Tôi ở K5 . Mà ở trường mình thì những K liền nhau trộn máu vào nhau dễ đến 40 %. Vì vậy khái niệm K này , K kia ở đại học Cơ Điện chỉ là tương đối . Nhưng K càng gần nhau càng dễ đồng cảm. Nguyễn Trọng Luân viết.
Vời vợi cửa Tùng
Kí của Nguyễn Trọng Luân
Sáu mươi tuổi tôi mới trở lại của Tùng. Với tôi , cửa Tùng là kỉ niệm một đêm . Một đêm ở bến đò Tùng luật . Một đêm sang sông , một đêm qua đạn bom dưới tay chèo của người dân Vĩnh linh , rồi chiến tranh kéo đi biền biệt . Cái bến đò xưa , những cô dân quân ngày xưa , các cụ già chèo đò đưa chúng tôi sang sông đánh vào cửa Việt đêm ấy cũng chỉ gặp một lần rồi biền biệt xa
Từ lối rẽ trên đường Hồ Chí Minh xuống Hồ Xá lòng đã thấy rưng rưng . Hồ Xá xanh thế này rồi ư ? Cái đêm hành quân qua một vùng chỉ có gạch vụn và đất đỏ khét lẹt mùi bom , mùi pháo từ bên kia giới tuyến bắn sang . Đội hình hành quân nhấp nhổm trên đoạn đường lúc chập choạng tối . Giao liên dẫn đường là cô gái Vĩnh linh đi nhanh hơn chạy. Lần đầu tiên tôi nghe “ mấy eng vui tính hỉ “ “Bộ đội sông dinh hờ“. Ngày ấy hành quân xuống bến đò sao nhiều cây dứa gai thế . Bộ đội đi soàn soạt gai cào . Bây giờ thỉnh thoảng gặp một hàng rào rứa gai xanh ngắt , cắt tỉa gọn gàng . Con đường về cửa Tùng nhỏ thôi , nhưng đẹp. Ngồi trên xe cứ bồi hồi , ước ao gặp người con gái chèo đò năm nào . Trong đêm , đứng ở mũi thuyền , quần sắn quá gối , khoảng trắng cứ nhấp nhổm trước mũi súng chúng tôi . Khoảng trắng chân trần gái Vĩnh linh dàn dạt sóng Cửa tùng . Biết rằng ước ao của mình vơì vợi quá . Bởi ai còn ai mất ? Những người tôi gặp trong cái đêm xuân 68 ấy ? Mà nếu có còn thì các o cũng đã như mình . Già nua . Bỗng nhớ về một bài hát ... “ Những chiến binh tìm về trận đánh, cứ lặng lẽ tìm về kỉ nệm . Tôi già rồi , em đâu còn trẻ nữa...’ Kỉ niệm vời vợi xa . Vời vợi cửa Tùng.
Vĩnh Giang đây . Hai bến đò A, B bây giờ đã trở thành di tích lịch sử . Cái bãi sông hiền lành Tùng Luật quần quật suốt thời đạn bom . Chỉ hai trăm mét nước mà máu sương không ngừng chảy ở quãng sông này mấy ngàn ngày đêm . Hàng trăm con thuyền , hàng ngàn người dân làm nhiệm vụ như người lính . Bộ đội chúng tôi chỉ một lần vượt sông , còn người chèo đò thì hàng chục lần qua sông trong một đêm dưới tầm bom pháo . Hàng ngàn , hàng ngàn người nông dân Vĩnh linh ngã xuống dưới đạn bom trong tư thế của người liệt sĩ . Nghĩa địa của làng có bia liệt sĩ không ?
Cũng ở bến đò này , các mẹ các chị mòn đêm rưng rức khóc , trắng những đêm tắm rửa khâm liệm cho liệt sĩ , băng bó thương binh từ bờ nam đưa ra . Đêm này qua đêm khác , bao nhiêu năm đất Vĩnh Giang , đò Tùng Luật đổ máu . Bao nhiêu ngày đêm chứng kiến những đứa con trai miền bắc miền trung chết trẻ . Người Vĩnh linh đợi chờ vời vợi chồng con trên những chuyến thuyền ra Cồn Cỏ trở về , chờ những đứa con đánh giặc phía Gio linh trở về . Gần thế , chưa đầy nửa tầm pháo mà cả làng , cả nhiều làng ngóng trông vời vợi .
Xe chúng tôi đi lẫn vào rất nhiều xe mang biển số Hà nội , Hải phòng , Nam định , Phú thọ.... Rất nhiều du khách người nước ngoài xuống xe ngay tấm bia di tích bến đò Tùng luật A . Họ chỉ chỏ sang phía bờ nam , rồi dang tay như tỏ ý khoảng sông ngắn thế mà đã ngăn chia hai vùng chiến tuyến mấy chục năm . Không biết trong đoàn hành hương ấy có bao nhiêu người như tôi , người chiến binh tìm về trận đánh , lặng lẽ với kỉ niệm với bao đồng đội không về .
Nắng đầu hè oi ả . Cây cầu nối Vĩnh Giang sang bờ nam dẫn chúng tôi tới cửa Việt . Vắng người , đường lại đẹp . Xe qua cầu rồi chạy dọc theo triền cát đụn lên thành đê chắn biển . Dọc con đê ấy là bãi tắm Cửa Việt. Làng quê vẫn lom dom . Nhà cửa vẫn chưa đông đúc . Cát vẫn trải triền miên , làng xóm nhỏ , cây trái bắt đầu loe hoe . Chúng tôi đi trong những hàng phi lao mới trồng lẫn những cây phi lao chồi, cây dừa chồi . Một thời bom pháo chặt đổ cây mà có những cây không chết , nó bật chồi sống lại , xù xì , méo mó , đứng trân trân giữa sóng và gió . Không còn tìm ra hố bom hố pháo . Bởi cát trắng như có khả năng tự khoả lấp vết thương . Rau muống biển bò loang , trổ hoa tím lên những vết sứt sẹo của đất cát nơi này
Chúng tôi qua một cánh đồng hoang , đó chính là nơi diễn ra trận đấu xe tăng ngày nào . Bây giờ một khu đô thị mới đang hình thành . Nhà nghỉ công đoàn , nhà hàng phục vụ cho du khách đi tắm biển khang trang còn tươi màu sơn trong nắng . Ngoài xa , những con thuyền cá thư thái trên sóng trở về . Nơi ấy một thời tàu chiến Mĩ nhung nhúc hoành hành điên cuồng nã pháo vào đất liền , dội pháo lên thành Quảng trị , lên thị xã Đông Hà . Người Cửa việt hứng chịu tiếng xé tai của pháo biển suốt bao năm dòng .
Xuống xe , ngồi trên đụn cát ngắm biển cửa Việt , lòng nao nao nhớ những đồng đội nằm lại trên vùng cát này . Xương máu các bạn tôi tan vào nắng gió Quảng trị khiến cát phau phau nhức mắt . Nhớ những dũng sĩ trung đoàn 52 sư đoàn 320 vùi mình trong cát nóng để làm nên một chiến thắng , để lại sự hãi hùng cho lính TQLC Mỹ . Những địa danh Lâm xuân , Mai xá thị , với tiểu đoàn 47 Vĩnh linh quả cảm . Những Gio Mỹ , Gio Thuỷ ...và những người mẹ ở Cửa Việt đã nhường hầm cho bộ đội , vừa động viên các con mang súng to ra lòi cát cửa sông phục kích bắn tàu chiến Mỹ . Nhớ những chỉ huy lẫy lừng của tôi ngày trước . Bây giờ các anh ở đâu? Ai còn ai mất . Một vùng đất trống chỉ có cát , không đồi núi , không rừng cây mà xe tăng quân giải phóng xuất hiện như những thiên thần để rồi trận đấu tăng còn vang mãi trong kí ức những người lính thiết giáp ‘
Qúa trưa , chúng tôi bồi hồi khi gặp tượng đài của các dũng sĩ đặc công hải quân vòi vọi trong nắng . Tượng đài đơn xơ thế này sao ? Nó đâm vút lên trời cao chứng minh cho một thời oanh liệt của đoàn đặc công 126 . Mười năm , họ cắm chốt ở ngay cửa biển này . Mười năm từ cửa Tùng tới cửa Việt là những chuyến đi về của họ giống như những chuyến đi làm đồng của một lão nông . Mười năm họ ngâm mình dưới nước đầu đội thuỷ lôi vai gánh pháo để để làm nên kì tích đánh đắm hàng trăm tàu chiến . Những người lính trở về mang theo những vết thương và mọi thứ bệnh tật chẳng một chút kêu ca . Những ngày tháng đánh tàu trên biển cửa Việt oai hùng chỉ còn lại những câu chuyện rỉ rả với con cháu trong bữa cơm chiều . Chiến công lùi xa . Kí ức cũng lùi xa . Lịch sử sẽ muộn màng nếu quên đi những chiến sĩ hiền lành quê mùa ấy .
Trở lại cửa Tùng , cửa Việt . Chúng tôi chộn rộn trong người nhiều cảm xúc . Những người dân nơi đây , những người lính đã từng chiến đấu nơi đây , đều mang bóng dáng anh hùng . Ý nghĩ ấy khiến tôi cứ đăm đắm nhìn những cụ già đang lặng lẽ kì cọ con thuyền gỗ trên bến . Con thuyền mỏng manh hiền lành gối đầu lên bãi sau chuyến ra khơi . Chủ nhân của nó biết đâu cũng là những người đã đưa chúng tôi sang sông giáp trận đêm nào .
Buổi chiều quay lại của Tùng . Trời buông nắng phía sau lưng . Biển lại ngơì ngợi xanh trước mặt . Đảo Cồn Cỏ mờ xa phía đông . Cửa Tùng sóng êm thế . Từ một nhà hàng rất đẹp kề trên bãi biển đang vọng ra câu hát quen thuộc , nhưng hôm nay tôi nghe sao khác lạ với ngày thường .
.. ‘ Bên ven bờ hiền Lương , ...ơi câu hò chiều nay ..sao mang nặng tình ai...’
Anh bạn nhà văn từ Đông Hà phóng xuống , đi cùng là một nữ giám đốc còn trẻ . Chúng tôi là bạn lại là khách thủ đô vào nhưng chẳng có khoảng cách chủ khách vì bạn tôi cũng từng là lính . Còn người nữ giám đốc cũng là con gái Vĩnh Giang . Cô sinh ra ở đây , mang cái tên rất là địa lí mà thật đẹp : Bến Hải . Bến Hải sinh năm 1975 , ngày đôi bờ sông này đã nối liền . Cha mẹ cô từng là dân quân Tùng Luật đã đưa hàng trăm chuyến đò qua sông . Thật là chuyến đi có hậu . Chẳng gặp lại những người con gái năm xưa chèo thuyền trong cái đêm mùa xuân đầy đạn lửa thì được gặp cô con gái của họ . Cô gái Vĩnh Linh nước da trắng ngần giỏi giang . Đôi mắt long lanh tự hào hướng ra phía biển kể chuyện quê mình cho chúng tôi nghe . Cô tự hào kể về cha mẹ mình trong những câu chuyện thật là giản dị . Bỗng bâng khuâng nhớ tới bản hợp xướng của nhạc sĩ Doãn Nho từ lâu lắm rồi về vùng đất này . Hợp xướng Sóng Cửa tùng .
Chúng tôi ngồi đây mà vời vợi nhớ .
Vời vợi Cửa Tùng
Cửa Tùng 29/4
Hà nội 9/5/11
mở bài ra đã nghe tiếng sáo Bài Câu hò trên bến Hiền lương . Vừa đọc vừa nổi gai ốc . Dũng chít nghệ sĩ hơn mình tưởng đấy . và đặc biệt bạn rất trân trọng với bài viết của các bạn trên diễn đàn . Cám ơn bạn thật nhiều
Trả lờiXóa