K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

1 tháng 11, 2016

KỶ NIỆM XƯA ĐH CƠ ĐIỆN - P9

 TRẦN MINH HẢI K6i

       Trên các Blog tôi để ý có rất nhiều bài viết kỷ niệm của lính Cơ điện, ít thấy đề cập chuyện ngày ra đăng lính. Hình như CCB ta chỉ nhớ ngày nhập ngũ-để viết vào lý lịch cá nhân?.
ĐH Cơ điện 1970-1972 trừ các CB đi học+kiều nữ+các tên trai thuộc diện CS có người ruột thịt đang tại ngũ… sẽ yên tâm lớn cái việc học hành đủ 5 năm, các tên còn lại có tâm trạng sẵn sàng nhập ngũ, thường xuyên được cán bộ lớp réo đủ Họ và Tên “ sáng mai em đi khám sức khỏe nhé!” Rất nhiều lần. Thoạt đầu là thực thi ở bệnh xá nhà trường do Y sỹ Lịch còm cầm trịch. Mấy chục thằng đứng  chờ nhốn nháo tại các cửa, chờ réo tên để gặp các bà y tá vào sổ: cân hơi-đo chiều cao thấp- thử thị lực rõ cận viễn-xìn xịt bóp quả cao su bơm hơi đo huyết áp. Bác Lịch đeo tai nghe vừa dí cái núm tròn vào ngực vào lưng, vừa hỏi han tình trạng, Bác gầy thế, mà khi bóp bụng trò tay Bác cứng thế-nhiều tên oai oái, đau chảy ràn rụa nước mắt. Hãi nhất là có lần có một nữ y tá chửa vượt mặt,thư ký này điềm nhiên vừa liếc mắt vừa ghi vào sổ lưu-khi bác Lịch còm quát từng tên “truổng cười” cho bác khám...chim cò. Thâm về lẩm bẩm “Tổ sư bố con mụ chửa, sướng thật! Nó được buổi bổ túc mắt, mấy chục thằng chúng mình hóa ra là mất tân với nó rồi?!” Sau này thì có các Bác sỹ bệnh viện TN về làm bài bản hơn. Xong mục khám SK là bọn ta về học, rồi nhấp nhổm chờ thông báo Nhà trường!
Xem phim tài liệu quay cảnh thanh niên nhập ngũ thời chống mỹ cứu nước, có kèm lời thuyết minh sang sảng đanh thép, khí thế hào hùng bốc cao ngùn ngụt. Nhớ lần tiễn anh họ học trường C3 Việt-Đức (phố Lý thường Kiệt) nhập ngũ có xe ô tô đón ngay tại trường. Tôi và dăm người mặc quân phục xanh lọt thỏm trong biển người mái tóc xanh, mái tóc thề. Nao lòng bắt gặp gần trăm “mắt nai” rớm lệ, hàng trăm cánh tay mềm mại lưu luyến vẫy chào tạm biệt các tân binh ngỏng cổ cò qua cửa sổ xe ca. Nhớ ở làng, tối hôm trước bà con đến uống nước chia tay, tân binh có rủng rỉnh tiền tiêu do người thân dúi và quà tặng mùi xoa, tem thư, ảnh của thôn nữ...Liên hệ cảnh lên đường nhập ngũ của ĐH Cơ điện Bắc thái xưa-áy náy chẳng giống ai! 
Thường thì sau khi có giấy nhập ngũ, các tên đi- phải chờ tối mới có tầu hỏa về xuôi: tới ga Đông anh,Yên viên, Gia lâm, thì mới có tầu lần lượt ngược Lào cai, Lạng sơn, rẽ ngang đi Hải phòng, Ga Hàng cỏ về nam. Rồi thì làm đủ các thủ tục cần thiết ban ngày: va ly hòm gỗ, sách bút giấy vở đồ dùng tặng người ở lại, tiền ăn thanh toán mang ra quán “đập phá” tiễn biệt đám bạn chí cốt. Sau 15 ngày phép lên, sẽ có vài tên tạm hoãn-rồi thì lớp liên hoan tiễn người đi chính thức. Ban giám hiệu trường sẽ gặp mặt động viên+chè thuốc+bánh ngọt, phòng tổ chức sẽ cử người đi giao quân…nôm na như thế! 
Tổng quan trường ta: Lính chống Mỹ đi làm 5 đợt (8,12/1971) và (1,5,9/1972) Bình quân tòng quân là 4 tháng/mẻ, đó là chu kỳ lính đi thời chiến thuở ấy (có 15 ngày SV nghỉ phép+ qua 90 ngày huấn luyện tân binh cấp tốc = rồi là đi chiến trường B,C luôn). Một đợt động viên đầu năm 1975, Một đợt chống Tàu 24/8/1978 (gồm gần 100 tên K9 được đặc cách tốt nghiệp và K10, đa số làm lính kỹ thuật, sau Quân đội gửi về học nốt K13). Một đợt học lớp SQDB lần thứ nhất của trường ta, ba tháng do BTL Thiết giáp chủ trì, T600 huấn luyện BC 13/10/1979 (140 tân kỹ sư K10 gôm CCB, HSPT, sau này có >50% ở lại Sý quan phục vụ  lâu dài)
Mẻ Lính đầu tiên đi từ K6I tôi viết nhật ký “ 24/7/1971 cả lớp viết đơn tình nguyện nhập ngũ -29/7/1971 khám sức khỏe 23/54 tên K6I, Y sỹ Lịch còm vừa khám vừa tán bậy, bí thư Học ngồi cạnh cứ tủm tỉm cười-31/7/1971 lớp liên hoan chia tay 13 người đi lính (thịt con chó ông Chúc nuôi), Lớp chỉ còn 42 người ra ga tiễn tối 3/8/1971” Thực tế sau 15 ngày nghỉ phép lên, còn 8 đi chính thức Để tôi nhớ ra nhiều cái: Lớp nghỉ hè năm thứ nhất từ 17/8/1971, tôi ở lại canh giữ lớp nửa tháng đầu. Hôm sau đã Lập công bắt quả tang trẻ con xóm vào ăn trộm va ly của kiều nữ Hiền K6I, nhưng lại là Tội đồ của phòng tổ chức vì “kiên quyết không khai ra các Bác lên trẩy lính: quậy đốt sách phá giường-kỷ niệm ngày vĩnh biệt cái đời sinh viên!!!” Tôi bị tra hỏi+ bắt viết tường trình…một mực tôi nhận lỗi “Em bỏ đi chơi-không biết các bạn ấy lên đi bộ đội, đã đập phá lúc nào!”. Nhớ tên Thiện có người yêu “ho ra thơ, thở ra văn” cầu cứu tôi cố vấn lời thư đáp trả-khi nàng viết thư yêu vặn vẹo tinh quái chàng Sóng yên bể lặng hắn đưa bé tới ra mắt tôi-ấy thế mà rồi thành thân quen. Hè ấy vỡ đê Cống thôn-lụt to, Cầu Đuống ăn phát tên lửa Mỹ gãy đứt đôi-tàu xuôi chỉ về tới ga Yên viên, khách xuống tàu tăng bo qua cầu treo nhà máy gạch. Đau đớn nhất đợt đi đầu này, toàn K6 có 8 bạn sau này đã Hy sinh, riêng K6I có 5 người, toàn là các bạn tốt tính-khỏe mạnh-học khá giỏi-được nhiều người yêu mến.Tháng 12/1971 hai lớp máy có 2 tên đi lính, là dân điện nên tôi không nắm rõ chiến hữu máy ra trận như thế nào. 
-23/12/1971 có lệnh nhập ngũ K6I có 8 thằng: Hải, Thịnh, Thuộm, Dần, Cảm, Đhòa, Viêm, Hoạch. Ngay tối đó cả lớp lại ra ga tiễn biệt.. ngày 7/1/1972 Tôi lên trường trả phép, bất ngờ gặp Trang K6I ở ga Lương sơn-nó về nghỉ phép để đi B (ai hay đấy là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau!) Vào phòng thấy cả tổ 4 ùa ra, Thâm bưng bát cơm tong tả “Mày sống rồi! về lấy đồ lên học tiếp đi!”. Thuấn cụt sốt sắng kéo bác Học lên giải thích “Lẽ ra em đi đợt này, phòng Tổ chức có hỏi ý kiến Chi bộ.”…”ở lại học ngày nào là có lợi thêm ngày đó em ạ, có vào lính như tao mới thấy thèm học nhiều lắm!”. Cuối cùng thì chỉ có Viêm, Hoạch, ĐHòa nhập ngũ, đợt này thọ cả (chỉ có LT Hưng hy sinh sau 1975). Thực lòng tâm trạng đè nặng nhiều tên “Học thì cứ học, còn chắc chắn sẽ phải đi, có điều không biết sẽ đi lúc nào?”, thành ra sự học hành từ “chuyên tâm” chuyển sang “lớt phớt”, cố gắng thi vượt qua kỳ đầu, hạn chế món phải thi lại. Cứ sau mỗi đợt đi lính, lớp vắng thêm và buồn hẳn ra, câu chuyện phiếm luôn xoay quanh và nhắc tới những thằng bạn đã đi!-giờ đang ở nơi đâu?-còn sống hay là đã chết?. Trong 3 tháng đầu huấn luyện, tân binh chăm gửi thư về lớp hỏi han. Những thằng ở lại không tiếc tiền tem chăm viết giả nhời. Sau đó thì thư lính thưa thớt rồi mất hẳn-tín hiệu báo là họ đã vào chiến trường. 
-Đợt thứ 4, lớp K6I lại đăng ký tình nguyện nhập ngũ lần thứ 2, trong bối cảnh mấy lần sơ tán vào K4ME gấp- tránh máy bay Mỹ, bom rền nơi xa, còi báo động Gang thép liên tục rú, trời oi bức, vừa học vừa đi lấy gỗ làm nắp hầm trú ẩn, lớp ăn không có rau chỉ có cá khô, mắm tôm, cơm độn ngô xay vỡ, rồi tháng 5/1972 vào ở hẳn khu K5. Ngày 4/5/1972 có lệnh nhập ngũ Tiến, Thu, Cường, Nam, Khánh, Cảm. Hôm sau lớp K6I liên hoan tiễn họ về nghỉ phép. Chuyện liên hoan “hoành tá tràng” giữa lúc gạo ít-thực phẩm kém thì tôi nhớ: Vì tôi và bác Phúc cuốc bộ từ lớp ra ga Lưu xá B, vào nhà chị Hồng (cấp dưỡng bếp K6I) cân hơi “con Mộc tồn nhà chị, sẽ bán rẻ cho chúng mày liên hoan, cơ khổ học cũng chẳng yên với thằng Mỹ”. Rồi có lời nhờ chồng chị và ông hàng xóm “khai đao” giúp sơ chế, nhiệt tình “giải phẫu” giúp đỡ. Còn thêm nữa, nhờ luôn con xe đạp của chị Hồng mà tải hàng về! Chả còn vất vả như hôm “cẩu đầu trảm” con chó anh Chúc nuôi tại bếp K6I liên hoan lớp chia tay mẻ lính đầu tiên 31/7/1971. Ngày 1/6/1972 lớp LĐ khiêng Panen bê tông làm nắp hầm trú ẩn tại khu Thí nghiệm vật lý, có Quyết định đột ngột cho ĐDũng và DHòa về nghỉ phép sau lên sẽ đi bộ đội. Giờ tôi vẫn còn nhớ mặt DHoà rực đỏ, Mặt Dũng biến sắc khi cầm QĐ khi đó, họ bước chầm chậm về nơi ở… quả thật hiểu rõ tâm trạng của thằng ra đi (Phải chăng như Dũng đã viết “thế là hết, sẽ chẳng bao giờ gặp lại, sống lại được những ngày sinh viên như thế này nữa”) cũng như tôi-thằng ở lại tạm thời rồi thì sau này cũng ra đi nốt!, Anh em lớp LĐ nhanh chóng làm cho xong việc để về với chúng nó!
Đợt đi lính cuối cùng 9/1972 mọi thứ đều rút gọn:4/9 khám sức khỏe, sáng 7/9 có tin chính thức Hải, Thịnh, Thuộm, Dần, được nghỉ 5 ngày phép!.Tối chúng tôi ra tầu hỏa về ngay- cho kịp ngày 13/9 có mặt tại trường “a lê hấp đi lính”. Cả hai cầu Đuống và Long biên đều bị gẫy- tàu khách dừng ở ga Đông anh, 3 tên bám ngay đoàn tầu QS chở lính đi B vừa lăn bánh (do biết tàu sẽ tới ga Yên viên thì mới dừng), rồi thì phải “tăng bo” cầu treo gạch cầu Đuống, cuốc bộ từ đó về cầu phao Chương dương gần nhà Bát cổ… mất công mua vé ô tô lên Thái trước 3 ngày tại công viên Thủ lệ. Sáng 15/9/1972 Thịnh nhập ngũ buổi sáng thì 23h Tôi và Dần mới xuống xe tại T ba nhất! Vừa không được chạy sô ăn liên hoan cả 4 tổ như Thịnh tồ, vừa phải ăn chực nằm chờ tại lớp một tuần. Tôi đã viết “thứ năm 21/9/1972 Ngày cuối cùng của đời sinh viên: trời lớt phớt mưa lớp K6I nghỉ giải lao sau 2 tiết đầu. Còi báo động Gang thép rú liên hồi-máy bay Mỹ bỏ bom Thịnh đán, 6 quả bom rơi vào trường trong đó có 2 quả nổ sau nhà Hiệu bộ cách lớp học K6I chừng 150m. Bà Minh cụt tay (chăn trâu trường ta) và một SV người Lào bị chết. 16 tên  đi lính tới nhà ăn khu giáo viên gần căng tin uống chè mạn+ăn bánh ngọt+nghe hiệu trưởng Phú dặn dò một lúc. Bác tiễn chúng tôi lên đỉnh dốc chờ xe tải đến. Xe này về Hà nội báo cáo bộ ĐH và ĐSQ Lào-cho chúng tôi quá giang tới ga Lương sơn thì xuống. Anh Đỗ phòng TC dẫn cuốc bộ dăm km vào xóm Rô, xã Thượng đình, huyện Phú bình, tỉnh Bắc thái giao quân. Hôm sau 22/9/1972 tôi đã là Binh nhì của C3 D76 F304B” 
       Với tôi những đêm gác ở rừng hay là doanh trại luôn nhớ lớp, nhớ trường CĐ: kỷ niệm khi học K6I bình thường, qua con mắt chiến binh sao lại lung linh thế. Tháng 1/1973 chuyển sang BC Thiết giáp: mỗi khi khoác ba lô gạo, gánh củi qua khu ĐH kỹ thuật Quân sự, bắt gặp các học viên ôn thi dưới cây xanh, dưới bụi tre làng…nước mắt tôi rơm rớm. Năm 1974 theo xe đi cổ động đội bóng chuyền E207 thi đấu giao lưu, tôi đứng lặng người nhìn SV đại học Bưu điện nơi sơ tán: Kẻ thì hò reo khi xem trận bóng. Kẻ cặp sách tan học về, Các cặp nam nữ SV nắm tay nhau vác bát đi ăn cơm chiều.. như hồi nào tôi bưng âu xuống bếp lĩnh xuất cơm còm cho cả tổ…Lòng rưng rưng nỗi thèm học vô cùng!




3 nhận xét:

  1. Nhiều tư liệu quá! Đọc cứ ngồn ngộn kỉ niệm!

    Trả lờiXóa
  2. Một kho sử cơ điện và K6 rất quý và rất hiếm cho đời sau, cảm ơn bác Trần Minh Hải!

    Trả lờiXóa
  3. Bằng ơi, rỗi thì gõ bài cho anh em đồng môn ôn lại ngày xưa tý. Dưng mà cũng hay hay, các con Huynh đọc chúng nó ngỡ ngàng sao ngày xưa học hành khổ thế+hiểu thêm tình đồng môn+thèm có các hội thường niên toàn khóa của Phụ huynh chúng ta bây giờ. Còn thì Sử Cơ điện ta sẽ có các văn sỹ biên soạn theo đúng Quy trình Chính thống.Cám ơn Đệ đã quan tâm đọc bài của Huynh nhá.

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]