TRẦN MINH HẢI K6I
Các CSV của thế hệ Cơ điện xưa, đã đang đóng góp cùng với
Nhà trường xây tượng đài Tháp bút mới. Sau Quảng trường Cơ điện được Nhà trường xây dựng trước đó, Tháp sẽ khánh thành
trong nay mai, tặng lại cho các thế hệ SV mai sau.
Nhớ đồng môn K6, K10 và mái trường CĐ thân yêu lắm, Rỗi thì
tôi viết ra dăm chuyện thực, bi, hài xưa-quanh cái biển bê tông “T BA NHẤT“. Vì
chiếc biển đó đã biến mất từ đời tám hoánh, nhưng đoan chắc là nó còn đóng đinh
trong tâm trí của các lứa SV các khóa đầu nhập trường ĐH Cơ điện Bắc thái thuở
nào! Thế hệ từ K14 trở về sau, chắc là không biết và họ chả để ý làm gì!
Ngoài cái mũi tên chỉ đường TBN ra, xung quanh nó là ngã ba
mênh mông đồi trọc. Chợ họp nhanh từ sớm cho tới 9h sáng tan, chỉ có dăm
xe đạp rau từ Phổ yên tới, một bàn thịt lợn, một hai mẹt bầy cá khô+mắm tôm, một
ít chậu rổ chứa tôm cua cá tươi, nhiều hàng chè (địa điểm cho quân CĐ biểu diễn
đi thử chè-kiếm ấm) vài gánh bán sắn tươi mới dỡ. Ai cũng biết giai thoại chị
Thủy mù bán nước (chị ấy có biệt tài sờ tiền mà nói đúng phóc mệnh giá). Lũ cựu
K6 chúng tôi, sau hơn 3 năm lính quay về K10 học tiếp, đến hàng chị ấy làm chén
nước chè. Người còn gọi ra đúng tên+kèm biệt danh, làm thằng nào thằng nấy cảm
động lắm, phục lăn cái trí nhớ của chị. Tất nhiên là anh em ta tự giác trả tiền,
chưa có thì khất chị “sau này sẽ thanh toán sòng phẳng“. Quán hồi đó chỉ có:
Bát chè tươi, chén trà mạn, kẹo dồi, kẹo lạc, bó chục điếu thuốc cuốn, đôi nải
chuối chín cây, dăm miếng bánh cắt ném chó-chó chết. Bao thuốc lá Nhị tam thanh,
Đrao, Điện biên…có đợt, có mẻ.
Buổi tối đi qua ngã ba, gặp đèn ô tô quét qua biển TBN loang
loáng, có khi thấy ngoài 2 chân bê tông ra-giữa có thêm 4 hoặc 3 cọc nữa…Nhòm kỹ
thì ra là các cặp chân người! Giời ạ: giấu được hai khuôn mặt hôn
nhau, thì thòi lòi đôi giò ra, tạo dáng vẻ ghì rõ là chắc! (Đoán già đoán non:
Cặp uyên ương tránh đứng tại lũy tre ven đường-dễ bị tốp TN đi ngang ghé sát mặt
mà trêu nhòm, mà cười lớn “xấu hổ chết đi được“). Giờ vẩn vơ nhớ lại: Phải
chăng đây là một trong các nơi hẹn hò thành công của K6: các bác Đoàn, Tiến,
Hưng (ẵm được vợ cùng khóa) Hà, Cúc, Toàn, Chí (gật đầu tăng tắc về nâng khăn sửa
túi cho các thầy giáo CĐ) và các đôi lứa khóa sau chúng mình không biết…
Quán phở, có quán cắt tóc ghi rõ “cạo râu quai nón thêm 1
hào“, quán chữa xe đạp, ghi rõ “không cho mượn bơm-miễn hỏi“. Tháng có tờ giấy
“bãi luyện kim-phim…“ dán vội vào biển TBN lúc chiều, cho tối dân K6 Cơ điện lũ
lượt vào bãi xem phim-chả có tiền thì ta trốn vé!
Khi hết chiến tranh về K10 học, thấy ngã ba TBN năm tháng
qua đi cứ đông dần người mua kẻ bán, quán xá thi nhau mọc lên. Tối thấy mũi tên
TBN sắc nét, nổi bật trên nền ánh đèn hắt xa của các khu nhà A1,A2,A3 (bên
trái), A4 (bên phải con đường vào trường)-ấn tượng lắm! Chả biết biển còn chứng
kiến thêm ra bao nhiêu mối tình nữa. Nhưng mà đầu năm 1979, đêm khuya hàng đoàn
xe quân sự ì ầm chở lính và khí tài nối đuôi nhau trên QL3 ngược lên biên giới,
để chống Tầu.
Thường thì dân CĐ nhảy tàu ở ga Lưu xá, kẻ đón người lên… đều
kéo nhau vào quán khu TBN làm ấm trà đặc, gặm bánh mỳ, nhâm nhi với các đồ mang
từ nhà lên, phì phèo điếu thuốc lá cuốn, gạch sổ nợ nếu có, sau đó mới về phòng
(vui đơn sơ chỉ có như vậy). Chủ nhật từng tốp ới nhau đi thử chè, mua sắn
tươi+khoai lang+củ từ về luộc, kiếm dăm quả cà chua, ớt đỏ và bó hành hoa về nấu
mỳ sợi, nấu cháo là đầu vị. Ngó mỏi mắt-lắc mỏi cổ qua các hàng giá cao: thịt
thà cá mú tươi ngon. Không tiền SV vẫn đi dạo chợ hàng sáng (một nét văn hóa
vui của Cơ điện)
Hôm khánh thành CH ăn uống mậu dịch tại đồi TBN, học trò kéo
tới đông, tấm tắc khen mấy cô MDV xinh như hoa (Phở thịt lợn và bánh rán 3 hào
rẻ và ngon, nom chị em mát cả mắt). Có chàng học sau chúng tôi một khóa-đã yêu
và thề non hẹn biển với em xinh nhất-được bé nuôi dài dài. Ra trường được giữ
làm thầy, chàng sỹ diện “không môn đăng hộ đối“ chạy mất dép. Các Cụ bẩu “…
ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng“. Vô tình vào ăn, thấy các cô căm phẫn kể lể,
thì mới hiểu MDV họ tẩy chay ngầm dân CĐ một thời gian dài, trò CĐ vào gọi món
thì “Hãy đợi đấy“ vài tập chán chê. Trước quán MD bán rẻ hút hết khách các quán
tư nhân- sau các mợ MDV bán đắt dần-khách CĐ vơi đi trông thấy.
Sau khi ly dị, vì chồng kiếm bà hai dân chuyên tu, mở thêm
quán phở khác, mợ chủ quán phở to béo đẫy đà+nội lực thâm hậu, nhận nuôi ngay
thằng em SV tối gác quán. Ăn tốt thế mà cậu em ngày một ra tóp, hơn tháng sau
là bá cáo chị “cho em về“, lại nhận cậu em khác (chuyện này có kể ối bác mới nhớ
ra, gật gù chứng thực). Có quán cụ Núi (bán xôi sắn) bỗng dưng nửa đêm bốc cháy
đùng đùng, chủ quán méo mặt vì sổ ghi nợ hóa vàng thăng thiên theo gió!. SV ra
tết hoặc mới lên hè, các bà chị chủ quán TBN thính lắm, xộc tới tận phòng KTX
thanh khoản với các chú em hay cắm, chả thiếu một xu!
Đất chợ TBN và khu K6 ĐH Cơ điện xưa mênh mông, nay vật đổi
sao dời, nhà nhà chen chúc…nỗi nhớ nhung bật ra cảnh sắc ngày xưa,bồi hồi nhớ tới
các bạn cũ-mỗi người mỗi phương đâu tá!
Cái hôm K6 đi hội thường niên 10/ 2014, có vào thăm trường
cũ. Tất cả các tên đều phăm phăm ra tìm biển TBN ngày xưa-chứng tỏ nó đã là 1
phần kỷ niệm thân thương trong tâm trí của mỗi người-có thời khoác áo dân Cơ điện.
Bởi lẽ đó mà tôi viết bài nhỏ này hầu các bác đọc và nhớ ra thêm cho vui!
Bổ sung tý, hôm dự lễ khánh thành Tháp bút Cơ điện, Tôi đã
trao đổi với thổ dân Hoạch (lớp K6I cũ và ở lại trường công tác cho đến khi về
hưu), về vị trí khu K6 ĐHCĐ xưa kia+ rồi cùng Thọ Mom đi thực địa. Đại thể ngã
ba ra ga Lưu xá B xưa-nay thành ngã tư nhánh phải là vào Luyện kim hiện nay, nó
đi qua khoảng cách giữa lớp và 2 khu nhà nam K6B+K6A. Còn thì Tháp bút ở khoảng
đầu hồi đít nhà nam tổ 4 (K6I) và nữ lớp máy K6MA và K5M đúp xuống (của khu vực
K6 đận 11/1970-9/1972). Hùng đầu bạc K10MA đã chỉ đúng nơi đặt biển T Ba nhất,
đường vào Luyện kim cũ 1972 xưa nay thành ngõ cụt vì trường đã xây tường ngăn.
(Bài đã đăng Blog CSV K6 CƠ ĐIỆN 23/5/2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]