K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

10 tháng 3, 2020

MỘC MIÊN

Mộc Miên
Tôi có một bài thơ viết về Đồng Văn lâu rồi. Lỡ hẹn mãi. Mấy năm nay vì sức khỏe không còn tốt nữa khiến ngồi nhà nhớ da diết. Nói Đồng Văn cho nó vẻ văn học thôi thực ra tôi mê Mèo Vạc vì cái sù sì hiểm trở của nó. Tôi mê những bông hoa đào Mèo Vạc to như cái hoa tai con gái Mèo. Những cái hoa tai như làm bằng băng tuyết ánh hồng lên trong sương. Các bạn của tôi, các bạn có thể đi nhiều lần trên đèo Mã Pì Lèng mà chưa một lần bạn rẽ xuống sông Nho Quế sang sông rồi ngược đường lên Bản Phùng. Con đường này chạy đối diện với đèo Mã pì Lèng lên bản Phùng. Bạn chưa từng dọc theo sông vào tháng 3 để nhìn hoa gạo nở đỏ ối theo dòng xuôi về tận cuối sông để nhập vào sông Gâm thì bạn chưa thể hiểu hoa Mộc Miên, thứ hoa cánh buồm màu máu rơi trên sông nước xanh biếc.

Ngày xửa ngày xưa, có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết ở trên cao nguyên đá. Cao nguyên lúc nào cũng sám màu khói vào ban ngày và ban đêm thì hổn hển nửa ấm nửa lạnh những chập chùng mom đá. Đêm đêm họ thổi khèn cho nhau nghe cho đến khi đá lên mồ hôi lạnh ngắt mới trở về nhà. Đá và đất vùng cao nguyên này tím sòng sọc vào hoa anh túc và tím cả râu ngô non. Ngô ỏ đây thơm như ngực con gái. Hoa ở đây mùi tóc gái Mèo. Họ bảo đá cũng có mùi gái Mèo quê hương họ. Mèo Vạc là thế.
Có một năm, cao nguyên đá khô hạn vô cùng. Bao nhiêu thú nuôi và người chết vì khát nước. Những triền ngô đổ rạp oằn oại màu chuột chết. Đến hoa Anh túc bỗng dưng biến sang màu đen rồi quắt lại như xác rắn quằn quại trên đá. Cả một vùng hạ giới đá xám bốc hơi nghi ngút. Chàng trai nói với người yêu, anh sẽ lên giời xin giời mưa xuống cứu lấy nhân gian. Èo ôi, cô gái kêu lên. Chết đấy, đi là chết. Cô gái biết rằng người yêu một đi sẽ không trở lại nhưng vì để tồn sinh dân lành nên họ đành xa nhau. Ngày chia tay đôi trai gái đứng trên đỉnh núi Pả Vi. Họ ôm nhau, mỗi người cắn vào ngực người yêu nuốt lấy dòng máu người mình yêu dấu rồi chia tay. Ngọn núi đá nghiêng đầu xuống Nho Quế chứng kiến cuộc chia lìa của đôi trai gái. Đá trên con đường Mã Pì Lèng cũng phải thở dài và sông Nho Quế âm ư thương sót.
Sau bao nhiêu khó nhọc chàng trai lên đến thiên đình. Ngọc Hoàng xúc động vì tấm lòng chàng trai mà làm mưa cho cao nguyên đá. Nhưng cũng từ đó chàng trai bị giữ lại trên Thiên đình làm thần mưa. Nỗi nhớ người yêu khiến chàng trai mỗi lần vén mây nhìn xuống hạ giới là khóc. Nước mắt chàng rớt xuống thung lũng chân đèo Mã pì Lèng làm thành những cái cây có gai mọc cao to bên dòng sông sâu hun hút. Kì lạ thay thứ cây gai xù xì đó mọc ra những bông hoa đỏ như máu . Mỗi cánh hoa như một cánh buồm nhỏ. Vào hồi tháng ba hoa vỡ tung ra có những lọn bông trắng bay lên giời. Mùi những túm bông trắng ấy hệt như mùi má gái Mèo trên Mã Pì Lèng. Môt thứ cây thô thiển mà có một loài hoa mềm mại quyến rũ như vậy nên mang cái tên Mộc Miên
Con sông cao nguyên đá chảy đến đâu đôi bờ nó lại mọc thứ cây này. Càng về phía nam nó càng to và hoa nó nở đúng vào dịp tháng ba. Ở dưới xuôi, tháng ba là tháng giáp hạt và cứ tháng ấy dân lành chỉ nghĩ sắp có gạo mới mà lòng khấp khởi mừng vui. Nhìn hoa là nghĩ sắp có gạo mới nên hoa này mang tên hoa Gạo. Cây Gạo cứ mọc ven đê, ven ngòi ven suối và hiên ngang với nắng gió. Loài cây này lá ít hơn hoa và thân cây mốc thếch. Dường như bao nhiêu tinh tú của trời đất nó giành hết cho hoa. Những bông hoa mỡ màng đỏ thắm, họ bảo đó là máu ỏ ngực người con gái trên bản Mèo Pả Vi ngày xưa
Con sông từ cao nguyên đá phía bắc không chịu dừng ở miền xuôi. Nó chảy tiếp len lỏi qua cả dãy Trường sơn vào cao nguyên miền trung. Ở đây, sông lại gặp những người Mèo nhưng khác chi của mình đang sinh sống. Thế là những cây Mộc Miên không chỉ mọc ở ven sông nữa mà được người Êđê, Bah Na, Gia Rai mang về trồng ngay ở đầu bản mình. Họ gọi đó là cây Pơ Lang. Họ tin rằng chỉ có cây Pơ Lang to cao như thế thì người con gái Tây Nguyên mới bắc thang trèo lên để nhìn thấy người yêu mình ở trên trời.
Lúc trẻ trai, tôi dâng trọn những năm đẹp nhất của đời mình cho Trường Sơn. Thứ hoa tôi thích nhất là Pơ Lang. Cây Pơ lang cứ đứng ở đầu bản như thể một chòi canh của dân làng Tây Nguyên. Nó thân thiện, oai phong và nghĩa tình với mỗi bản làng. Nó sừng sững chúng kiến mọi thăng trầm của đời người trên cao nguyên đất đỏ. Mãi rồi tôi mới hiểu, thì ra đấy là nơi những cô gái trong làng trèo lên ngọn cây cao vút đầy gai sắc để nhìn người yêu. Ôi mới hay tình yêu đẹp bao giờ cũng chông gai đến vậy.
Tôi phải quay trở về ngọn nguồn sông Nho Quế với cái tên Mộc Miên. Tháng này dòng sông Nho Quế xanh ngắt soi bóng hàng trăm hàng ngàn cây Mộc Miên hai sườn núi cheo leo hun hút. Ngắm hoa rừng mộc miên ven hẻm sâu Tu Sản kì thú và thăm thẳm từ hồng hoang mà hiển hiện ngay bây giờ. Các bạn lên với Mèo Vạc đi. Qua sông Nho Quế lên Bản Phùng heo hút tuyết phủ với các em nhỏ ở chốn xa quay quắt chênh vênh hiểm trở vùng biên ải. Mộc Miên nơi đây có mùi rất riêng. Mùi của người con gái Việt.
NTL tháng 3/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]