K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

16 tháng 6, 2019

MÊ PHIM THUỞ ẤY

Trần Minh Hải K6i

Đầu những năm 1960 làng quê Tôi thuộc ngoại thành Hà nội tuyền nhà tranh vách đất với các cánh đồng trồng lúa rông mênh mông...Khi cả thôn được lắp chiếc loa nén 25w trên nóc nhà 2 tầng tịch thu của Địa chủ, lũ trẻ phỏng đoán trong đó có người tý hon sống và ca hát (ếch thế ko biết). Hồi bé Tôi hay năn nỉ mấy người trong làng có sách cho mượn, tranh thủ đọc ngấu nghiến (để đúng hạn trả sách). Hình dung nhân vật, địa điểm như mình đã thấy từ trước tới nay. Ham đọc để mà quên đi cái mệt, cái đói và cảnh tĩnh lặng buồn tẻ bao đời ở trong luỹ tre làng.
Thế nên đội CB32 về chiếu phim 1 tối/tháng chiếu 1máy kèm chiếc máy nổ phình phịch, ngọn đèn điện sáng loá quả có sức hấp dẫn đặc biệt. Buổi chiều, khi đội chiếu bóng dựng màn ảnh, kê máy... là trẻ con đã lăng xăng chạy quanh. Giá vé chỉ 5xu, không có tiền đành đứng ngoài, xem phía sau màn ảnh, chờ lúc chiếu được một vài cuốn, đội chiếu bóng “tháo khoán” là ùa vào, ngồi sát màn ảnh nhất. Thời xưa chiếu toàn phim truyện đen trắng cũ nát, hay đứt phim giữa chừng, phụ đề đọc toét mắt.
Nhặt được đoạn phim đứt họ vứt ra là quý lắm với bọn trẻ con, biết được cuộn phim 16mm CB quân đội dài gấp 3 lần chiếu 3 cuộn 35mm CB lưu động huyện nhà.
Đầu buổi, chiếu phim TLKH, chúng tôi dán mắt vào máy, thấy hình ảnh lộn ngược trước kính phóng, nghe tiếng máy chạy sè sè, ánh sáng xanh loá mắt nhấp nháy thật mê ly. hết cuốn màn ảnh trắng xoá khán giả ồ lên tưng hửng. Thấy anh thợ máy lắp cuộn phim mới, cái tay dẻo lùa phim vào các khe rãnh điệu nghệ. Quay nhoay nhoáy tay quay, bật công tắc chiếu tiếp cuộn mới nhanh như chảo chớp.
Thế là thằng bé bao lần thầm mơ ước có cái máy chiếu phim nhỏ đặt hiên nhà, chiếu vào phông dựng cạnh bể nước mưa và sân gạch lố nhố đầu trẻ con xóm ngõ. Phim do mình quay được?! hoặc đi thuê. Luôn thủ trong túi quần mình miếng kính thu nhỏ của chiếc máy ảnh hỏng, ngắm phong cảnh qua đó với con mắt của nhà quay phim thực thụ (với tỷ lệ khung hình 4/3 màn ảnh thông dụng) Hình dung như mình đang quay phim nhựa, sau sẽ in tráng đem về nhà chiếu cho mọi người. Bụng bảo dạ sau này lớn lên, có tiền ta sẽ xây nhà. Sẽ thiết kế một gian như rạp chiếu phim thu nhỏ, Màn ảnh có màn nhung đỏ che kéo giống như màn sân khấu và Buồng đặt máy chiếu phim được che dấu khéo léo, chỉ lộ ra 2 ô kính chiếu, Có các hàng ghế đệm. Rồi ta chiếu hình phong cảnh đẹp, các kỳ quan thế giới, các ảnh chụp gia đình...thuê phim hay về chiếu. Thi thoảng chiếu các cuộn phim mà ta đã đi quay đó đây. Mơ thầm thế thôi, chứ biết bao giờ có được.
Nhưng có điều làm được ngay, thực thi ra bờ ao móc đất thó, hý hoáy nặn 2 máy chiếu phim, loa, tăng âm bằng đất, phơi khô nỏ mang ra nối dây chuối khô các cục...chơi chiếu bóng với nhau. Trẻ con cuối xóm đi theo tên C hét to vào loa giấy "a lô a lô tối nay mời bà con đến nhà ông hai B xem phim chiến đấu của Liên xô..." vui õ.
Không có điện, thì chụp hộp đất khoẻt lỗ vào bóng đèn dầu hoả, căng mảnh chăn trẻ con hứng ánh sáng vàng vọt, đưa các hình cắt giấy gắn que (máy bay, xe tăng, người cầm súng, kẻ cầm kiếm mác đinh ba...) miệng hò hét vui suốt tối làng quê thập kỷ 1960 xưa. Thời buổi tối học sinh xếp hàng đi cổ động hô "hăng hái, quyết tâm, muôn năm" cũng là lúc các đội xung kích về làng tuyên truyền tại sân Đình kèm chiếu phim đèn chiếu, dùng ánh sáng đèn măng sông TQ bơm tay. Phim gì cũng thích từ tranh truyện vẽ tay, ảnh màu trích phim cổ tích đến hướng dẫn cấy lúa thẳng hàng, nuôi bèo hoa dâu. sinh đẻ có kế hoạch. thuyết minh bằng mồm đội trưởng với mảnh giấy nhỏ tý, nhàu nát.
Chiều chiều Bố đi làm mượn báo cơ quan về đọc, Tôi vồ xem trang cuối lịch chiếu phim rạp bãi hôm nay. Mượn cuốn sách "Màn ảnh Thủ đô" xem điểm phim chiếu trong tháng, lựa chọn phim, chờ bãi chiếu bóng có mà đi xem. Bỏ tiền mua bộ sách "Lịch sử điện ảnh thế giới", cắt dán các bài diễn viên điện ảnh nổi tiếng...thoả mãn cơn nghiền phim mà ko có tiền xem. Cạnh cửa hàng BoDeGa Tràng tiền xưa có cửa hàng bán và cho thuê đèn chiếu, cuộn phim chứa trong ống nhôm nhỏ. Ai còn nhớ nhỉ?
Từ năm 1967 tôi bắt đầu vẽ "phim" đèn chiếu trên băng giấy kẻ ô, chơi tất mực tím, mực xanh, thuốc đỏ. Ban đầu là sao chép tranh đả kích, các tranh truyện liên hoàn ở báo TNTP. Tiến tới các trường đoạn hay ở phim mình đã xem. Tiến tới tự "sáng tác" theo truyện đã đọc...cho trẻ con hàng xóm mượn "phim" (bây giờ vẫn có người nhắc). Từ hầm trú ẩn xây gạch trong vườn nhà, Tôi hý hoáy thiết kế rạp chiếu phim cho trẻ con xem, ánh đèn dầu hoả, vé là các mảnh giấy nhỏ đặt trên các đồng 1,2,5 xu tô chì xanh đỏ lấy nét nổi của đồng tiền, khoét miếng bí ngô làm dấu, cũng viết bảng đen tên phim-giờ chiếu y như thật. Ai có ngờ ham thích vẽ, chăm tập sao chép hình minh hoạ đẹp trên báo Văn nghệ, TNTP đã làm cho "trình độ vẽ vời" của Tôi ngày một nâng cao. (Sau này giúp Tôi làm lính cậu, ko phải đi chiến trường như các bạn đồng môn, đồng ngũ, ấy là chuyện của sau này)
Có lẽ ngày xa xưa khổ và buồn quá (cái thời đói nghèo thừa tiếng máy bay gầm rú, pháo cao xạ nổ ròn, bom rền rung mặt đất. thiếu thốn cả chuyện nghe đài, xóm làng le lói ngọn đèn dầu hoả, vắng lặng càng về khuya) thì mỗi bộ phim ta xem là một tối vui vẻ thời đó. Nội dung phim đủ cả hỷ nộ ái ố, chuyện đời người qua bao thời gian xưa nay, không gian các nước. Đem lại cho ta bao cung bậc cảm xúc, cảnh phim đẹp nao lòng, rúng động tâm can tình tiết trong phim, để rồi nhớ như in trong óc tới tận bây giờ.
Vì thế ngày xưa Tôi thích làm thợ máy chiếu phim lắm. Coi rạp là Thánh đường của niềm vui bất tận, Mình sẽ được thoả mãn dam mê xem vô khối phim truyện các nước. Đi học mà cứ hình dung mỗi tiết là một buổi chiếu, Thầy Cô là bộ phim khoa học, bảng đen là màn ảnh, Lớp là rạp chiếu bóng, lũ học trò là khán giả có mặt thường xuyên
(Năm 1970 học môn Vật lý mới biết nguyên lý chiếu phim nhờ hình ảnh lưu võng mạc, tế bào quang điện cho tiếng động trong phim. Năm 1980 về nhà máy làm việc mới biết công nghệ sx chi tiết "Thập tự xa", các bước mài kính phóng màn ảnh rộng, suyt von tơ, động cơ máy chiếu, tăng âm dùng đèn điện tử)
Biết bao điều mơ ước xem phim đã được thằng bé biên vào "Thợ máy chiếu phim" (truyện vừa) trong trí óc, mỗi hôm biên một tý đâm dài cho đến khi vào học Đại học chửa hoàn thành. Cho đến giờ ý thích xưa vẫn còn nguyên vẹn trong Tôi, Khỉ thế !
Đi xem phim rạp thời trước, tôi thích ngước nhìn buồng đặt máy chiếu, có bóng thợ máy lấp ló đèn đỏ, ánh sáng xanh hồ quang chui qua cửa sổ con nhấp nháy vui mắt, hình dung trong rạp đang chiếu bộ phim rất hay. Cái cảm giác thích thú đứng trên buồng máy nhìn xuống đường, thấy dòng người xếp hàng mua vé, thấy từng tốp nam thanh nữ tú chờ nhau nét mặt đủ sắc thái, trong tiếng nhạc vui tươi tiền sảnh tầng 1. Tiếng xô ghế ngồi xem rầm rập, hàng đèn mờ tắt, ánh sáng phọt ra ô kính vuông đập vào màn ảnh, nhạc và âm thanh trong phim nổi lên ầm ào. Những câu chuyện, những cảnh phim hoành tráng, diễn viên đẹp mê hồn, những pha hấp dẫn nối tiêp trong bộ phim...Đã làm ta quên đi thực tại đang sống trong 90 phút phim (chỉ lọt tiếng còi ô tô, chuông tàu điện lọt vào khi cửa rạp đóng mở) Những bộ phim mới nối tiếp nhau hàng đêm cho ta mê man rộng cặp mắt nhìn ra thế giới bên ngoài. Thằng bé luôn thích đọc trước "bản thuyết minh" kèm theo chồng hộp phim chờ giờ chiếu, nhất là các phim chuyển thể văn học nổi tiếng, để cảm nhận đủ, bù cho khi bận vận hành tháo lắp phim trong giờ chiếu. Đứng bên máy nhòm qua lỗ chiếu thấy rạp chèn kín khán giả thấy vui lạ, thấy bạn cùng lớp ngoái đầu nhìn vẫy tay chào nhau. Thích lúc vắng vẻ, ta sẽ nghịch ngợm lắp phim màn ảnh rộng chiếu ống kính màn ảnh thường cười hình dài ngoẵng, hay là chiếu đi chiếu lại trường đoạn phim mà ta yêu thích cho bạn cùng lớp xem trộm. Lúc rỗi kẻ vẽ thông báo tên phim, giờ chiếu và học vẽ phông quảng cáo treo 2 bên cửa rạp (đẹp như pano rạp Kinh Đô ngày ấy) Vừa đi học ngày, tối làm thêm thợ máy chiếu bóng. Tối ngủ canh rạp yên tĩnh ôn bài vở. Thích cuộn lại phim đã chiếu, để nhặt các hình ảnh đẹp hý hoáy cắt dán sưu tập các miếng phim đẹp, dán vào nhau về đèn chiếu xem lại tại nhà. Thích ánh sáng hồ quang xanh lẹt rọi qua dây phim màu sè sè chuyển động, đập vào phông dưới kia lung linh sắc màu sống động. Thích căn chỉnh ống kính phim Màn ảnh rộng sao cho ánh sáng chiếu ra không chờm đường viền màn ảnh, lắp sẵn cuộn phim vào máy chiếu thử cho rõ nét trước buổi. Thợ chiếu phim sẽ giúp bạn ta mua được vé phim hay, đi mua thực phẩm gặp MDV quen khỏi phải xếp hàng ?!
Tôi có ý thích kỳ lạ là ngắm nội thất các rạp chiếu phim, máy chiếu mỗi nơi một vẻ đẹp riêng không lẫn. Ban ngày rạp yên ắng cửa xếp đóng kín, chỉ có pa nô quảng cáo phim đập mắt người ngang qua đường. Chập tối là ồn ã đông người đến xem, nhạc và ánh đèn màu khêu gợi mua tấm vé vào xem.
Vẫn nhớ các chi tiết :
-Màn ảnh nâu nhạt ở Kinh đô, nhỏ như phông đội chiếu bóng lưu động (tại Hoà Bình, Kim Đồng,Đại Đồng, Bạch Mai) viền tròn 4 mép như rạp Công nhân, dùng phông sân khấu (tại Đống Đa, Khăn Quàng Đỏ, NVH Tăng Bạt Hổ) chiếu vào tường vôi ở BTCM, màn ảnh đục lỗ có màn nhung đỏ tại rạp Tháng 8
-Máy chiếu hồ quang cổ, có 2 ống khói thò trên nóc rạp Dân Chủ, Ngọc Hà, Đống đa và các bãi Khương Thượng, Cầu Giấy. máy chiếu 35mm cố định tại Kim Đồng (và chiếu phim chiêu đãi tại rạp hát Hồng hà)
Nhớ như in :
-Cho tới giờ Tôi vẫn có cảm xúc hồ hởi, thích thú thời trẻ con, ấy là các buổi chiều đi loăng quăng. Bất chợt nhìn thấy mảnh phông chiếu bóng lấp ló ven ụ pháo cao xạ, sau lùm cây doanh trại miền nam, hay là thấy xe bò đội CB32 chở thiết bị chiếu bóng vào nhà dân ven trường Miếu. Thế là ăn cơm và học ôn bài sớm, để tối đi xem phim
-Đi xem phim sớm bãi Khương thượng, sân gạch rộng mênh mông, loa tiếp âm đài TNVN, phông phập phồng trong gió chiều lồng lộng, bác thuyết minh già thọt chân
-Nhớ lần trốn vé phim "Truy ngư" tại trường Miếu (cầu đỏ xưa) chạy nhanh vào đám đông, vấp dây néo cọc, phông đỏ sụp phim chiếu lên mái gianh nhà trường, còn mình máu chân rỏ ròng ròng
-Năm 1964 chiếu phim "Tôn ngộ không 3 lần đánh Bạch cốt tinh" bãi Khương thượng đạt kỷ lục đông ặc người xem. bà con tan buổi 18h30 ra, gặp biển người vào xem buổi 20h30, tràn vào tắc nghẽn, không khí ngột ngạt, nhiều thanh niên làm vòng tròn bao tốp trẻ con la oai oái
-Giờ đã già mà Tôi vẫn nhớ như in các chi tiết trong các rạp phim mình đã tới bài trí rạp, buồng máy chiếu, tường và phông, nơi bán vé. Dạo qua chác nhà Bố bảo trước đó chiếu phim Kim mã, Cát linh, Hàng khay thấy nhỏ bé cũ kỹ không thể hình dung nổi thời chiếu phim câm, phim nổi phải đeo kính xanh đỏ, phim Pháp Mỹ thời đó hay ra sao
-Xem triển lãm 2/91970 tại sân bay Bạch mai, được xem ngoài trời ban ngày. người xem nhòm đít ô tô CB quân đội, máy chiếu ở trong chiếu ngược vào tấm kính mờ 1,5x1m gắn trên cửa sau có khung vải đen hình lăng trụ làm khoảng tối
-Kỷ lục xem 4 tập liền "Thanh kiếm và lá chắn" từ 19h hôm trước đến 2h sáng hôm sau, vị chi 6 giờ liền, chưa kể giải lao. mờ mắt ko chịu đựng nổi
-Xem bãi Luyện Kim tỉnh Bắc Thái 1970-1972, báo động đèn tắt phụt, ngoái đầu lại thấy máy chiếu phim 3 chân lênh khênh in đậm bóng đen giữa viền đồi trọc với màn trời sao miền Trung du hoang vắng, Đi tàu hoả tối ngược về Trường màn đêm tĩnh lặng đồi núi rừng cây chập trùng nối đuôi nhau, đó đây thấy bãi chiếu bóng quân đội, nhấp nhoá ánh xanh lè chuyển cảnh từ màn ảnh mà thấy ấm lòng... Thầm nghĩ đó là ánh sáng văn minh tới nơi "Chó ăn đá, Gà ăn sỏi", là ngày hội của mọi người
-Giờ vẫn còn nhớ cảm giác thèm xem phim cháy bỏng khi theo Mẹ đi có việc phố THĐ : Thấy thợ máy chiếu lục tục chuyển các hộp phim, chờ Vũ Quang nói chuyện xong tại hội trường ĐS, Nghe tiếng loa cửa rạp Dân chủ phố KT, ban ngày đang thuyết minh "4 chiến sỹ xe tăng và 1 con chó" khi đợi Mẹ.
-Nhớ nôn nao cảm xúc cuối phim Những đứa con của người du kích, Pha ti ma, Số phận con người, Đá đỏ, Cầu phúc...Những bộ phim phe XHCN đầy tính nhân văn cao đẹp, hướng thiện, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù và cái ác, đầy tính giáo dục, chuyển thể các tác phẩm văn học kinh điển lay động tâm trí khán giả. Phim xưa hiếm, số lần xem đếm đủ đầu ngón tay trong cả năm không? nên ta nhớ mãi
-Nhớ màn sương trắng đục bãi phim gần Hữu thủ phim Mặt trời trắng trên sa mạc, giữa đêm đông buốt giá. Phim cũ đứt liên tục, thợ máy liên tục tháo lắp cuộn phim, lầm bầm văng tục trong buồng chiếu đảo nổi hồ Ha le "Con gái viên Đại uý" phim trắng đen mà đẹp nội dung và nghệ thuật hút hồn người xem.
Sau này công nghệ hiện đại từ thiết bị lẫn cụm rạp khang trang, phim đen trắng chỉ còn trong dĩ vãng người già. Giờ là phim màu, phim nổi 3,4,5D và âm thanh vòm lập thể. Thợ máy chiếu chỉ cần cái USB, hay gá chuyên dùng thay cuộn phim nhàn nhã. Không phải gò lưng tôm đạp xe chạy phim giữa 2 rạp. Xem xong phim bây giờ, khi ra khỏi rạp thì dư âm còn mãi. Các kênh tivi thừa thãi các thể loại phim, chả bù cho một thời đói khát xem phim, cuốc bộ dăm km mới tới bãi chiếu bóng
Rỗi rãi biên về niềm mơ ước trẻ con hồi xưa, Người ta mơ ước cao sang. Mình thì thích cái làng nhàng mà vui. Kỷ niệm xưa thế mà cũng qua nửa thế kỷ rồi còn gì
Giờ biết bạn Phùng Quốc Học phóng viên đài TNVN thường trú tại Daklak Ban me thuột là có sở thích sưu tập các máy chiếu phim xưa giống Tôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]