K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

3 tháng 11, 2015

Gặp bọ Lập và bác Thuyết ở Hà Nội

Sưu tầm

Hai bác Lập Thuyết. Ảnh: HM
Hai bác Lập Thuyết. Ảnh: HM

      Báo cáo bà con, Tổng Cua đã hạ cánh an toàn tại Nội Bài trưa thứ 7 (31-10-2015) sau chuyến bay DC-London-Bangkok-Hà nội dài 24 tiếng. Nhiệm vụ rất đặc biệt sẽ nói sau.

      Xem facebook thấy bọ Lập mò ra Hà Nội, liền nhắn, gặp được không. Thì gặp, xá gì. Tối thứ 2 nhé, anh Thuyết mời. Tưởng ông Thuyết nào buôn vua hay làm thơ, hóa ra ông Nguyễn Minh Thuyết Quốc hội. Giới thiệu hai ông Lập Thuyết có mà thừa, cả thế giới biết.

      Có chi tiết hay, ông Thuyết cựu đại biểu quốc hội gặp ông Lập cựu hội viên Hội Nhà văn (bố ấy tuyên bố ra khỏi các loại hội) kiêm cựu gì ấy nhỉ trước sự chứng kiến của nguyên IT World Bank, đương kim nhà báo Ngọc Quang, đương chức NXB Giáo dục Đào Tiến Thi.
      Chả hiểu chuyện trò thế nào mà bắt đầu về đề tài giáo dục, văn mẫu và nhất là đồng phục. Đúng là bệnh nghề nghiệp, Giáo sư Thuyết từng làm dậy sóng vì cho rằng “Bệnh đồng phục” dường như đang bóng đè lên xã hội Việt Nam, làm lẫn lộn các giá trị ảo và thật.
      Nói chuyện văn mẫu, lão Lập nhớ bài văn của thằng cu cấp 1 tả bố “Ông ấy đi trên cánh đồng mờ xa, cuối cùng trông ông bé như một con chó”. Thế là bị điểm kém vì không đúng với “đồng phục” của môn văn. Đại loại toàn chuyện cười ra nước mắt về nền giáo dục nước nhà.

Bác Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: HM
Bác Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: HM
Quay sang khuyên lão Lập nên viết tiểu thuyết để nước mình có giải Nobel chứ cả nước làm thơ thế này mà chẳng có giải gì. Lão Lập cười, có rồi, quê Quảng Bình có ông Hoàng Quang Thuận tự đề cứ mấy tập thơ “Hoa Lư thi tập”, “Ngọa Vân Yên Tử” và “Thi vân Yên Tử” được gọi là “thơ thần Phật”. Bọ viết thêm bằng thừa.
Mình chưa gặp bác Thuyết bao giờ, chỉ thấy trên tivi cụ cãi băng băng từ bauxite đến đường cao tốc, gần đây là chuyện đồng phục. Ngoài đời trông bác hiền từ, trẻ rất nhiều so với tuổi gần 70, cười có má lúm đồng tiền như trai 20, hẳn là các cô mê như điếu đổ, nhất là tài ăn nói kiểu giáo sư có đầu có đuôi, đông tây kim cổ.
Bác bảo vui vì gặp Hiệu Minh, đọc blog nhưng không còm. Hóa ra hang Cua nổi tiếng phết. Vào tới Quốc hội có phải chuyện đùa. Các còm sỹ liều liệu mà văng lung tung, viết lách có chứng cứ, không nên cảm tính phán bừa.
Thấy bác Thuyết ung dung, chẳng có vẻ người về hưu thường nhớ ghế thời oanh liệt. Bây giờ bác cũng bận, đi giảng bài, đi nói chuyện, viết báo, viết sách. Bác kể về bác gái cũng tự hào như lão Lập kể về chị Hồng. Hai ông bà đi thể thao, đi du lịch, thăm thú đều có nhau. Hai bác ở nhà dùng một phòng làm việc để chung điều hòa, bác gái mê phim tivi, bác trai ít đọc hơn nhưng lại biết nhiều văn hóa thứ 7 nhiều hơn. Về già quan tâm tới nhau là hạnh phúc rồi.
Mình vừa về hưu nên hiểu, ai chuẩn bị tốt cho bước ngoặt sẽ tìm được cái gì đó tốt cho mình và nếu tốt cho đời càng hay.
Hỏi hồi ở Quốc hội bác có bận không? Có chứ, mình tự làm mình bận, nếu không thích bận, cứ ngồi im trên hội trường lại được khen. Muốn đóng góp thì ngồi đâu cũng vậy kể cả lúc không có ghế.
Nhà báo Ngọc Quang và anh Đào Tiến Thi gọi bác Thuyết là thầy vẻ trịnh trọng. Chưa chừng đây là giáo sư Thuyết thứ thiệt.
Lão Lập gặp mấy lần rồi, chẳng lạ. Tối qua thấy vui cười lớ phớ, uống rượu cũng ít, không thuốc lá, sức khỏe lên trông thấy.
Hỏi các cháu thế nào. À, có việc làm hết rồi, nhờ ơn mấy tháng vắng nhà mà con cái ngộ ra phải tự lo lấy bản thân. Anh kể lúc ngồi trong xe bịt bùng cũng vậy, phải tự lo cho mình thôi.
Nhờ giời vợ cũng đảm, lo cho chồng chu đáo. Biết chồng được tại ngoại trước Tết, chị Hồng lầm bầm, giá sau Tết có phải được nhiều quà không. Tự nhiên chống gậy mò về, ghét mặt.
Hỏi nhớ gì hồi trong R. À nhớ các bạn cùng phòng. Toàn dân anh chị, chẳng đọc sách vở gì, coi mạng người như ngóe, nhưng đối xử với nhau rất đàng hoàng. Hỏi có biết tình cát không, ôi, làm tình trên cát nóng bỏ mẹ, có mà dở hơi. Bọn em chỉ biết cát tặc thôi.


Bọ Lập ở Hà Nội. Ảnh: HM
Bọ Lập ở Hà Nội. Ảnh: HM
Có nhiều thời gian, thông minh sẵn có, giải quyết nhu cầu cuộc sống như các nhà cách mạng tiền bối. Trại phát chăn màn trong cái phòng trống trơn không hề có cái đinh. Bác Lập ngẩn tò te hỏi làm thế nào. Ui, để đó bọn em.
Mấy cháu lấy cơm nguội trộn với đường và nước, dán lên tường có đoạn dây là cái khăn xé. Sau vài tiếng cơm đường tác dụng hóa học khô cứng lại thế là 4 đầu 4 dây để mắc màn cho bọ. Đưa cho giáo sư tiến sỹ bên ngoài có khi trượt hết.
Những người bàn chuyện thế sự với anh cũng tôn trọng bọ, lịch sự, lễ phép bác cháu. Các bạn ở cùng chiều bọ tới chốn, từ đi tắm đến vệ sinh cá nhân. Cảm động chẳng biết làm gì hơn. Thế là bọ giở món khẩu văn ra bốc phét. Tối tối kể chuyện lịch sử, từ bà Trưng, bà Triệu đến An Dương Vương. Đôi lúc bịa thêm cho người nghe há hốc mồm. Các anh lính canh cũng tới cửa nghe quên cả gác.
Hỏi có biết Mỵ Châu Trọng Thủy không? Dạ biết nhưng không nhớ. Mỵ Châu từng dùng lông ngỗng rải dọc đường để Trọng Thủy biết đường mà tìm. Nhưng rải một lúc lông ngỗng hết, nàng thông minh dứt “tóc quí” ném bên đường vì “tóc” nàng có mùi thơm đặc biệt, chỉ có mình Trọng Thủy biết.
Rồi nàng chết ở giếng Cổ Loa, con gái làng uống nước giếng đó, “tóc quí” không mọc được. Cả bọn nhao nhao, thế à, thế à. Khi nào bọn em ra trại phải lên đó xem sao. Nếu đúng, bọn em bắt cóc anh vô trại chỉ để kể chuyện đêm khuya.
Mấy tháng trôi nhanh, xong lúc nào không nhớ. Lúc ra rồi chợt tiếc sao ở ít thế nhỉ. Lâu hơn có bao tư liệu quí cho nhà văn mà ngoài đời không thể biết. Cả hội mơ màng, hay nhỉ, vào thử xem sao.
Kết thúc bữa ăn do bác Thuyết chiêu đãi, anh Lập tặng cuốn Tình Cát đề “Tặng HM và gia đình”. Mình tranh thủ xin chữ ký, khi bán đấu giá lấy tiền làm từ thiện thì những chữ ký đó thành đô la.
Chả biết viết gì về vị đại biểu QH vang bóng một thời và cây viết khẩu văn đặc Quảng Bình từng bị rắc rối. Thôi thì đưa mấy cái ảnh làm chứng và cảm ơn các anh vì cuộc gặp mặt nhiều ý nghĩa.
Chúc các bạn vui.
HM. 3-11-2015
Chữ ký kỷ niệm. Ảnh: HM
Chữ ký kỷ niệm. Ảnh: HM
Nhóm gặp gỡ. Ảnh: HM
Nhóm gặp gỡ. Ảnh do chân dài nhà hàng chụp hộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]