K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

25 tháng 4, 2021

CÓ MỘT TẠNG NHÀ VĂN NHƯ THẾ

 Hải K6i - Đỗ Tiến Thụy


Bài của Đỗ Tiến Thuỵ (luôn sát cánh với d76f304b 9/1972 mà csv đại học Cơ điện vào lính đông nhất)
Qua hơn chục năm làm biên tập, nhà cháu đã được tiếp xúc bản thảo của nhiều nhà văn: người điêu luyện trong sử dụng chữ nghĩa, người giỏi xử lí chi tiết, người mạnh về ý tưởng, người tài hoa trong bố cục... Mỗi tạng nhà văn đều có cái hay riêng. Nhưng trường hợp Nguyễn Trọng Luân (Nguyễn Trọng) là một ca đặc biệt.
Hôm nay lướt facebook bắt gặp bức ảnh Nguyễn Trọng Luân đang hóa cuốn tạp chí VNQĐ số 915 có in bài kí Những ngày tháng 4 của anh trước mộ đồng đội ở nghĩa trang An Nhơn Tây, nhà cháu lại thấy xúc động. Và thêm một lần khẳng định, đối với mỗi tác phẩm văn chương, năng khiếu bẩm sinh, kĩ năng nghề nghiệp, kiến văn... mới chỉ là những điều kiện cần. Để lay động được tâm hồn độc giả, nhà văn phải có thêm điều kiện đủ: sự rung động thành thực. Xin kính mời bà con chia sẻ những cảm nhận của nhà cháu về tạng văn Nguyễn Trọng Luân, một trong những nhà văn cựu chiến binh viết muộn giống như Trung Sy nhưng đã tạo được dấu ấn rất riêng.
NHỮNG VẺ ĐẸP NGUYÊN KHỐI
ĐỖ TIẾN THỤY
Nguyễn Trọng Luân là người đã có những tháng năm sống và chiến đấu ở Mặt trận B3, nơi đồng bào Tây Nguyên có văn hóa nhà mồ với những bức tượng độc đáo. Độc đáo bởi không phải ai cũng làm được loại tượng này. Và có học cũng không làm được. Người đẽo tượng nhà mồ vốn là những trai làng bình thường, sống và nếm trải mọi buồn vui trong cộng đồng. Đến một ngày nào đó, vào một khoảnh khắc nào đó, họ bỗng có cảm hứng xuất thần. Chỉ từ một súc gỗ rừng nguyên khối và một chiếc rìu đơn sơ, nhưng nhờ trạng thái thăng hoa, chỉ cần một vài nhát đẽo là họ đã cho ra đời một tác phẩm. Những bức tượng nhà mồ mang đủ sắc thái nhân sinh rất có hồn khiến các nhà điêu khắc chuyên nghiệp cũng phải trầm trồ thán phục.
Những câu chuyện trong những tập sách của Nguyễn Trọng Luân cũng thế. Cái quá khứ chiến tranh thời trai trẻ của anh đã không thể ngủ yên, không thể nguôi quên. Trở về đời thường, trải qua mấy chục năm vật lộn mưu sinh, càng sống, càng hiểu lẽ đời thì những kí ức ấy càng cựa quậy, đòi hỏi được bung ra. Và chỉ cần một cái cớ...
Nhìn cây bàng trên phố anh nhớ đến rừng khộp thời chiến tranh (Lá khộp). Ngắm hai cây me tại chiến trường xưa nhớ lại cả một trận đánh khốc liệt với nhiều tính huống trên đường 7 tháng 3/1975 (Hai cây me vẫn xanh màu lá). Nhìn những đọt măng vầu bán trên đường phố Hà Nội nhớ những câu chuyện về măng lồ ô ở Tây Nguyên (Măng lồ ô). Thăm lại chiến trường xưa, những cuộc gặp gỡ chủ ý hoặc tình cờ, từ một lời hỏi thăm, một câu gợi nhắc… là những khuôn mặt bè bạn với những nét tính cách rất riêng thông qua những giai thoại thời chiến lập tức ùa về (Ba người bạn lính, Chiều cuối năm, Chuyện trong ngày họp mặt trung đoàn, Chuyện ở nhà thằng Sơn rồ C20, Trung úy Thúng, Quán Hai Bền, Trở về Củ Chi…)
Hầu như trong mọi truyện Nguyễn Trọng Luân đều vừa là tác giả vừa là nhân vật tham gia chứng kiến sự việc nên những trang văn của anh tươi ròng chất sống. Nó là những biểu hiện rất đời của những người lính trong hoàn cảnh bom đạn khốc liệt ngày trước và cả những thử thách cam go của cuộc sống sau này. Dù nhân vật là người còn sống hay đã hi sinh, đã thành đạt hay còn nhọc nhằn vất vả, đều được Nguyễn Trọng Luân dành cho một tình cảm yêu thương nặng trĩu.
Nguyễn Trọng Luân được xếp vào dạng nhà văn chống Mỹ “đánh nhau xong rồi mới viết”. Vốn tri thức của một sinh viên đại học giúp anh khi vào chiến trường có một nhãn quan khác người, một lối tư duy khác người. Hiện thực chiến tranh được anh lưu giữ mấy chục năm đã không uổng phí. Cái hay của sự viết muộn là thời gian đã làm phôi pha bớt những “tạp chất”, cái gì còn đọng lại trong kí ức hẳn là điều đáng kể. Tình đồng chí, nghĩa đồng bào, ái tình, lí tưởng, cái cao cả, cái đớn hèn…, tất cả đều được chắt lọc và tái hiện bằng một giọng văn khỏe khoắn mà trữ tình, khi tếu táo lúc ngậm ngùi xa xót của một cựu chiến binh tài hoa giàu hoài niệm, sinh động và chân thực đến nao lòng.
Dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, nhưng dễ nhận thấy Nguyễn Trọng Luân rất ít hư cấu. Bởi những câu chuyện tự thân nó đã mang đầy ý nghĩa, chả cần hư cấu đã đủ hay rồi. Như những bức tượng nhà mồ, dù thô phác nhưng lại có sức cuốn hút kì lạ.
Ps: Nguyễn Trọng Luân đã có gần chục đầu sách, cả thơ, kí, truyện ngắn, tiểu thuyết và tập ca khúc. Trong đó tập truyện ngắn Bóng đổ nhà mồ và tiểu thuyết Rừng đói đã nhận được những đánh giá tích cực của các nhà phê bình và độc giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]