K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

9 tháng 7, 2023

NHỮNG KỶ NIỆM VỀ ĐẠI HỌC CƠ ĐIỆN

Hai Dinh Tiet

Hai Dinh Tiet


(Đoạn sáu)
Thực tình Tôi không có ý định đầu tư vào quần áo, có chút tiền với bao việc cần thiết nhưng chuyện đã vậy, trả được “hận” và coi như “mua” được chiếc quần giá hời. Sáng hôm sau ngày Chủ nhật mượn được chiếc xe đạp, Tôi diện “bảnh” sơ mi trắng “Song Hạc”, quần Simili mới nếp là thẳng băng, đi dép nhựa Tiền phong trắng trong, chở VQ Thành phố Vinh lên thăm Sn Sơn Tây nằm điều trị ở Bệnh viện Khu Việt Bắc gần tuần nay, nó bị mổ ở hàm mặt, nguyên nhân là gì bây giờ Tôi cũng không nhớ rõ !? Sau đó mấy hôm Sn ra Viện, về lớp nó bảo với Tôi “em Y tá điều trị ở phòng cứ hỏi thăm sao không thấy anh mặc quần Simili lên chơi”. Các Cụ có câu “lúa tốt vì phân” thì hoàn toàn đúng rồi, còn “người đẹp vì lụa” thì phải xem xét, khi đó Tôi nghĩ chắc là em Y tá “ấn tượng” với cái quần Simili rất mod mà thôi ! Chiếc quần đó lúc tốt nghiệp Tôi làm quà cưới tặng anh Qg người Ninh Bình cùng Họ với Tôi (K4 đi lính, thương binh rồi về học cùng) tốt nghiệp anh cưới vợ luôn, Tôi đang chuẩn bị đi vào miền Nam thăm quê Nội và đi các Tỉnh thăm người thân ly tán nhiều nơi, không có điều kiện dự đám cưới. Chiếc quần đó cũng có kỷ niệm với anh Qg, khi thực tập tốt nghiệp ở Hà Nội, một tối thứ bẩy Qg rủ Tôi đến thăm người yêu ở Đại Học Sư Phạm, mượn chiếc xe đạp Sputnhik của anh trai, Qg chở Tôi ngồi sau, hôm đó Tôi dành chiếc quần Simili để Qg diện, vào khu vực Sư Phạm Hà Nội khuôn viên khá rộng có nhiều cây to nhưng đèn đường rất khiêm tốn, tán cây che phủ nhiều nên ánh sáng lại càng kém, đang di chuyển bỗng rầm bánh xe phía trước lao dúi vào cái hố ga không có nắp, có lẽ sự cố này là hy hữu vì những người ở đây quá rõ cái hố ga giữa đường không có nắp, chẳng ai lao xe vào đó, còn hai đứa tôi khách lạ, người cầm lái “vĩ đại” là Qg “Cận” đeo kính mấy điop trông như Bác học. Còn may là hố ga cũng hẹp không sâu, không có nước, bánh xe phía sau vẫn trên mặt đường, xe thành thế đứng nghiêng, Tôi bị hất nhào qua đầu Qg về phía trước, còn Qg vẫn ngồi dúi đầu vào ghi đông. Tôi lồm cồm bò dậy, tới kéo Qg và xe lên, người hai đứa không việc gì, áo quần lấm lem chút ít, vành trước bị vênh, Tôi đặt xe nằm xuống rồi đứng hai chân lên hai bên chỗ bị vênh dẫm mấy cái, vành xe nhôm đuyra Liên Xô bền và dẻo lắm, tạm ổn xe dắt được bình thường. Buổi thăm hỏi kết thúc sớm với lý do “hai anh có việc bận”. Ra cổng Tôi nói với Qg từ đây về nhà còn bảy, tám cây số phải cố đạp thôi về gặp chỗ sửa xe ta cân lại vành cho hoàn chỉnh để trả lại xe cho anh Dg (người anh trai của Qg), buổi đêm khá muộn không gặp chỗ sửa xe, mãi đến đầu phố Lò Đúc mới có một hàng, ông thợ xem xét rồi thông báo, chỉ phải cân lại vành trước, tổng cộng hai vành đứt 17 cái nan hoa phải thay mới ! Tháng 9, 10 /74 K10 vào trường và hai lớp Dự bị, chúng tôi vào năm thứ tư, khi đó Bếp ăn tập thể ở gần khu nhà tầng để phục vụ SV ở gần đó, khu vực T Ba Nhất và ký túc xá Nữ ở khu nhà xây cấp bốn cách khoảng hai, ba trăm mét. Lớp tôi thuộc loại gần nhà ăn tập thể nhất và mâm năm người vẫn vậy có Th Lạng Sơn, Ch “Đốp” Hà Đông, THg Hải Phòng, H Thái Bình và Tôi, trong mâm thường Tôi là chân chạy cơ động nhất, tiếp đến là H Thái Bình, còn ba vị Th “từ từ “, Ch
“khệnh khạng", THg Hải Phòng như một “Cụ non”. Tôi gần như thường xuyên bưng bê chậu cơm cùng thức ăn mặn, H Thái Bình bê phần canh, ăn xong thì Th, THg rửa bát cho, Tôi rất ngại rửa bát, ở với gia đình cho đến khi đi Đại Học chưa bao giờ phải rửa bát. Đứng chờ ở cửa lấy cơm thường thấy hai cô em xinh xắn ở lớp Dự bị đi lấy cơm, các SV nữ hầu như không ăn ở nhà ăn tập thể mà thường lấy về ký túc xá, một điều là hai cô này lúc nào cũng đội nón lá, trời mưa, nắng hay râm mát cũng vậy, luôn lấy nó làm “cái mộc” nghiêng che các ánh mắt nhìn ngó của mọi người, Tôi cũng ga lăng nhường chỗ và bê giúp chậu cơm canh ra cái bàn để hai cô thu xếp mang về. Nhiều ngày rồi thành quen, mỗi khi thấy ở Nhà ăn là hai cô lại nhoẻn miệng cười, Tôi cũng khẽ gật đầu, không tỏ biểu cảm gì hết, một hôm cô ThB trông vẻ “già dặn” hơn cô Sh mặc dù chỉ là tuổi mười bảy, mười tám, nói bọn em lấy về cho tất cả chị em cùng phòng, cơm độn ngô xay ăn không quen, ăn không hết, ở nhà em chưa bao giờ ăn độn ngô xay, em san cho các anh ăn giúp, lời nói chân thành, thực tế, Tôi gật đầu rồi đưa khoảng hai suất cơm về mâm mọi người đều “nhiệt liệt” đồng tình. Thế rồi thành thường lệ Tôi là người thường trực lấy cơm của mâm và nhận những suất cơm được san sẻ, sau đó ThB hỏi tên tôi, tên các anh ở mâm cơm, học ở lớp nào , cô bé Sn thì có vẻ ít nói, thỉnh thoảng mặt lại ửng hồng lên trông rất là “con Nai tơ ngơ ngác“, Tôi cứ thành thật “khai báo” tên, quê quán từng người, hoá ra Th Lạng Sơn là đồng hương của hai cô, Th ở trong miền quê cách Thị xã gần ba chục cây số, ThB ở Thị xã, Sh ở Thị trấn Đồng Mỏ . Khoảng sau một tháng hai cô mời anh Th với mọi người vào chơi ở ký túc xá, tối thứ bảy Th, H Thái Bình và Tôi vào ký túc xá Nữ ở khu nhà xây cấp bốn. Phòng ThB và Sh có bốn giường tầng, còn sáu người nữa trong đó có ba cô là con miền Nam tập kết, Tôi còn nhớ tên Tt quê Sài Gòn, Ln quê Quảng Ngãi và Hg quê Nam Bộ cũng coi là đồng hương với tôi, ba cô còn lại là người miền Bắc và các cô cũng ý tứ đi ra ngoài chơi để chúng tôi nói chuyện, vì vậy Tôi không biết tên ba cô đó. Ngồi nói chuyện khoảng hơn tiếng chúng tôi ra về và cũng mời các cô khi nào rỗi ra nhà ba tầng chơi . Mấy tuần sau tối thứ bẩy ThB và Sh ra chỗ chúng tôi, nói chuyện một lúc rồi mọi người “phân công” Tôi tiễn hai em về ký túc xá Nữ. Trưa ngày hai sáu tháng chạp năm Giáp Dần (74) Tôi tham gia mổ thịt Heo để Trường liên hoan tất Niên, ngày mai nghỉ Tết, chiều gặp ở nhà ăn ThB và Sn thông tin tối nay hai cô về Lạng Sơn và nhờ các anh giúp đỡ việc lên Tàu, mọi người sẵn sàng và nói có tôi hộ tống hai cô đến Hà Nội , Th, Ch, H, THg đều sáng ngày mai mới về, chỉ có tôi là về tối nay để sáng ngày mai lên tàu Vinh. Hơn chín giờ rưỡi tối hôm đó năm đứa tiễn hai nàng ra ga Lưu Xá chờ tàu Hà Nội lên lúc mười giờ, rồi Ch và H nhảy tàu lên ga Quán Triều (ga cuối) ngồi “xí phần“ ba ghế cạnh cửa sổ khi tàu xuôi. Ba chúng tôi mua vé đi Hà Nội từ ga Lưu xá, vì đi cùng hai nàng nên Tôi phải mua vé mất một đồng bốn hào, nếu đi một mình thì khỏi phải bàn Tôi và Q “Đoành”chuyên nhảy tàu trốn vé và an ủi nhau rằng “tầng lớp SV gốc miền Trung là nghèo khó nhất Xã Hội nên cần được chiếu cố“, tàu đến ga đã chật cứng người, hai đứa ở trên toa, ba đứa ở đường ke “hộ tống” hai nàng qua cửa sổ lên tàu, Tôi cũng “phi” theo, nhường hai nàng ngồi đối diện bên cửa sổ, Tôi ngồi phía trong cạnh ThB. Mùa Đông hơi lạnh Tôi khoác áo đại cán vải ka ki một lớp có 4 túi, hai túi trên nhỏ để ví da và cái vé tàu cài khuy cẩn thận, hai túi dưới to, miệng túi để tự do một bên để gói thuốc lá một bên để hộp diêm, chiếc túi du lịch lép kẹp để trên giàn hành lý với hành lý của hai nàng .Tàu chạy Tôi móc điếu thuốc và đánh diêm châm lửa hút, thời đó hành vi hút thuốc ở mọi nơi, bên cạnh người khác là chuyện bình thường, trong toa nhiều “quý ông” cũng đang phì phèo nhả khói, mà có thuốc lá thơm hút còn thấy “hãnh diện". Tàu chạy ì ạch đến khoảng gần mười hai giờ đêm thì cô bé Sh gục đầu lên chiếc bàn con ngủ ngon lành, ThB hỏi Tôi những chuyện về quê hương, gia đình, về chặng đường mà Tôi sắp đi, rồi hỏi sang chuyện Văn học nước Nga Xô Viết, nước Pháp những tác phẩm nổi tiếng quen thuộc với đọc giả Việt Nam, ThB nói sẽ thi vào Sư Phạm thích làm cô giáo, rồi hỏi Tôi về sở thích, điều ghét, rất nhiều chủ đề…lần đầu ngồi rất gần (ghế tàu vốn chật mà) với một cô gái mới lớn, hỏi nhiều và cũng chia sẻ nhiều nên Tôi cảm thấy thích thích. ThB hỏi Tôi hút thuốc lá nhiều, Tôi thành thật nói tật xấu là biết hút “trộm” thuốc lá từ năm lớp chín do đua đòi rồi sau này vào Đại Học ôn thi thức đêm nhiều không có thuốc lá không chịu nổi, hiện giờ nghiện nặng, có tiền là ưu tiên thứ nhất dành cho thuốc lá, thứ hai là nước trà. Chuyện lan man khoảng gần năm giờ sáng tàu tới ga Hà Nội cũng tang tảng sáng, cả ba xuống tàu nhưng không ra cửa mà ngồi ở đường ke trong ga, hai cô chờ đi nhờ tàu liên vận Quốc tế về Lạng Sơn, bố của Sh là Thủ trưởng Hải Quan. Tôi thì chờ tàu về Vinh nhưng ngày Tết giờ giấc bất thường không biết chính xác lúc nào. Sh ngủ được một giấc trên tàu nên mặt mũi trông tươi tỉnh, ThB thức suốt đêm cùng Tôi nên trông mặt mũi phờ phạc, mái tóc dày và dài trông rối tung lên, làn da vốn rất trắng với đôi môi hồng thường ngày giờ trông nhợt nhạt hơn. Tôi không nhìn được mặt mình nhưng chắc chắn là rất bơ phờ ! Khoảng sáu giờ kém thấy một tốp Hải Quan chừng gần chục người (có lẽ mỗi toa liên vận là một người ?) phần nhiều trạc tuổi Tôi còn lại trông hơn tuổi, họ mặc rất đẹp, sơ mi xanh nhạt, cà vạt, áo khoác và quần màu sẫm, đi giày da đen, quân hàm, phù hiệu, mũ lưỡi trai, dẫn đầu là một Thủ trưởng đứng tuổi trông rất bệ vệ, em Sh gọi to “Bố” rồi cầm túi chạy lại phía đó, các chàng trai Hải Quan vây xung quanh con gái của Thủ trưởng, còn lại ThB đứng với Tôi một lúc, em nói Tôi đi đường may mắn, hẹn ra Tết gặp lại và nói thêm anh chú ý túi áo phía dưới không cài khuy, Tôi cười nói chỉ có gói thuốc lá và cái hộp diêm thôi. Đoàn tàu liên vận Quốc tế, toa nhập từ Ấn Độ, cửa kính sáng loáng, khởi hành lúc đồng hồ ở ga Hà Nội chỉ 6 giờ sáng không chậm một phút, qua cửa sổ kính to ThB và Sh vẫy tay chào, một thoáng qua đầu khi nào mình được ngồi Đoàn tàu tiện nghi và đúng giờ như thế. Gần trưa mới có tàu Vinh Tôi lên toa toàn người Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh đi làm và đi học ở miền Bắc nay chen nhau về Tết, trong khi đó tàu từ Vinh ra toa vắng không, thật là cảnh trái ngược. Dọc đường tàu dừng đỗ chờ tránh nhau thời gian không biết trước được. Khoảng hai giờ sáng tới ga Vinh, Tôi đi bộ xuống bến xe Vinh, không vào nhà trọ để ngủ mấy tiếng vì các lý do mất mấy hào tiền thuê trọ, bị rệp nó cắn, năm ngoái Tôi đã bị rồi ngủ không yên, ngồi đây xếp hàng chờ sáng mua vé xe về Hà Tĩnh. Từ Vinh về Hà Tĩnh năm chục cây số qua phà Bến Thuỷ nhưng thời đó trong ngày chưa chắc tới vì chỉ có một chuyến xe, không mua được vé là mất một ngày chờ đợi, nay ngày Tết Xí nghiệp vận tải ô tô sẽ tăng chuyến, tăng xe, nghĩ vậy nên Tôi quyết định ngồi xếp hàng chờ, móc túi lấy thuốc hút chỉ còn cái vỏ bao lép kẹp, theo bản năng Tôi khoắng tay trong túi vớ được tờ giấy cầm ra soi dưới ánh đèn điện là tờ giấy bạc mệnh giá năm đồng còn rất mới, ngạc nhiên nhưng một lúc thì Tôi hiểu câu dặn dò của ThB, em đã bỏ tờ giấy bạc này vào túi áo cho Tôi ! Thôi biết vậy, giờ phải đi mua thuốc lá và ăn bát phở lấy sức thức đêm, phở 5 hào/ bát, gói Sa Pa 8 hào. Buổi chiều về tới nhà, đã là chiều hai tám Tết. Mấy ngày Tết chung vui với Ba Mẹ cùng các em nhưng Tôi luôn cảm thấy nhớ và nghĩ về ThB, đêm trước khi ra trường, ngồi bên bếp lửa cùng Mẹ đang ngâm đậu, nếp chuẩn bị sớm mai thổi xôi cho Tôi ăn sáng, gói mang theo để hai bữa tiếp trong ngày con có cái ăn, người Mẹ trọn đời vì con mà tần tảo, không quản ngại vất vả, cái nếp đó vẫn kéo dài cho đến khi Tôi đã trưởng thành, có gia đình riêng, có điều kiện thường ăn ở quán, nhà hàng có khi còn nhiều hơn cơm ở nhà ! mỗi lần Tôi về nghỉ phép, nghỉ Tết ra đi lại có hai nắm xôi đậu xanh gói trong lá chuối tươi đã được hơ qua bếp lửa, hương thơm nếp xôi trong hương vị lá chuối theo Tôi mãi không quên tấm lòng người Mẹ. Tối đó Tôi bộc bạch chuyện tờ giấy bạc mệnh giá năm đồng, Bà nghe rất chăm chú, im lặng một lúc rồi nói người con gái đó có lòng tốt và chân thành với con, linh cảm của Mẹ là như vậy nhưng khi ra ngoài đó con cần tế nhị gửi lại số tiền cho “người ta”, hoàn cảnh nhà mình có eo hẹp các em đang học phổ thông nhưng đang ở trong “cánh” của Ba Mẹ nên không có việc gì phải lo, mỗi mình con thoát ly tiếp xúc với Xã Hội có lắm chuyện bất trắc, con phải tự lo Mẹ không thể giúp cho con, sáng mai con ra trường Mẹ đã chuẩn bị sẵn cho ít tiền và con cầm lấy chiếc nhẫn trước đây Ba tặng Mẹ ngày cưới (chiếc nhẫn vàng ta một đồng cân kiểu lá Hẹ khá đẹp) phòng thân khi cơ nhỡ hoặc có thể tặng cho người mà con yêu quý, con trai lớn rồi, khi Ba lấy Mẹ cũng chỉ hơn con một tuổi so với bây giờ, Bà cười vui vẻ và Tôi cũng cười .
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]