K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

5 tháng 12, 2022

K11IB THÂN YÊU... phần 3

 

    Tiếp theo: K11IB THÂN YÊU...
    Phần 3: MUÔN MÀU CUỘC SỐNG SV CƠ ĐIỆN
    A- Người đặc biệt:
    Trước hết tôi kể về những nhân vật khá đặc biệt của lớp tôi. Có thể câu chuyện sẽ động chạm đến những điều không tế nhị lắm, nhưng cũng nên kể ra để mọi người thấy rõ một mặt khác của cuộc sống SV.
    Đầu tiên là thằng Vinh “cà cộ”, thằng này người khá mũm mĩm, bố nó đâu như là đại biểu quốc hội, nên đc phân 1 căn biệt thự cổ kiểu Pháp khá đẹp ở phố Tăng Bạt Hổ, HN. Thằng Vinh có một biệt tài quái đản, là “xì hơi”, với tiếng nghe rất đanh và ...rất dài ( chỉ khổ cho thằng nào nằm cùng giường tầng và cùng phòng với nó). Điều đặc biệt là thằng Vinh rất công khai và tự hào về khả năng này. Có lần các phòng đang im phăng phắc để ôn thi thì nó “phát công”, rồi nó tự nhận và cười hố hố, làm cả mấy phòng đc 1 phen nghiêng ngả vì cười. Chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu như 1 lần giữa đám đông có cả chị em, nó “xì hơi” và đổ vấy cho mấy chị em đứng cạnh, làm họ đỏ mặt, đương nhiên họ chẳng thể nào thanh minh, thanh nga vì chuyện tế nhị này. Thật quá “đỉnh”. Từ đấy mọi người gọi nó là thằng Vinh “Bỉ”.
    Thằng Vinh sau “nhảy dù” xuống khoá dưới ( thuật ngữ trường tôi ám chỉ những thằng bị đúp lớp, còn cách nói nữa là “lên K”) nên tôi ít có dịp gặp nó. Vừa rồi hội khoá gặp lại , trông nó chẳng khác là mấy, nhưng giờ trông ra dáng người đàn ông lịch lãm của Hà thành.
    Còn một chuyện khá tế nhị khác không thể không nhắc đến, đó là chuyện của thằng Khanh”chày”, quê Thái Bình, thằng này công khai thừa nhận quê nó người ta “giải quyết nỗi buồn” bằng “cầu tõm”, song nó thản nhiên quả quyết công đoạn vệ sinh sau đó chỉ là việc lội xuống ao đi sang bờ ao bên kia là xong. Chẳng trách mọi người gọi nó là Khanh”chày”.
    Thằng Khanh ngoài 40 tuổi mới lấy vợ, song nó cũng kịp có con cái đề huề, phương trưởng cả.
    Còn một nhân vật đặc biệt nữa là thằng Hùng “nghiện” người Hải Phòng. Thằng
    này chúa dậy muộn, chẳng bao giờ thể dục, thể thao, đã thế người nó gầy gò, da trắng xanh nên mọi người ví nó như thằng nghiện. Thằng Hùng “nghiện” đặc biệt ở chỗ mùa đông cũng như mùa hè suốt ngày kè kè một cái chăn dạ cáu ghét, mùa hè thì nó khoác, còn mùa đông nó chui đầu qua 1 lỗ khoét sẵn. Thằng này đc cái nền tính, chả ghét ai, giận ai hay cãi cọ với ai bao giờ. Bất cứ ai nói gì, nó đều thò đầu qua lỗ khoét của chăn dạ cười với nụ cười ngây thơ nhất trên đời và một câu nói mặc định: thế à.
    B- Chuyện ăn, chuyện bếp SV:
    Cảm giác thường trực của cánh SV chúng tôi ngày ấy là không đến mức đói, nhưng thèm đủ thứ. May mắn thay, nhà dân quanh ký túc xá lại trồng rất nhiều sắn. Thế là SV vào mua sắn và đôi khi luộc ăn ngay tại nhà dân. Có thằng lập kỷ lục ăn hết 10kg sắn luộc (tất nhiên là sắn dẻo, chứ sắn bở thì bó tay), chuyện khó tin nhưng thật 100%.
    Còn chuyện ăn ở bếp tập thể mới lạ: hồi đầu mỗi thằng đều mang bát đũa riêng xuống nhà ăn (thường 6 người một mâm) , thằng bát to, thằng bát nhỏ và thế là sự mất công bằng xuất hiện. Về sau mọi người bỏ hết bát đũa, chỉ mang theo mỗi người một chiếc thìa, tất cả cơm canh, thịt, rau...của một mâm đc đổ hổ lốn vào một chiếc chậu, mỗi người một thìa rút ra chén. Chiêu này xem ra tạo ra sự công bằng hơn cả. Cơm xong thằng tìm nước rửa thìa, thằng lấy giấy học trò lau qua loa rồi đút túi chờ bữa khác. Hồi ấy đứa nào quen đc 1 chị anh nuôi là oai lắm, thế nào bữa ăn cũng có thêm miếng cháy, bát rau...làm cả mâm đc nhờ.
    C- Chuyện học hành, thi cử:
    Thời chúng tôi học, tài liệu in tham khảo rất hiếm, kiến thức chúng tôi thu lượm đc, chủ yếu là ghi chép trong giờ thầy lên lớp, những thằng chép nhanh, chữ dễ đọc là đắt hàng lắm, vì mọi người tranh nhau mượn vở để chỉnh lý (loại này hiếm và thường là những thằng học khá, vì thầy nói rất nhanh nên để vừa hiểu tương đối chính xác những điều thầy giảng, vừa chép cho kịp là cả 1 vấn đề không dễ tí nào).
    Chuyện thi cử cũng nhiều chuyện đáng nói. Hồi ấy chúng tôi thi vấn đáp, mỗi môn học chúng tôi có 4 đến 5 ngày ôn thi, đến ngày thi có khoảng 3 đến 4 thày xuống hỏi thi, mỗi thầy ngồi 1 bàn.
    SV sau khi gắp thăm bộ đề thì có khoảng vài chục phút xuống dưới chuẩn bị và tuỳ chọn thầy để trả bài.
    Thằng Khánh “khỉ” có kiểu học rất kì cục, có môn nó chỉ học các chương chẵn 2,4,6,8...có môn nó chỉ học các chương lẻ 1,3,5,7...và trông mong vào sự may rủi khi gắp đề. Song may chả thấy đâu, toàn thấy rủi, nên nó rất hay phải thi lại. Người ta nói, không bị thi lại môn nào không phải SV, vậy mà lớp tôi cũng có vài đứa không phải thi lại môn nào ( tôi không chắc lắm nhưng hình như trong số đó có Bắc”ốc” và Nghĩa “méo”).
    Lại nói chuyện đi lại, hồi ấy đi tàu hỏa từ trường về quê và ngược lại thật gian nan. SV các trường không riêng gì trường tôi, trốn vé là chính, đến đoạn tàu sắp vào ga phải chạy chậm thì nhảy xuống, chấp nhận nguy hiểm chứ không chấp nhận mất tiền vé. Cũng có thằng khôn ngoan hơn, tìm mọi cách làm quen với mấy anh soát vé, nhưng việc này đòi hỏi đẹp trai, “mỏ dẻo”. Tôi có thằng bạn tên Vượng, (người HN, học trên tôi 1 khóa-lớp K10IA) thuộc loại ấy, cứ đi với nó là tôi yên tâm không mất tiền vé. Chẳng hiểu sao nó quen đc 1 anh soát vé, anh ta cứ gặp nó là cười tươi, thậm chí rủ đi ăn uống. Thời SV Vượng yêu 1 cô SV người Lạng Sơn học Đại học Sư phạm Việt Bắc, thỉnh thoảng nó cho tôi xem thư của cô ta, viết khá hay và lãng mạn. Rồi hai người cũng nên duyên vợ chồng, đc với nhau 2 thằng con trai. Chỉ đáng buồn là khi thằng thứ hai đc vài tháng thì Vượng đột ngột qua đời do tai nạn giao thông. Vợ Vượng dạy Văn ở một trường thuộc nội thành HN ( tình cờ con trai thứ của tôi học lớp do vợ Vượng làm chủ nhiệm). Hai con trai Vượng lớn lên giống bố như đúc, to lớn, nói năng chững chạc, chúng đi du học Pháp và đều thành đạt cả. Cũng mừng cho Vượng.
    C- Đôi chút về chị em lớp tôi:
    Thật thiếu sót nếu không nói về chị em, một nửa của thế giới. Chị em lớp tôi cũng như các trường kỹ thuật khác đc ví như “mì chính cánh” vì quá ít. Lớp tôi có khoảng 45 người thì chỉ có 5 chị em. Thú thực là tôi ít biết về họ, một phần do tính rụt rè, một phần tôi ngại đông, bởi vì dãy ký túc xá nữ cứ tối đến là đông nghịt, các nam SV cùng trường, SV trường khác, thậm chí cả các thày giáo trẻ cũng có mặt. Như đã nói lớp tôi có 5 chị em: (sau đây là cảm nhận hết sức sơ lược của cá nhân tôi về từng người):
    Cái Bông, người Thái Bình. Cô này da trắng, khá cao nhưng rụt rè, hiền lành, ít nói. Về sau Bông lấy Hiển ( trước cùng lớp K7I với tôi), sau này Hiển đc giữ lại trường làm giáo viên khoa Điện. Bản thân Bông sau đó cũng trở thành giáo viên khoa Điện.
    Cái Phạm Nga, người Ninh Bình. Cái Nga người thấp bé, nhưng bù lại nó ăn nói rất khéo, nhẹ nhàng. Ra trường Nga lấy thằng Bình”gà” cùng lớp và lv ở XM Bỉm Sơn.Chuyện hôn nhân của Nga khá lận đận, song cuối cùng khi nghỉ hưu Nga cũng tìm đc hạnh phúc bên con cái. Nga ra HN sống vui vẻ cùng cô con gái yêu. Với Nga niềm vui giờ là cháu con, là bạn bè, là những chuyến đi trải nghiệm...
    Cái Thuý Nga, người Đồng Mỏ, Lạng Sơn. Trong đám con gái, hình như nó học khá hơn cả. Nó là đứa nói nhanh, cá tính. Sau này nó lấy Vinh, cũng là cựu SV K7M đc giữ lại là giáo viên bộ môn Công nghệ kim loại. Cái Nga có chút chuyện buồn vì có cậu con trai tật nguyền, song với tôi, cậu bé thật dễ thương, cậu có tình yêu lạ kỳ với âm nhạc. Một lần hội khoá, tôi hát 1 bài dành riêng tặng cậu và sau đó song ca cùng cậu, vậy mà cậu nhớ mãi, còn khen bác Thắng hát hay và luôn nhắc đến bác Thắng. Ấy là theo lời mẹ Nga kể. Chúc cậu khỏe, có thêm nhiều niềm vui nữa trong cuộc sống. Nếu có dịp bác Thắng lại hát cháu nghe và ta lại cùng song ca cháu nhé!
    Cái Loan “xếch” người thành phố Hải Dương. Con bé này có đôi mày xếch, da trắng, có tài đánh bóng bàn ( nghe nói là VĐV bóng bàn tỉnh Hải Dương). Chẳng hiểu sao cái Loan có rất nhiều đàn ông để ý, có thể do nó khác thường ở khả năng bóng bàn (phụ nữ chơi đc bóng bàn hồi ấy là của hiếm), khác thường ở cá tính...mà đàn ông thì thích chinh phục những cô gái khác thường.
    Bây giờ thì cái Loan đang tự hào và sống hạnh phúc bên cậu con trai nghe nói là một Kiến trúc sư thành đạt.
    Cái Châu Hà, người HN. Châu Hà cũng khá cá tính, người đời thường nói, con gái thì phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên...
    Còn cái Châu Hà thì ngược lại, nói năng to tát, bộc trực, hay cười, hay đùa vui, có chút nào đó giống cánh mày râu. Cái Hà sau lấy một anh chàng trên nó hai khoá. Cái Hà nghe nói cũng trải nhiều nghề, song bây giờ mọi chuyện khá ổn với nó. Nó có một cô con gái là Bác sĩ, chắc cũng đỡ đần mẹ được nhiều. Cái Hà khá nhanh nhẹn nên chúng tôi bầu nó làm trưởng ban liên lạc của lớp. Tôi đề nghị gọi nó là Chủ tịch hội cho oai, chứ nó chỉ tự nhận mình là “mõ” lớp.
    Tôi nói đùa với anh em trong lớp: mọi người nhớ chăm sóc và bảo vệ Chủ tịch cho tốt, Long thể Chủ tịch có sao thì giờ hồn...
    Tôi cũng định viết một chút về cánh bộ đội chúng tôi, những người lính từ chiến tranh trở về giảng đường. Song tôi nghĩ chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, hãy để ký ức chiến tranh ngủ yên. Vì chiến tranh là sự tàn phá khủng khiếp mọi giá trị vật chất, tinh thần. Cầu chúc cho con cháu chúng ta đc sống trong hoà bình, trong một thế giới đủ đầy, tràn ngập hạnh phúc, tràn ngập nụ cười, tràn ngập yêu thương...
    Thời gian trôi đi, nhưng tôi nghĩ những điều mà tôi ghi chép sẽ đc đón nhận.Tôi hy vọng đó sẽ là những KÝ ỨC TRONG TRẺO, VÔ TƯ, ĐẦY TÌNH NGƯỜI và luôn lấp lánh trong cuộc sống của mọi người lớp tôi
    Hà Nội tháng 11 năm 2022
    Thành viên K11IB-Đại học cơ điện
    Thắng “béo”

    3 bình luận


    Nguyễn Quốc Hưng
    Bố Vinh Bỉ hồi đó là ông Vũ Định, nghe đâu làm chức to trong tổng công đoàn Việt nam


  • Phạm Thị Nga
    May có anh viết bài bọn em được đọc để nhớ về lớp mình, với những kỷ niệm đẹp đáng nhớ. Cũng may mắn mà anh không nhắc đến những biệt danh của nhóm nữ, kkk

    • Phản hồi
    • 1 giờ
    • Đã chỉnh sửa

    Thang Nguyen Duc
    Phạm Thị Nga a ngu đâu mà chọc vào một nửa thế giới xinh đẹp

  • Phản hồi
  • 1 giờ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]