K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

20 tháng 12, 2012

Đông chí, lại đi tìm nhau


                                                                                                                                 Tản văn
1- Đông chí, theo âm lịch là một trong 24 tiết khí trong năm, nó rơi vào giữa mùa đông.
Năm nào cũng vậy, những ngày này bầu trời u ám, những hạt mưa bay lất phất trong khí lạnh buốt giá, như ngàn mũi kim châm sắc lạnh vào thịt da, làm cho ai nấy đều xuýt xoa, cóng rét.
       Cái thời tiết đáng ghét này cùng những nỗi dấm dứt, nhức mỏi  trong cơ thể do bởi những chấn thương của thời chiến tranh xa xưa, đã làm tôi vốn lẩm cẩm lại càng thêm lẩm cẩm…
      Nhớ đọc ở đâu đó, người ta bảo Đông chí cũng là ngày tết của thế giới bên kia - cõi âm, mở cửa để tất cả thần dân của mình được tự do dong chơi bất kể nơi đâu.

 Với tôi, những  thần dân đó là các cụ kỵ tổ tiên, là cha tôi, anh tôi… và có cả rất nhiều người bạn ở tuổi  thiếu thời, ở tháng năm sinh viên cơ điện và nhất là ở những năm tháng thật nhiều gian nan lính tráng... Họ đã  giã từ tôi, đã bỏ tôi ra đi, mà có người chưa để lại một lời từ biệt… Biết đâu, rét buốt thế này, tôi maymắn gặp được họ chăng?

Chiều đông - ảnh tư liệu, minh họa
2- Chuyện  xảy ra cách nay đã 40 năm .
Đó là một địa điểm lưu trú của những người lính chúng tôi dọc đường hành quân.
Chúng tôi đã đi suốt đêm từ Kỳ anh tới Đức thọ Hà tĩnh. Lúc đến trạm mới, cũng vào quãng 3 giờ sáng... Cái đói rét, cái mệt mỏi của cả một chặng đường xa làm cả tiểu đội chúng tôi sau khi được phân công về nghỉ nhờ một gia đình nông dân, đã ngã lăn ra tấm phản giữa nhà của gia chủ, nêm vào nhau, chả cần bỏ giày dép, ngủ như chết.
 Chắc lúc đó cũng sang buổi ban trưa. Có tiếng lao xao của trung đội trưởng sang các nhà đánh thức lính dậy. Ai đó đập nhẹ vào mông tôi, nói nhẹ :
- Này dậy đi, dậy xem kìa..
Tôi hé mắt, ngái ngủ nhìn lên, thì thấy anh Đặng văn Cẩn (K3 máy, dân phố Mai Hắc Đế, Hà nội) nhìn trân trân lên xà nhà. Theo hướng nhìn của anh, tôi nhận thấy dòng chữ viết bằng phấn trắng viết bảng dạy học  K6 Ma - BC11R .
Tôi như bị điện giật, đang nằm vội bật dậy, choáng váng ngồi chết chân giữa phản. Dòng chữ ngắn ngủi này chỉ những anh em SV trường mình biết với nhau mà thôi. Nó nằm lẫn giữa bao dòng chữ khác, những dòng chữ ghi lại địa danh các vùng miền phía bắc đất nước, nào Hà tây, Hải hưng, Vĩnh phú... thậm chí có cả những tên làng xã, huyện... mà cái thằng tôi mới lớn lên chưa được nghe bao giờ.
Tôi lật đật chạy sang nhà kế bên, gọi tìm thằng Nguyễn Tất Nhân cùng K6A với tôi, kéo nó sang để cùng tận mắt ngắm nhìn dòng chữ đó.
Hai thằng tôi cùng lặng người, như bất chợt gặp được người quen giữa thâm sơn cùng cốc, rồi ngửa cổ chăm chú và cùng nghĩ tới, cùng suy luận, dò đoán ai là người đã để lại dòng chữ này.
Họ chắc chắn là người cùng lớp mình.
Họ chắc chắn đi lính trước mình, đợt nào nhỉ,?
Những người cùng lớp đi những đợt trước, chỉ có 2 lần là tháng 8/71 và tháng 12/71. Lần lươt cả hai thằng tôi nhắc tới. Đó là Đặng văn Khanh, dân Hà nội, là Ngô Kim Tính (Lào cai), Lã Pính San, Mã Trung Chích (Lạng sơn), Nguyễn Văn Doanh (Tuyên  quang)…
Không nhớ được nữa, chúng tôi tự trách mình sao chóng quên đãng.
3-  “ Chỉ một  lần thôi  mà mang nỗi nhớ mênh mông
 Máy quay đĩa nhà ông CCB hàng xóm đang để cô ca sỹ Cẩm Vân hát hết cỡ, bài hát  Bài ca không quên  của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn. Câu hát như bóp chặt lấy hai thái dương tôi.  Đúng rồi chỉ một lần thôi… Dường  như tôi vẫn đang sống cùng cùng bạn bè đồng đội như ngày nào vậỵ
       Ở trong rừng, những lúc có dịp, mấy thằng K6 lại tận dụng triệt để cơ hội gần nhau. Thi thoảng có thêm vài củ sắn nướng, khi thì dăm lát sáp non ong rừng mùa mật đẫm hương hoa và vị ngọt, vừa hạ trên cây xuống…
Những lúc đó ký ức về dòng chữ K6  thi thoảng lại  được nhắc tới.
Rồi chúng tôi kể cho nhau nghe về truyện Người thầy đầu tiên trong tập truyện ngắn Cây phong non trùm khăn đỏ của nhà văn xô viết AimaTop, kể về cô bé Altynai được người thanh niên Duysen dạy học. Anh cho cô bé biết chữ, khi hết vốn ít ỏi của mình, anh đã dũng cảm nói với em về khả năng mình chỉ có vậy… Nhưng, anh cũng không hiểu được hết là, chỉ bấy nhiêu thôi, anh đã truyền cho cô bé khát khao vươn lên, vượt qua những mặc cảm, định kiến, tập tục xã hội đương thời, cô bé đã trốn nhà ra đi, ra khỏi lũy tre xanh tìm chân trời mới, tự quyết định cho riêng mình số phận của mình, sau này cô bé trở thành viện sỹ hàn lâm khoa học…
Rồi chúng tôi còn kể cho nhau nghe những câu chuyện mà hình như cả bọn đều biết. Đó là anh Lý Tự Trọng, trước ngày ra pháp trường, còn tranh thủ đọc truyện Kiều. Khi những người gác ngục hỏi thì anh trả lời, đọc để học làm người tử tế, và nếu chết cũng phải là ma tử tế.
Nhiều năm sau nữa, tôi được theo cha mình tới thăm 1 cụ già, mà theo cha tôi nói, vào những năm đầu của thế kỷ trước, cụ già đó đã xa rời Hà nội, ra Móng cái dạy Pháp văn cho những lứa trẻ con, trong đó có cha tôi. Cha tôi luôn đi phía trước chúng tôi vài bước, ông còn ngoái lại đọc và giảng giải cho chúng tôi nghe câu phương ngữ: ”Mồng một tết cha, mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy”
4- Sau chiến tranh chúng tôi, những thằng đi lính tháng 5/1972 đều đã trở về. Trong không khí ngất ngây của ngày chiến thắng, chúng tôi cũng không hề quên dòng chữ K6Ma-BC11r trên cái xà gồ lem luốc ở nơi xa xôi ấy. Chúng tôi muốn hỏi ai, ai là người đã lưu viết dòng chữ đó. Cái  người đi những đợt đó trở về thì chưa bao giờ hành quân qua đó. Còn những người hành quân qua đó thì vẫn chưa về…
Trời ạ, chiến tranh thì khốc liệt như thế. Chúng tôi là những kẻ đi sau, đến với cuộc chiến không được nhiều, thậm chí có nhiều phần may mắn. Dẫu vậy, chúng tôi cũng thống hiểu được sự hy sinh rất nhiều, rất tang thương…
Chưa về, có thể bạn đã nằm lại đâu đó trên mảnh đất của Tổ quốc yêu thương, vĩnh viễn dâng hiến thân mình cho sự nghiệp thống nhất đất nước.
Chưa về, cũng có thể bạn bị thương, không còn đủ khả năng quay lại trường cũ. Phần đời còn lại mãi gắn bó với trại thương binh, nên  bạn không thể xuất hiện, 
Chưa về, có thể bạn là một chiến binh rất quả cảm, đầy mưu trí. Quân đội lại tiếp tục cần bạn phục vụ lâu dài và bí mật nữa chăng?
Và dẫu không muốn cũng phải nói ra, có thể ở nơi chiến địa, lý tưởng bạn đã thay đổi? Nếu vậy bạn cũng không thể về được! con người còn bị ràng buộc nhiều thứ lắm chứ.
5- Chỉ còn vài giờ nữa là sang ngày đông chí. Nhớ ngày nhỏ người lớn nói, vào những đêm mưa dầm gió bấc, gió lạnh ù ù thổi, nhất là tiết đông chí, ma hay về.
Ngoài kia trời lạnh lắm, bầu trời xám xịt, lất phất dăm ba hạt mưa, cả một không gian đặc quánh màu sữa, sũng nước, cảm giác đụng nhẹ là nước sát vào thịt vào da.
Đêm nay, từ giờ hợi trở đi, tôi sẽ lên sân thượng, rót rượu, đốt nến, ngồi chờ …
Tôi những tin rằng tôi đã có một cơ hội tốt để toại nguyện mong muốn cuả mình.
Ơi những linh hồn bạn tôi, tôi muốn nói với Bạn là:
- Khi nhà văn Aimatop viết Người thầy đầu tiên, chính ông, chứ không phải cô viện sỹ Altynai kia, đã bước vào thế giới của những cái đẹp, bởi ông đã thức tỉnh nhiều thế hệ thanh niên ham muốn làm đẹp.
- Khi đọc truyện anh Lý Tự Trọng đọc truyện Kiều trong ngục tử tù, thì không ai khác, chính người viết lại câu chuyện đó luôn nhận ở tôi sự tôn thờ. Bởi lẽ ông đã thừa hưởng và tiếp thu thật nhuyễn tinh thần nhân văn của thế kỷ ánh sáng, đó là Victohuygo, là Banzac, là Flobe… Đó cũng là cái đẹp, cái đẹp của sự dấn thân, cháy hết mình cho 1 lý tưởng.
- Còn Bạn, bằng hình ảnh bạn vươn người đứng trên cái phản, rồi rướn lên cao, cao nữa để  viết lên dòng chữ K6Ma-BC11R ở nơi hoang dã ấy. Khi đó Bạn đã hóa thân mình vào một thế giới khác, tôi nghĩ bạn đã trở thành người thầy của tôi. Mấy chục năm nay nhờ dòng chữ đó  bạn đã luôn giúp tôi trở về thời trẻ trai tươi đẹp, những năm 70 của thế kỷ trước..
A di đà phật, rượu đã rót rồi, cầu mong  hãy về cùng tôi, bạn ơi.
                                                                                                                                 Đông chí 2012
                                                                                                                                        Trác Dũng

15 nhận xét:

  1. Anh Trác Dũng viết như nhà văn Aimatop, hay, hơi dài, phải "tâm hồn văn chương" lắm mới dám ngồi đọc hết. Nói vui thế thôi, văn chương gì, chẳng qua 40 năm được lung luyện trong cái nền giáo dục liên tục "cải cách" và mục tiêu tạo nặn ra con người mới XHCN nên bây giờ anh em chúng tôi thành lười đọc, lười viết cả rồi. Không biết các thế hệ tiếp theo khi nào thì chúng lại quay về được ngày xưa. Lịch sử phát triển theo đường xoáy ốc mà.
    Bài viết của anh Dũng đã gợi lại nhiều kỷ niệm thời sinh viên làm lính, và từ đó không thể chối cãi, tình bạn thời sinh viên là rất đẹp.
    Tôi nhớ anh Dũng có hứa sẽ vào và viết cho Blog K8 thường xuyên, nhưng hình như anh chưa ra tay phải không. Hy vọng sẽ được gặp anh trong Blog K8 nhiều nhiều nhé.
    PVQ K8A

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Quang đã dành thời gian đọc TD, hân hạnh.
      Ngay từ ngày đầu có Blog, mình có tâm sự với Đào Việt Dũng về chuyện này và mong muốn viết , nay mới đủ cảm xúc viết ra đấy. Còn sai sót gì mong đươc cảm thông.
      Thời trẻ chúng mình chỉ cắm đầu vào học, có đi chăng nữa chỉ là đi lính hoặc TNXP thôi.Vậy nên đề tài không hấp dẫn đâu, mình biết vậy , nhưng nếu ko viết mình cảm thấy như nợ người viết dòng chữ đó. Thông cảm nhé.

      Xóa
  2. Đông chí là ngày Tết của thế giới bên kia, của ma cho nên Trác Dũng toàn nghĩ về ma, chơi với ma. Nhưng ma của Trác Dũng chơi toàn là ma tốt, ma đẹp... Bây giờ ai cũng sống tốt như các ma ấy đã từng sống thì đất nước này không đến nỗi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đề nghị ĐVD đọc Liêu trai chí dị nhé, đọc rồi mê luôn.
      Mình cũng đang muốn gặp hồ ly tinh dây này... Nhưng nghe nói phải luyện mới được.
      Ai biết chỉ dùm.

      Xóa
  3. có mấy vấn đề cần hỏi Tr Dũng :
    -Thứ nhất thời gian khi đó là bao giờ :Tức là đoàn 1040 đi vào hay đi ra
    -Cụ thể hay chính xác thì ở xã nào của Đức Thọ
    Khi hai vấn đề trên được làm rõ thì có câu hỏi tiếp là Kỳ Anh ở bên trong còn Đức Thọ ở bên ngoài (ngay cạnh sông Lam giáp với Nghệ An nên có đi ngược không?
    Còn muốn biết là ai thì Tôi khắng định là D54 không qua đó mà hỏi Hán Thắng xem D45 khi đi B có nghỉ lại đó không?Lớp A khi đó có Đăng Văn Khanh,Đới sỹ Liêu và Nguyễn Bá Doanh Tuyên Quang.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Nguyễn Doãn Thọ.
      Mình không ghi nhật ký nên có lẽ không trả lời đươc những điều Thọ hỏi. Chỉ nhớ là khi đó khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 1972. Sau khi mình chỉ cho Nguyễn Tất Nhân xem, chúng mình ra ngoài chơi thì chỗ đó gần sông nhỏ, có nhiều bè tre nứa, và cả những cây gỗ rừng đã khai thác ở trên nguồn ghếch bên bãi... nói tóm lại chỗ ở đó lầy lội , không khoái lắm, nhưng dân thì cực tốt.

      Xóa
  4. Trong một ngày nghỉ hành quân tại Cự Nẫm, tôi cũng ngước mắt lên mái nhà gỗ lợp ngói của bạn Huê K7 (mà mãi sau này tôi kể lại với Tế thì mới biết đó chính là nhà bạn đời của Tế tương lai). Trên đó là một sấp thư tình cực hay, tôi còn mang theo vào Trường Sơn, vậy mà bây giờ không sao nhớ được...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ ĐVD, lại một kỷ niệm " sâu sắc ", chắc chắn rất thi vị. Bạn hãy liên lạc với Tế , chia xẻ với NHÀ K6 mình nhé. Rất mong chờ

      Xóa
  5. Đọc bài em thầm thốt lên: Sao anh viết hay và cảm động đến thế. Ai dám nghĩ : Anh kỹ sư Cơ điện, anh lính lại có tâm hồn văn chương và thấm đậm nhân văn đến vậy…Em tự hào được làm đồng môn của anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Bạn Hòa (?) đã đọc và quá khen. Mình xấu hổ lắm.
      Thú thực, mình thấy mình quá già, và ở 1 góc nào đó " chểnh mảng" sự nghiệp cuộc đời, lí do là chưa có bài nào viết về công việc, nghề nghiệp, mà hơn 30 năm ra trường đã làm gì và làm được gì.
      Hy vọng với sự động viên, góp ý của Bạn và các bạn và trên hết, chúng mình cùng viết chia xẻ, ngày mỗi ngày chúng mình thực tế hơn.
      Cảm ơn nhiều.

      Xóa
  6. Trác Cường K8MB em anh Trác Dũng chưa viết đấy, còn khoe trước đã từng làm thơ...khá bất ngờ.
    Ở ngoài cũng nhiều hồ ly tinh không chỉ ở Liêu trai chí dị mới có. Sợ không dám gặp đấy thôi, cũng hấp dẫn lắm...
    Dòng chữ trên biết đâu không phải do thành viên lớp các anh viết mà do bạn thân của họ thì sao? Địa chỉ cô bạn học lớp các anh chẳng hạn...



    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ K8 thân mến.
      Cường em mình thủa học cấp 3, viết cũng được. Chân thành, chu đáo, sâu sắc, văn phong giàu hình ảnh, biết kết cấu hợp lý bài viết.( Có một chuyện là, khoảng chiều 29 tết 1973, khi đó mình đang ở khu 5 cùng các anh em trường Cơ Điện,nhận được thư Cường gửi. Hình như lần có thư đó ở đại đội Cơ Điện chỉ có hai ba người nhận được thư. Thư Cường viết từ trường Cơ điện mình nên cả đại đội yêu cầu mình đọc to cho cùng nghe.Ở thư đó Cường dành khá nhiều cho cuộc sống năm đó của trường và của k6... nên mọi người cũng thấy khoái...).
      Bây giờ Cường nghỉ việc khá lâu rồi, nên mình nghĩ, các bạn K8, mở ra Blog chắc Cường hưởng ứng nhiệt liệt đấy. Những năm Trác Cường về nhà máy cơ khí Hòn gai làm việc, rất xuất sắc, có nhiều sáng kiến, có cả mấy cái cấp bộ... mình nghĩ, nếu viết lại được cũng hay , vì trên hết đó là thành tích dạy học chất lượng tốt của trường và hơn nữa, chúng mình đã có những tháng năm sống đầy lý tưởng. Mình nhớ, có hôm Cường , mới tảng sáng đã lục sục dậy, nói chỉ mong đến nhà máy, thực hiện tiếp Đồ gá- sáng kiến nâng cao năng xuất lên 200% của mình...
      Hy vọng ,Blog của các bạn K8 có những bài viết chất lượng.
      Cảm ơn Bạn nhiều.
      ( À, bạn có ý tưởng hay đấy, mình không nghĩ ra. Rất có thể, dòng chữ trên xà gồ của ai đó viết, họ nhớ bạn gái của họ, học ở K6Ma chăng? )- Có thể lắm chứ!!!

      Xóa
  7. Chào Dũng!. Mấy hôm rồi bận ít vào Blog. Lâu lắm mới lại "thấy" Dũng.
    Lần xuất hiện này bạn "chiêu đãi" món "đặc sản" rất TRÁC DŨNG. Khôn thế!, để anh em chờ đợi đến mềm người rồi mới bày ra. Có "món" gì mới cứ "hào phóng" với mọi người đi nhé, đã là đặc sản thì mọi người không bao giờ chán cả đâu!.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đang nhớ và thèm bánh cuốn Cao bằng đây, Triệu Bình ạ.
      Đã hai lần thưởng thức " đắc sản" của Thủy- vợ Bình và bạn Hiếu bạn của hai vợ chồng Bình Thủy, thấy rất muốn cảm tác , nhưng tài có hạn ( thé mới đau chứ).
      Quả thật, mình bí cái " mở đầu"- không biết bắt đầu từ đâu. - Từ món bánh cuốn có nước "dưới' hương vị đặc biệt, chấm rồi nhớ mãi hay là nụ cười "sơn cước' của hai cô gái Cao bằng , má hồng tráng bánh bên bếp lửa... Viết kiểu gì cũng phạm luật, âu là " Văn mình vợ bạn".
      Nhân đây, cũng xin phép Triệu Bình trước nhé, nếu có quá chữ trong khi viết thì cũng chỉ có lỗi là Không biết "lách",,, Thế nhé. tạm biệt.

      Xóa
  8. Trác Cường, Phùng Phong...K8 nghĩ hai bạn đó ở gia đình có truyền thống. Anh của Phong hình như cũng tên là Dũng ở CAVT làm thơ, viết...Hai bạn đó chưa nhiệt tình tham gia.
    Nói đến Cao bằng, K8 nghĩ ngay đến chị Ngọc Băng Tâm xinh đẹp thế. Một lần có một anh đi bộ đội về gửi người yêu học khoa Đông y ở HĐ vào phòng nữ. Nhìn chị ấy thật không chán mắt, nhìn thẳng mặt, nhìn ngang góc nào cũng thấy đẹp, ngay nét nhăn khóe mắt cũng đẹp. K8 cùng mấy người bạn một lần ở bến ô tô TN hay đâu đó nhìn thấy một chị cũng xinh lắm học SPTN tên là Thảo. Anh đó nói là hai người đó giống nhau đến anh đó cũng nhầm tưởng chị Thảo là người yêu. Chị Băng Tâm nói người yêu anh đó là hoa khôi của trường PT...
    Các chị này nhìn ngoài đã đẹp nếu mờ mờ ảo ảo như trong Liêu trai chí dị sẽ còn đẹp hơn nữa...

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]