K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

10 tháng 7, 2025

CHUYỆN CỦA TÔI 1321 - CAO THANH LONG

THỬ DAO CẮT NỨA Ở MỤC SƠN

Mùa hè năm 1991, giữa cái nắng hầm hập của miền Bắc, tôi cùng một đồng nghiệp ở Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên quyết định thực hiện một chuyến đi đặc biệt: chở ba con dao băm nứa (kích thước bao 355*150*16) – sản phẩm do chúng tôi chế tạo – vào Công ty Giấy Mục Sơn tại Thọ Xuân, Thanh Hóa để mời họ thử nghiệm và đánh giá chất lượng. Phương tiện là một chiếc xe máy DD đỏ ớt. Ba con dao nặng trĩu được bọc kỹ, buộc trên giá chở hàng giữa thân xe. Hai người, một xe, chở theo cả hy vọng: nếu sản phẩm chứng minh được chất lượng, sẽ mở ra một cơ hội hợp tác lâu dài…
Chúng tôi rời Thái Nguyên từ sáng sớm. Đường sá khi ấy còn lởm chởm đất đá, ổ gà dọc đường, bụi bốc mù mịt. Mỗi lần dừng chân nghỉ, lại có người tò mò hỏi: “Các anh chở cái gì mà lỉnh kỉnh thế?” Tôi đáp: “Dao băm nứa”. Họ lắc đầu ái ngại: “Hàng Tàu bây giờ nhiều, các anh đi thế này cực quá.”…
Tới nơi thì đã đầu buổi chiều. Chúng tôi trình bày với lãnh đạo kỹ thuật nhà máy về cấu tạo, vật liệu, quy trình nhiệt luyện, góc cắt và tuổi thọ dao. Ban đầu, họ không giấu vẻ nghi ngại. Nhưng rồi, nhờ có sự ủng hộ của anh Hà, CSV K15MC khi ấy là Phó Giám đốc công ty, họ cũng đồng ý cho cắt thử. Khi máy chạy, từng bó nứa khô, tưới, ốt ết (nửa khô, nửa tươi nên cây rất dai) được đưa vào. Dao xoay đều, tiếng nứa bị cắt “rào rào” vang lên gọn gàng, dứt khoát. Những người thợ đứng gần đó gật gù. Vị Trưởng phòng Kỹ thuật quay sang bảo: “Dao các anh cắt ngọt đấy. Không ngờ!” Nghe câu đó, tôi thấy bao mệt nhọc như tan biến…
Xong việc thì trời đã về đêm. Không có khách sạn, chẳng quen ai, chúng tôi quyết định quay xe về lại Thái Nguyên luôn trong đêm để sáng hôm sau còn kịp làm việc như bình thường. Đường về dài hun hút, đèn xe lập lòe, nhưng trong lòng lại ấm vì thứ mình làm ra đã được khách hàng bước đầu đón nhận. Một thời gian sau, tôi nhận được đơn đặt hàng của Mục Sơn và cung cấp dao băm tre, nứa đều đặn hằng năm cho họ tới khi công ty này dừng sản xuất vào năm 2015 vì không đảm bảo vấn đề môi trường trong việc xử lý nước thải có chứa NaOH…
Sau này, có người hỏi tôi: “Đưa sản phẩm mới đến tay người dùng có vất vả không?” Tôi chỉ cười vì không phải ai cũng từng ôm ba con dao, vượt 400 cây số (cả đi lẫn về) giữa cái nắng đổ lửa và màn đêm chỉ trong vòng 24 giờ, để hiểu rằng, đôi khi, điều quý giá nhất trong nghề không phải là hợp đồng, mà là niềm tin được gieo bằng những giọt mồ hôi thật sự lăn cùng bụi đường trên khuôn mặt chúng tôi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]