K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

20 tháng 1, 2014

Chuyến tàu Tết năm đã xa

Lời BBT: Sắp đến Tết rồi! Bây giờ có ai về quê ăn Tết nữa không? Có ai đi bằng tàu hỏa nữa không? Nếu bạn nào có về quê ăn Tết bằng tàu hỏa thì hãy đọc kỹ chuyện này trước khi về quê. Biết đâu khi quay lại nơi đang sinh sống bạn có thể viết được một chuyện mới của tàu Tết ngày nay hay là bỗng nhớ lại một chuyến tàu xưa nào đấy đầy ắp kỷ niệm....   

Nguyễn Trọng Luân - K5

       Sao mà những cái Tết ngày xưa khiến người ta nhớ dai đến thế? Dù đói, dù khổ dù thiếu thốn đến mấy ai cũng mong đến tết. Tết – cảm thấy hương hồn những người thân đã khuất xa nay gần lại. Tết là để nhớ cố hương cội nguồn, tết là cái dịp được xum vầy đoàn tụ là cái cớ để rất nhiều cuộc tình nẩy sinh... Tết là được ăn ngon và no cho dù rồi sau đó cả năm thèm thuồng thiếu thốn. Với sinh viên tết là cái đích đếm ngược từ đầu tháng chạp.
      Tôi xuôi tàu Lưu Xá tới Đông Anh rồi đón tàu đi mạn ngược Phú thọ Yên Bái. Khoảng đất trống ở ga Đông Anh ngổn ngang những người. Đêm lạnh, sương buông rì rầm lập lòe đốm thuốc. SV Cơ điện thì ít thôi chứ Sư phạm Y khoa Nông nghiệp thì nhiều. Và thế là cuộc chinh phạt của các chàng CĐ trong đêm cận tết ấy bắt đầu.
       Khuya trời lành lạnh. Dựa lưng vào gốc bàng già hút thuốc lá. Sau chiến tranh về các chú lính có tiêu chuẩn thuốc lá nên phì phèo đến gớm. Tôi nhẩm tính tám bao thuốc trong túi gồm 4 Tam Thanh, 2 Nhị Thanh và 2 D”rao. Ngon lành quá. Để 6 bao về bày tết, 2 bao là của ta hút luôn từ lúc được lĩnh trên trường. May mắn chả phải đi đâu xa, kề bên cạnh là một cô gái có cái mũ nan rộng vành ôm khư khư cái sắc du lịch (loại có người bắn máy bay bằng súng trường). Lạnh thì rõ rồi, dưới trời suông thấy cô run run, cái vỏ áo bông xanh con trai được cắt ngắn bớt gấu che bên ngoài sơ mi trắng, nghĩ bụng được đây. Nín mãi rồi lấm lét mãi rồi cũng phải lên tiếng: em về đâu? Cô ta thõng một câu: anh về đâu còn lại em về. Mình bảo câu này nghe quen. Cô ta bốp luôn thế anh hỏi nhiều con gái như thế rồi à? Tức! Rõ là cái thứ gái luôn sợ người ta tán tỉnh.
        Im lặng. Im thật lâu. Hỏi tiếp: em ở sư phạm à? Trả lời tiếp: anh ở Cơ Điện à? Tôi ừ còn cô thì Vâng.
        Lúc này bỗng bớt lạnh đi một chút. Lại châm thuốc. Sao anh hút thuốc ghê thế? À... ừ anh hút ở chiến trường nhiều quá nghiện mất rồi. Cô ngoắt sang, anh bộ đội về hả? Lớp em có nhiều các anh về lắm? Anh biết anh Thủ khoa văn không? Đến lượt tôi ngoắt quay sang em. Nông Văn Thủ hả? Vâng. Anh ấy lớp trưởng của em. Ra là thế, em sinh viên khoa văn năm thứ hai. Thế rồi từ ấy tới lúc có tàu đến em kể: em quê Cẩm Khê, bố em là giáo viên cấp ba ở huyện, em là con gái lớn… tuy ở quê nhưng bố mẹ là giáo viên em chả biết làm gì v.v... đại để là tôi hình dung ra em có ngôi nhà trong tập thể trường cấp 3 có luống rau trước cửa và dù mất mùa đói kém ra sao thì nhà em vẫn có hai bữa cơm đạm bạc... hai chị em nhà em học giỏi xinh xắn và ngoan.
        Con tàu cuối năm nhồi chặt cứng cả động vật và thực vật ì ạch men theo sông Hồng lên mạn ngược. Không toa tàu nào có dư hai ngọn đèn vì thế các mái đầu cứ dính vào nhau và chuyện rì rầm lắc lư liêng biêng theo mọi cung bậc tình cảm. Trong lắc lư bàn tay em nắm vào bàn tay tôi. Chúng tôi cứ để bốn bàn tay ấm lấy nhau. Tưởng như da thịt nó tự nói với nhau điều gì không âm thanh mà tiếng của nó thì dư âm khủng khiếp (Ấy là sau này tôi nhớ lại).  Từ Đông Anh lên Vũ Ẻn ngắn thế. Mới chạy từ 12 giờ đêm mà bốn giờ sáng đã đến nơi dù là đêm ấy tôi và em nói chuyện với nhau hết cả chuyện đời mình. Nhà ga bàng bạc trong sương, ngọn đèn bão đỏ lờ lờ sân ga thời xa ấy như cái bếp lửa nghèo ánh sáng của cứ quanh quánh vào hồn người dinh dính gỡ không ra khỏi miền kí ức. Em xuống tàu. Con đê sông Hồng sương rưng rưng trắng. Em hẹn, anh lên trường em chơi nhé, em là Minh Tâm văn 2… Em níu tay tôi lần nữa, em về đây. Em lẫn vào đoàn
người thâm thẫm trong đêm xuống đò. Con sông Hồng ngày ấy nước đầy hơn bây giờ và đôi bờ hoa lau cũng còn nhiều lắm. Tàu lại chạy, dòng sông viền bạc theo con tàu đen xỉn quằn quại trong đêm.
       Tết năm đầu tiên ăn tết với gia đình sau những cái tết trường sơn thật vui. Thật nhiều cái nhớ. Nhớ tết năm ngoái ăn tết gần Buôn Hồ Dak Lak, nhớ những thằng bạn tết năm ngoái rúc hầm khóc nhớ nhà. Thế mà cũng có cả cái nhớ một cô gái trong đêm chưa rõ mặt bịn rịn chia tay để qua sông lúc gần sáng. Thế là lại làm thơ mới chết chứ. Thằng em trai tạt ra tạt vào ngó trộm chạy ra đầu hè thì thầm với thằng em nữa rồi khinh khích cười. Chúng nó bé biết cái gì, kệ nó.
        Nghỉ tết xong lên trường, trong gia tài quà tết có bài thơ chép rõ đẹp. Thỉnh thoảng lẩm nhẩm một mình chờ thời cơ đến trường Sư Phạm trên thị xã Thái Nguyên. Rồi thời cơ đó cũng đến. Mồng 8/3 năm 1976 một lũ lính SV rủ nhau đi thị xã Thái. Tình cờ gặp em trên đường ngay cổng trường. Cô gái đêm cuối năm trên chuyến tàu tết chật ních người hôm nay rõ xinh. Em ngượng ngùng đi bên một bạn trai cũng cỡ tuổi em. Câu chuyện có vẻ ngượng nghịu vì thấy cậu bạn của tôi sốt ruột. Em nói những câu không đầu không cuối mình thì cũng ù cả tai vì mấy thằng bạn giục rã, rè bỉu nào là nó đi với người yêu mà mày lân la tán róc vô duyên thế. Chỉ có mắt em là muốn nói điều gì nhưng khó nói. Bịn rịn nửa muốn đi nửa muốn nắm lấy tay tôi. Rồi rất nhanh tôi dúi vào tay em bài thơ gấp nhỏ và chia tay. Chúng tôi đi đường chúng tôi ngoảnh lại thấy em và cậu con trai líu ríu dưới hàng cây cổ thụ xa dần. Tôi trao được nỗi lòng cho em ấy cũng là lúc tôi xa em, tôi chẳng hề biết em thế nào chỉ nhớ mỗi vòm cây sà cừ trên thị xã cuối mùa xuân xanh véo von những chùm lá mới và em líu ríu chạy theo người con trai đi xa dần.
        Chả bao giờ gặp lại em nữa. Cũng chả bao giờ tôi lên trường tìm em. Cứ nghĩ em có người yêu rồi và mình thì không có khả năng lì lợm chiếm lĩnh như ngày xưa bò vào trận địa. Tôi cũng chả hỏi thằng Thủ bạn mình về em lần nào nữa kể từ hôm ấy.
        Mười bốn năm sau, cũng lại một chuyến tàu tết ninh ních người. Tôi mang quà tết về quê rồi đi xuôi Hà nội. Con tàu từ Lao cai về quá nửa hành khách là bộ đội biên giới. Tàu vận chuyển khách bằng toa đen chở hàng tối thui mặc dù tôi lên tàu lúc 8 giờ sáng. Chen thí xác lên được toa ngồi lên cái bao tải đựng gạo nếp mẹ cho kéo vạt áo măng tô lên đùi mà thở. Tàu chạy rồi nhìn phía trong các chú bộ đội từ BGPB về ai cũng hỉ hoan dù vẫn ngái ngủ. Họ đi từ Lao Cai Mường Khương Bát Xát về. Đầy những sọt cam sành và thịt lợn gói bằng lá giong chắc quà của đơn vị. Ơ kìa, một thiếu phụ gọi đúng tên tôi. Thiếu phụ đẹp, mặc áo bông bộ đội. Tôi nghĩ mà chưa nhận ra em. Em bảo em Minh Tâm khoa văn đây anh à. Mấy chú lính đăm đăm nhìn tôi. Tôi nhớ rồi, nhớ một đêm đi ngược tàu tết 14 năm trước. Bây giờ tôi và em lại gặp nhau trên chuyến tàu tết đi xuôi. Cách xa tới 2 mét và cái khoảng cách 2 mét ấy là hai chục người. Em vẫn nói chuyện với tôi ríu rít. Rằng em dậy học ở Lục Y. Chồng em là bộ đội là tiểu đoàn trưởng không về được chỉ có em về thôi, đây là những người lính cùng đơn vị chồng em. Em muộn chồng anh ạ. Mà anh không bao giờ nhớ đến Sư phạm nữa hả anh? Ờ ờ lâu quá rồi anh cũng chưa có dịp… Tôi trả lời ngớ ngẩn ngây ngô tôi nhìn vào mắt em, cặp mắt có tiếng khóc của dòng sông dĩ vãng. Em đẫy đà trong tấm áo bông bộ đội của chồng và bầu ngực gái nuôi con. Trong tôi người con gái đẹp mặn mà tuổi ngoài ba mươi mặc áo bông của chồng về tết hẳn là yêu chồng lắm. Thế rồi chợt nhớ bài thơ ngày xưa đã dúi vào tay em nhưng lõm bõm cố nghĩ mà không nhớ lại được. Tàu tới ga Vũ Ẻn, em xuống tàu, em được các người lính của chồng vác đồ xuống ga. Em xiêu vẹo xách đồ ra bến đò còn ngoái lại với tôi, anh nhớ là em ở trường cấp 3 L. Y anh nhé!
        Tâm đi rồi mãi sau tôi mới nhớ ra bài thơ ấy. Bài thơ "Chuyện với con sông quê hương“
Có khổ thơ cuối thế này …
                           Sao lại gọi là sông Hồng
                                 Để bên bồi bên lở ?
                                Cho ta hỏi sông nào
                         Không miệt mài sóng vỗ ?
                       
Chiều này hoàng hôn về với bờ sông bên kia
Bên này vẩn vơ nỗi nhớ
Đêm nay bờ bên kia có chút  nào đất lở
Để sớm mai thêm ngấn đón bình minh
                       Ơi câu chuyện về con sông
                      Để ta đứng tìm dấu người trên cát
                     Đêm chia tay
                    con đò sang sông
                      - mải miết 
( đông 1976) – hè 2013

7 nhận xét:

  1. Lớp K10iA cũng có một đôi thành vợ thành chồng do quen nhau trên những chuyến tàu lưu Xá - Hà Nội. Cô gái cũng học Đại học Sư phạm Việt Bắc. Chàng trai người Hà Nội, cô gái người thị xã Lạng Sơn.... Vậy mà chàng trai mất sớm trong một tai nạn giao thông. Cô gái rất xinh, mà Niệm (Lạng Sơn) biết rất rõ, không biết bây giờ sống thế nào?

    Trả lờiXóa
  2. Một chuyện tình rất hay và buồn, đọc thấy vừa tiếc thay anh Luân vừa tức anh Luân và thương cô gái, phải tay mình thì cô đã không phải lấy chồng muộn, hehe

    Trả lờiXóa
  3. Một chuyện tình là cảm hứng cho một bài thơ để đời của sinh viên Cơ Điện mà tiếc rằng không đi được đến .... đâu!

    Trả lờiXóa
  4. Bao giờ cho đến ngày xưa-ngày xưa ấy cuộc sống hay thật ,ý nghĩa thật,nhẹ nhàng và chân thật thật.Ước gì bao giờ cho đến ngày xưa.Tôi đã đọc bài của nhiều anh em cơ điện nói về cái tình ấy ....từ cái thuở xa xưa.Sao nó lại nhẹ nhàng,e thẹn,tế nhị và chân trọng nhau đến thế nhỉ.Ngày xưa con người ta nói thì nhanh làm thì chậm,còn bây giờ thì ngược lại đúng 180 độ.Ước gì bao giờ
    cho đến ngày xưa phải không A T.Luân?

    Trả lờiXóa
  5. Truyện của anh Luân hay, thật và đẹp như phim. Đây cũng là một tư liệu quý về thời sinh viên của chúng ta, về bối cảnh cuộc sống những năm bảy mươi của thế kỷ trước.
    Hai người trong truyện rất có duyên gặp nhau, tình cảm cũng thắm thiết mặn nồng đấy chứ, mà
    sao lại không thành duyên đôi lứa nhỉ ? Đây cũng là chuyện thường thấy ở nhiều người. Phải chăng văn hóa yêu đương thời ấy nó thế, nhất là với những người có học ?

    Trả lờiXóa
  6. đẹp quá,,,nhất là những sv đã từng vượt trương sơn năm xưa,,mình cũng cưa được một cô khoa văn spvb,,, bây giơ là bà ngoại rôi ,,,vẫn nhoay nhoáy chém gió ,,,he he he

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]