K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

7 tháng 10, 2011

Tản mạn thác Bản Giốc

Triệu Bình


Vì công việc bận nên tôi đã không thể tham gia chuyến đi “HỘI” thường niên của anh em lên Phú Thọ, Tuyên Quang được. Phải nói là tôi lấy làm rất tiếc khi không thể tham gia chuyến đi này, càng tiếc hơn khi biết rằng chuyến đi thật đông vui mà không mấy khi được như thế.
Tuy vậy sự thiệt thòi của tôi đã được bù đắp khi tôi có thể nói, cũng đã được chiếu cố vì thuộc “vùng sâu vùng xa”.

Chiều ngày 2-10 nhận được điện  thoại của Duy Đông từ Hà Giang thông báo sẽ sang Cao Bằng chơi và hỏi đường sang Cao Bằng thẳng từ Hà Giang. Đường từ Hà Giang sang Cao Bằng đang sửa, sẽ rất khó đi với xe 4 chỗ của Đông đặc biệt vào mùa mưa; vì vậy tôi hướng dẫn Đông nên đi theo đường Tuyên Quang sang Thái Nguyên.
Thật bất ngờ 21 giờ cùng ngày, nhận được điện thoại của Đông nói là đang ở Cao Bằng, tôi nghi ngờ hỏi lại thì ra hắn đang ở Bảo Lạc một huyện lị của Cao Bằng giáp Hà Giang, tôi thở phào nhưng trong lòng đầy lo lắng vì quãng đường còn lại sẽ rất xấu mà hôm trước lại vừa mưa xong; trong đầu tôi đã vạch ra các phương án nếu xe Đông gặp tình huống xấu trên đường.
Sáng hôm sau như thường lệ, đầu tuần tôi phải họp Giao Ban lần này là trong sự thấp thỏm cầu mong bạn đi đường thuận lợi.
11 giờ 30 nhận được điện thoại Đông đã qua Nguyên Bình, đi vào đoạn đường có thể nói là xấu nhất trên tuyến đường miền núi này. Tất nhiên là tôi thấp thỏm chờ đợi xe của Đông ngay cổng Nhà Máy nơi tôi đang làm việc, ở ngay cạnh con đường mà Đông đang đi -Đường Quốc Lộ 34.
Sau một tiếng chờ đợi, khi đã nhăm nhi được hai cốc bia hộp Hà Nội- Ở đây bia chai dởm nhiều quá- Từ phía trong huyện đi ra một xe màu đen 4 chỗ, đây rồi xe của Đông!, tôi dám chắc như vậy vì mùa này chẳng có xe 4 chỗ nào dám đi vào con đường đó cả và thật ngạc nhiên lẽo đẽo theo sau lại là một “con xe”, có thể nói là còn liều hơn nữa- Xe “KIA” 4 chỗ có gầm còn thấp hơn xe của Đông đang đi, xe mang biển Quảng Ninh tôi đoán là xe của Ngô Dong- Hắn gọi điện cho tôi khi đang ở Phú Thọ. Còn ngạc nhiên hơn khi bước ra khỏi xe là Dong chứ không phải là con trai hắn như tôi tưởng.”À được khá lắm Dong!”, thay vì lời chào tôi không khỏi thốt lên tán thưởng. Chỉ có ai đã từng lái xe ở miền núi mới biết đi xe 4 chỗ ngồi mùa mưa vào các huyện là như thế nào, tôi phải thầm phục hắn- và ngầm tự hào về những thằng bạn vẫn chưa chịu “Già”.
Vẫn chưa chịu hết bất ngờ với tôi khi trong xe Đông bước ra là anh Thị, lớp trưởng của tôi khi tôi ở K6a, sau đó là Lâu Nam Định; còn trong xe Dong bước ra là anh Cấp bí thư chi bộ khi tôi ở lớp K6b. Khỏi phải nói tôi sung sướng thế nào, khi được đón các Anh ngay tại nơi mình làm việc –nơi “đèo heo gió hút” này.
Rất nhanh chóng tìm hiểu kế hoạch của các Anh. Thời gian là không nhiều, tôi giới thiệu qua về Nhà máy nơi tôi làm việc, nơi mà nhiều người nói:  Phải là “dở hơi” mới bỏ vợ con ở Hà Nội để lên đó! Còn tôi ít nhất lúc này vẫn đang tự hào về điều đó! Nơi đây đã ra lò những mẻ sắt xốp được sản xuất theo quy mô công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.
Mọi người nói chỉ có một buổi chiều và tối ở Cao Bằng: sau một thoáng suy nghĩ tôi cũng muốn giới thiệu một cái gì đó đặc biệt về đất Cao Bằng, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào tôi lại chọn Thác Bản Giốc - Một địa danh thắng cảnh từng nổi tiếng vì vẻ đẹp của nó tại quê tôi. Còn bây giờ nó lại “Nổi tiếng” vì một lẽ khác.
Thế là tôi làm khổ thằng Đông!
Sau khi đặt chỗ nghỉ Ở Khách Sạn Bằng Giang, vì số người đi đông hơn khả năng chứa của “con” xe Ford hai cầu 7 chỗ mà tôi bố trí được, bỏ lại xe của Ngô Dong  chúng tôi lên đường vào thăm Thác Bản Giốc, nơi cách Thị Xã Cao Bằng ngót nghét 100 km. Mặc dù đã hỏi thăm về tình hình đường xá cẩn thận từ một cán bộ của tôi, nhưng càng đi tôi mới càng nhận thấy mình đã vô cùng sai lầm khi “lôi kéo” cái xe 4 chỗ ngon lành của Đông vào một con đường vô cùng khốn khổ này. Con đường đã bị cày nát bởi những chuyến xe Công-ten-nơ nặng lặc lè (có lẽ là hàng lậu, vì làm gì có cửa khẩu ở nơi Thác Bản Giốc thơ mộng đang tọa lạc này) chạy hàng đêm, từ bao giờ tôi đâu có biết.
Chỉ còn cách Thác Bản Giốc có hai chục km mà xe Đông không thể đi nổi nữa và phải quay về, tôi nghĩ là Đông không cần phải ân hận về điều đó làm gì.
Chúng tôi đến Thác Bản Giốc lúc 5h chiều, cảnh vật ở dưới Thác đập vào mắt tôi thật tương phản. Một nửa “Bên kia” tấp nập bè mảng, tôi biết chắc đó là những người dân Trung Quốc, phía bên này còn lại là một cảnh đìu hiu như chợ chiều, tôi ngầm so sánh giống như tương phản hai bộ mặt; Một là sự ngạo nghễ của một kẻ vừa thắng thế, còn bộ mặt kia là của một kẻ đã thua cuộc. Một cảm giác nhói đau chạy trong tôi, tôi không biết gọi nó là gì, tôi chỉ biết đó chính là cảm giác mà tôi muốn các anh và các bạn chia sẻ cùng mình.
Ngày xưa còn nhỏ khi đến đây tôi có thể tung tăng bơi lội, chạy nhảy đây đó hai bên bờ. Bây giờ bên ấy không còn là mảnh đất của Tổ Quốc này nữa. Tôi đã cật vấn mấy anh bạn đã tham gia “Cắm mốc Biên Giới” về điều này- Câu trả lời là những cái nhún vai mà chính họ cũng không hiểu.
Ngay khi bước chân xuống lòng Thác, chúng tôi đã được một Thợ Ảnh mời mọc rất nhiệt tình: “Các Bác có chụp ảnh kỉ niệm không? Em sẽ chọn cho các bác chỗ đẹp nhất của Thác nước”- Điều này thì tôi tin vì người Thợ Ảnh ấy có thâm niên nhiều năm chụp ảnh tại đây, lẽ đương nhiên anh ta biết rất rõ điều đó. Trước khi chụp ảnh lưu niệm tôi chỉ vào một cái Cột Mốc ở rất sâu phía bên này Thác và nói :”Đó là cột mốc Biên Giới các Anh ạ! Ngày xưa nó ở tít tận trên đỉnh núi kia cơ”. Nhanh nhảu nhiệt tình đến bất ngờ anh Thợ Ảnh vội vàng giải thích rằng: “Không đâu Cột Mốc là ở chỗ đám đất Đo Đỏ ở chỗ kia cơ”, nói rồi anh ta chỉ xa xăm vào cái nơi đang nằm cạnh rìa Thác phía bên kia. Tôi thì quá rõ rồi còn các thành viên đoàn thì chắc cũng không ai muốn tin điều đó. Có một điều tôi không thể hiểu nổi tại sao bây giờ lại xuất hiện một kiểu “khẳng định chủ quyền” lạ lùng như thế. Tôi thầm nghĩ:“Chắc là theo chỉ đạo mới rồi, hay thật”.
Chúng tôi chụp vội vài kiểu ảnh kỉ niệm vì sợ trời tối. Các anh và mọi người khi xem ảnh hãy nhớ rằng những người chụp ảnh đang đứng trên mảnh đất của Việt Nam, còn cái hình ảnh Thác nước Đẹp và Thơ mộng đằng sau kia có một thời là của mình đấy!.
Vì thời gian ngắn ngủi chúng tôi phải ra về sau ít phút ngắn ngủi ngắm nhìn dòng Thác vẫn đang oằn mình đổ nước về hạ lưu. Tôi bâng khuâng chia tay cái thác nước mà ngày xưa với tôi nó vô cùng hùng vĩ, còn bây giờ là một sự tiếc nuối khôn nguôi.
                                                                        Cao Bằng 03.10.2011

10 nhận xét:

  1. Chúc mừng Tr bình đã có được sự ưu ái của lớp trưởng lớp A là a Thị và lớp B là a Cấp,tiếc là sao không chịu chật thêm tý để Đông cũng có mặt thì tuyệt hơn.Còn nỗi buồn kia thì đành chịu thôi,vì còn hàng vạn cái đáng buồn hơn.Hôm Bình gọi điện hỏi Thọ đã trả lời rồi ,hôm nay sẽ viết nốt kèm vào ảnh panorama của Chít nhé,

    Trả lờiXóa
  2. Triệu Bình ! mày cứ ẩn ở đâu thế . Hôm nay thấy mày , mày viết hay lắm . Hẹn gặp nhau nhé .

    Trả lờiXóa
  3. Chúc mừng Triệu Bình nhé.
    Dạo này bạn viết "lên tay" thật đấy. Đọc bài này lại lần giở đọc lại bài về anh An.. Rất được.
    Hôm nào về alô nhé, lai rai, lãng đãng chút xíu!

    Trả lờiXóa
  4. Đọc bài của TB mà tôi cứ tưởng là một chuyện ngắn. Rất giầu chất văn học và nội dung rất phong phú. Tôi ko nghĩ là lính Cơ Điện mà lại viết được như vậy. Nhưng dạo này TB ít viết bài quá đấy,chắc là bận lắm phải ko. Dù bận cũng nên giành một chút cho k6 nhé.

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn các bạn đã dành những lời tốt đẹp cho Bình tôi. Các bạn làm cho tôi thấy ngoài nhu cầu san sẻ về mặt tinh thần với nhau trên Blog mà chúng ta còn phải có cả trách nhiệm nuôi dưỡng cho nó luôn khỏe mạnh và phong phú thêm nhiều hơn nữa phải không!. Tôi cũng rất mong được gặp lại các Bạn luôn luôn. Chào thân ái!.

    Trả lờiXóa
  6. Đã thêm 1 chữ "hiện" theo phát hiện của tác giả. Hì..hì... Đề nghị các chị:
    Thúy Thư, Thúy Tính, Thúy Dần
    Thúy Hà, Thúy Nghuyệt, Thúy Tân ... viết bài!

    Trả lờiXóa
  7. Vẫn còn thiếu một cụm từ nữa đấy!.

    Trả lờiXóa
  8. Đúng rồi, theo tác giả thì khổ cuối còn muốn thêm 1 từ nữa mới diễn tả hết được "tâm trạng" của dòng thác cũng là của tác giả. Mời bà con nhất là Thọ mom, Trác Dũng, Luân đen, Trịnh Xuyền tham gia bổ sung hộ mõ nhé!

    Trả lờiXóa
  9. thác vẫn chảy chỉ nước là hai ngả
    Ngả cho mình nước thấm tự kim đâm
    Ngả về người bè mảng hỉ và hoan
    ước chi thác đừng bao giờ có "Giốc "...

    Trả lờiXóa
  10. Dũng đã ra một đề tài khó cho các Bạn quá:Quê hương mỗi người chỉ Một....Thác Bản Giốc nàm trên quê tôi,vì thế tôi có lợi thế hơn các Bạn là tôi nghe được , đọc được những gì mà "nó" muốn nói. Chính xác mà tôi "nghe được" hôm ấy là rất khó tả nhưng sẽ đúng hơn phải là:"...dòng Thác vẫn đang OẰN MÌNH KHẮC KHOẢI đổ nước về hạ lưu".Thật đau đớn vì nó sẽ mãi mãi khắc khoải như thế...và chỉ có thế hệ của chúng ta mới nghe thấy và thấu hiểu.

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]