K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

1 tháng 6, 2019

PAUTOPSKY Ở TRÀ MY.

    Dũng Trác

    Tôi đã thốt lên như thế khi đọc xong bản dịch truyện ngắn do Dương Thành chia xẻ, “bí mật” mà hắn lưu giữ đã gần năm chục năm. Đó là một bản dịch chép tay của một nữ giáo sinh về một truyện ngắn của văn hào Nga Pautopxki, tác giả tập truyện “Bông hồng vàng” mà Vũ Thư Hiên đã chuyển ngữ sang tiếng Việt từ những năm 60.
    Theo năm tháng bức thư đang bị phong hóa, đã thấy những chỗ ố vàng và mực cũng bay màu, nét chữ đôi chỗ khó xem. Nhưng tôi nâng niu trân trọng bởi đây tình cảm chân thành của bạn bè, hơn nữa đây là tác phẩm văn học viết về tình cảm nam nữ, gửi từ hậu phương xa xôi nghìn trùng đến với những người lính ở chiến trường thật vô cùng quý báu. Vừa xem vừa bồi hồi xúc động.
    Rất ngập ngừng tôi bảo Thành.
    - Này , bạn lúc nào cũng cho tôi những điều bất ngờ. Ví như những ngày mở đường Trường sơn, bạn vẫn tích cực lao động dù luôn bị những cơn đau dạ dày hành hạ; Ví như bạn ‘tranh thủ” khi đi công tác , liều xuyên rừng hơn chục ngày tìm gặp được anh trai ở Phú Yên, nơi đóng quân của sư đoàn 3 bộ binh; Ví như sau chiến tranh bạn không học cơ khí nữa chuyển ôn thi vào Đại học Giao thông để bây giờ gắn bó với nghề kinh tế vận tải... Hai za, nhưng những điều đó chưa đủ gây cảm xúc như bây giờ, khi được cầm lá thư “mênh mông biển cả ” này. Tò mò nhé : ở đâu ra vậy?
    Thành ngập ngừng rồi nói...
    - Chuyện dài, khi mình ở căn cứ địa Trà My - Quảng Nam phục vụ đại hội đảng bộ quân khu V, gặp được một anh cùng trường phổ thông. Anh cho mình xem bức thư gửi gần 6 tháng mới tới . Điều “bất ngờ” trong bao thư chỉ có duy nhất một bản dịch chép tay này thôi. Anh ấy nói với mình cảm thấy rất nhiều ám ảnh quanh lá thư này.
    - Rồi sau đấy sao nữa?
    - Anh ấy bảo mình giữ xem rồi góp ý để viết trả lời sao cho "ngon ngon " chút.. Nhưng ngay sau đó vào chiến dịch 1975 rồi cứ cuốn đi, cuốn đi.. Khi đó mình cũng nghĩ được định bảo với anh ấy hãy viết : “тихо Моя первая любов” *
    - Giờ anh ấy ở đâu?
    - Không liên hệ được nữa ... Có tin hy sinh ngay cửa ngõ Sài Gòn cuối tháng 4 năm 75.
    Một bầu không khí nặng nề bao trùm lên cả nhóm chúng tôi...
    Chợt thấy trong tôi có gì đó thôi thúc muốn được kể lại với bạn hữu, những người cùng thế hệ câu chuyện đầy lòng nhân ái của thời chúng mình.
    À , mà đâu cần nhiều , chỉ chụp ảnh lại bức thư để ngắm nét chữ con gái mềm mại uyển chuyển... rồi đánh máy “y sì” như bản gốc kể cả chỗ dập xóa, đắn đo chọn từ ngữ ... để mọi người dễ đọc .
    Vâng, đó là Nachia của Ông Pau ở nước Nga, đó cũng là người “bạn gái” thân ái trong mỗi chúng ta với nét đẹp lấp lánh tinh tế của một tâm hồn dịu dàng sâu lắng.... Họ đã đến đại ngàn Trà My... hôm qua đấy.
    ____________________
    * тихо tiếng Nga dịch sang Việt có thể là yên tĩnh; nín lặng; êm đềm; bình yên.... - Моя первая любов” - dịch là tình yêu đầu tiên của tôi.
    Đây là bản đánh máy bức thư – bản dịch của cô giáo sinh

    CÔ GÁI LÀM REN NACHIA
    Pautôpxki
    Trong một bệnh viện ở vùng hậu tuyến, trung úy Tasin nằm điều trị. Cảnh vật vắng lặng. Chợt một con châu chấu không biết từ phương nào bay tới đậu trên bức rèm cửa sổ làm chàng nhớ lại hình ảnh những cô gái làm ren phương bắc dịu dàng, khéo tay ở nơi xa xôi.Chàng nhớ lại câu chuyện cách đây mấy năm về trước mà mình được nghe kể lại, câu chuyện về cô gái làm ren Nachia.
    Mùa hè năm 1940, một họa sỹ người Leningrad tên là Balasop đi săn và nhận công tác ở miền bắc của nước Nga.Qua những ngày đi trên chiếc tàu thủy lênh đênh, chàng đến một làng nhỏ đầu tiên và cảm thấy hài lòng với nó. Chàng ở nhà một ông giáo làng.
    Trong làng có một cô gái tên là Nachia, sống với người bố già của mình, làm nghề gác rừng. Nachia nổi tiếng về sự khéo tay và tài làm ren. Nàng cũng là cô gái xinh đẹp nhất vùng. Cô có cặp mắt nâu màu xám, lặng lẽ như những thiếu nữ phương bắc khác.
    Có một lần đi săn, chẳng may bố Nachia bắn bị thương Balasop. Người ta mang anh về nhà ông giáo làng và Nachia được bố cho phép sang chăm sóc chàng. Nachia tận tình chạy chữa cho Balasop. Từ tình thương, mối tình đầu đã chớm nở trong cô. Nhưng vốn tính dịu dàng, thầm kín, Nachia không bộc lộ nên Balasop không sao nhận thấy được.
    Ở Leningrad, Balasop đã có vợ nhưng chàng chưa lần nào nói chuyện đó với ai, kể cả Nachia.Trong làng người ta vẫn nghĩ Balasop là người sống độc thân.
    Khi vết thương bình phục, Balasop quyết định trở lại Leningrad. Trước khi đi, chàng đã đến nhà Nachia, cảm ơn sự chăm sóc của nàng và tặng người thiếu nữ những món quà nhỏ. Nachia nhận món quà đó.
    Đây là lần đầu tiên Balasop lên phương bắc nên anh không hiểu phong tục ở đó, những tập quán đã ăn sâu trong sinh hoạt của người dân nơi đây. Balasop đã không hiểu rằng : khi một chàng trai không được mời mà đến nhà người con gái mang theo quà tặng, món quà đó được người con gái nhận, chàng trai đó được coi như chồng chưa cưới của cô gái. Người phương Bắc gọi đó là sự đính hôn.
    Nachia kín đáo hỏi Balasop : “ - Khi nào anh trở lại miền quê này? “ Balasop vô tình trả lời đùa, chàng trở lại vào một ngày không xa.
    Balasop ra đi, để lại nỗi nhớ thương trong lòng Nachia. Nàng kiên trì chờ đợi. Mùa hè rực rỡ ánh nắng qua đi, rồi mùa thu ẩm ướt và đầy nỗi chua xót cũng trôi qua. Vẫn không thấy Balasop trở lại. Sự kiên nhẫn chờ đợi, nỗi vui sướng ở Nachia bắt đầu chuyển thành dấu hiệu của sự xấu hổ và tuyệt vọng. Mọi người bắt đầu đồn đại rằng người chồng chưa cưới của Nachia đã lừa dối nàng. Nachia vẫn chưa tin hẳn điều đó. Nàng cho rằng Balasop đã gặp phải một điều gì bất hạnh.
    Mùa xuân lại đến mang theo một niềm đau khổ mới. Nó như kéo dài, chậm chạp hơn bao giờ hết. Băng tan, những con sông nước tràn bờ, mênh mông không sao đi lại được nữa. Mãi tới đầu tháng 6 mới có một chiếc tàu thủy cũ kỹ chạy qua làng nhưng nó cũng không dừng lại...
    Nachia quyết định trốn bố đi về Leningrad để tìm Balasop. Vào một đêm khuya vắng lặng, mênh mông, Nachia ra đi. Sau hai ngày , nàng đến một con đường sắt và tới một nhà ga. Ở đó, nàng hiểu rằng chiến tranh bắt đầu nổ ra ngày hôm đó. Là một cô gái nông thôn, Nachia ngỡ ngàng với cảnh vật ở đây: từ những toa tàu, những miền quê rộng lớn mà cô đã đi qua.Cuối cùng nàng tới được Leningrad và tìm đến nhà của Balasop. Nachia gõ cửa. Một người đàn bà gầy gò, trong một bộ quần áo ngủ, môi ngậm một điếu thuốc xì gà, nhìn nàng với cặp mắt dò hỏi, rồi trả lời nàng : - “Balasop không có nhà, anh ấy đi ra mặt trận phía ngoại ô Leningrad”. Người đó là vợ Balasop.
    Nachia sửng sốt vì biết được sự thật : Balasop đã có vợ. Anh đã đùa cợt với tình yêu của cô. Nhìn vào căn phòng, tất cả đều đảo lộn, bừa bãi, tấm đi văng lụa đầy bụi phấn xoa mặt vương vãi. Cô có cảm giác sợ hãi. Bất chợt chuông điện thoại réo liên hồi. Nachia tuyệt vọng chạy ra đường phố. Cô không còn nhận thấy sự lộng lẫy của những dãy nhà trên đường phố lớn, không nhìn thấy những vườn cây xanh tốt, những đài kỷ niệm sừng sững... Phố xá biến thành trận địa pháo đài. Khắp nơi là những dãy bao tải chứa đất chất thành chiến hào. Nachia cũng không nhận thấy nữa. Tuyệt vọng Nachia đến dòng sông Neva, nước đục ngầu , hai bên bờ lát đá hoa cương. Chỉ còn con đường giải thoát duy nhất cho tình yêu bị xúc phạm là dòng nước này.
    Nachia tháo chiếc khăn trên đầu, món quà duy nhất của người mẹ để lại cho cô. Vuốt lại đôi bím tóc dày, vịn lên thành cầu định lao người xuống... Chợt một bàn tay nắm lấy tay nàng, kéo lại.
    - Đồ ngốc, nghĩ gì dại như vậy?
    Sau lưng nàng là một người mặc quần áo công nhân, dính đầy sơn vàng. Đó là anh chàng lau sàn nhà Trophimop. Anh ta đưa nàng về giao cho vợ mình chăm sóc, một người đàn bà lắm điều , ầm ỹ. Nachia bị ốm nặng. Hai vợ chồng chăm sóc nàng. Trong những ngày đó, Nachia kể câu chuyện riêng của mình cho người đàn bà điều khiển thang máy, vợ Trophimop nghe. Lần đầu tiên từ người đàn bà này , Nachia hiểu Balasop không có lỗi : - “ Không ai bắt Balasop phải hiểu phong tục phương Bắc và không ai như cô, mới gặp gỡ lần đầu đã yêu một cách quá tin như vậy”. Người đàn bà đó mắng Nachia, còn Nachia trái lại cảm thấy vui sướng vì rằng cô đã không bị lừa dối.
    Nachia được người chủ nhà xin cho vào học lớp y tá. Cô học rất giỏi. Bác sỹ dạy cô phải ngạc nhiên vì đôi bàn tay khéo léo, băng bó giỏi của cô. “ Vâng, bởi vì tôi là cô gái làm ren” – Nachia dịu dàng trả lời như vậy Khóa học đã kết thúc. Nachia đợi ngày phân công phục vụ. Cô vẫn luôn nghĩ về người cha ở nơi xa và Balasop.Mùa đông khắc nghiệt chìm trong những tiếng đại bác vang gầm. Nachia vẫn ôm ấp ý nghĩ đi tìm kiếm Balasop.
    Mùa đông trôi qua, mùa xuân lại đến. Nachia được cử ra mặt trận ngoại ô Leningrad. Ở đó, nàng tìm kiếm, hỏi tin tức về nơi Balasop sống.
    Ngoài mặt trận, Nachia gặp lại Trophimop. Anh chàng hay ba hoa này kể cho các chiến sỹ trong đơn vị của mình nghe câu chuyện người thiếu nữ đi tìm người yêu trên khắp mặt trận đó. Tin truyền đi nhanh như một câu chuyện thần thoại. Nó bay từ đơn vị này sáng đơn vị khác. Câu chuyện về người thiếu nữ phương Bắc đó được kể đi theo trí tưởng tượng của từng người, chi tiết cụ thể phụ thuộc vào người kể. Nguồn gốc của nó dần dần thay đổi qua từng khẩu đội.Các chiến sỹ cảm thấy ghen tỵ với chàng trai nào đó được người thiếu nữ đang tìm kiếm, và họ lại nhớ đến người thương yêu của mình ở nơi xa. Ai cũng nhận rằng cô gái đó cùng quê hương với mình. Người Ucơren cho rằng cô gái đó xứ Ucơren; người Ca dắc nói rằng cô gái từ miền quê Ca dắc tan của mình đi ra; Đến những người xứ Xiberi xa xôi cũng nhận rằng cô gái đó ra đi từ miền quê Xiberi...
    Tin đồn đến khẩu đội của Balasop. Cũng như các chiến sỹ khác, chàng thầm mong ước được cô gái như vậy yêu và cảm phục cô. Balasop đâu biết rằng chính mình đang ghen tị và mong ước mình !
    Cuối cùng, Nachia đã tìm được đến khẩu đội của Balasop. Nàng hỏi tin và biết rằng Balasop đã hy sinh cách đó hai ngày.Ngôi mộ của anh đặt trên bờ vịnh, dưới rừng bạch dương. Nachia ở lại khẩu đội đó phục vụ. Nàng đã trở thành người nữ y tá giỏi của mặt trận Leningrad...
    Câu chuyện kết thúc ở đó. ( hè 1974/ 5)
    No photo description available.


    No photo description available.



    Image may contain: 5 people, including Dũng Trác, people smiling, people sitting, table, indoor and food

    Comments
    • Vũ Bản Một câu chuyện tình hay và kết thúc có hậu nhưng bi tráng của chiến tranh./
      1
  • Te Nguyen Dũng ơi, cậu lúc nào cũng vướng NỢ văn chương. Cậu gắng viết về cái gì đi nhé, tớ thấy cậu làm được.
    2
  • Reply
  • 54m

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]