K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

20 tháng 5, 2011

Những gót chân Asin

(Đôi điều trao đổi với bạn Thịnh Zang Đức, qua bài "Nếu tháng Năm không có ngày ba mươi")
tác giả gửi đăng trực tiếp theo cách 1 đã hướng dẫn nên không biết là ai

       Mặc đầu chưa bao giờ có được một bài viết nhỏ nào trên Blog của các bạn, nhưng tôi là độc giả thường nhật. Bởi lẽ tôi cũng là sinh viên của trường mình, thời của các bạn cũng là của tôi và chúng tôi (những người không có" may mắn " đi lính như một số bạn), cho nên Blog K6 và K10 đã cuốn hút tôi, phải nói thật lòng là đó là những trang viết có chất lượng, chân thành …và trẻ trung. Ngày mỗi ngày được bạn bè quan tâm và dành được sự quan tâm ưu ái xa gần. Chân thành chúc mừng các bạn ở ban biên tập, các cộng tác viên, những người "giữ lửa" đáng kính.
     Tuy nhiên, đọc bài Thơ  " báo tường" của bạn Thịnh Zang Đức(TZĐ) thì thực sự tôi thấy có chút phản cảm. Nó làm tôi day dứt, khó ngủ, phân vân và sau cùng quyết định "san sẻ"  xì-tret này cho cả nhà.

1- Cái được của bài thơ này
     Có thể nói, trong tầm của nội san kiểu sinh viên Cơ Điện chúng mình, ý tưởng bài này được, nếu không muốn nói là rất được, rất "Cơ Điện".
     Một chàng trai chút ngang tàng, chút gì đó kiểu "Anh hùng thời đại" rất bắt mắt các cô gái thời những năm 60, 70...lại là học trò Cơ điện, thông minh, lém lỉnh, lịch lãm nữa thì thật có giá (hàng thời thượng của các cô  gái trường Sư phạm, Y khoa, Nông Lâm Bắc Thái ngày đó)
     Một chàng trai gallant, ngỏ lời cầu hôn vào chiều rơi, ở đồi sim hoa nở tím hồng, gió trời nghiêng ngả… Yêu người như vậy, kiểu yêu như vậy cũng "đã" lắm chứ. Vậy người được yêu - Cô gái là ai?
     Từ trong bài thơ, tôi  hiểu rằng, đó là một bạn gái cùng học, mới xa nhà lần đầu, và quan trọng là, lần đầu tiên được nghe lời Yêu, bị say nắng nặng…lại rất nhậy cảm, rất đàn bà, mộng mơ với bầy trẻ thơ, vườn chè, trăng sáng, đại loại là một túp lều tranh hai trái tim vàng
     Người viết đã thật có lý khi xây dựng quan niệm hạnh phúc của người phụ nữ.
    Và cũng thật có lý khi kiến giải hạnh phúc không trọn vẹn, nó như giấc mơ, mà lý do thì thật là đơn giản: bởi chiến tranh. Người con trai có thể chiều bạn gái, không màng đến bạc vàng, châu báu; có thể nén khát vọng giới của mình là chiếm lĩnh núi cao, biển sâu… Nhưng khi bản năng đàn ông trỗi dậy, đó là cùng bạn bè đi bộ đội, làm nghĩa vụ thời đất nước gian lao thì chắc chắn không được né tránh, cái đó chính là tình yêu đất nước, tình bạn, tình người, là gác mọi riêng tư để gánh vác công việc xã hội… một trong những phẩm chất cao quý nhất của thời chúng ta sống lúc đó.
     Đây lại là một cách nhìn, cách tìm tòi, thêm nữa một "Vị đắng " của chiến tranh (một tìm tòi không mới). Nhưng cách đặt vấn đề, cách  thể hiện cũng là điều đáng ghi nhận. Bởi  nó mà mối tình đẹp đẽ của đôi nam thanh nữ tú sinh viên kia không có được cơ hội đi tới tận cùng say đắm. Nó làm bạn đọc nhớ tới Núi đôi của Vũ Cao, nhớ Màu tím hoa sim của Hữu Loan, nhớ Quê hương của Giang Nam…Thậm chí người trai ở đây còn chưa có được câu trả lời, một chút an ủi để lên đường làm nhiệm vụ với tổ quốc…
     Nhưng có lẽ được nhất, nó là suy nghĩ, là chút tình cảm, nỗi vấn vương của mỗi chàng trai cô gái sinh viên ĐHCĐ ngày ấy. Cảm ơn người viết đã nói hộ chúng ta.

2- Vậy Thịnh Zang Đức là ai?
     Tôi tự cười mình vì ý nghĩ có vẻ lẩn thẩn này. Lâu nay thuộc nhiều bài thơ, bài hát, câu ca dao tục ngữ… có bao giờ hỏi mình câu này bao giờ. Một bài viết mang tâm thức của 1 bạn gái đầy nuối tiếc mối tình đầu đẹp như mơ, thậm chí đã được hỏi lời yêu rồi vẫn còn do dự, đắn đo, và chưa trả lời…. Nhưng đã lại ước vọng những mong muốn đời sống thường nhật đầy hạnh phúc.
      Một bài viết mà lại ký tên rất con trai?
     Phải chăng TZĐ mang những thông điệp bí mật về chàng trai của 40 năm trước?  Là 3 người, 2 người hay là 1 người? Là 1 người và phần còn lại là quê hương, hoặc phần đất, nơi có đồi hoa sim nở tím hồng?…
     Nhưng có lẽ chắc chắn tác giả phải là con gái? Kiểu yêu của bạn chắc phải là bạn gái.
     Xin lỗi vì đã dài dòng, nhưng tôi cũng chỉ muốn hỏi bạn như sau.

3- Những gót chân Asin
     Theo lẽ thường, gót chân asin là chỗ yếu, chỗ hiểm chết người. Vậy ở bài thơ này , TZĐ đã lộ gót như thế nào? Tôi thực sự sốc khi bạn chua thêm câu thơ của Phan thị Thanh Nhàn(?)
      Người tôi yêu đã đi xa /Người yêu tôi lại ở nhà …
     Thực ra viết đầy đủ sẽ là: Người tôi yêu đã đi xa / Người yêu tôi lại ở nhà chán không?
     PTTN có lý và đã nổi tiếng với câu thơ đó. Đấy là bình diện xã hội Việt nam.
    Còn bạn, bạn đang bay, đang "uốn lượn" với sinh viên Cơ Điện ngày ấy và hôm nay, với T. Ba nhất, với Đầu trâu, Vó ngựa…
     Dẫu biết là con gái trường mình ít lắm, luôn được coi là mỳ chính cánh, được cánh đàn ông (thầy giáo và học sinh) ngưỡng mộ, ưu ái. Tuy vậy, ở đây liệu có chút coi thường những người ở nhà không nhỉ. Điểm yếu này là ở bài thơ của bạn hay chúng tôi yếu kém nên bạn thốt lên như vậy?
      Tôi cũng có cảm giác như bạn ngày ấy.
     Mỗi đợt tuyển quân, chi viện cho chiến trường phía nam, là nhà trường, là các khóa lại mất đi những người bạn ưu tú và khỏe mạnh nhất. Trường lại thưa thớt hơn, buồn thêm một chút. Vài gương mặt học khá, giỏi, hay sôi nổi bàn luận đồ án môn học lại nhập ngũ. Đó là Vũ Thịnh K5I (quê Vụ bản), là Tôn Thất Bá, Nguyễn Văn Chi, Phạm Đức Uyển… Là Đào Việt Dũng, Trác Tiến Dũng, Trần Vũ Liệu, Nguyễn văn Tế, Nguyễn Tất Nhân, Đới Sỹ Liêu, Ngô Kim Tính, Vũ Đình Trung, Đặng văn Trường... (những anh em K6). Ở  K7 có Ngô Học Trí, Nguyễn Ngọc Diệp, Đoàn văn Tỵ, Vũ Đức (em trai thầy Vũ Hùng, gv bộ môn Vật lý), Nguyễn Tiến Cường, Nguyễn văn Cường, Nguyễn văn Lợi … Vài cầu thủ đá bóng giỏi như Lương Công Thu, Hoàng Kim Tới, Đặng Văn Cẩn (k3), Nguyễn đức Thắng (K7)…đi mất, làm cho đội tuyển nhà trường thi đấu với đội tuyển Đại học Lâm nghiệp bị thua liểng xiểng...
     Dẫu vậy, ở nhà cũng rất nhanh chóng tự tổ chức cuộc sống thanh đạm của mình. Có thể tình cảm của bạn dành cho chiến trường nhiều quá nên bạn không nhớ hoặc không biết. Đó là ở khóa 5 các bạn ở nhà vẫn học khá giỏi mà hàng đêm vẫn ra ga Lưu Xá, Lương Sơn bốc vác lấy tiền công, hòng kiếm tý chút phụ đỡ cha mẹ ở quê như Tô Hòa, Quyết Thắng, Đủ…Các bạn ở khóa 6 đã nhanh chóng khỏa lấp nỗi trống vắng bằng những tình cảm chân thành giúp nhau bạn bè hơn, quan tâm hơn. Nhiều người vẫn còn nhớ giọng hát to khỏe, ồ ồ của Đỗ Dũng (bài hát Đám cháy rừng), Trịnh Xuyền hóm hỉnh, Phạm Anh Dũng, Hiền(K6B), Văn đầu bạc.. vẫn là những chuyên gia giải những bài tập trong những mùa thi do các chuyên gia ném bài như Nhê, Chính, Giao, Cảnh, Tuyết… thực hiện. Đặc biệt, bạn Đặng Duy Đông người Nghệ an, hay ngâm nga mấy câu của Bùi Minh Quốc:
          Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy
          Dù xa xôi biết mấy cũng lên đường
          Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương
          Bao khát vọng chất chồng mơ ước lớn.
      Những chiều vắng ở nơi sơ tán, nghe nó  mà nhớ những bạn đã đi lính thật xao xuyến. Còn tôi, tôi mong được đi cùng chúng nó lắm chứ.
     Hôm 30/5/1972( thứ ba), tôi đã nhảy lên 5 chiếc xe ca chở các bạn lên đường nhập ngũ. Chiều đó tôi ở lại Phố Cò cùng cả đoàn, ăn bữa cơm đầu tiên vào bộ đội cùng mọi người. Tối đó ở sân kho hợp tác xã có chiếu phim màn ảnh rộng, tôi cùng tụi nó ra xem phim. Sáng hôm sau, anh em nhận quân trang, đứa nào đứa ấy súng sính quần áo mới, tôi cũng mặc nhờ, diện thử tý chút. Tôi nghỉ học ngày hôm đó và cả hôm sau nữa, khi tất cả mọi người hành quân về Phú Bình…
     Bạn ạ, đấy là lần thứ 3 tôi tiễn bạn bè đi bộ đội. Nhưng lần này là buồn nhất, tôi tự hỏi các  bạn này đi rồi mình đá bóng với ai? Tranh luận hình học họa hình, cơ lý thuyết, toán, Nga văn.. với ai? Mình vào thi ai ở ngoài lo cho mình, nhận bài ném ra và ứng cứu mình…và tôi còn nghĩ hay mình cũng đi luôn, vì ở nhà cứ nơm nớp liệu đợt sau có đến lượt mình hay không?...
     Ôi biết bao nhiêu kỷ niệm mà bây giờ nhớ lại vẫn rạo rực.Sao cái ngày ấy hăng hái và vô tư đến thế. Vậy đó, nhất quyết là chúng tôi không chán như bạn nghĩ đâu bạn TZĐ ạ

4- Lời kết:
      Tranh luận với bạn tý chút bạn có tự ái không?
      Đừng bạn nhé, Tôi sợ bạn buồn lắm.
      Bạn trai buồn đã ngại rồi huống hồ để bạn gái buồn thì tôi lại càng buồn hơn.
     Dẫu sao, tôi cũng chân thành cảm ơn bạn vì bạn là người đầu tiên khác giới bày tỏ suy nghĩ của mình ngày ấy (bằng thơ) tất cả là tuyệt vời .
     Dẫu sao nữa, nhờ có bài thơ của bạn mà chúng tôi nhớ được nhiều hơn về những người bạn thời sinh viên đẹp nhất của đời mình, (bật mí một tý, tôi và vài bạn K5, K6, ngồi uống bia hơi ở quán Hiếu béo – Xã Đàn, tranh luận và chúng nó phân công tôi viết bài phản pháo lại bài của bạn).
     Vậy, chúng tôi cũng đáng mến chứ nhỉ?
     Bạn đã xóa án cho những người ở nhà được chưa?
     Bài viết sau của bạn liệu có chúng tôi, những người ở nhà không?
     Thân yêu chào em gái !
Những người bạn K5 và K6 - Ở nhà cùng ký tên

2 nhận xét:

  1. Nguyễn Trọng Bằng19:47:00 20 thg 5, 2011

    Thật cảm động khi đọc bài thơ “Nếu tháng 5 không có ngày ba mươi” của TZD & dòng tâm sự đầy nhân văn, sâu sắc và rất CƠ ĐIỆN “ Những gót chân Asin” của các anh K5& K6 trên trang blog này. K10 bọn em cũng có những người lính năm 1978 với chiến tranh biên giới phía bắc chống quân bành trướng, và để lại những “mối tình câm” thật lặng lẽ cho đến khi lên xe đi biên giới, mà “ai cũng hiểu chỉ một mình không hiểu? ”, để rồi những khoảng lặng của tình yêu vẫn còn mãi cháy mãi đến bây giờ. Đó là ký ức thật đẹp của MỘT THỜI HOA ĐỎ đã đi qua, cho tới bây giờ mới có dịp chia sẻ, mà hoài niệm cũng là một nét đẹp của văn hóa Việt Nam, thật cảm ơn các anh các chị!

    Trả lờiXóa
  2. Trong sinh hoạt hàng năm cũng như hàng ngày ở K6 nói riêng và Cơ Điện nói chung không có sự "phân biệt đối xử" giữa người có vinh dự nhập ngũ với người phải ở trường học tập.Riêng tôi lại phải nhập ngũ ngay nếu không thì nhận án kỷ luật đó,vì những "tội"gây ra khi nhập ngũ trượt đơt 8-1971.
    Theo tôi Tác giả "gót chân Asin"hơi bị nhầm tí chút:
    -TZĐ chỉ mượn tứ thơ để nói về hoàn cảnh của mình khi đó thôi,nó hơi giống với hoàn cảnh của PTTN
    mà ngay ở câu thơ của PTTN tôi cho rằng từ "chán" cũng không hàm ý chê bai ai cả mà cũng chỉ nêu bật tâm trạng của bản thân khi rơi vào hoàn cảnh đó,có trách là trách ông Trời sao nỡ đẩy người con gái đang yêu vào cảnh chớ trêu như vậy
    Giống như Tế tôi thầm phục bài luận sắc xảo,tinh tế của bạn mà không thể nghĩ được Bạn là ai trong số K5-K6 tôi quen biết.TZD là ai tôi chỉ lờ mờ suy đoán mà không chắc nên không dám nói bừa, chờ khi nào TZĐ khai báo thì tự khen hay cười mình vậy
    Cuối cùng chúc tác giả bài luận mạnh khoẻ-vui vẻ-tươi trẻ-tiếp tục tham gia nhiều hơn với Blog,hẹn gặp nhau lúc 17 g 22-05-2011 tại bia Nga Vinh 2 -

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]