yếu là trong các khu quân sự cũ của người Pháp, trong Thành cổ Hà nội. Các khu tập thể gia binh độc lập và tách biệt cũng được thành lập mà sau này bọn trẻ con chúng tôi gọi là các "quân khu".
Nhiều quân khu lắm: Quân khu Nam Đồng của các sỹ quan trung cấp, thậm chí đã lên văn đàn, thành cuốn best seller. Quân khu 28 Điện Biên, Quân khu Lý Nam Đế, Quân khu K.95 ngoài bãi Phúc Xá. Quân khu 1a Hoàng Văn Thụ. Chắc các chính ủy muốn thế để dễ tập hợp đơn vị khi có biến, hoặc sợ các quân nhân ăn phải bả ánh sáng kinh thành khi "đứng gác dưới ánh đèn nê ông" _(Tên một bộ phim thời đó). Khối này tôi không biết nhiều, ngoài việc nhận xét là tụi trẻ con cùng lứa trong các khu đó có gì đó ngang ngược kiểu anh hai, rất đoàn kết và đánh nhau lỳ thôi rồi.
Khối Xã hội như tôi muốn nói, bao gồm những người Hà Nội cũ như gia đình tôi cùng những người mới đến. Lấy ngay chuyện nhà ra làm ví dụ cho nó chắc. Bà tôi đi học tập cải tạo Tư sản tư doanh về, đồng ý hợp doanh với nhà nước, đồng ý hiến đất cùng một ngôi chùa dưới Bạch Mai mà sau đó Ban Vận tải C sử dụng, đồng ý chia căn nhà số 8 phố Đồng Xuân, vốn là cửa hàng kinh doanh cũ, cho Sở Thương Nghiệp Hà Nội. Ngôi nhà này nhà nước niêm phong tầng 1 nên các cán bộ Thương nghiệp được phân công về ở phải đi nhờ qua lối nhà tôi số 23 phố Hàng Khoai. Cũng do họ đi nhờ mà nhà tôi dù muốn yên ổn độc lập, nhưng cũng phải giao tiếp .
Bên đó có vợ chồng chú Nghĩa cán bộ, vợ là cô Nga rất hiền lành ít nói. Hai vợ chồng không có con cái gì. Chỉ khi xóm ấy chửi nhau móc máy, tôi mới biết cô Nga xưa là gái làng chơi. Tôi thấy cô Nga vẫn im lặng chịu đựng, thậm chí không ăn chơi như cô cán bộ mậu dịch người Thanh Hóa, người hay chửi cô Nga nhất. Cô mậu dịch hừng hực hai con này chồng là một đại úy quân đội mút mùa ở bên Lào. Cô thường phục vụ nhân dân về khuya muộn, lại hay có bác Lộc cũng là một cán bộ thương nghiệp nhà nước, đưa về và ở lai luôn. Bà tôi luôn phải mở cổng đêm cho cặp đôi này. Bác Lộc đi qua nhà không hỏi không chào ai bao giờ, cái đầu chải sáp cứng nếp bóng nhoáng. Ông cậu họa sỹ mê cách mạng dân chủ tư sản Pháp của tôi vỡ mộng, điên lên chửi đổng gì mà lầm lầm như chó ăn vụng bột. Bác Lộc không thèm đếm xỉa đến cách mạng tư sản, vẫn phớt đều.
Gian ngoài trên gác sáng sủa nhất, nhà nước xếp cho ông Đoàn Ba, một cán bộ chắc cũng có cỡ người Quảng Nam. Bác Ba vui tính nhưng bị suyễn kinh niên. Chính mắt tôi trông thấy bác Ba vồ được một con thạch sùng bự tổ chẳng. Bác há miệng to ngậm con bò sát kinh khủng này, thúc đuôi cho nó chạy thẳng vào trong họng. Bác bảo đó là một bài thuốc chữa hen đặc trị. Sau này bác nhường phòng cho con trai bác, một phi công sân bay Gia Lâm tên là anh Khanh.
Anh Khanh mới lấy chị Hòa xinh đẹp, là tiếp viên hàng không cùng công tác trong sân bay. Chị Hòa cũng mới được tuyển về, chuyên phơi si lip ra ngoài ô trám ban công đối diện chợ Đồng Xuân. Lão bán mũ dạ bên nhà số 6, bị si líp hồng hàng xóm dường như treo ngay trên đầu mình, ngay cạnh chỗ cắm cờ, cáu kỉnh sang mách bà tôi. Nhà bên đó đã hiến rồi nhưng bà tôi vẫn lẳng lặng sang nhắc nhở chị. Khốn khổ bà cụ tư sản yếm sồng váy đũi, vừa mới khổ vì phải đi học tập, nay khổ thêm với biểu trưng tân thời đầy sức sống nữ tính của người Hà Nội mới.
(....còn nữa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]