NGÀY TRUYỀN THỐNG 06/12
Tháng rồi ngồi bú bia với các học hữu K16 mới biết trường cũ đã đổi ngày truyền thống từ 06/12 là ngày thành lập Trường Đại học Cơ Điện (06/12/1966) sang 19/8 là ngày thành lập tổ chức tiền thân là Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Khu Gang thép Thái Nguyên (19/8/1965). Vốn biết tiêu chí lựa chọn ngày thành lập - truyền thống của một tổ chức là chuyện nội bộ tổ chức đó và không có ý nghĩa rõ ràng: có tổ chức lấy ngày ban hành quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền, có tổ chức lấy ngày khai trương, có tổ chức lấy ngày thành lập tổ chức tiền thân, thậm chí có tổ chức lấy ngày lãnh tụ về thăm làm ngày truyền thống nhưng việc từ bỏ kỷ niệm mấy chục năm nay không khỏi làm trong mình dấy lên những ý nghĩ bâng quơ.
Tháng rồi ngồi bú bia với các học hữu K16 mới biết trường cũ đã đổi ngày truyền thống từ 06/12 là ngày thành lập Trường Đại học Cơ Điện (06/12/1966) sang 19/8 là ngày thành lập tổ chức tiền thân là Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Khu Gang thép Thái Nguyên (19/8/1965). Vốn biết tiêu chí lựa chọn ngày thành lập - truyền thống của một tổ chức là chuyện nội bộ tổ chức đó và không có ý nghĩa rõ ràng: có tổ chức lấy ngày ban hành quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền, có tổ chức lấy ngày khai trương, có tổ chức lấy ngày thành lập tổ chức tiền thân, thậm chí có tổ chức lấy ngày lãnh tụ về thăm làm ngày truyền thống nhưng việc từ bỏ kỷ niệm mấy chục năm nay không khỏi làm trong mình dấy lên những ý nghĩ bâng quơ.
Ký ức hiện về những ngày cận ngày truyền thống những năm 81-83 cùng các học hữu chờ đợi trong niềm vui và sự kiên nhẫn: một bữa no sắp đến! Niềm vui dễ hiểu, còn sự kiên nhẫn là vì: Từ trước đó, bếp trường đã chắt chiu phần ăn còm cõi ngày đói để dành cho bữa thịnh soạn ngày vui, về phần sinh viên không ít người cũng có sự dành dụm để mua thêm rau xanh, cút rượu chén chú chén anh. Có năm, không còn nhớ rõ năm nào, kết thúc của những đêm luận bàn năm nay sẽ được chiêu đãi món gì và sự háo hức nhồm nhoàm những miếng thịt mỡ từ lâu đã xa lạ với bộ tiêu hóa là sự ôm bụng, nhăn nhó chờ đợi, tranh nhau một chỗ trút bỏ nỗi thống khổ kết quả của sự sung sướng, háu ăn trước đó một vài giờ! May thay, với phần lớn học hữu, sự đói năm xưa giờ đã là những kỷ niệm vui vẻ.
Ký ức cũng hiện về những ngày cận ngày truyền thống mấy năm gần đây, các học hữu ơi ới gọi nhau hẹn hò gặp gỡ: Năm 2015 học hữu Khoa 16MB và Hùng 16IA đồng tổ chức tại Sơn Tây, năm 2016 học hữu Hồ Xuân Minh 16MA tổ chức tại Tuyên Quang, và, những mái đầu điểm bạc, những gương mặt đã có sự nhăn nheo nhắc lại vài sự kiện từ thuở xa xưa, những thứ nhớ nhớ quên quên.
Chao ôi, nhắc những kỷ niệm chỉ để khẳng định rằng ngày truyền thống trường cũ vốn chỉ thiên về văn hóa, sự kết nối, không nhất thiết phải mang gánh nặng tư tưởng chính trị, ngoại giao như ngày thành lập một quốc gia, cũng không nhất thiết phải mang tính chính xác của khoa học tổ chức. Không được rõ cái lý luận của những người đã đánh đổi truyền thống mấy chục năm lấy một ngày mới có hay ho hơn lý luận của những người khăng khăng phải đào bô xit ở Đắc Nông cách đây mấy năm hay không nhưng rất rõ là sự tước đoạt kỷ niệm của mấy chục ngàn cựu sinh viên của hơn 40 khóa đã vui về ngày cũ không chắc chắn sẽ mang lại sức sống mới cho trường: những tiếng nói phản đối và sự tẩy chay của cựu sinh viên làm sứt mẻ danh tiếng. Những người đơn thuần nghĩ rằng cựu sinh viên không có ý nghĩa gì thì đơn giản là đang thể hiện sự thiển cận: sự thành công của cựu sinh viên là sức hút sinh viên mới, quan trọng không kém cơ sở vật chất hay phẩm chất, số lượng đội ngũ giáo sư.
Giả thiết là có người có hứng thú về việc trên website TNUT giải thích là ngày 06/12/1966 Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Thái Nguyên được đổi tên thành Đại học Cơ Điện, một lý lẽ dường như ẩn giấu sự ngụy biện: không thể nào nâng cấp một tổ chức chi nhánh, phụ thuộc thành một tổ chức độc lập với đầy đủ quyền năng, triết lý riêng bằng việc đơn giản là đổi tên. Cái lập luận ấy trong diễn trường chính trị được diễn tả tương đương như sau: ngày 2/9/1945 nước An Nam thuộc Pháp được đổi tên thành Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa! Còn trong diễn trường tự nhiên, việc từ bỏ ngày 06/12 để tổ chức ngày truyền thống 19/8 tương đương việc một con người kỷ niệm ngày con nòng nọc gặp cái trứng định mệnh thay cho ngày lọt lòng mẹ để trở thành một sinh linh tự do nhìn ngắm mặt trời!
Để minh họa thêm cho việc mong muốn bảo toàn kỷ niệm, xin hầu người đọc bằng câu chuyện chép trong sách Luận ngữ:
"Đức Khổng-tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng-tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc.
Người đàn bà nói: "Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc."
Đức Khổng-tử hỏi: Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ thi, thì việc gì mà phải khóc?
Người đàn bà nói: Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa".
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân đã bàn về chân lý ấy như sau: "Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi mất, thì về sau dù có được cái khác giống như thế, hay hơn thế, mình cũng không thể sao yêu cho bằng. Thường, lại chỉ vì thấy cái mới mà hồi nhớ đến cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi thương khóc nỉ non. Tại sao vậy? Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của mà thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ ở trong nữa".
Thế nên, ngẫm chuyện trên, việc đổi ngày truyền thống mà không gắn với một triết lý mới, hoặc một sự cải cách là một sự non nớt về lịch sử và triết lý nhân sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]