( tiếp theo )
Hùng6a
Anh Tiến dẫn bọn mình đến nhà cụ Khiếm. Nhà cụ Khiếm ở trên một quả đồi phía trong cùng của thôn. Vào sân, bọn mình chào hỏi, anh Tiến thì giới thiệu, cụ Khiếm tiếp bọn mình chẳng lấy gì làm niềm nở, có một thằng em thấy cứ đứng ở góc sân nhìn bọn mình.
Anh Tiến về, cụ Khiếm bà đưa bọn mình vào trong nhà, chỉ chỗ cái phản bảo bọn mình ở đấy. Mình hơi chờn chợn khi nhìn thấy cỗ quan tài màu đỏ kê cạnh vách chỗ cuối phản. Thấy mình nhìn cỗ hậu sự, cụ bà bảo: các anh để các thứ lên đây cũng được.
Bọn mình bỏ tất cả tư trang, sách vở lên phản rồi xin phép ra giếng rửa ráy. Thấy cụ Khiếm cứ ngồi ở cái bàn dưới nhà ngang nhìn ra. Rửa ráy, thay quần áo xong, bọn mình cũng định chuyện trò làm quen với hai cụ, nhưng cụ bà thì thấy cứ lẳng lặng, cụ Khiếm thì thấy cứ khinh khỉnh, còn thằng em thì chẳng thấy đâu cả, chắc là nó lại đứng ở một chỗ nào đấy nhìn bọn mình. Cũng đã đến giờ đi ăn cơm, bọn mình xin phép hai cụ rồi đến nhà ông Đèn.
Ở đây lại có sự đông vui, tíu tít của cả lớp. Mọi người lại kể cho nhau biết chỗ ở của mình, chỉ dẫn cho nhau đường đi lối lại, rồi nghe phổ biến kế hoạch của lớp. Cơm thì được chia ra từng mâm theo từng nhà, ai ăn tại đây thì ăn mà mang về thì mang.
Những ngày đầu, việc nấu ăn do lớp tự cử người ra làm. Cơm nước và mọi việc xong xuôi, bọn mình trở về nhà. Quỳnh và Thuyết thì sắp đặt tư trang, sách vở, chuẩn bị chỗ ngủ, còn mình thì ra bàn ngồi nói chuyện với cụ Khiếm.
Đầu tiên, mình định giới thiệu qua về bọn mình và hỏi thăm về gia đình cụ, nhưng mới nói được nửa chừng thì cụ Khiếm nói lạnh tanh: đây cũng là việc dân việc nước mà các anh mới đến đây, chứ nếu không thì các anh biết đây là đâu. Các anh ở thì cứ ở nhưng mọi thứ phải gọn vào, đừng có bày bừa ra.
Ở phía sau, thấy Quỳnh và Thuyết hỏi chuyện thằng em, nó tên là Hợi, năm nay nó mười sáu tuổi, chỗ nó ngủ là cái giường bên trong cái phản, cụ Khiếm gắt: thằng Hợi đi ngủ đi để mai còn lao động. Cụ bà từ nãy tới giờ vẫn ngồi im trên giường không nói câu gì, chỉ thỉnh thoảng lại nhìn mình.
Thấy cụ Khiếm có vẻ nhạt nhẽo, cách nói của cụ lại bốp chát làm mình cũng mất hứng, mình nói: chúng cháu ở đây, nếu có gì không phải thì xin các cụ cứ dạy bảo. Rồi mình lấy lý do đi đường mệt, xin phép các cụ đi ngủ, ba thằng cùng lẳng lặng ngả lưng xuống phản.
Sáng hôm sau, bọn mình chợt thức giấc khi nghe thấy tiếng cụ Khiếm nói to ở ngoài sân: cái quân ươn xác, ai làm cho mà chui. Mình nhổm người nhìn ra ngoài thấy trời mới tờ mờ sáng. Thấy Quỳnh bấm mình một cái, hóa ra cả ba thằng đều đã tỉnh như sáo. Mình bảo: thôi dậy đi, ra xem cụ ấy làm gì thì mình làm đỡ. Nói rồi mình đi ra sân.
Thấy cụ Khiếm đang đứng dạng chân, hai tay chống nạnh đứng ở mé sân phía đầu nhà đằng kia. Chỗ đầu nhà thấy thằng Hợi và một thanh niên nữa mà cụ Khiếm gọi là cháu đang lụi hụi dọn dẹp. Mình nói:
- Cụ làm gì để chúng cháu làm đỡ.
- Không khiến các anh. Cụ Khiếm nói.
Mình vào chỗ thằng Hợi đang loanh quanh và bảo: làm gì cho các anh làm hộ. Thằng Hợi nói:
- bố em bảo đào hầm tránh máy bay.
Mình bảo Hợi: em hỏi cụ xem định làm thế nào? Thằng Hợi lưỡng lự đang định ra thì thấy cụ Khiếm ra lệnh dõng dạc: thôi, không làm nữa, thằng Hợi ra cho bò ăn.
Hóa ra, cụ Khiếm vẫn đứng nhìn và nghe mình nói chuyện với thằng Hợi. Khi mình quay ra thì cụ cũng quay đi và xuống nhà ngang. Mình vào nhà lấy khăn mặt, thấy Thuyết và Quỳnh bảo đã ra đến sân nhưng thấy cụ Khiếm nói không khiến nên lại thụt vào ngồi nghe.
Ba thằng ra giếng rửa mặt, thấy cụ Khiếm cứ ngồi trong nhà ngang nhìn ra, làm cho thằng Quỳnh cứ lóng nga lóng ngóng làm va gầu vào giếng, rồi nghe tiếng cụ Khiếm: quân phá hoại, phá hỏng thì mua về mà dùng. Mình nghĩ tại sao cả lớp chúng nó vừa mới vào mà đã biết cụ Khiếm, chẳng có đứa nào đến ở đây cả?
Hôm ấy, bọn mình đi làm công việc của lớp rồi đi thăm một số nhà anh em ở, tìm hiểu ra mới biết: cả cái thôn này ai cũng biết cụ Khiếm là người khó tính và lập dị, đặc biệt là cái tính hách dịch và coi người khác không ra gì. Mọi người càng tránh cụ thì cụ càng bực bội. Cụ không trút cái bực bội ấy cho ai được thì về nhà cũng làm khổ vợ con ở cái sự bắt ne bắt nét quá mức, khiến thằng con lớn của cụ tên là Tuất chán nhà bỏ trốn đi theo bộ đội, đến bây giờ vẫn chẳng có tin tức gì.
Đấy là tất cả những gì mọi người biết và nói về cụ Khiếm, còn mình vẫn chưa có ác cảm gì với cụ, mình còn cho rằng mọi người chưa hiểu hết về cụ. Buổi trưa, trên đường về nhà, Quỳnh và Thuyết cũng có ý ca thán cụ Khiếm, nhưng khi về nhà thì bọn mình vẫn vui vẻ bình thường. Cũng trưa hôm ấy, khi mọi người đang nghỉ trưa, mình đi ra chỗ đầu nhà thì thấy cụ bà đi theo mấy bước, cụ vừa khẽ kéo áo mình vừa khẽ nói: này anh Hùng tôi bảo. Mình quay lại và hỏi cụ: cụ bảo gì cháu ạ?
Cụ bà nói, giọng cụ khe khẽ như thì thầm: ông nhà tôi tính nết khó tính như thế nhưng không có gì đâu, các anh cứ ở đây chứ đừng đi đâu nhá. Mình nói: vâng, chúng cháu vẫn ở đây, không đi đâu. Mình thấy cụ quay lại, hơi cúi xuống và lấy tay chấm vào mắt. Mình thấy thương bà cụ, định nói một câu gì đấy nhưng lại không nói được.
Trời ạ ,một câu chuyện về công tác dân vận còn hay hơn cả bộ đội dân vận đấy.anh Em mình cũng tài đấy chứ .nếu không có dân thì ở với ai ?thế Bố Mẹ mình không phải là Dân chác.Cảm ơn Hùng đã cho lũ lính chúng tôi biết được hoàn cảnh sơ tán gian khó không kém ai.
Trả lờiXóaVậy là các bạn ở lại cũng vất vả lắm, chẳng kém bọn đi lính mà không phải bắn nhau như tụi mình đâu! Nhưng gần cái chết thì bọn mình có hơn một chút. Nhưng đó mới là giữa năm 1972? Hình như là nửa cuối năm 1972 rồi. Năm ngoái Tuyết Thái nguyên có kể lại chuyến về thăm làng ven đê sông Cầu khi mà K6 về đắp đê tháng 8-1972 mà... Khi đó chưa sơ tán tiếp vào Bình Định.
Trả lờiXóaRất mong Hùng và mọi người kể tiếp đoạn sau từ cuối năm 1972 đến khi ra trtường đi.
Hôm nọ nghe Hùng kể đến giờ vẫn nhớ hôm bạn Hiền mặc váy lên hội diễn văn nghệ trông đẹp quá trời luôn mà đến giờ vưỡn thấy đẹp... MÌnh muốn nghe kể tiếp nhiều lắm đấy!
CHuyện này hay lắm . Nhưng kể chưa hết . Cụ Khiếm là cụ nông dân ở khắp làng quê mình thuở ấy .
Trả lờiXóa