K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

3 tháng 11, 2016

KỶ NIỆM XƯA ĐH CƠ ĐIỆN - P10

TRẦN MINH HẢI K6i
Thưa các bạn, năm 1975 hoàn thành nghĩa vụ chiến đấu, K6: 49 người đi bộ đội (có 11 người đã hy sinh). CCB lục tục trở về trường xưa yêu dấu, lại học tập để có cái nghề! Sau này còn mà sống, mà hưởng chế độ hưu trí!. Hơn 1 trung đội quân K6 về, đã đổ bộ vào các lớp điện + máy K10. Cùng hưởng phụ cấp 31đ/tháng. Trừ tiền ăn, ta còn 13đ tiêu nhòe! Phiếu vải 5m/năm (Lo gì, quân phục cũ mặc thoải mái tới khi ra trường hầy). Trước ta nằm giường sắt, nay thì nằm giường tầng gỗ êm. Xưa nửa lít dầu hỏa thắp sáng, chừ 2 ngọn đèn điện bật cả ngày (tới giờ đi ngủ, phải gác tay che mắt). Xưa ăn cơm tại phòng, chừ 5 thằng góp phiếu thành 1 mâm, xuống nhà ăn chen nhau để lĩnh:1 xoong cơm, 1 xoong canh lõng bõng nước toen hoẻn tý cái rau, 1 bát thức ăn mặn (thịt thổi bay, đậu phụ, mắm tôm, cá khô là ”Trường ca SV”. Cơm độn ngô, hay bánh mỳ cứng như đá, măm rồi mà vưỡn đoi đói). May mà ăn sáng được nửa cái bánh mỳ lót dạ. May ta còn chút tiền còm: để sáng CN mua bát xôi sắn hay khi nhọc đi “xông” tại Phở Sáu, Hát + Mùa ôn thi mua ấm chè đĩa lạc rang nhấm cho 2 con mắt được chong chong mà cày, mà lẩm bẩm học thuộc như cúng Thánh sư! Chúng ta vẫn nhẩy tàu trốn vé như hồi K6 xưa kia, trình độ đã tăng lên nhờ tôi luyện ở lính (mùa hè thì lên nóc toa, giải ni lon lính nằm cho mát!). Rỗi đi gặp các tên CCB xưa đang học rải rác ở các khóa, tiếc thương các bạn đã hy sinh, mừng cho nhau còn lành lặn trở về (Dù làn da ta tái xanh tái đen gày gò, khuôn mặt đã nhàu nhĩ, rất dễ nổi bật trong lớp so với các đàn em cách ta 4 tuổi, được thầy cô giáo để ý khi vào lớp và khi thi môn). Chúng ta mùa rét vẫn lũ lượt đi tắm nước nóng dưới chân lò cao ở khu Gang thép và xem gang ra lò. Chúng mình vẫn sống chế độ tem phiếu, nên nghi hè lĩnh tem lương thực về mua gạo mua mỳ sợi mang lên chống đói. Cùng chung 1 số kỷ niệm, chừ đã U70. I hi, nhờ số liệu của tôi làm chứng, nhiều bác thắng cá cược chầu rượu, chầu cà phê... (kể cho tôi là về sau này. Còn mời tôi chén làm chứng ngay lúc ý thì lại quên phắt).
HK1 NĂM THỨ HAI Giờ tôi còn nhớ buổi học chiều ngày 17.11.1975 Lớp trưởng K10IA Mẫn long trọng giới thiệu tôi vào học buổi đầu tiên sau khi đi lính về, với các bạn trong lớp. Thời kỳ chúng ta mới về khu nhà A4 đang xây dựng. Nên các lớp điện K10 ở chung với các lớp cơ. Phòng ở + lớp học chung các tầng nhà A3, qua mảnh sân sẽ là Nhà ăn mới. Lũ chúng mình nổi bật không lẫn với SV là HSPT là ở các đẫn: Từ bộ quân phục, từ làn da xanh tái hậu quả từ sốt rét rừng Trường sơn, đến khuôn mặt phong trần, đến cách nói năng giao tiếp đặc mùi lính tráng, mất một thời gian sau ta mới hòa hợp cuộc sống SV lần thứ hai. Ngày 21/11/1975 Lớp chuyển sang ở tầng 1, 2 nhà A4. Phòng tôi trên tầng hai gồm có CCB Thịnh, Hải. CN Ngọc. K9 xuống Thả, Hùng. HSPT có các tên là Sơn, MĐức, BĐức, Doãn Hải, Lanh, Tiến. 2 lớp chung phòng học ở tầng ba. Lớp K10IA là lớp XHCN có giờ tự học rất nghiêm, có đội Cờ đỏ đi kiểm tra thường xuyên, các phòng tự học cứ là im phăng phắc! Chả bù cho hồi học ở K6 nhà tranh vách giứng, các chiến sỹ đi học, đi ôn thi lang thang các quả đồi, hay tạt vào nhà dân tự do thoải văn mái!. So với hồi ở K6 Tba nhất, cơ sở vật chất cho SV là khá hơn hẳn: Giếng đào, buồng tắm được xây to ra, rồi học + ngủ giường tầng gỗ, có đèn điện chiếu sáng. Bữa cơm đều thức ăn hơn.. Nhưng cái đói triền miên, cái nghèo truyền kiếp của đời SV thời nào khóa nào mà chẳng vậy. Nóng dùng quạt nan tự chế, rét 2 thằng chung chăn đắp. Thằng về hay đi nhởn để suất cơm còm cho thằng ở lại được bữa ăn no! Đi tán gái hay đi ăn sinh nhật, ăn cưới… mượn quần áo giầy tất là chuyện rất thường. HK2 NĂM THỨ HAI (25/1 đến 23/6/1976).Ngày 7.3 lớp khuân Pa nen làm ghế ngồi ở sân khấu trường (bệnh xá cũ 1970). Ngày 25.3 Trang trí cho Chi đoàn lớp cắm trại tại khu K5 cũ (xưa 600 tên K5 ăn học và hơn 100 tên K6 sơ tán tạm) giờ hoang vu quá đỗi! Duy khu nhà ngói cấp 4 Giáo viên vẫn bình lặng như ngày xưa mà tôi đã biết. Nghỉ hè năm thứ hai (24/6-21/7).
HK1 NĂM THỨ BA (30/7 đến 28/11/1976). T5 Giải quyết các Bài tập lớn ở nhà. (Ngày 22.11 Thi Nga văn, kết thúc 2 quyển SGK, Thầy Hải nhận ra tôi là SV K6I, Thầy khen tôi làm được bài, cho Tôi điểm khá). Từ 30/11-15/12 Toàn trường đi lao động Hồ Núi Cốc, làm mương tiêu thủy lợi đoạn giữa 2 hẻm đồi, gần Ga Lương sơn. Ăn nghỉ tại Đình cách chỗ làm 2Km Cuối tháng 12 trời rét 6-9 độ C, không về tết dương lịch 1977 được. HK2 NĂM THỨ BA (2/12/1976 đến 8/5/1977).Từ 27/2/1977 trở đi, bữa cơm tập thể chỉ có mỳ sợi, mỳ hạt đói kinh khủng ra, tên nào tên nấy tóp người lử lả do đói hành hạ. (Ngày 6.5 Thi môn Chi tiết máy, Cô Nhung quay Tôi gần chết song lại cho điểm khá như tên cán sự môn học). Bắt đầu 1 số môn chưa có SGK, thầy giảng, trò ghi như máy khâu suốt cả 2 tiết: Máy điện, Đo lường điện. Sau này là Điện Tử, Khí cụ điện, Truyền động điện… Nên có nghỉ về nhà, lên lớp cong lưng mà chép bài vở. Ôn thi thì lại mượn vở chéo nhau để mà cày cho khỏi sót! Ấy thế mà giáo trình cuả các thầy hồi ấy rất thiết thực cho chúng tôi áp dụng về sau này. Từ ngày 9/5 Lớp đi thực tập công nghệ  tại Xưởng trường, Bộ đội được miễn vì đã thực hiện tại K6 xưa rồi ) thì lại phải đi LĐ ở khoa+ở phòng TN+Làm sân vận động. Giai đoạn ôn và thi, nóng, thực tập + lao động dài kỳ-thì lại trường kỳ xơi: Bánh mỳ + mắm tôm chưng và canh đại dương! .Nghi hè 5/7-8/8/1977. Học 2 tuần Chính trị, bắt đầu từ ngày 10/8, tranh thủ chép thơ .Đời sống tinh thần của SV là nhờ xem ké Tivi phát đen trắng, hình muỗi (đặc biệt là 2 tối cuối tuần, có kịch, có phim). Đặt tại các điểm TT GV trường ta, 2 khu TT đường sắt ở 2 phía ga Lưu xá B, Tháng 2, 3 lần đảo qua bãi chiếu bóng Luyện kim, khu GV trường, Bãi Phúc lợi, bãi XN Cơ giới.. Thì vẫn trốn vé bằng mọi cách như ngày xưa thôi! Sướng nhất là thi thoảng được coi film mới, chiếu sau Hà nội 1,2 tháng. Các lớp đều có nhạc công, ca sỹ vui ra phết. Nhớ nhất là ngón đàn của tên Chính Tơ kèm theo giai thoại “ở sạch” của hắn! Một số tên thích đọc sách, Một vài kẻ yêu thơ tìm tới nhau đọc rồi bình, rồi ghi ghi chép chép vui đáo để. Nhiều bác đi loăng quăng cả ngày lẫn tối, phần cơm để nguội rắn đanh. Sáng chủ nhật khu gian chưa xây tại các nhà tầng khói um, mùi mỳ sợi nấu cà chua không người lái, cháo hành,ngô khoai sắn luộc...cứ réo gọi con tỳ con vị dân đói K10. Khu nào để đèn sáng suốt đêm thâu, tức thị là đang mùa ôn thi căng thẳng: nhiều tên nứt kẽ mắt, mặt phờ phạc mắt trũng sâu đói ngủ. má hóp đít tóp, gầy sút 2,3 cân thịt. Ở phòng tôi phục nhất các chú em quê khu bốn chịu khó học lắm. Đói chúng nó học cho quên, tôi thì không thể chịu được nên phải đi loăng quăng!.
HK1 NĂM THỨ TƯ (4/9-31/12/1977) Trong tuần có các ngày đi Thí Nghiệm môn Cơ sở TĐĐ buổi tối, thì điện trường khỏe hơn! Vất vả hơn trả thi, vì các thầy vặn vẹo, đuổi SV về ào ạt lắm! Cơm độn mỳ, hạt Bo bo. Nhiều khi Đói vàng mắt ra, phải góp tiền mua sắn về luộc ăn chống đói, mà sáng ra cả lớp vẫn phải dạy sớm tập thể dục!. Ngày 9/11 đạp xe vào xóm Rô (nơi tôi nhập ngũ 9/1972) thăm em trai mới đi Bộ đội, đơn vị nó đóng gần đấy. Vào thăm chủ nhà xưa tôi ở lính đi B. Xóm vẫn nghèo xơ xác, tĩnh lặng. Chẳng bù cho hồi chiến tranh ào ạt lính đóng quân. Dạo này đoàn cải lương miền nam ra diễn ở Bãi ngoài trời Gang thép Út Trà ôn, Lệ Thủy... danh tiếng từ xa xưa, diễn mấy đêm liền, dân kéo đến xem đông nghìn nghịt, rải chiếu xí chỗ ngồi từ 2,3 giờ chiều đến hãi! Tối đến lô nhô rừng gậy chỉ dẫn người nhà đến chỗ đã xí phần, nhòm vui lắm. Ngày 15/11 Cả lớp đi ô tô tham quan Phòng Điện tử khu Gang thép. HK2 NĂM THỨ TƯ (2/1 đến 1/7/1978) Thứ 5 hàng tuần không lên lớp mà ở nhà làm các bài tập lớn, lại nhớ đẫn vất vả xếp hàng chờ đến lượt mượn thước tính Lôgarit của Bá Đức ở cùng phòng, do là thợ vẽ nên đọc khoảng lẻ chính xác, nên tính rất “được”, chiến hữu luôn nhờ vả! Đề ra ngắn, cơ mà tính toán rõ là nhiều, mờ cả 2 con mắt. Ngày 11/2 tôi và các chiến hữu về Phổ yên trang trí đám cưới bạn Vị. Bác Vị là dân K6I được giữ lại làm Giáo viên Trường ta. Đêm đó xơi đẫn cháo lòng, tiết canh tuyệt cú mèo, nhớ đời! Sang đến những năm này, những tên HSPT đã noi gương các đàn anh đi nhởn, lơ là cái sự học hành, phì phèo điếu thuốc lá quấn, la cà quán xá như người lớn! Sáng sớm rủ nhau đi Chợ T Ba nhất thử chè, kiếm ấm tối đun tàu ngầm uống cho thơm mồm, không ôn thi thì tập sự chơi tổ tôm y như các cụ, hay là đọc truyện. Phải ghi nhận tên Bá Đức cùng phòng rất thảo cho mượn con xe đạp, giải quyết được ối việc cho anh em ta!. Ngày 12/3/1978 Thầy Chiến Trưởng bộ môn Cung cấp điện, Chủ nhiệm K10IA cưới vợ tại Viện CN Bộ Nội thương - Đối diện Dêt 8.3. (trước đó từ 9/3 Tôi và thầy Nhân ra sức trang trí Phòng cưới cho thật đẹp và hoành tráng nhất, với khả năng chúng tôi có thể làm, đã có tiếng vang lớn tại Viện này). Thực tập ở Xưởng Trường (13/3 đến 24/5/1978) Thời gian này có các sự kiện sau đây -Lao động trồng sắn (23/3 đến 2/4) ở khu vực gần đèo Bóp, lĩnh thực phẩm tại Trạm xá Hợp tiến, ăn nghỉ tại đình làng. Công việc là phát cây, đốt rãy, dọn cỏ, chọc lỗ tra các đoạn thân sắn vào rồi vun đất.-Ngày 3/4/1978 Thông báo Đổi tiền trong cả nước. -Ngày 9/4 Trường ta đăng cai và khai mạc Đại hội điền kinh khu vực 14.-Trường tổ chức ô tô, đưa lớp đi tham quan: 12/4 Xưởng cán thép Gia sàng.  13/4 Khu CN Gò đầm (sáng Phụ tùng Ô tô số 1, chiều Y cụ 2) nghỉ hè từ 2 đến 26/7.

NĂM THỨ NĂM (25/8 đến 24/11/1978) Do thiếu giáo viên dạy, 2 lớp K10I học chung thầy Hiển ở khu nhà lợp giấy dầu là nhà ăn của GV cũ. Học chiều và nắng chiếu xiên khoai chói mắt, nhòm bảng đen vướng các cột nhà nghé nghiêng mỏi nhừ cổ. Ngày 10/8 Trường tổ chức giao quân nhập ngũ (gần 100 tên 2K:SV K9 được đặc tốt nghiệp, K10 đi năm sau về K13) cách La hiên 5km. Tôi đi tiễn D Hải K10IA, Duyên K10MB đi đợt này. Cứ tưởng hòa bình rồi, ai ngờ tới lại xảy ra chiến tranh với kẻ thù truyền kiếp ngàn năm nay! Ngày 20/8 Trường cho ô tô chở SV lên sân vận động Thái nguyên dự Mít tinh, SV và thiên hạ được mục sở thị Hoa hậu Thái nguyên ta. Ngày 29/10 Khai mạc Phòng Truyền thống Khoa Điện. (Ở phòng đầu hồi tầng 1 A4- lớp K10IA), có rất đông người vào xem. Trước đó từ 10/9 đến 28/10 các thầy ngày nào cũng xuống chỉ đạo. Tôi vẽ áp phích kẻ chữ to, Luật còm cắt xốp, Bình cận K10IB viết chữ nhỏ. Học nửa ngày, nửa ngày còn lại và đêm làm hăng say. Khoa bồi dưỡng cho ít tiền chi chè + lạc rang + thuốc lá là hết. Ngày 21/11 họp liên hoan các thành viên làm phòng truyền thống có tổng kết rút kinh nghiệm hôm sau mới đóng cửa. 13h3o ngày 24/11 học lý thuyết buổi cuối cùng, đến tối cả 2 lớp tập trung nghe thầy Thà nói chuyện về ngành nghề. Phòng có nhiều chuyển biến: Ngô Thịnh về nhà ở Phổ yên như thập chuột (Hắn đang yêu và sắp cưới. Ngày 11/1/1979 Toàn khóa K10 tập trung nghe phổ biến Kỳ thi Chính trị Quốc gia, yêu cầu các SV còn nợ môn, phải trả hết nợ thì mới được làm Đồ án! Ngày 20/1 nhà ăn tổ chức liên hoan, lĩnh tiêu chuẩn tết, nghỉ tết Nguyên đán từ 21đến 28/1. Lên trường, cánh CCB lại đến nhà Ngô Thịnh ăn cỗ cưới. Hắn lấy cô vợ trẻ măng ra, anh em về ăn cỗ cứ tấm tắc ngợi khen hắn ta suốt! Đúng ngày mồng 6 tết Kỷ Mùi (4/2/1979) 23h30 ngày 17/2/1979 Đài TNVN phát tin Quân Trung quốc xâm lược nước ta. Ngay hôm sau Khoa Điện tổ chức mít tinh phản đối. Biên giới phía Bắc căng thẳng… đêm đến hàng đoàn xe chở quân và khí tài rầm rập từ xuôi qua QL3 qua chợ T Ba nhất ngược lên mạn Bắc. Ngày CN 25/2 Thi Chính trị QG, buổi tối Khoa họp cả 2 lớp điện để phổ biến KH đi thực tập (từ 1/3 đến 30/4) Hai tháng này, tiêu chuẩn lương thực của mỗi người 1kg gạo, còn lại là bột tiểu mạch hay bột mỳ. Sáng 3/5 Khoa làm Lễ Phát đồ án TN, làm từ ngày đó cho tới 30/7 thì phải nộp quyển!.. Trưa ngày 10/8/1979 Cánh SV nhận các thầy ở Hà nội hướng dẫn đồ án TN đã tổ chức liên hoan tại nhà bác Hạnh (cạnh n/m Xay Lương yên) Chiêu đãi và Cám ơn các Sư Phụ, rất vui vẻ! Đợt Bảo vệ TN của K10 bắt đầu từ 15/8/1979.Tôi nhớ nhất ngày 18/8 là: sau khi tôi bảo vệ đồ án TN xong đến lượt chú em Ngô xuân Hòa kế tiếp. Sau khi nói vài lời phi lộ, chú em lảo đảo rồi ngã ra ngất. Cả thầy và lũ bọn tôi hoảng hồn cõng Hòa đi Trạm Y tế trường cấp cứu  Chiều mới tiếp tục làm việc, sau này gặp Hòa, tôi hỏi sao thế? Chú em bảo Các thầy vặn anh dữ quá, nên thằng em hốt! Với lỵ đói quá cơ, với lại em bệnh tim. Hòa sau đó làm thầy giáo dạy trường ta
Từ ngày 13/10/1979 đến ngày 15/1/1980 Đoàn Sỹ Quan Binh chủng Thiết giáp về Trường mở lớp Sỹ quan Dự bị khóa đầu tiên, Lấy 140 CCB và 1số SV mới tốt nghiệp. Trưởng đoàn là Thiếu tá Khánh (trước đó anh là Phó ban HL của Lữ 207, và là Thủ trưởng trực tiêp quản lý Hạ sỹ đồ bản cái thằng tôi năm1974-1975). Ngay hôm khai mạc khóa học, C Trưởng Toản đọc tới tên tôi, đã không quên giới thiệu: " đồng chí này là Chiến sỹ cũ của Binh chủng Thiết giáp”. Nửa thời gian đầu việc HL tại trường ta, nửa thời gian sau đóng quân tại D2 học viên trường 600, học kỹ chiến thuât, tăng và bắn đạn thât súng AK+Súng 23mm kẹp trong nòng pháo 100mm, lái xe tăng, hoc lý thuyêt, đi hành quân dã ngoại... Ngày 9/12/1979 được chụp ảnh làm CMT sỹ quan, ngày 15/1/1980 tâp trung tại sân vận động BTL cũ nhận lễ phong quân hàm Thiếu úy (CCB là Đảng viên được phong Trung úy) trên 50% lớp SQDB được giữ lại phục vụ QĐ lâu dài-phải học thêm tại Trường 600 thêm một năm nữa. K10 năm sau mới 60 năm cuộc đời và hưu đại trà, nhưng đã ra 2 tập kỷ yếu 2009 và 2014 hoành tráng, là lực lương chính việc xây dưng Tháp bút Cơ điện tại trường, có Blog dí dỏm và đặc sắc, có nhiều tên làm to.
      Thưa các bạn Tôi viết phần 10: 1 thời kỳ ăn học K10. Mà giờ đây chúng ta kỷ niệm 42 năm ngày về học tiếp, cũng là kỷ niệm 37 năm chúng ta ra trường! Thời gian cứ vèo vèo trôi đi, viết ra khỏi quên đồng môn ta ơi !…(còn tiếp)

3 nhận xét:

  1. Bá cáo bà con xin nghỉ giải lao sê ri bài này, đổi món cho đỡ chán.

    Trả lờiXóa
  2. Anh Hải ạ, em rất thích đọc những hồi ký cơ điện (có thể nói là bất hủ) của anh về một thời đã qua. Em nghĩ nếu anh học sư phạm hay mang nghiệp văn chương, hội họa nào đó, chắc chắn bây giờ sẽ có một nhà văn hay họa sỹ chính danh Trần Minh Hải. Ngoài những khả năng thiên phú còn mang nặng chữ TÂM và chữ TÌNH, từ những trang viết hay những ký họa đầu tiên của anh trên blog K6 cho đến nay, em đều thấy thấm đậm những nghĩa cử ấy. Nó luôn hòa trộn trong những nét vẽ, câu từ dù rất mộc mạc, quê mùa nhưng chân thật không hề hoa mỹ, bay bướm. Em chợt nghĩ nếu anh không học cơ điện thì ngoài anh Luân đen ra, khó có ai có thể kể lại những kỷ niệm của một thời HOA LỬA cho các thế hệ cơ điện đi sau và con cháu được biết, thế cũng là "may" anh ạ!
    Em chợt có suy nghĩ, nên chăng đề nghị các bác trong BBT blog K6, K8, K10 hãy biên tập lại những bài hay của từng tác giả cơ điện, hoặc theo từng chủ đề như : những câu chuyện đời lính, đời sinh viên, các cuộc gặp mặt, đi phượt, hoặc những bài thơ, bài hát...và đưa lên các mạng blog. Nếu làm được như vậy thì thật là quý báu và bảo tồn lâu dài, nhưng rất công phu và lại phải có TÂM và TÌNH mới làm được, anh Hải ạ! K10 chúng em đã làm được điều đó qua 2 tập Kỷ yếu có thể nói là để đời.
    Cảm ơn anh luôn vui khỏe và hưng phấn để có thêm nhiều những trang viết thật hay và ý nghĩa!

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn Em đã ưu ái bài của anh. Xin nói rõ thêm các bạn K6 theo dõi bài anh thường xuyên-chứ không cmt đâu. Nhưng khi gặp anh, các bác ấy bẩu "Mày viết dài quá-đọc mỏi mắt lắm-ngắn nữa vào-chúng tao già rồi lúc nhớ lúc quên...". Thành thử Anh cố rút ngắn hết mức, cố thềm tư liệu vào-tôn trọng quá khứ của bạn bè-giấu đi những gì dại khờ tuổi trẻ của chúng bạn...thành ra "mộc mạc,quê mùa nhưng chân thật ko hề hoa mỹ, bay bướm" Đúng như Em đã viết. Bài Anh như chìa khóa giúp Đồng môn mở tủ trí nhớ riêng của mỗi vị. Thế là đạt tâm nguyện rùi

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]