K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

3 tháng 7, 2017

VÀI NÉT LÀNG GIÀN TA-P2 (Đăng 31/12/2016)-TRẦN MINH HẢI

VÀI NÉT LÀNG GIÀN TA-P2 (Đăng 31/12/2016)
TRẦN MINH HẢI  
Viết ngoài chính sử ạ, tôi biết đến đâu xin viết tới đó, có sai sót nhầm lẫn gì mong bà con làng ta nhận xét giùm cho. Mỗi năm làng ta họp 1 lần với 23 đại diện dòng họ trong làng bàn việc, viết bài nhỏ đăng trang Blog này, xin nêu tên các nhân vật trong làng, có đóng góp cho xã hội trong làng ngoài nước-đây là do tôi nhận thấy
A/ các dòng họ : Nguyễn Công, Nguyễn Duy, Trần Ngọc, Nguyễn Đình (có 4 chi), Nguyễn Trọng, Nguyễn Gia, Nguyễn Khánh, Nguyễn Huy, Nguyễn Văn, Nguyễn Tiến, Lê Tất, Lê Huy,Tô Như, Nguyễn Kim, Hoàng Văn, Nguyễn Đức, Phạm Hữu, Lưu Ngọc, Nguyễn, Nguyễn Viết, Nguyễn Đăng, Lê Xuân...
B/ Các nhân vật nổi tiếng trong làng ( Kèm chức vụ trước khi nghỉ công tác) thế hệ trẻ nhiều người không rõ:
-NSND Nguyễn công Nhạc giám đốc nhà hát CMN Việt nam, là thầy dạy nhiều lớp các nghệ sỹ múa của đất nước.
-Thiếu tướng Nguyễn khánh Trung (điệp) Phó cục 2, Tùy viên quân sự Lào.
-Dũng sỹ diệt Mỹ Núi thành 1968 Nguyễn công Thỉnh.
-Nguyễn duy Trực Trưởng ga Hà nội thời Pháp, chính phủ Pháp vẫn trả lương hưu, (con thứ Nguyễn duy Cường HLV trưởng QG về môn đấu kiếm).
-Đại tá tên lửa Nguyễn duy Hải cựu chủ tịch hội CCB phường ta.
-Bác sỹ NGƯT Nguyễn văn Bản BV Bạch mai
-Bác sỹ TTND Nguyễn Thành Viện da liễu TƯ
-NSƯT dân ca và chèo Nguyễn duy Thường, đoàn ca nhạc đài TNVN.
-Phó thống đốc NHNN Viêt nam Nguyễn thị Hồng.
-Ông Nguyễn duy Vung và con thứ Vân Thượng tá, con cả Nguyễn duy Hoan đại tá cục kỹ thuật TCKT.
-Trần văn Nuôi chuyên gia men sứ thời Lý Trần, các học giả đến xin giám định cổ vật. Năm 17 tuổi ông đã sang Hồng công buôn dược liêu về làm hương, truyền nghề cho cả xã vùng cao nghề chẻ tăm hương khi làng không còn làm nữa.
-Đại tá Pháo binh Trần duy Hoạt Văn phòng bộ TTM bộ Quốc phòng (Em ruột tôi).
- Nguyễn Đình Thành (Người đi LX học đầu tiên thập kỷ 1950) Chủ tịch CĐ Tòa án Hà nội
-Người duy nhất làng ta bị Pháp đày ra Côn đảo 1952-1954 là Nguyễn đình Bình
-Tiến sỹ ( bảo vệ tại Bungari) Nguyễn đình Quang làm ở NHNN Việt nam
-Bác sỹ TTND Nguyễn đại Đồng, giám đốc Trung tâm YTDP quận Cầu giấy.
-NSND múa Nguyễn ngọc Anh, Trưởng đoàn văn công PKKQ.
-Cụ Nguyễn trọng Thống thày Địa lý xưa nổi tiếng gần xa từ 1960 trở về trước.
-Đại tá Xe tăng Nguyễn gia Vừa chủ nhiệm Tăng thiết giáp QK3, chủ tịch hội CCB phường ta.
-Kỹ sư Nguyễn đức Chiêu   trong tổ lái 1 quả tên lửa bắn rơi máy bay B52 Mỹ rơi hồ Hữu tiệp Ngọc hà
-Đại tá Nguyễn khánh Thường chỉ huy trưởng huyện đội Từ liêm.
-NSND múa Nguyễn minh Thông..
-Cụ Nguyễn huy Long (Lý ngư) là người biết chữ nho xưa ở làng, bà con ta hay nhờ ông xem ngày tốt xấu để lo việc đại sự nhà mình. Các tác giả viết về Hà nội hay đến xin tư liệu.
-Thầy giáo Lê tất Hồng dạy biết bao thế hệ Học sinh làng ta.
-Tiến sỹ Phạm đình Đỗng (bảo vệ tại Liên xô cũ) chủ nhiệm khoa  ĐH Kiến trúc Hà nội, từ thập niên 1960
-Nguyễn khánh Bình tự học thành chuyên gia Hán Nôm nổi tiếng, các nơi tìm đến nhờ dịch Gia phả, Sắc phong  Câu đối Hoành phi xưa, đã mở nhiều lớp dạy hán nôm cho người làng ta
-Bí thư Đảng ủy Xã Nguyễn đình Thanh
-Chủ tịch xã Phạm hữu Cảnh, Nguyễn Vạn
-Phó chủ tịch huyện Từ liêm Nguyễn khánh Tuệ
-Chủ nhiệm HTX NN Nguyễn thị Xuyên, Trần thị Huệ
-Chủ nhiệm HTX ngành nghề Trần văn Sới
-Các Liệt sỹ người làng ta đã Hy sinh anh dũng vì Tổ quốc, Tôi chỉ biết như sau : Tô như Lư, Nguyễn kim Viết, Nguyễn đình Phụng, Nguyễn đình Trí, Nguyễn đình Ngư, Trần ngọc Nhâm, Nguyễn kim Tuế, Phạm hữu Yết, Nguyễn đình Hậu, Phạm hữu Luyện, Nguyễn duy Chính, Nguyễn trọng Hảo, Nguyễn văn Dị, Nguyễn kim Tuyên, Nguyễn trọng Toàn,Nguyễn khánh Liêm, Nguyễn khánh Tiếp, Nguyễn khánh Thực,..
Mong bà con ta bổ sung danh sách này cho đầy đủ ạ, Xin có lời cám ơn trước
VÀI NÉT LÀNG GIÀN TA-P3 (Đăng 3/1/2017)
TRẦN MINH HẢI
Nói sơ vài nét về 1 làng cổ miền bắc nhá, Cây đa bến nước giếng làng thân thuộc. Đình là nơi thờ Thành hoàng làng (xin xem bài “Hội Đình kẻ Giàn“ tôi đã đăng trên Blog này 12/11/2016), Chùa thờ Phật (sẽ đăng sau), Đền (ở xóm đầm đã đăng: tranh ảnh 3/1/2017) miếu (sau chùa sẽ viết tiếp sau) là các nơi linh thiêng. Hôm nay xin nói về Cổng và Điếm xưa. Trước hết mỗi làng đều có 1,2 cái cổng ra vào, còn lại là các rặng lũy tre rào kín bao quanh. Xưa đói kém giặc giã liên miên, tối sẽ đóng cổng đề phòng trộm cướp. Thế là Điếm canh làng ra đời, có Trương tuần đảm nhiệm cắt cử tráng đinh các nóc nhà lần lượt ngủ tại Điếm này, có trống và Tù và báo hiệu. Điếm làng ta ở sau cổng làng (mặt trước nhà ông Phẽo bây giờ). Nhà thờ Tổ nghề hiện nay ở giữa làng, xưa có bức Hoành phi “Đãng Bình Chính Trực“ có ban thờ tổ nghề, tráng đinh ngủ canh đêm, người làng quen gọi vắn tắt Điếm...?!Lại nhớ tới Cô đồng Hiếng trú tại đây lúc cuối đời (Cô Hiếng có căn đồng hầu Mẫu và Tứ phủ công đồng, là chị của ông Hân xóm Trại), Nhớ ông Phê lưng còng ở xóm Trại-Cung văn nức tiếng một thời. Chạnh nghĩ nếu 2 vị này còn sống vào thời nay chắc chắn sẽ được phong danh hiệu Nghệ nhân chứ chả chơi ! Thôn còn 3 điếm canh nữa: Điếm cổng chùa-đối diện ngõ vào nhà ông Trác. Điếm cổng Mả đầm ở ngã ba hai Hào,Cả Yết-sau nhà cả Hà làm chuồng trâu. Điếm hay là quán xế cổng chùa làng có cây gạo ven đồng bù nền, dân làng hay nấu cháo để vào lá đa cúng cô hồn thập loại chúng sinh (sẽ viết sau)
Cổng làng ta xưa đã được thế hệ sau quay video và chụp ảnh giới thiệu cả nước biết (thông qua các Clip của các Đài TH) Nhưng bà con ta hàng ngày đi ra đi vào, mấy ai biết được các hàng chữ của Tiền nhân để lại . Ví dụ -Trán cổng “Cương Tỉnh Phong Thanh“dịch nghĩa Ranh giới làng có Giếng nổi tiếng
-Đôi  câu đối viết dọc “Môn Khách Cao Ích Hậu Tất Hữu Hưng Long-Lý Vấn Thanh Danh Hiền Nhân Vi Thịnh Vượng“ dịch nghĩa Thôn nổi tiếng, hiền nhân thịnh vượng-Cửa nhiều khách, làng thêm phát triển.
Một số Tư liệu sau (Trích Phả ghi sự tích thần hoàng-Soạn thời Hồng phúc nguyên niên năm 1572):
1-Xưa các chữ húy nhất thiết cấm là Nộn Quốc Độ Viên (thế cho nên cái cuốc đất phải gọi trại đi là cái bổ)
2-Ngày sinh, ngày hóa của Thần (tính ngày âm lịch) cho bà con tham khảo
+ Ngày Thần sinh 14/2
+Ngày Thần hóa 12/10
+Ngày Thánh Mẫu hóa 10/7
+Ngày Thánh Phụ hóa 18/12
+Ngày mừng Đại vương hành quân đánh giặc 2/12
+Ngày 10/2 Chính lệ khánh hạ Đại vương
+Ngày 12/3 Chính lệ khai sắc khánh hạ
+Ngày 2/6 Chính lệ hồi dân khánh hạ
3-Tên chữ các cổng xóm xưa: xóm Trại Hữu Trại Hạng ( nghĩa là:cổng bên phải) Xóm Điếm Tả Trại Hạng ( cổng bên phải) Xóm Chùa cả Đại Khả Dong (khả năng nhiều) Xóm Chùa Cỗ Tự Môn (gần chùa cổ) Xóm Đầm Đàm Trang (đầm và lũy)
(Tư liệu của ông Nguyễn Khánh Bình-Tôi đã xin phép trích dẫn và được Ông đồng ý)
TIN ĐĂNG KÈM
Đọc sách của ông Nguyễn khánh Bình. Tôi mới giật mình khi biết sự tích, xin trích dẫn sách :“Tại xóm Đầm có Kính Thiện Đàn là nơi tập họp những người hiểu biết chữ nho, cùng nhau lập đàn cúng tế để tu thân và giáo dục những điều thiện cho mọi người. Nơi đây thờ tam giáo đồng nguyên Khổng tử, Lão tử, Thích ca Mâu ni. Năm 2010 trùng tu đền. Các câu đối ngoài sân do ông NKB thiết kế và theo dõi thi công“. Xin nói thêm vài điều
-Các thành viên hội này, đầu năm mới phải viết ít nhất 1 bài thơ chữ nho trình ra để bình văn. Sách có bài thơ của cụ Ký Chưng viết ngày 14/8/1935.Có các cụ Thủ Giềng, Chánh Bùi, Căn, Long, Chưng...
-Văn bằng của ông NKB (ông còn có nhiều bằng cấp nữa)
-Tranh tôi vẽ khu đất ấy thuở xưa
-Ảnh tôi mới chụp đền gần đây. Ao xung quanh nhường chỗ cho nhà cửa san sát rồi
-Bây giờ các Cụ trong làng thờ cúng theo ý nghĩa khác ạ
VÀI NÉT LÀNG GIÀN TA-P4 (Đăng 5/1/2017)
TRẦN MINH HẢI
Bà con làng mình đi chùa lễ Phật, ít người biết rõ chùa có Thần Phật gì ngự ở ban thờ. Vì dân Việt nam ta thường thờ Tam giáo đồng nguyên) Xin khái quát đôi dòng trước khi vào bài viết ạ, Tượng thờ tính từ nơi cao nhất Tam bảo xuống dưới lần lượt sẽ là:
1-Ba pho Tam thế (Quá khứ-Hiện tại-Tương lai), Đức Thích ca Mâu ni Giáo chủ ngồi ở giữa
2- Ba tượng phật: A di đà-Quán thế âm-Đại thế chí
3-Ba tượng phật: Di lặc-Văn thù-Phổ hiền
4-Bộ Tứ thiên vương (Ngọc hoàng,Thái thượng lão quân, Thái bạch Kim tinh..)
5-Tòa Cửu long và tượng Thích ca sơ sinh
Dọc hai bên tòa tam bảo trên còn có tượng Thập điện Diêm vương, Thổ địa, gian Tiền đường ngoài cùng có các tượng Đức ông, Thánh tăng, Khuyến Thiện, Trừng Ác, Quan âm chuẩn đề và Quan âm Thị kính.
Chùa làng ta ai cũng biết, Tôi xin mạn phép có đôi dòng viết thêm cho lớp trẻ (Chữ trong ngoặc kép là trích tư liệu của ông Nguyễn khánh Bình)
<<Trước đây: Trung kính hạ có tên nôm là Giàn Kính chủ, mảnh đất chùa thuộc tổng Dịch vọng, phủ Hoài đức, rồi phủ Quốc oai, trấn Sơn tây. Một thời thuộc huyện Hoàn long tỉnh Hà đông. Đầu thế kỷ 20 thuộc xã Trung hòa huyện Từ liêm, năm 1997 thành phường Trung hòa quận cầu giấy Hà nội
Bằng chứng duy nhất đánh giá Chùa Báo ân làng Giàn ta có từ cổ xưa, là quả chuông đúc năm 1692, Khánh đồng 1839, 2bia đá 1894, hiện còn lưu giữ 48 pho tượng Phật, Mẫu, Tổ. Mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn từ TK18-TK19. Đến nay đã qua rất nhiều lần trùng tu, mới đây nhất từ 1994-2004, quy mô chùa được mở rộng ra, to đẹp hơn>>. Nhà chuà giờ vẫn bảo tồn cổng tam quan cũ (từ cổng xóm chùa ra chùa ngày xưa).
-Xưa có bà Cẩn nương người làng ta lấy ông Hùng Nộn Bảo quốc công (thành hoàng làng ta sau này). Ngày 12/10 âm lịch Hùng Nộn công mất, mai táng cho chồng xong. Cẩn nương cắt tóc tu ở chùa làng, lúc đó tên chùa là Diên phúc tự.
-Xa xưa trụ trì lâu năm nhất có Sư cụ nữ Đàm Oanh (tướng mạo như đàn ông) và chú tiểu, các ngày Lễ lạt Vãi làng tới đảnh lễ, có nhiều nhà mua Hậu (để mai sau hồn được nương náu cửa nhà Phật). Chùa cuối làng thì cũng heo hút như làng xóm nghèo xưa, Bao quanh chùa là rặng tre pheo, vườn trước Sư vãi trồng màu, vườn sau thì cấy lúa, tự cung tự cấp. Xưa đi lễ chùa thường có thẻ hương, bó hoa và oản chuối+hoa quả nhà trồng hay mua, gọi là có chút thành tâm. Chùa ta trồng nhiều cây ăn quả (ổi, nhãn, mít, muỗm...) là mục tiêu hái trộm của trẻ con làng-thế nên chùa nuôi rất nhiều chó dữ . Chỉ có tiếng chuông Thu không còn vang đều đặn khi mặt trời lặn xuống sau làng Mễ trì.. Nhà thờ Tổ xưa (sau nhà Tam bảo) dành cho các lớp học làng ta thời chiến tranh phá hoại 1965-1968: có rãnh giao thông hào xẻ dọc nhà tỏa ra các hầm kiểu Cồn cỏ, tránh bom cho học trò. Chúng tôi thi tốt nghiệp cấp 2 năm 1967 (hệ 7/10) ở đây và ở đền cạnh chùa. Quân đội cũng trú quân tại chùa ta nhiều đợt, chủ yếu là bếp ăn của cả đơn vị. Từ năm 1976 trở đi, chùa cũng là nơi tổ dệt mành, tổ thêu ren của HTX làm việc
-Giếng Chùa cấp nước ăn cho nửa làng (xóm Đầm, Chùa cả) mùa cạn dân xóm Điếm chúng tôi phải ra giếng này kín nước ăn về. Ao lối vào chùa ngày xưa là nơi bà con đi làm đồng về rửa chân tay, ngồi nghỉ giải lao tán gẫu, buổi chiều trẻ con tắm táp. Chùa ngày xưa ấm áp gần gũi thân thuộc với bà con ta (học sinh hay đến ôn thi cho yên tĩnh, các bà đến tụng kinh cho thanh thản tinh thần...)
-Qua Tư liệu “Các câu đối tại Miếu gần Chùa“ của ông Nguyễn Khánh Bình, mấy ai biết vị trí Miếu xưa là Quân doanh (đồn binh) của Thần hoàng làng ta (Nộn công Chủ trưởng Ô châu-Bảo quốc công-Đời Hùng vương thứ 18). Xin trích vài câu đối chữ nho xưa tại Miếu-qua lời dịch nghĩa của ông Bình:
1-Anh linh cùng trời đất-Miếu mạo còn mãi với non sông
2-Công lao với triều Hùng lưu sử sách-Tiếng thơm mãi mãi Tối linh từ
3-Ơn sâu Thánh đức trải 18 đời truyền hậu thế-Xây dựng Miếu đài qua vạn năm vẫn lưu danh
4-Miếu vũ huy hoàng Người giúp đất thiêng ngàn dấu cổ-Công thần rộng khắp Dân yên vật thịnh vạn nhà xuân--Mạn phép trình tranh tôi vẽ quang cảnh chùa ta xưa, không đẹp nhưng để bà con ta nhớ lại.
VÀI NÉT LÀNG GIÀN TA-P5 (Đăng 6/1/2017)
TRẦN MINH HẢI
Tôi đã được ông Nguyễn khánh Bình đồng ý cho trích dẫn các tư liệu trong các sách ông viết, các tranh tôi vẽ ra theo trí nhớ, ảnh làng lấy trên Blog làng Giàn ta. Các tư liệu khác lấy theo sách chính thống : báo cáo bà con ta hiểu rõ thế.
1-Đình làng ta còn lưu giữ các đạo sắc phong các đời vua Lê cảnh Hưng.. Quang trung...Tự đức, Duy tân... (trải dài từ 1740-1924). năm Mậu Tý tháng hai (2008) UBND thành phố Hà nội Công nhận Đình ta là Di tích Lịch sử-Kiến trúc-Nghệ thuật.Thành hoàng làng là Nhân thần, ngài sinh ngày 14/2-hóa ngày 12/10-hiển Thánh vào đời Hùng vương thứ 18. Được thờ tại Đình và Miếu.(tư liệu của ông NK Bình)
2-Theo lời ông Nguyễn huy Quảng thì:
+Trước khi Pháp xây Lô cốt (xem Hình vẽ 11 ngày 17/12/2016) Nơi đây sát đường cái trên có quán Nhà Nghè, các Cụ xây để trấn mạch...lý do không tiện nêu ở đây
+Khu vực đất Chùa trong chính là nền chùa xưa chung của thôn Thượng thôn Hạ, quãng giữa đất này và đường cái dưới có gò đất nhỏ-chính là nền tháp chuông xưa
+Khu Gò đường rộng 8 sào, trước kia là nền Đình chung của 2 thôn, sau này 2 thôn tách chùa+Đình riêng của mỗi thôn thì cụ Xuyên (bà nội tôi đã mua lại). Nay chính là khu vực chợ tạm+trước kia là Trại chăn nuôi HTX ta
+Đường cái trên uốn lượn theo mạch ngòi dẫn nước từ sông Tô lịch vào ruộng làng ta: Vừa theo phong thủy, vừa để các đám rước đẹp đội hình uốn lượn, đường lát gạch xưa  tới hết đường bao chùa trong-tiền do làng bỏ ra và rể làng nộp Cheo theo lệ xưa.
+Mả miễu xưa có quán gạch ba gian, để dân làng nghỉ khi đến làm các việc hiếu (Bà Như nấu ăn cho giáo viên ở tại quán này từ 1966 trở đi).
+Làng ta có 2 điếm canh xưa nữa, sẽ vẽ tranh và miêu tả ở bài sau.
3-Thôn Hòa mục có các di tích (Tư liệu sách của Đỗ Tỉnh 1985)
+Miếu 2 Cô ả, ở ngoài đồng xưa trước cửa Đình, còn tấm bia trùng tu năm Chính hòa(1680-1705) thờ 2 nứ tướng của Hai bà Trưng đánh giặc Đông hán bị giết
+Đình được xây dựng từ TK8, thờ Ả đại nương (Phạm thị Uyển) và 2em trai, 3 vị này gọi Bố cái Đại vương Phùng hưng là cậu ruột. Ả đại nương cầm quân chống giặc Đường, thua trận tự vẫn, thi hài trôi về dân làng chôn cất mộ (đối diện cổng thôn xưa sát sông Tô lịch) thời Nguyễn xây điện Dục Anh thờ Bà và có thờ thêm Bà chúa Liễu
+Chùa Linh thông tự (Chùa Thông), tôi đã có bài viết đăng trên Blog này ngày???
+Đền Cây Quế cạnh đền Dục Anh, TK19 Pháp thu đất làng Tả Vọng xây NM điện Bờ hồ, dân làng ấy mua đất Hòa mục, tháo dỡ chùa cũ về dựng tại đây.
VÀI NÉT LÀNG GIÀN TA-P6 (Đăng 9/1/2016)
TRẦN MINH HẢI
1-Sở dĩ tôi vẽ các Điếm canh làng xưa, vì nhẽ làng xưa nhỏ bé nằm gọn trong các lũy tre làng kín mít-người không qua nổi. Dân làng ra vào qua các cổng, tối đóng được lại+tuần phiên chống trộm cắp và giặc giã. Tính từ cổng đầu làng trở đi là rặng tre của các nhà ven làng: Cả Sang>Lý Ngư>Phó Khao>Tư Òm>Mọc>Na>Bằng>Có>Tư Chỉ>Mại>Hai Vị>Tư Vần>Mạch>Hai Hoa>Cả Tuân>Cả Ca>Hai Thẫm>Hộ Tý>Tư Phục>Năm Khắc>Hai Mùi>Ba Hảo>Cả Phảo>Cả Trác>Trưởng Lãng>Cả Khai>Vồng>Cổng xóm cạnh Đình. Mé bên bắc và tây:Tính từ cổng xóm Đầm trở đi là: Bác Thổi>Phó Thắng>ông Tén>Cả Tài>Khuya>Ba Cốc>Hai Hào>Cả Yết>Ông Gang>Cả Hà là đến cổng mả Đầm. Đến khu Hào là Lũy tre Lý Ngư>Hai Chức>Cô Nguyệ>Cụ Thường>Ba Tụng>Tư Chạ>Năm Di>Tư Trọng>Ba Đàn>Sáu Đồn>Hai Bé>Hai Thọ>Năm Tò>Tư Khây>Ký Trực> đến ao Phe đầu làng. Ngoài 2 điếm canh tuần xưa ở đầu làng và cuối xóm Chùa xưa đã nói ở trên, thì còn Điếm canh Mả Đầm nữa ở ngã ba (trước ông Cả Hà làm chuồng trâu sau khi điếm này bị phá).Hàng rào nhà ba Cốc và cả Hà là các cây duối già lâu niên đan ken khít.
2-Lớp trẻ bây giờ khi nhắc tới các Cụ đã khuất núi, sẽ tự hỏi sao thôn nhỏ lắm vị là chức sắc nhỉ ? Ví dụ Cụ Lý (Ngư,Cần,Nuôi)+Các Phó(Căn,Khao,Vọng,Hào,Thắng,Triệu,Đức,Mức,Còi,Luẩn,Bút,Quyền)+Các Thủ(Triết,Vinh,Dủ)+Các Trương(Chế,Hóng)+2 cụ Nhiêu(Thôi,Ngếch)+ Ký Chưng. Xin thưa ngay rằng đó là chức mua hư danh. Xưa mỗi khi làng có xây dựng hay phải chi dùng công việc đại sự, sẽ bán danh lấy kinh phí chi tiêu. Các Cụ mua được chức Lý trưởng-Phó Lý-Thủ quỹ-Trương tuần-Nhiêu sẽ thoát khỏi đi tuần canh, phu dịch và quan trọng nhất “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp“, được ngồi chiếu Đình khi họp và hội hè. Chứ thực ra vẫn làm lụng như dân làng thôi, chỉ hơn có tiền để mua, hoặc vay mượn ít nhiều để mua cho được.
3-Xưa làng ta chia làm 4 Giáp, mỗi Giáp có vài sào đất công trồng lúa. Gần đến lễ lạt và tết, các Giáp này họp trù bị vài buổi cắt cử tát ao Giáp, bắt lợn nhà ai thịt, làm cỗ cho cả Giáp ăn, đội tuyển thi thổi cơm,đấu vật...(với các Giáp khác ở làng giành giải thưởng) cử người ra đình điếu đóm...Đến hội Đình ra lễ tế, sau rồi mang lộc lá về nhà ai đó để cả Giáp ăn cỗ tại đó. Còn ở Đình ngồi dự phải có vai vế hẳn hòi. Ao Phe đầu làng thuộc Giáp Đông ( trước là 2 ao, bờ giữa chiếu vào nhà ông tư Khây-có lò sấy tăm dệt mành-ao sát cổng làng gọi là Phe đông-ao phiá bà tư Thêm gọi là phe Cả) Ao Phe tây (khu cổng mả Đầm hất vào chợ tạm nay đã phá, có nhiều ao của Giáp Đoài, Giáp Tả, Giáp Hữu)
4-Lứa tuổi Trung niên trở ra sẽ biết các Cánh đồng xưa: Bãi trên (có quán Vò Gạo) Bãi dưới (khu Hào xưa). Tràng-Chuôm (Big C nay). Ngo (giáp Mễ trì). Trổ cầu>quán Đầu eo>Táo>Nhội. Bồ Nền. Mả Chế (có đường đìa lơ lên thôn Cót). Mả ngang (tiếp nối nghĩa địa Mả miễu-có gò hình con cá xưa). Rộc. Hàng bát (khu ao dài ngõ 110 TDH hắt lên thôn Thượng) Hố Mẻ. Mả Chế xưa có ngôi mộ và 2 cột to nổi bật trên cánh đồng là mộ quan Đặng quốc Giám (Khi di dời con cháu tới, mới biết Cụ ấy có 9 bà vợ và đẻ nhõn 36 người con). Cánh đồng quanh quán Đầu eo xưa đất trũng gặt lúa mò sau bão lụt rõ khổ. Cánh đồng trước cửa Đinh (đồng Mái) lắm mồ mả-dân HTX hay gieo mạ tại đây. Khu Mả chế dành đất 5% cho các hộ dân. Xưa làng ít nhà gạch vì các Cụ gom rạ rơm nung gạch xây nhiều năm mới đủ số lượng. Sau này có lò gạch cuối chùa, thì việc xây nhà thuận tiện hơn.
5-Vị sư tổ chùa làng 100 năm trở lại đây, vốn tu ở các chùa mạn Hồ tây xưa, bị giặc giã cướp bóc, sợ xin về tu Chùa ta. Làng nghèo thì chùa cũng chả hơn gì...dần dần dân làng công đức xây chùa (đã có bài tôi đã đăng trên trang này rồi)-Chùa ta giờ còn ảnh Sư tổ, hình như sư cụ Đàm Oanh là đời thứ ba, vì đã có 3 tòa bảo tháp...các Cụ nói cho tôi biết vậy, chính xác tới đâu thì chưa biết-xin ý kiến các vị cao niên ạ. Đền-Chùa-Đình xưa đều xây chuẩn mực theo thuyết phong thủy, còn có Hoành phi+Câu đối từ ngày xưa.
6-Xưa đói kém các cụ phải đi mua ngô khoai sắn tại các chợ Vạn, Canh,Diễn. Có thợ lò rèn về cắt trấu liềm+hái, rèn lại bổ đất, sửa+đánh mới dao chẻ tăm hương ở đầu làng dưới cây đề (Thuở bé tôi đã thấy gần chục cái bình đựng vôi têm trầu treo quanh thân cây đề này). Có ông thợ đóng cối  vào thay dăm đóng lại 2 thớt cối- mất 3 ngày gia chủ phải cơm rượu cẩn tó. Các cối giã gạo trong làng sau khi bị thủng, HTX thu gom xây bục đập lúa tập trung tại sân Mảng hài và sân Đình (các nhà gánh lúa về xếp đống ,xếp hàng chờ đến lượt dùng néo đập tay) Quạt tay thổi thóc lép và bụi đất-sau này có quạt hòm quay tay. Việc mua nứa chẻ tăm hương xưa, ra bãi gần nhà Bác cổ (Bảo tàng lịch sử VN nay): hoặc là cưa sẵn theo mực+bó lại gánh về, hoặc là thuê xe bò-người kéo tay về tận nhà, gần 15 km chứ ít gì. Ra chợ Bưởi mua giống cây trồng+chó mèo, đi chợ Hà đông mua lợn giống, toàn gồng gánh cuốc bộ.
7-Nhà 2 tầng to đẹp nhất ngày xưa-Câu lạc bộ nay, là của cụ Nguyễn kế Vinh, mà ông Quán xưa làm con nuôi (xa xưa bầu cử, diễn văn nghệ thôn tại đây). Đường Mông Voi cũ (trên đương Nguyễn Khang nay) có nền đồn binh xa xưa cao như thành sát sông Tô lịch, 1966-1967 là bãi pháo 12,7mm hỗ trợ pháo 100mm (đầu cầu 361 nay) bắn máy bay Mỹ. Nhà bà Thủ Dủ là nơi đổi tiền năm 1958. Từ 1965 trở về trước cả làng chỉ được nghe tin tức+sân khấu truyền thanh...qua chiếc loa nén 25 oát treo cọc sắt nóc nhà Câu lạc bộ thôi nhé.
8-Qua tìm hiểu, tôi rất cảm phục cái tâm của ông Nguyễn khánh Bình tự học chữ Nôm xưa, ông đã vào Viện Hán Nôm, Viện thông tin KHXH nhà nước, sưu tầm Sắc phong Triều đình xưa,Thần tích thần sắc, Hương ước Khoán ước và các thư tịch cổ (sớ, văn khấn, văn tế...) của làng mang về dịch và phổ biến. Chính ông và một số người có tâm cung tiến để cho ta tận mắt thấy các Đạo sắc phong hiện hữu. Trò của ông không chỉ người dân xung quanh, mà có nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ và phóng viên báo chí theo học.  Người làng ta ra Văn Miếu “cho chữ“ đầu xuân là trò cũ của ông Bình.
VÀI NÉT LÀNG GIÀN TA-P7 (Đăng 11/1/2017)
TRẦN MINH HẢI
1-Nghề chẻ tăm hương có từ thời xa xưa ở làng ta, theo sách “Công nghệ gia đình ở Hà đông“ người Pháp viết, in năm 1932 thì dân làng Trung kính làm ba loại hương đen+sạ+vòng để cung cấp cho cả nước (trích sách Đỗ Tỉnh in 1985) thôn Thượng chuyên làm hương đen.
2- Xa xưa khi chưa có HTX, trong làng có dăm tốp (mỗi tốp dăm nóc nhà) chung nhau tiền mua nứa bến sông Hồng (cạnh Bảo tàng lịch sử VN nay). Nứa chuyển về tập kết tại gò Chùa Trong để chia, ý ới vui phết. Tăm chẻ-sát-bó hộp-gánh ra nội thành bán cho các nhà làm hương ở trong phố. Khi thành lập HTX các ông Thanh, Cảnh, Quảng đại diện xã lên làm việc với các nhà  chức trách, xin phép khai thác và ký kết hợp đồng tiêu thụ. Xong thủ tục là về cắt cử người đi chặt nứa, ban đầu ở Sơn dương Tuyên quang và sau ở các nơi khác , đó là cả chặng đường dài 1963-1990. Đại thể sau đó là :Nứa chở về sân Mảng hài, chia cho các đội SX-các đội lại chia cho SL lao động chính của từng nhà. Tăm chẻ phơi khô> sát sạch> bó từng hộp> nộp HTX, sẽ có người đóng kiện mang đi xuất khẩu tận Hồng công-sản lượng trung bình là 250 tấn/năm. Sản lượng từng nhà sẽ tính Công điểm sau sẽ chia thóc. Thật lòng mà nói nghề chẻ tăm hương này đã là cứu cánh cho rất nhiều hộ nghèo :đầu mẩu nưá+dọng+cật làm củi đun, tận dụng chẻ tăm kem đoạn ngắn bán HĐ cho nhà máy nước đá (làm kem que). Khi khoán 10, làng ta là không còn nợ đọng nghĩa vụ với nhà nước, bắc một lèo hệ thống Điện nước cho các hộ dân. Lãnh đạo HTX quảng giao kết nghĩa với ĐH Thủy lợi, N/m Xà phòng, Bưu điện HN tìm nhiều nơi tiêu thụ và các đơn vị này hay xuống giúp thu hoạch mùa màng... Bà con chị em phụ nữ chẻ tăm rất siêu. Hình ảnh các tối ở sân nhà ai đó có 2,3 ngọn đèn dầu hỏa, vây quanh là dăm mảnh chiếu các bà ngồi chẻ tăm+chuyện nở như ngô rang..Cánh đàn ông kê ghế sát tăm kem...Cảnh sát tăm kem, rải phơi tăm: trưa nóng rãy chân+hoáng hoàng thu tăm chạy mưa, bó cật bán dễ bị đứt tay, cưa nứa...nhớ ông Dăm rửa cưa cho cả làng, các bác các chú đóng kiện tăm...còn đậm nét trong tâm trí tôi
3-Những người làm hương ở làng, tôi tìm hiểu thì biết : Anh em nhà ông phó Nghếch (con ông, tôi gọi là bác phó Xương: bố vợ anh năm Di) là lớp làm hương đầu tiên của làng ta. Hồi bé tôi đã xem quá trình ép bột thành dòng+ và thao tác quấn hương vòng... tại cây si trước nhà bác ấy (đối diện bến tàu điện Cầu giấy ngày xưa).Thứ 2 là gia đình ông Trần văn Nuôi (Lý Nuôi-bác ruột tôi). Trước khi làm hương, ông Lý Nuôi đã theo bạn sang Hồng công buôn trầm hương và các phụ liệu rồi, có nhiều anh em nội ngoại đến nhà ông ở Ngã tư sở học+làm công+sau này làm ở nhà riêng. Về sau là nhà ông ba Mại, ông Thuật là những người làm nhiều... Việc này nhiều người biết rõ, thế nên tôi chỉ viết vậy.Tại thôn Thượng dân đốt cành cây lấy than làm hương đen ở Mông voi và mương tiêu Hàng xã, nhiều lúc khói tạt cả về làng ta. (So với hương đen thì hương sạ cầu kỳ hơn)
4-Sau khi nghề chẻ tăm hương giảm dần sản lượng, dân làng chuyển sang chẻ tăm mành. Nếu như chẻ tăm hương sẽ cần phải phơi khô nỏ, thì chẻ tăm mành vất vả hơn nhiều. Tăm chẻ bó từng bó (chọn nan đồng màu), nan nhỏ hơn, phải sấy tăm thủ công bằng cách đốt Lưu huỳnh trong các lò sấy tăm. Các tổ dệt mành tập trung tại Đình Chùa, hầu như nhà nào cũng có 1,2 khung dệt (Tôi nhớ có 1 cái lò sấy này tọa lạc bờ giữa 2 ao Phe đầu làng xưa-khói độc lắm-ai ngang qua là rảo bước). Người vẽ tranh vào mành đầu tiên là chú ba Lộc đầu làng, sau là anh Vồng và một số người khác ( Phim XQ cũ được trổ khoét các lỗ, bao nhiêu màu là bấy nhiêu phim XQ khoét...) do in kiểu lưới số lượng nhanh và nhiều-xuất khẩu theo chân người lao động sang các nước XHCN. HTX tổ chức đóng nhiều khung dệt mành cho các nhà tranh thủ dệt lúc nông nhàn (sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vài chục vạn chiếc /năm). Giờ chỉ còn anh Lệ làm tăm+dệt mành ghép vào các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu sang Nhật. Anh được Thành phố phong là Nghệ nhân+lên ti vi quảng bá sản phẩm rất nhiều lần. Thời gian làng ta chẻ tăm hương kéo dài, tôi chỉ biết có hạn và viết vắn tắt thế ạ. Rất mong bà con ta có ý kiến thêm.
5-Các cụ xưa lý giải làng ta là đất đãi khách-tôi chả dám luận bàn. Nhìn không ảnh của đơn vị đồ bản đóng quân làng ta 1966, tôi nhớ như in Làng xưa như hình cái dạ dầy, Phải chăng thế đất này đã tạo nên câu “Kẻ Mọc lắm Quan-Làng Giàn lắm Thóc“ lưu truyền lại từ xa xưa. Có nhiều gò bãi xưa, nay đã không còn dấu tích
+Gò hóa mã, sau Miếu cạnh chùa : ngày xưa các đồ hàng mã cúng ở đình làng mang ra đây đốt (thiển nghĩ các Cụ xưa hóa vàng đúng sách, và tránh hỏa hoạn có thể xảy ra-vì làng xưa tuyền mái gianh vách đất)
+Gò Mõm chó, hình hai bàn chân khổng lồ chĩa ra mả chế. Có Cụ nói vui đó là 2 bàn chân Tiên, mà rốn Tiên chính là giếng đầu làng ?!(lũy tre chú hai Vị xóm trại xưa)
+Gò Cửu long, nơi có tháp chuông Chùa trong ngày xưa
+Gò Đuôi cá (ở Mả ngang liền Mả miễu), Gò Dủ, Gò gốc muỗm, Gò Bồ cui (cạnh trại chăn nuôi HTX xưa) Sau đồng+Thái hồi+Cạnh tĩnh (cạnh chùa)+Đồng mái (trước cửa đình) các địa danh này chỉ cao niên làng ta còn nhớ mà thôi..
6-Một vài tư liệu ngắn :
+Đội bóng đá thanh niên làng ta thành lập hơn 2 chục năm, hai năm liền 2013,2014 đoạt giải Vô địch quận Cầu giấy. 2016 Vô địch giải Quận đoàn Cầu giấy tổ chức
+Hội thi chim cảnh mở ra hơn chục năm nay có tiếng vang quanh vùng
+ Làng có đội nhạc công và CLB đàn hát dân ca luyện tập+biểu diễn thường xuyên
+Làng Mọc là quê hương Đặng trần Côn TG Chinh phụ ngâm, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà CM Nguyễn thị Minh Khai. Có mộ người đóng thế vua Quang trung sang Trung quốc, làng lắm người làm quan nhất vùng.
+Làng Cót ít người  biết: giữa làng miếu thờ Diêm la đại vương-Vua Lý phật tử (571-603). Chùa Hoa lăng có mộ và thờ mẹ Thiền sư Từ đạo Hạnh. Cầu Tây dương xưa dài 15 gian có lợp mái (1679). Xưa dân làng làm  nghề phụ nhuộm giấy mầu-vàng thoi-đồ mã. Nhiều người đỗ đạt và làm quan to không thể viết hết. Thời nay có nhà sử học Hoàng thúc Trâm (Hoa bằng) nhạc sỹ Doãn Nho, Tiến sỹ Hoàng xuân Sính, Thứ trưởng bộ ngoại giao Hoàng văn Tiến...
(Nguồn từ sách,báo, hồi ức của tôi và tóm lược lời bác Nguyễn huy Quảng gần đây)
CHÚ EM (Đăng 12/1/2017 Fb LXT)
Nhà cháu có thằng em, kể ra anh em với nhau (mà mọi nhẽ khác nhau như 1 trời 1 vực). Dư lày nhá:
+Từ bé tới giờ nhà cháu thuộc loại cao kều, nhan sắc tàm tạm được. Còn hắn trẻ đẹp từ lúc còn truồng cởi cho tới tận giờ. Đi sóng đôi với hắn hay tự tủi thân ngầm, vì 100% chị em mà gặp anh em tôi- thì 100% các mợ ý mồm tươi+mắt long lanh (nếu không nói trắng phớ-nhìn như nuốt chửng) chiếu vào khuôn mặt “Râu hùm hàm én mày ngài. Vai năm thước rộng và dài chân...“của thằng em nhá. Có cân móc hàm cả hai lúc già nhẽ là Hắn hơn đứt.
+Riệu+Karaoke+Nhảy đầm...Mình nhún nhường đúng quy trình “Khôn...Khỏe đâu đến già“ . Mình có 2,3 lượt phi tàu bay+ngồi tàu lửa vào Sài thành và Vũng tàu. Còn Hắn Tây Tàu đủ cả (và chả biết có đứa con ngoại quốc lào không?)-đẹp trai-máy đầm-phong độ thế cơ mà. Dân Hà lội gốc phố cổ : làm ra làm-chơi ra chơi hề.
+Giống nhau cái tang lính tráng , Kẻ Giàn nhập trước, thằng em đi sau. Cơm Đại táo+quần áo mặc cả ngày+Rừng rú là chính. Cùng thoát chết trở về đời thường rồi cùng thở cái phào “Ta còn sống“. Lon thì hạ sỹ hưởng phụ cấp thâm niên dài dài. Nhà cháu có thời nhịn ăn để mua sách quý. Còn Hắn tài+khéo+tổ tiên phù hộ độ trì nên có đủ nhẽ Vợ đẹp con khôn. Dung dăng dung dẻ đó đây (ngôn ngữ thời @ gọi là Phượt)- Hậu vận thế là tươm hơn ối thằng. Cái thú đam mê của Hắn khắc người ta ra lắm.
+Uống Riệu như uống nước, say mê quên cả măm, Bắt tay rõ chặt, cười rất tươi làm chị em xao xuyến, Hát như thét gào, nhảy điệu đà...Mọi thứ quan sát được Hắn đều có thể viết ra chuyện hóm hỉnh đăng Phây. Cả Liền ông lẫn Liền bà đều thích bài Hắn viết, gặp thời yêu quý Hắn-Thế mới kỳ
+Có nghe hắn kể ngọn nguồn sông lạch...bà con ta cứ há hốc mồm, rồi thì là mà :gật đầu nể phục sự đam mê của Hắn, cái  chi viết ra đều chính xác như bản in. Có tên lào như Hắn? mò vào tận nơi chế tạo xưa, triển lãm Đức,CCCP,Úc ngày nay? để mà ngắm nghía, tọc mạch tìm hiểu cặn kẽ mọi nhẽ. Có tên lào kết bạn bốn phương để chia sẻ thỏa mãn cái đam mê...ẢNH XE TĂNG như hắn ?! Tiểu thuyết Bão thép của Nguyễn khắc Nguyệt-Ảnh của Hắn và bài ảnh của các Quê đăng Trang LÍNH XE TĂNG, đã trở thành CHUYỆN NGOÀI CHÍNH SỬ :Hấp dẫn+Kết nối  các Quê CCB xa về địa lý-gần gụi sẻ chia hàng ngày, truyền tụng mãi mãi Bản hùng ca một thời cho lính tăng ta
Vâng đấy là chú em TÙNG NGỌC mà tất thẩy các Quê tham gia Facebook LXT ,biết rất rõ. Tư nhận là anh của chú em này, Nhà cháu có đôi nhời cảm nghĩ :
-Binh chủng kỹ thuật mà về già ối nhân vật văn-thơ-nhạc-họa nổi tiếng toàn quốc, nêu ra đây e các Quê đã biết, đọc sẽ mỏi mắt các CCB già. Cám ơn quê Nguyễn khắc Nguyệt và các Quê khác đã tạo lập trang LXT, cho anh em mềnh giao lưu+vui mọi nhẽ !
-Trang LXT ta Văn thơ ảnh ót phong phú, do tất cả các Quê hăng hái tham gia, riêng mảng ảnh của Tùng Ngọc chiếm một vị trí đáng nể. Duyên trời cho chú em vào hội Lính tăng, có nhều ảnh độc đáo, hiếm hoi... Dân ta ối a, suýt xoa, khen chú em Tùng Ngọc, mấy ai biết để có được những tấm ảnh lịch sử hiếm hoi đó, Chú em đã vất vả tốn thời gian, cần nhều kinh nghiệm tìm tòi, thậm chí đi vòng vèo. Lính ta yêu cầu chi, chú em hứa là yên tâm nhớn (Ví như xe tăng quê Nguyệt và các Quê đã từng gắn bó...)
-Nhiều CCB xe tăng cảm phục tính cập nhật của chú em về tăng pháo...Cái sự so sánh tăng xưa-tăng nay của hắn cứ là Tết chưa hết chuyện.
-Cứ nghĩ giá mà Binh chủng ta có dăm người hiểu biết+đam mê như Tùng Ngọc làm Bảo tàng Tăng thiết giáp nhề..
Mưa gió nhớ chú em nhiệt huyết, viết đôi dòng trình các Quê, ké vài ảnh anh em tui nhề.
NHÀ VĂN TĂNG MỀNH (Đăng 13/1/2017 Fb LXT)
TRẦN MINH HẢI
Bá cáo các Quê vân vi vài lời trước khi vào Chính chuyện
-7/2016 Nhà cháu đăng trên Fb hội K6 ĐHCĐ bài “Lớp vẽ của BC Tăng“, SP Lê trí Dũng cmt “ có phải Hải học lớp vẽ do Tôi dạy không ?“. “Nhất tự vi sư-bán tự vi sư“ >Thầy Trò trao đổi với nhau mọi nhẽ. Cmt thứ 2 của Người “Hải vào trang Lính xe tăng đi, hay lắm“. Thầy bẩu thế, nhà cháu mò vào ngay tắp lự. “Thề có bóng đèn“ trên trần nhà nhá. Dưới đây là ấn tượng đầu tiên :Thú vị-Nhòm sướng quá ta ! Ơ hay tên lào CCB cuối đời cũng mon men viết lách+chụp choẹt cho nhau xem=Hay Chốc !
-Cứ liều đăng cứ liều vẽ tranh đăng bạt mạng, được các Quê khích lệ thích nhá. Mà chả biết Quê nào Cầm cái, Quên nào là QTV. Biết dần dần các NAG-nhà thơ-nhà văn-nhạc sỹ-ca nương của Binh chủng Thép nhà mềnh. Lạy giời, các tác phẩm của các Quê đọc xong, trí nhớ nhà cháu như ở trong màn rủ kín xưa-tưởng rằng quên lãng ?, được vén màn che-sáng láng hẳn ra. Bao nhiêu kỷ niệm thời Lính Tàu bò giờ nhớ ra mọi nhẽ.
-5/10/2016 đại hội FBC Tăng lần thứ nhất tại quán Hải xồm. Bốn thằng E207 đội mưa gió tới đầu tiên, có 1 tên tay chống cằm, rung 2 đầu gối lia lịa ngồi chờ trước. Ơ hơ, cứ bẩu vào Facebook là vào thế giới ảo ?!. Nhìn hắn biết là Ánh Trăng đây- chuyên gia sử ký TTG, bài đăng tóe loe các tạp chí nước nhà. Bắt tay bắt chân rồi vào mâm cạch rót.
Biết lớp SQDB đầu tiên của BC 10/1979-1/1973 có 2 vấn đề mào đầu
 Nhà cháu nguyên CCB thiết giáp chui vào lớp-còn Hắn là Trung úy B trưởng khung. Cháu làm Kỹ sư cho đến khi cầm sổ hưu. Hắn tu nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân, về 600+BTL leo lon Đại tá rồi cũng hưu 2008.
-Gần đây xem trên Fb nhà mềnh, nhà cháu giật mình thon thót khi biết Hắn là Tác giả tập trường thiên tiểu thuyết hơn 1000 trang-4 tập mang tên “Bão thép“ đã ra lò từ hồi nảo hồi nào, mà Nhà cháu nỏ hay. Ơn giời có tý huyết Gia cát Dự, linh cảm sách của Hắn là rất hay, Bèn xếp hàng gạch (như thời bao cấp xưa) đầu tiên, Tép riu nên Hắn nhớ ra tôi đăng ký là tên cuối cùng ?! Hơn thế nữa, nhà cháu còn lần mò tới  Tư dinh tác giả, tìm hiểu quá trình thai nghén+mang nặng đẻ đau tác phẩm hoành tá tràng này. Mang về hăm hở 2 hôm đọc xong béng Q1, chảy cả nước mắt vì nghiền lâu. Cứ phải đọc xong cái đã, rồi thắp hương vái SP Mao tôn Cương, tập tọe bình văn của Hắn. Đó là chuyện của sau này nhá.
-Giờ đây mới hiêu hiểu được Đại tá-nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt (Bút danh Ánh Trăng) Tư lệnh Facebook Lính Xe Tăng, dăm điều  vì nhà cháu “Mãi mãi là người đến sau“Chát xình xình, chát chát bùm... như ca khúc quốc tế lời việt-hót thập kỷ 1985 trở ra
+Trước hết là cái tang Riệu, thời này SQ quân đội luôn luôn là cao thủ, vì họ được luyện nhều ?!, Còn Quê Nguyệt về hưu gần chục năm mà còn nguyên phong độ là điều đáng nể. Bao phen thấy Hắn Bia Rệu Thuốc lá...đá thành thần. Chuyên gia máy xúc kích kéo lù lù tới cạch với các Quê đang oai oải muốn thôi tu tửu. Thời nay các nhân vật một khi đã nổi tiếng, thường là thay đổi phong cách cho khác người. Còn Hắn nguyễn y vân, quảng giao, giọng hát khàn khàn “Đời chúng ta đâu có mời-có rót là ta vẫn đi“. Trang phây lúc thấy Hắn ở nơi này, thoắt đã sang nơi khác-tay luôn kèm chén cốc !
+ Vẫn biết Hắn viết đều viết khỏe, đạo diễn bếp núc văn chương Facebook giỏi+tổ chức liên hoan luôn thành công mỹ mãn. Gả gái rượu đón dâu tây về trọn đạo phụ huynh ở đời. Trừ lúc dự tiệc măm rót, chiều chiều đi dạo quanh hồ gần nhà thơi thới lòng, để tối tót lên gác viết lách. Lương nhà binh đủ tiêu và đi nhởn, tuổi Giáp Ngọ quý tướng, tưởng mấy ai bằng. Sử Binh chủng ta Hắn thuộc lầu làu, thơ thích thi viết ra...vấn đề mà Hắn ta đã kết luận là cấm cãi được đâu.
+Là gương mặt thân quen của làng Phây búc, vừa rồi có tên CSV+CCB của nhà cháu, có nhắc có đăng ảnh Hắn thuở xưa. Úi giời, nhà cháu lại thêm cái giật mình nữa  Hắn đẹp trai quá !.
Viết vài dòng về Nhà văn binh chủng ta, mong các Quê thêm thắt, có sao quê Nguyệt đại xá cho nhá
THI SỸ TĂNG TA (Đăng 16/1/2017 Fb LXT)
TRẦN MINH HẢI
Bao nhiêu lần bụng bảo dạ, phải viết về thằng cha thú vị lày. Còn trên văn đàn thì sẽ phải viết là “Vài nét về Quê giai làng Tó“. Trước nhất là Tôi (Kẻ Giàn) và Hắn (Làng Tó) có bạn chung Kẻ Vòng (Nguyễn văn Hưng-lính trường bắn Cam lâm> BTV tạp chí CS> đã hưu) thuở bé đã tắm Sông Tô sông Nhuệ+cùng măm cơm Đại táo Lính tàu bò ta 1971 trở đi, 2 tên đã ở E201đều cùng nước da “Tươi màu suy nghĩ“ và thấp bé nhẹ cân thuở ban đầu-Nguyễn Y Vân cho tới ngày nay. Hắn leo lên SQ cao cấp-chức vụ E trưởng thì phải?.Tôi ở E207. A ỐI À là cái hôm 5/10/2016 dự FBC1 Tàu bò (quán Hải xồm gần dốc Bưởi) giời mưa như trút cơ mà VUI. Đại khái thế.
Hắn thì dân phây bút LXT chả ai mà không biết, Ấn tượng mạnh mẽ khi đọc các cmt của hắn với các Thím tăng ta tuyền điệp khúc: “Mợ nó, Dì hai, Dì 3,4..Dì+n Ơi“. Các Mợ, các Thím, các Em, các Cháu đáp nhời lại:70% là rất chi dịu dàng, mềm mại, ướt át, đằm thắm (đến là phát ghen với Hắn).30% là ăn miếng trả miếng+đùa với tim, mạch văn và giọng ưu ái vô ngần (Hiểu là “iêu thương lắm“ cũng chả sai) đọc các cmt trao qua-đối lại cứ thu thú. Kế đó là các ảnh tập thể kiều nữ LXT: thể nào cũng có chân dung Hắn ké vào, Thân hình có dây Hắn tạo dáng, quân dung là tươi tỉnh, đầu ké sát đầu, vai kề vai, tay thì...khỏi nói (Quý hóa quá). Ngẫm nghĩ nỏ bít mần răng mừ các O quý mến Hắn hề ?. Lý lịch quân nhân, các lần oánh nhau và các thiên tình sử của Hắn chỉ có các Quê cùng đơn vị A,B,C,D,E và gần gụi khác là nắm rõ hơn Nhà cháu. Họ Ngô vi làng Tả Thanh oai có nhiều tao nhân mặc khách-nên Hắn có gien?, giừ trú Bình xuyên tổng Vĩnh Phú...Nhiều Quê lầm tưởng đấy là con cháu Đền Hùng, hay là giai Quan họ cùng cánh với mềnh?!. Nhều lúc Nhà cháu lại tưởng Hắn quê đằng trong, vì nhẽ Hắn phát âm thổ ngữ Mi Tau...điệu đàng. Chả sao cả, đó là minh chứng Hắn quảng giao, vui tính, dễ mến dễ gần, ai trêu cũng nỏ giận...
Binh chủng mình có nhiều CSV tại các ĐH “Đăng Nhập“ đời lính tráng, thì có nhều vị thành Văn+Nhạc+Nghệ sỹ...Cùng với các Quê khác “Đăng Xuất“ trở thành CCB : Đã làm thành binh đoàn viết “Chuyện ngoài chính sử“ Facebook LXT-Bản hùng ca một thời của các chiến binh Tăng Thiết giáp. Bài vở+ảnh xưa nhiều “như quân Nguyên“phong phú> góp phần cho các đồng đội tìm đến nhau> từ ẢO sang THẬTcác mối thâm giao mới>hâm nóng hồi ức Chiến hữu...Các trận gặp nhau “Cạch cái nào“>nuôi dưỡng tình Lính Xe Tăng nồng nàn như lửa cháy và “vẫn còn hăng như mùi dầu“ xưa kia-mùi cồn nay. Câu cửa miệng khi gặp là “Quê à“>hay chốc !
Giờ nói đến thơ Ngo vi TK, Kiến văn của các Quê rộng nên đã phát nhiều cmt, đã bình luận thơ Hắn chí lý. Nhà cháu nhòm ké vỡ ra nhều đều, hiểu thêm cái hay của thơ Giai Tó. Dưới đây xin có vài nhời :
1-Tài hoa, nghĩ khác người nên Hắn ho ra thơ thở ra văn, có nhẽ Hắn đã đẻ ra hàng trăm bài thơ có lẻ, đăng vài  tờ báo nhật trình lẫn tạp chí. Hỏi sao không ra tuyển tập cho Thiên hạ biếtt, có nhiều NXB đề nghị in tập thơ của Hắn ? Hắn bẩu “Tớ viết cho vui thôi“. Ờ thì khiêm tốn là tốt (giống như kẻ sĩ Tả thanh oai đời xưa). Nhưng những câu thơ mà Nhà cháu cảm thấy “hay chết người“ sau này tõm vào quên lãng thì Phí của Giời ra lắm. Cứ ra tập thơ Ngo vi TK (Tác giả trẻ) đi-Dù đã Lục thập Hoa giáp dư vài nhát. Cho thiên hạ biết rồi thì Tâm Phục Khẩu Phục>Binh chủng Thép đầy Văn sỹ, Thi sỹ, Nhạc Sỹ, Họa Sỹ tài hoa. 
2-Nhà cháu thu thú với dạng thơ Hắn hay viết thử nghiệm rồi đăng, mà Hắn bẩu “Thơ Nấc cụt“. Theo thiển nghĩ Nhà cháu hiểu Thơ Nấc cụt sẽ là tưa tựa : Ta đang ngồi trên xe 4 bánh xịn chạy ro ro, lim dim mắt thả hồn theo lời bài hát du dương qua loa stereo. Giật mình khi xe phanh kít, mở choàng mắt thấy ngoài xe phong cảnh tuyệt đẹp...có nhẽ ?!. Cứ đà này nhiều tên viết bài dạng ni, Hắn sẽ là Trưởng lão trường phái thơ Nấc cụt (Như CCCP xưa có loại thơ Bậc thang). Ngoài ra các thể loại thơ Hắn đều “Chơi tất tần tật“ mà hay mới chết...chị em trước, sau rồi mới tới cánh mày râu chúng mềnh. Hóa ra các Cụ xưa chí phải “...Đàn bà yêu bằng tai“ Thơ đọc bằng mắt>thanh âm bật trong não bộ Rủ rỉ,Thiết tha mọi nhẽ> ngấm vào tim ta thì “Thôi rồi lượm ơi“. Nom ảnh Hắn thời trai trẻ bên Tây, chị em chết như ngả rạ là cái chắc !
3-Hắn đào hoa ai mà chẳng rõ (Giời cho Hắn sướng thế không biết) Hắn hay mơ màng từ cái thiết thực suy rộng ra cái khác đấy-ấy là các bài thơ ngẫu hứng. Hồi ở lớp vẽ Binh chủng TG năm 1974, cả lũ học viên Nhà cháu đều há hốc mồm nghe Thi sỹ Hữu Thỉnh bình các câu thai nghén Trường ca SBCĐ xuất bản về sau này. Thế mới biết để có 1 câu thơ hay vất vả-lao tâm khổ tứ đến như thế nào. Thế mới hiểu sao Thi sỹ Ngô vi TK, nhạc sỹ Quý Lăng  còm nhom vì anh hoa phát tiết-có măm rót thật lực cũng không lại. Các Hắn như người hành tinh khác ấy, vui rót+hát hò+chém gió tận tình (Trời không nghiêng nghiêng mà các Hắn đi nghiêng ngả) ấy vậy mà cực kỳ nghiêm túc với từng con chữ và 7 nốt nhạc xanh-để ra tác phẩm cho LXT mềnh thưởng lãm và rồi vỗ đùi đen đét “Cha Chả Hay“. Văn nghệ sỹ mặc áo lính, ai cũng thích Xem-nghe-đọc tác phẩm của Họ (trong đó có tên Giai làng Tó). Họ đã viết thay những lời chúng mình muốn nói. Chúng mình chả tài năng, tài cán nhưng ai cũng giàu tình yêu thương quý mến với Họ, Chốc !
4-Xuân Đinh Dậu này : SP Lê Trí Dũng phóng cọ đã xuất chuồng hàng đàn gia đình gà Đẹp tuyệt vời. Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt trước khi khao làng, đã treo giải thưởng Câu đối XE TĂNG...Các Quê đang thai nghén bài ảnh mừng xuân về-sẽ là tưng bừng trang LXT ta CHỐC. Lẽ lào Thi sỹ Ngo vi lại kém cạnh nhề?. Tài hoa Đa tình như Hắn ta, bỏ rẻ cũng 1,2 bài/ngày xuân>50% tặng phái Đẹp>25% cho đời>25% về lính Tàu bò. Nhà cháu “đếm cua trong lỗ“ THI PHẨM Ngo vi TK đấy ạ. Còn Nhạc sỹ Quý Lăng Nguyễn- nhà cháu vì bẻ đôi nốt nhạc cũng không biết, đành chờ thưởng thức NHẠC PHẨM sau vậy.
Chờ xuân về, viết tý về Quê Ngo vi yêu quý của Nhà cháu, trình các Quê LXT nhòm


















LOẠT BÀI VIẾT VỀ QUÊ HƯƠNG ĐĂNG TRÊN Fb LÀNG GIÀN TRUNG KÍNH HẠ
VÀI NÉT LÀNG GIÀN TA-P1 (Đăng 29/12/2016)
TRẦN MINH HẢI
Xưa làng có tên nôm Kính Chủ, đời Hùng vương thứ 18 ban cho tên Hộ nhi hương, về sau đặt tên chữ là Trung Kính gồm 2 thôn Thượng (sát sông Tô lịch-có họ Ngạc họ Phan là chính-làm hương đen), thôn Hạ ta dân làm ruộng giỏi năng xuất cao xưa có câu là “Kẻ giàn lắm thóc“. Thời Pháp thuộc: tên xã Trung Kính-phủ Hoài đức-tỉnh Hà đông (số liệu 1926 có 1531 người, làng Nhân mục chỉ có 203 người), sau thuộc Đại lý Hàm long, có khi thuộc tổng Dịch vọng-Từ liêm...Trung Hòa là tên xã mới xuất hiện do chính quyền bí mật của ta đạt cho năm 1949. Tháng 10/1954 là xã Trung kính-Quận 6-Hà nội.1961 đổi tên thành xã Trung Hòa. Từ 1961-1997 Làng Giàn chính thức tên là: thôn Trung Kính Hạ-xã Trung Hòa-huyện Từ liêm-TP Hà nội (có trên 400 mẫu ruộng, bình quân chưa được 3 sào/người). Từ 1997 đến nay là phường Trung Hòa-quận Cầu giấy-TP Hà nội. Có 3 cổng Đầu làng-Chùa ra bồ nền-Mả đầm ra quán đầu eo, còn lại là các lũy tre xanh quây kín mít các rìa làng, hồi nhỏ tôi còn thấy cò vạc đậu lũy tre ông sáu Đồn,nhà cả Chức, có rất nhiều ao lớn nhỏ. Cả làng có mấy căn nhà gác 2 tầng (CLB, Bường, Lơn, Sỡi, hương Vấn, Thường) đa phần nhà tranh vách đất, Điếm canh giữa làng. Năm 1965 đắp đê bao chống lũ TP (từ sông Tô lịch bao quanh làng tới đài TNVN Mễ trì thượng),cùng năm này xây hai dãy trường học cấp 2 cửa kính cửa chớp đàng hoàng ở Mả miễu lũ tôi tối phải đi canh) 1967 có 7 người-1968 có 10 người đi học cấp 3 tại làng Giấy Yên hòa. Năm 1979 làng mới có điện, mới thoát cảnh xay lúa tay, giã gạo chân vất vả. Thập kỷ 1990 có đường Trần Duy Hưng (trước đó là con mương-sau là cống ngầm thoát nước) đường cái trên, đường cái dưới ra đường Láng, mương máng ngòi nước, các cánh đồng xưa không còn dấu tích.
Chùa làng tên chữ là Báo ân tự, có chuông đúc năm Chính hòa 1693, trên chuông có ghi tên Hoàng hậu, ông hoàng bà chúa đương thời cúng tiền đúc chuông. Ở gần cầu Đỏ xưa bắc qua sông Tô lịch có miếu Ông nghè Tráng (tôi đã đăng bài và tranh trước đó). Làng ta cũng có Văn chỉ thờ các vị Tiên hiền, vì làng không có người đỗ đại khoa (nên không có bia ghi tên người đỗ như các làng bên cạnh) chính là ngôi nhà nhỏ 4 mái đao ở Mảng hài hiện nay. Phía sau cây đề xưa còn có bục gạch nền nhà thờ Thần nông. Giữa làng có ngôi miếu thờ Tổ nghề chẻ tăm hương, trước đây xuân thu 2 kỳ những người làm thủ công đến đây lễ Tổ. (Chắc xưa kia tuần phiên hay đến đây ngủ nên gọi là Điếm). Xưa làng Trung kính làm 3 loại hương :Hương đen, Hương xạ, hương vòng để cung cấp cho nhân dân cả nước (sách tiếng Pháp in năm 1932). Ngay tăm hương cũng được đem xuất khẩu-đóng kiện đường kính khoảng 0,8m (tôi chứng kiến kiện tăm này xếp bục sân khấu ở Câu lạc bộ cho thôn biểu diễn văn nghệ), có năm lên tới 250 tấn, về sau chuyển đổi chẻ tăm mành, đóng nhiều khung dệt mành-dệt được khoảng vài chục vạn chiếc-nhuộm in tranh-đem tiêu thụ trong nước và xuất khẩu một thời. HTX tổ chức tổ thêu ren xuất khẩu, các nhà in lưới hàng mã gia công cho làng Cót (lúc nông nhàn)
Chùa Thông, tên chữ là Linh thông tự, năm 1946 các Bộ của chính phủ làm việc ở đây một thời gian (có 2 bộ trường là Huỳnh Thúc Kháng và Trần Huy Liệu về ở đay làm việc) 12/6/1966 Chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà nội ta, đã rơi xuống sau chùa Thông này. Sư trụ trì chùa hiện nay là Nguyễn thị Thảnh,nhà cạnh Đình làng bây giờ. Mồng 4 tết Mậu thân, một phát tên lửa Mỹ bắn từ Hòa bình nổ cách Lô cốt Pháp xưa 4m. Hai doanh trại pháo cao xạ 100mm ở Cót (đầu cầu 361 nay) và Hòa mục (đầu cầu Mọc nay) hai bãi pháo đại liên 12,7mm tại Đìa lơ (quãng giữa phố Trung kính nay) và ở Mông voi (cạnh nghĩa trang thôn thượng nay) của Trung đoàn Tô Vĩnh Diện đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Đoàn ca múa PKKQ hai lần đóng quân tại làng ta 1966-1967.
Xưa làng ta có tục nuôi lợn thờ cầu kỳ, mỗi Giáp phải nuôi 1 con lợn giống đen tuyền đầy tạ (100 kg)  thường phải nuôi trong 1 năm, vì Thánh rất ghét màu trắng. Ngày 2/9 âm lịch ngài khao quân : sẽ thịt con lợn này kèm thêm thịt 1 con trâu hay 1 con bò. Ngày sinh của Ngài tháng hai âm lịch thì rước sắc và bài vị từ thôn Thượng xuống thôn Hạ và ngược lại, dịp này mỗi Giáp chỉ thịt một con gà. Năm 2008 và 2013 Làng mở hội Đình to, các năm khác mở hội nhỏ. Việc cúng giỗ kỵ Thánh được tổ chức chu đáo  (nguồn tư liệu “Từ sông Tô đến sông Nhuệ” của Đỗ Tỉnh và các tài liệu+hồi ức của tôi).
-Ngày 1/3/1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Trung hòa ta



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]