Lần nào cũng vậy, cứ đi Sài Gòn công tác hoặc đi chơi tôi đều ghé qua chỗ hắn. Được cái hắn mến khách, nhà hắn thì rộng và cái chính là hắn đang ở một mình. Thực ra là hắn ở với hai cô công chúa của hắn, nói ở một mình tức là hắn không ở với vợ, và thực ra là hắn không có vợ nữa, và cũng không biết là hắn bỏ vợ hay vợ hắn bỏ hắn, tóm lại là hắn đang trong tình trạng gà trống nuôi con.
Biết hắn ở cảnh không vợ cũng đã lâu rồi, đôi lần tôi cũng ướm hỏi chuyện vợ con tiếp theo tính thế nào thì hắn chỉ ừ hữ cho qua chuyện, gặng cho rõ hơn thì hắn sổ toẹt “ Dào ơi, rách việc, vừa mới chui ra khỏi rọ dại gì mà đã tính chuyện chui vào” thế là tôi cụt hứng.
Hai cô con gái giống bố như đúc. Tôi chưa gặp vợ hắn lần nào, tuy nhiên cũng rất khó để tìm ra một nét nào trên hai gương mặt ấy là của vợ hắn. Các cô con gái sống với bố một cách bình lặng, êm đềm, hiếm khi thấy có to tiếng. Cô chị đã học xong đại học và đã đi làm, còn cô em năm nay mới thi vào đại học, đang phấp phỏm chờ báo điểm.
Hắn cũng thuộc loại người từng trải, bôn ba nhiều nơi, gian truân cũng lắm. Trông hắn ít ai nghĩ rằng hắn xuất thân từ một chàng trai Hà Nội, phố cổ hẳn hoi, mà bây giờ nhìn hắn như lẫn đi vào cái đám đàn ông đứng tuổi đang sinh sống ở cái phường 8 quận Gò Vấp này. Tính hắn giản dị, không hào nhoáng, bóng bảy như cái nhà của hắn vậy. Hắn nói phải chấp nhận cuộc sống và phải biết bằng lòng với những gì mình có. Số phận đưa đẩy thế nào mà từ năm 81 hắn đã vào công tác ở đất Cần Thơ và rồi dần dà sinh cơ lập nghiệp ở đó. Bao nhiêu năm lăn lộn vùng đất quân khu 9 nhưng dấu ấn về miền đất đó để lại trong hắn không nhiều. Dân miền tây và các món ăn miền tây thì hắn không lạ gì, “nhưng bọn ấy tư tưởng cục bộ địa phương lắm, ai đời mình là người miền bắc mà phải giơ tay biểu quyết nghị quyết là chỉ bầu người miền nam vào cấp ủy lãnh đạo, thế thì nó còn coi mình ra gì”, hắn nhớ lại. Và thế là hắn quyết định về hưu sớm và bỏ đất miền tây lên SG tìm đất dựng nhà. Quyết định đó cho đến giờ hắn vẫn xem là sáng suốt và là một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hắn.
Cảnh về hưu nhàn rỗi, hắn kiếm ra đủ ngón nghề để tiêu khiển. Đầu tiên phải kể đến là thú chơi chim cảnh. Sân trước nhà hắn treo chừng chục lồng chim, thôi thì đủ cả khướu, chích chòe, vẹt, chào mào …xanh đỏ tím vàng, ríu ra ríu rít tiếng chim gù, gáy, hót suốt cả ngày. Hắn say sưa kể với tôi về con chích chòe lửa bé tí treo ở đầu dãy của hắn mà tôi đã thót cả tim khi thấy hắn nói giá có đến cả chục triệu. “ Chưa là cái gì nhé, còn có con chích chòe lửa hiếm hoi mà có người đã bỏ ra đến 130 triệu để mua đấy” hắn khẳng định. Nghề chơi cũng lắm công phu, hàng ngày hắn phải săn sóc chim, cho chim ăn và vừa nghe chim hót vừa phải “hót” những gì chúng thải ra.
Kế đến là thú chơi cây cảnh, nhìn cảnh dàn giò lan nhà hắn thì ai cũng phải trầm trồ. Có dễ đến hơn 20m dọc theo chiều dài nhà hắn là các giò hoa cảnh được treo thành hai tầng, toàn phong lan là phong lan với các loại khác nhau. Đủ loại hoa lan với các mầu đỏ xanh tím vàng xen kẽ nhau, đua nhau khoe sắc. Không biết hắn nghiên cứu hoa lan từ hồi nào nhưng cứ nhìn cái “cơ ngơi” hoa của hắn như thế này đủ để hiểu vốn liếng kiến thức về hoa kiểng của hắn cũng vào loại đáng nể. Và chắc chắn rồi, giá cả của các loại hoa quý và đẹp này cũng không ít đâu nhé.
Tiếp theo phải kể đến là chó cảnh. Hắn có 3 “anh bạn” chó, màu trắng pha đốm vàng, trông cũng thuộc loại của hiếm. Một anh mõm ngắn, trông dáng đàn anh kẻ cả, hay khệnh khạng đi lại và ít sủa. Ngược lại là một anh bé tí, lau tau chạy đi chạy lại và sủa nhặng xị suốt ngày. Kể về anh chó này, hắn bảo “ thế là bự quá rồi đấy, sai lầm là tớ cho nó ăn nhiều quá nó phát phì ra, chứ đúng ra nó chỉ bé bằng nửa thế thôi”. Còn một anh nữa thì thấy bị xích suốt ngày, vẻ mặt thiểu não, hỏi ra mới biết rằng anh ta rất thích nhảy lên giường nằm mỗi khi được tự do nên phải xích lại. Quả đúng vậy, một lần vừa được thả ra, chỉ loáng cái, anh chó đã biến mất sau tấm rèm cửa vào phòng hai cô công chúa. Được cái hiếu khách, cả ba cùng lao ra cửa vẫy đuôi và sủa rối rít chào đón mỗi khi chủ khách đi đâu về nhà, vui đáo để.
Đấy là thú tiêu khiển, còn tiêu tiền thì phải có tiền mà tiêu chứ, vậy tiền ở đâu ra. Xin thưa, tiền từ bên cạnh hàng rào nhà hắn đẻ ra. Bao bọc và vây quanh nhà hắn là một dãy nhà trọ chừng hơn chục buồng mà hắn đã xây cất lên để cho thuê. “Đơn giản là vậy nhưng hiệu quả, ổn định và không phải lo nghĩ gì nhiều”, hắn nói vậy. Hàng tháng chỉ việc đi thu tiền thuê nhà và trả các loại chi phí như điện nước sinh hoạt…Nhờ vào khoản này mà hắn có thể ung dung tồn tại và nuôi con một cách khá dư dả. “Tuy vậy, đa số là công nhân làm ở mấy khu công nghiệp gần đó, họ ở trọ nhà mình quen rồi và không muốn đi đâu. Đa phần họ ở ngoài bắc vào đây, nhiều cảnh đời tội nghiệp lắm, mình cũng phải chia sẻ với họ..”, giọng hắn trầm xuống..
Tôi ở chơi nhà hắn 1 ngày, như lần trước đó, cũng chỉ một ngày thôi, rồi tôi lại đi, lại chia tay và hẹn gặp lại. Đời tôi là thế, đơn giản chỉ là những chuyến đi, về dĩ vãng, về tương lai, về những miền đất mà tôi chưa từng đặt chân tới… Song hình ảnh về hắn, một thằng bạn đồng môn, đồng cảnh với hai cô con gái sống bình lặng giữa Sài Gòn hoa lệ kia liệu có bao giờ tôi có thể quên.
Hà Nội, những ngày tháng 7
Trần Vũ Liệu
Cái Lão Liệu ki bo thế ,đưa ra 3 cái ảnh thì làm sao nhận xét được,may mà ảnh phong lan khá thoáng nên cũng thấy hơn hẳn dạo 5-2005 khi CCB Cơ Điện ghé thăm Hắn.Mong 2 Công chúa của Hắn chóng ổn định để Hắn còn hồi hương với cánh Ta,chứ cứ lủi thủi trỏng thì buồn thúi ruột ha.Đôi tháng nữa là Hắn ra Bắc đó ,lúc ấy tha hồ mà đòi nợ.Cứ mỗi bài nào có tên Hắn =một trận bia đã đời,mỗi lần nhắc đến Hắn là lại nhớ năm tháng ở Quảng Trị năm 1972 rồi Đại Hoá -Tân Yên...ra sớm đi Tường ơi
Trả lờiXóaLiệu viết giỏi lắm . Đơn giản thế thôi mà mình chưa biết Tuờng cũng đã hình dung ra Bạn ấy . Chỉ có bạn ( mà phải là BẠN )mới viết được thế về bạn . Thật là Cơ Điện muôn năm
Trả lờiXóaCảm ơn LIỆU + THỌ ,Sẽ ra mà THỌ ơi !
Trả lờiXóaBác Liệu và bác Thọ ơi!Hôm nào uống bia với bác Tường nhớ gọi mấy thằng k10 bọn em nhé!
Trả lờiXóa