K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

18 tháng 10, 2018

ĐẦU THU MƯA NHỎ


Truyện ngắn. Thái Bá Tân.

Ngôi nhà nhỏ nằm bên rìa làng. Trước sân có mấy cây nhãn xum xuê che kín tầm mắt. Một cái ao nhỏ sát giếng, không tròn mà méo, phủ đầy váng và những lá sen to tròn còn xanh hoặc đã úa. Xa bên ngoài là đồng lúa mới cấy vừa bén rễ. Còn xa nữa thì chẳng thấy gì vì trời đang mưa, hay đúng hơn, không mưa mà chỉ lất phất những giọt nước bé tí không hiểu do nguồn sáng nào chiếu mà trông lấp lánh.

Phía nhà bếp bỗng dưng có chú gà trống nổi hứng gáy, đập cánh phành phạch. Rồi tất cả lại chìm trong sự tĩnh lặng của một vùng quê lúc nông nhàn vào ngày xấu trời.
Ngồi phệt trên sàn láng xi măng, lưng tựa cây cột gỗ gian nhà chính là một bà cụ nhỏ bé, đầu tóc bạc phơ nhưng trông còn khỏe và nhanh nhẹn. Bên cạnh là một đống lớn lá cói phơi khô ngả máu trắng nhạt. Bà lặng lẽ làm việc, mặt ngưng đọng như được làm bằng sáp. Bà thong thả nhặt những sợi cói, một lúc hai sợi, đặt lên ống chân để trần, vê xuống thành một sợi tròn. Rồi bà lấy một sợi tròn khác đã vê sẵn gộp lại, lăn lần nữa theo cẳng chân. Vậy là có thêm một đoạn dây cói. Bà vứt nó sang đống “thành phẩm” bên cạnh, cũng cao lắm rồi. Khi đủ nhiều, sẽ có người đến mang đi, tiền cuối tháng mới thanh toán. Một công việc đơn giản, nhàm chán nhưng chắc kéo dài đã lâu, vì lớp da trên cẳng chân bà đã thành chai, ngả màu xạm và bóng loáng
Trên chiếc chõng tre thấp gần đó là một người đàn ông to béo, tóc điểm bạc. Ông uống từng ngụm nhỏ bát chè vối nguội lạnh, lơ đãng nhìn ra ngoài, nơi mưa vẫn lất phất rơi, ảm đạm và buồn tẻ. Ông là con cả của bà cụ, thứ trưởng một bộ quan trọng mới từ Hà Nội về hôm qua. Ông có thói quen hễ gặp chuyện gì rắc rối, khó chịu ở thủ đô là lại về vùng chiêm trũng nghèo đói này. Không hiểu sao ông thấy lòng thảnh thơi phần nào khi được ngồi bên bà mẹ già lẩm cẩm, trong ngôi nhà cổ bé nhỏ tuềnh toàng mà một thời ông được sinh ra.
Đúng là bà cụ lẩm cẩm. Con có mấy cái nhà lớn ở Hà Nội, mời lên ở cùng nhưng không chịu, ep buộc cũng không chịu, cứ một mực đòi ở quê một mình dẫu sắp sửa lên thọ tám mươi. Ông cụ chết từ lâu, nên ông con phải nhờ đứa cháu họ trong làng đến ở cùng, ngoài nuôi ăn uống còn cho mỗi tháng năm mươi nghìn đồng. Đã thế cụ còn nằng nặc đòi làm việc. Trước khỏe làm mấy sào ruộng khoán, chục năm trở lại đây thì làm nghề bện cói này như những người già khác trong làng. Ông thứ trưởng giật mình khi lần đầu nghe cụ nói mỗi ngày làm liên tục từ sáng đến tối được trả tiền công hai nghìn đồng! Hai chứ không phải hai mươi, lại càng không phải hai trăm. Cả làng ai cũng vậy, còn lấy làm mừng có được nghề phụ lúc nông nhàn. Hai nghìn đồng chưa được một điếu lá thuốc loại sang ở thành phố, nhưng hơn nửa cân gạo ngon ở đây, đủ một người sống cả ngày.
Lần này ông thứ trưởng về quê (tất nhiên vào dịp cuối tuần và chỉ ngủ lại một đêm như mọi lần) là vì ông có cơ bị khởi tố do để cấp dưới rút ruột nhà nước mấy chục tỉ đồng một dự án nâng cấp đường bộ loại nhỏ. Tại mấy thằng cấp vụ láo, ăn dày một cách lộ liễu. Ông tin chúng nên đã ký và bây giờ liên đới chịu trách nhiệm. Tham. Nào chúng có nghèo đói gì. Đứa nào cũng dăm ba ngôi nhà lớn, chưa kể đất. Có khi còn giàu hơn ông. Chúng chỉ chữa một vài con số là có bạc tỉ. Ông cũng từng ký một phát có bạc tỉ. Có thể lần này tội ông không nặng, chỉ sợ chúng khai lung tung những chuyện trước đây, mà về những chuyện này thì ông không chắc lắm ông hoàn toàn trong sạch.
Bất giác ông nhìn xuống đôi tay nhăn nheo đang bện cói của bà mẹ. Đôi tay ấy có lẽ phải làm hàng chục vạn động tác một ngày để có được hai nghìn đồng. Phải hai ngày mới mua nổi một tách cà phê. Hai năm mới bằng tiền một bữa tiệc khiêm tốn người ta chiêu đãi ông.
“Sao mẹ cứ tự làm khổ mình thế!” Ông lên tiếng. Tất nhiên đây không phải lần đầu ông ngăn bà. Nhưng vì lẩm cẩm, vì gàn, bà nhất định không nghe. Ông đành chịu, chẳng qua không đừng được đành buột miệng, dù biết trước bà sẽ trả lời thế nào.
Vẫn không ngẩng đầu, bà cụ đáp:
“Tôi còn khỏe, còn tự nuôi được mình. Khi nào ốm nằm một chỗ mới phải nhờ con cháu. Vả lại, làm việc nó khỏe người”.
“Nhưng chỉ hai nghìn đồng một ngày thì không bõ”.
“Giá chung nó thế, ai chẳng thích nhiều hơn. Ngày xưa tôi làm thuê cho địa chủ nuôi các anh, quần quật cả ngày ngoài đồng chỉ được miệng bát gạo thì sao?”
“Xưa khác, giờ khác, mẹ cứ nói...”
“Xưa hay nay thì cũng phải tự làm mà ăn, có làm mới thấy hết giá trị đồng tiền. Dễ kiếm, dễ mất. Loại tiền ấy không hay ho gì đâu”.
Ông con thứ trưởng khẽ giật mình, dù biết bà không ám chỉ ông. Không bao giờ bà hỏi, mà ông cũng không bao giờ đem chuyện mình nói với bà.
“Thế khoản tiền mấy trăm nghìn hàng tháng con gửi, mẹ không ăn tiêu thì để làm gì?”
Lần này thì bà cụ ngước lên nhìn, có vẻ ngạc nhiên:
“Anh nói lạ nhỉ. Khối gì dịp cần đến. Con người ta có phải lúc nào cũng khỏe mạnh, làm ăn thuận buồm xuôi gió mãi được đâu. Cả anh và các con anh cũng vậy thôi.”
Ông thứ trưởng lại giật mình. Tất nhiên ông không nghĩ một lúc nào đó sẽ cần lại số tiền ít ỏi đã cho mẹ, nhưng có thể lần này ông gặp nạn. Có thể mấy ngôi nhà sẽ bị tịch thu. Thậm chí có thể ông bị tù. Hay ông sơ ý để lộ nên bà cụ đoán hiểu tình cảnh ông lúc này?
Ông có hai đứa con gái đã lớn. Một làm ca sĩ, cách đây không lâu xin ông ngót nghét tỉ đồng để thành “sao”, bây giờ nó đòi cat-sê những mười lăm triệu một tối, dù ông biết nó hát giở ẹc. Đứa kia là họa sĩ nghiệp dư nhưng giỏi tiếp thị, vẽ nhăng nhít mà dám đề giá mỗi bức tranh những sáu, bảy nghìn đô. Thế mà có người mua mới lạ. Bịp bợm cả. Mà đã bịp bợm thì sớm muộn cũng lộ tẩy. Tức là có thể trắng tay như ông, nếu ông không thoát vụ này.
Hai con ông cũng hay về quê, đơn giản vì hiếu kỳ, coi như một chuyến “du lịch sinh thái”. Chúng mắc võng nằm dưới cây, trời mưa không thèm vào nhà mà còn reo lên thích thú. Chúng cũng buột miệng reo lên khi biết bà nội làm việc mười giờ một ngày chỉ được có hai nghìn đồng, như thể chúng bất chợt khám phá được điều thú vị. Rồi liền lúc đó mỗi cô móc túi tặng bà hai triệu đồng. “Chúng cháu biếu bà hai nghìn ngày công nhé. Hai đứa là thành bốn nghìn ngày. Bốn nghìn ngày là hơn mười năm. Ha ha! Nhưng chúng cháu không khuyên bà bỏ việc. Nếu thích bà cứ làm. Cho khỏe như bà nói”. Bà cụ cất tiền, cảm ơn rồi móm mém cười, đáp: “Để tôi cất giùm, đợi khi các cô lấy chồng tôi đưa lại”. Lại một đợt cười nữa, nhưng bà cụ không biết chúng cười gì.
Bên ngoài trời vẫn mưa lây rây. Hình như bắt đầu có gió lạnh, dẫu mới chỉ đầu thu. Bà cụ vẫn lặng lẽ làm việc. Ông con uống hơn một tiếng đồng hồ chưa hết bát chè vối. Hồi lâu ông lặng lẽ quan sát mẹ. Sự bình tĩnh, thư thái của bà lây sang ông, khiến ông thấy như yên tâm hơn phần nào, dẫu trong lòng còn bao điều lo nghĩ. Trong ngôi nhà bé nhỏ với bà mẹ già cũng rất bé nhỏ đang ngồi bên, ông thầm ngạc nhiên cảm thấy có cái gì đó ấm áp, sạch sẽ và an toàn, cái ông không có được khi sống trong ngôi nhà đồ sộ, kiên cố và tiên nghi của mình ở Hà Nội. Thậm chí từ lúc nào trong đầu bỗng xuất hiện mấy câu thơ vu vơ. Một bài tứ tuyệt ông không nhớ của ai. Cũng có thể của ông, vì ngày xưa, khi còn chưa dấn thân vào đường quan chức, ông cũng làm thơ. Bài thơ chẳng liên quan gì đến cảnh vật và tâm trạng hôm nay, trừ đầu đề. Kể lúc này mà ông còn nghĩ được đến thơ thì thật lạ.
Đầu thu, mưa nhỏ
Liễu lòa xòa, ao nhỏ,
Bậc đá rửa khập khênh.
Nhện đuổi nhau trên nước,
Lá sen úa, bập bềnh.
Và cũng thật lạ, đêm ấy ông lên giường sớm, tưởng sẽ trằn trọc không ngủ được, thế mà ông ngủ luôn, ngủ say. Không mộng mị. Không biết bà mẹ còn ngồi bên, lặng lẽ làm việc đến mười giờ đêm để có thêm một nghìn đồng nữa. Thỉnh thoảng bà nhìn lên giường, xem ông con thứ trưởng tóc bạc có sao không. Hệt như ngày nhỏ bà thức ru ông ngủ.
Hà Nội, 2003.

1 nhận xét:

  1. Có phải chúng ta là những thằng gàn dở không Dũng ơi?. Tớ thích những câu chuyện như thế này!.

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]