Tôi và Tế ở cùng một trung đội công binh mở đường. Cuối năm 1973, cấp trên điều hai thằng về một đơn vị cầu phà ở sông Tranh (thuộc Trà Mi - tỉnh Quảng Nam). Gọi là đơn vị cầu phà cho oai, thực ra nó chỉ là một trung đội thiếu do trung đội trưởng có tên là NHIỄM (lính 66) chỉ huy - cơ sở vật chất chỉ là một con phà có sức chứa hai chiếc GÁT 63 hoặc một chiếc JIN 57 cho một lần chở.
Lúc bấy giờ ngầm sông Tranh chưa làm được. Việc vận chuyển súng đạn, lương thực, quân trang...vào phía trong Quảng Ngãi, Tây Nguyên...đều phải qua đây, qua con phà này...mà con phà bằng gỗ của đơn vị lại nát. Tôi nhớ lại, mỗi sáng sớm chúng tôi lại phải dùng gầu là những chiếc xoong quân dụng 12 đã bẹp dúm dó tát nước, cứ mỗi ngày nước rỉ vào ngập đến đầu gối, lại phải còng lưng tát nước cho phà nổi hẳn lên.
Việc đưa phà qua sông cũng rất thủ công: ở hai bên bờ sông Tranh mỗi bên có một trục quay bằng gỗ trông giống như một chiếc bánh xe bò cỡ lớn, có các nan gỗ to và mỗi đầu của con phà lại có dây xích nối vào. Để giữ thăng bằng cho phà đặc biệt khi nước sông chảy mạnh, người ta chăng một chiếc sợi dây thừng to ngang sông, phía trên con phà khoảng 40mét, thế rồi cứ mỗi lần những chiếc xe chở đạn nguỵ trang lao xuống phà là những tay lính công binh như tôi, như Tế lại xúm vào còng lưng quay bánh xe tời cho phà qua sông...
Để thắng được lực đẩy của nước vào con phà, để kéo được trọng lực của phà và của xe qua sông - với sức người quả thật là gian nan và rất mất thời gian. Trong khi chiến trường dưới kia, bộ đội đang chống lấn chiếm - đạn và gạo đang cần nhiều, rất nhiều...
Sau nhiều đêm suy nghĩ, Tế đã bàn với mọi người và cấp trên đồng ý cải tiến con phà bằng việc gắn trên phà một trục quay, có chiếc quay tay (giống như cái maniven của cánh lái xe) - cái trục quay này được nối với sợi dây bắc qua sông phía trên phà bằng một ròng rọc động. Và thế là khi con phà ở sát bờ lúc nước còn lặng. chúng tôi dùng chiếc tay quay, qua hệ thống trục quay-dây tời-ròng rọc dễ dàng đưa phà ngược dòng, sát lên sợi dây ngang sông rồi thả tay lợi dụng sức nước rất nhanh chóng đẩy phà sang bờ bên kia an toàn...
Mỗi chuyến như vậy, chúng tôi giảm được 15phút so với trước
Mười lăm phút quý giá ấy cộng với những sáng kiến khác của Tế (sinh viên cơ điện k6) - năm ấy nó được bầu là chiến sĩ thi đua cấp trung đoàn và được tặng thưởng một huân chương chiến công.
Đã gần 40 năm trôi qua - duyên nợ, Tế vẫn làm việc trong nghành giao thông vận tải - có lẽ nó chẳng nói với ai về cái huân chương chiến công ấy bao giờ...chuyện nhỏ mà.
LÍNH SƯ PHẠM 1040- BẠN TẾ.
Xưa nay có bao giờ Tế nó nói về mình đâu.cái tính của mỗi người là thế.Nhưng nay về già rồi có Blog rồi hẳn là Tế cũng nên bày toẻ đôi điều chứ nhỉ ,cố lên Tế và các Bạn Cơ điện ơi.
Trả lờiXóaTế ở xa . Nhưng trên Blog này đâu có xa . Bài viết về bạn mình thật hay . Mong có nhiều bài như thế nữa , mong các bạn 1040 ngoài CĐ tham gia cùng nhé .
Trả lờiXóaSP1040 ơi. Tớ muốn biêt măt sau của tấm huân chơng . tò mò quá...
Trả lờiXóa