K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

11 tháng 9, 2016

NHỮNG NGƯỜI TÔI ĐÃ GẶP TẠI BINH CHỦNG

 Trần Minh Hải - K6I           
  Thưa chư vị, đời quân ngũ của tôi ngắn, đời lính thì dài tới tận bây giờ. Sắp tới ngày kỷ niệm 5/10/2016, tôi bỗng nhớ da diết đồng đội lính Tăng xưa, đành viết ra vài kỷ niệm xưa ôn lại tý chút Chân dung những người tôi đã gặp-đã sống cùng với họ.
Tiếp xúc với các Văn nghệ sỹ khoác áo lính rất thú vị, đơn cử thầy giáo họa sỹ Lê trí Dũng chẳng hạn. Anh ấy là con nhà nòi, thân phụ là họa sỹ Lê quốc Lộc lừng danh tranh sơn mài “Qua bản cũ” nước nhà! Người học vẽ từ lúc truổng cười không ngoa đâu, lăn qua các đẫn học 11 năm sơ trung đại học về vẽ. Sau khi vào lính từ chiến trường, về Binh chủng ăn lương thượng sỹ, bị bắt vẽ phóng bức “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, bị các Bác to to xầm xì không giống! Họa sỹ giải thích cần sáng tạo, ở đời anh ghét nhất là sao chép tranh người khác! Anh ấy nom Tây lắm, mà giàu cảm xúc, phong phú tâm hồn, nhiều lúc vui đùa cứ y như trẻ thơ, anh ấy reo lên khi có thằng trò vẽ tư thế lính đặc sắc, ngây người khi có tên pha màu phong phú, Anh ấy không ngại ngần quạc bút sửa tranh trò, mặc cho chúng mày mất mấy buổi hỳ hụi làm. Hứng thì người mải mê vẽ tranh, quên ăn quên uống tới tối mịt mới thôi, chán thì cả ngày không đụng tới cây cọ vẽ. Trừ thuốc lá ra thì cái gì người ta sơi được, anh ấy cũng sơi chả kém cạnh. Nhiều khi anh ấy khơi mào tìm lý do để chén cho nó vui. Học viên đa phần là SV đi lính nên anh rất khoái-do cùng phông văn hóa ?!. Vào chiếu liên hoan, uống thật tình, khi người say la đà dựa tường nom ngộ lắm. Sau này bên Mỹ, Úc mời anh ấy sang giao lưu CCB từ 2 phía, anh ấy vẽ và mở phòng tranh luôn tại trận. Anh ấy có cái thú chuyên vẽ tranh ngựa hàng năm mở triển lãm chuyên đề (mà VTVđã nhiều lần đăng tải), có thú sưu tầm các hiện vật chiến tranh, có các tản văn dí dỏm đấy mà sâu lắng lắm đấy- đầy ặc trên Facebook.
          Họa sỹ Phạm Lực phòng VNQĐ, dạy cậu em học vẽ, bà chị cậu nó lại say mê Người. Bác Lực bèn vẽ 3 bức sơn dầu chân dung chị ấy, treo ở các nơi: Đầu giường, chân giường và trần nhà “Để lúc nào cũng thấy người yêu!” Cũng lon thượng sỹ, đi các quân binh chủng mở lớp dạy vẽ. Ai lại để các sỹ quan sở tại mở lớp-tiếp thầy giáo hạ sỹ quan  cấp VNQĐ trung ương?-Người được thăng Chuẩn úy. Tài vẽ của bác nổi tiếng, lại đang học dở ĐH Mỹ thuật ở Yết kiêu. Xúng xính trong quả áo đại cán chả bao giờ gắn lon, đầu tóc râu ria xồm xoàm, xuề xòa với trò, uống riệu cũng thần sầu. Tranh của bác ấy vẽ, nhòm hoa mắt vì các nét quạc có mầu sắc dữ dội, luôn ở dạng như phác thảo sống động, ngồn ngộn (thầy LTD bẩu thế).Hai Sư phụ dạy lũ tôi học vẽ rất nhiệt tình và tận tâm. Khi vào mâm lại thân tình, bỏ tiền túi ra cho lính đi chợ sắm đồ…nhắm ! Lũ tôi tự hào được làm trò của 2 họa sỹ lừng danh !
         Họa sỹ Văn Đa tranh xếp ngồn ngộn để khắp mọi nơi trong căn phòng nhỏ, kể cả dưới cái gậm giường, riêng tranh của ông con thì đặt trong khung kính to cẩn tó. Trên tường có treo tranh sơn dầu khổ lớn về Bác Hồ ở rừng cọ đã 15 năm chửa hoàn thành. Có bức họa cầu Long biên bị máy bay mỹ thả bom gẫy sập, người qua lại đi ngược chiều đi hiện nay, Bác ấy tủm tỉm “đó là khoảnh khắc của lịch sử“. Bác Huy Toàn thì cẩn thận giở cho xem các tập ký họa, tỷ mỷ, chi tiết đến không ngờ nổi, Bác Dương Viên thì người làm sao - bào hao y vậy, nhân vật bác thể hiện mặt cứ tròn trịa béo tốt. Nhà điêu khắc Kim Giao ăn nói rất nhẹ nhàng, hay thủ thỉ với tôi: nhóm tượng đài dựng ở đền Bà Kiệu bị duyệt bớt, giá dựng theo ý bác thì hay hơn nhiều lắm, Bác ấy nhận xét: Tôi ĐHCĐ,Vị ĐHTH, Hùng ĐHKT là có khả năng theo đuổi được hội họa. Đến khu chợ Bưởi thăm họa sỹ Nguyễn Hiêm, nhà gianh cũ đơn sơ, nhiều khóm hoa chậu cảnh. Phác thảo bày bừa bãi trong nhà. Bác ấy đã già mà khi nói về hội họa người sôi nổi đến không ai ngờ. Tôi ấn tượng rằng thì là: các văn nghệ sỹ đều có chung tính cách khác người, thì mới có các tác phẩm để đời. Tranh của họ mình nhòm 1 lúc, hiểu chưa hết cái hay, cái đẹp, cái công phu thể hiện, cái ý tình gửi gắm ở trong đó đâu.
        Lớp vẽ được nhà thơ Hữu Thỉnh phụ trách chính trị, bao lần sinh hoat tối - thì bấy nhiêu lần cả lớp há mồm nghe thi sỹ bình thơ. Hồi ý ít thông tin văn học lắm, nên chả biết thơ của Người hay của nhà nào khác. Cơ mà hay, giọng nói sôi nổi cuốn hút người nghe-Nhà thơ đọc 1câu, rồi bình rồi tán, rồi thì là liên tưởng mộng mơ.. Thời gian cứ vèo vèo trôi mà chả tên nào để ý. Khuya thi sỹ mới dứt áo ra về, để lũ tôi cứ còn thòm thèm muốn chán!. Sau này tôi mới biết thời gian ấy, Thi sỹ đang thai nghén trường ca “Sức bền của đất”+”Đường tới thành phố” nổi tiếng sau này. Đi công tác vẽ vời ở BTL, tôi bắt gặp Thượng úy Thỉnh trực ban cổng BTL, anh nhún vai cười dí dủm “Em xem chỉ có ở VN mình mới có thi sỹ gác cổng”. Giờ thì anh ấy là yếu nhân chủ tịch hội nhà văn VN, hàm thứ trưởng đấy nhé! Đài VTV có NSƯT-phát thanh viên Thanh Hùng, vốn là GV văn hóa trường 600 đi đóng phim về, được nhà đài mời về công tác.
         Ngày 3/4/1974 Xe ca của BTL thiết giáp chở lớp tuyên văn và lớp vẽ bọn tôi về Hà nội, cánh tuyên văn về Đoàn ca múa TCCT, trong đó có cây hát chủ lực đội tuyên văn: Thượng sỹ thợ sửa pháo Ma bích Việt, sau 3 tháng tu nghiệp giọng hát mợ ấy hay hẳn ra đến không ngờ. Giờ Việt đã là NSƯT giảng viên ĐHVH quân đội. Mấy tên nhạc công cũng là Sinh viên các trường Đại học, đi lính được chọn vào văn công, chơi đàn làm vui...Thiếu úy Chiến trợ lý văn hóa E207 được điều lên làm Trưởng đoàn Tuyên văn BC-cũng là con cháu cụ Lưu Linh!.Cánh vẽ bọn tôi đi Phòng VNQĐ, gặp các Họa sỹ tên tuổi, kết thúc là 1 phòng tranh hoành tráng, cuối cùng thì tất cả các học viên lớp Vẽ+nhạc công giống nhau: mắt trước mắt sau đều ra quân cả (vào cuối tháng 10/1975) để về kiếm quả bằng đại học, bị dang dở bởi chiến tranh. Theo đuổi văn nghệ thì mất cả đời loay hoay sáng tạo-chả có tài năng trời phú cho thì mệt người lắm-rồi ra có nên cơm nên cháo gì không hề!
         Ngày 28/3/1975 Khai mạc lớp Thông tín viên của Bản tin Thiết giáp tại BTL. Tôi và các tên Trinh, Thảm, Trang, Ngôn, Tiến của 6 lữ đoàn xe tăng được theo học. hai phó Chính ủy BC Lộng, Xuân chủ trì, Chủ bút Lê Tuân-phó Thủy Kiều trực tiếp hoạt động của lớp, Nguyễn Tuấn HV lớp văn BC mở 12/1973 tại Trú xá, giờ là cây viết có hạng bản tin. Họa sỹ Lập phụ trách mảng tranh vui, anh Quý thiết kế logo mới bản tin… Giáo viên là 2 nhà báo QĐND Phúc Ấm, Mai giảng bài nghiệp vụ báo chí. Giờ nghĩ lại mới phục lăn các Cụ lãnh đạo BTL hồi ấy (lon mới chỉ có Thiếu tá, Trung tá) mà đã có tâm hồn nghệ sỹ, nhìn xa trông rộng chăm lo mặt trận văn hóa cho lính Tăng, mở các lớp hạt nhân văn nghệ 1973 1974 1975 “Đã ra quân là đánh thắng”
         Với ban Tác chiến BTL, nơi tôi học làm Đồ bản và rất nhiều lần bị xách lên phục vụ, TB Phùng Minh người béo đen, có khuôn mặt Tarát Bumba-không râu, PB Ngô quang Chiên mặt rỗ hoa lính Điện biên xưa. Cả hai đều ít nói mà thảo nhiều mệnh lệnh tác chiến từ BTL chuyên vào cho Tham mưu phó Lê Xuân Kiện trong Tham mưu QGP miền nam 1974-1975, luôn nhắc nhỏ chúng tôi sớm xong các bản đồ trình cấp trên. Nhớ TB quân lực Hưng hay vỗ vào vai tôi "Đây là dự bị chiến lược Đồ bản".Đời đồ bản tôi có kỷ niệm đáng nhớ :Tiễn mẹ lên chơi về xuôi, về đơn vị Cụ Tĩnh chờ- xòe ra điện do Chính ủy BC ký,"TMH phải có mặt tại ban TC trước 12h30 30/6/1975". Vẽ ngày đêm chiến lệ Trận tiến công Buôn ma thuột+can các bản đồ..Xe chờ cổng BTL chiều 2/7/1975 chờ mực khô mang về HN nay lập tức (phục vụ đoàn QS Cu ba). Nhớ TB Công binh Củng hay lắc đầu "Cậu ở 207 thì phí quá, Tớ xin mà lão Tĩnh không cho cậu lên đây". Nhớ Trung tá Xì cao ngạo (VNCH gọi là Tướng Xì). Nhớ TMP Binh chủng Lê Xuân Kiện rất kỹ tính...
        Với E207 tôi có nhiều kỷ niệm với E trưởng Tĩnh lắm. Ban Công binh BTL gọi tôi lên vẽ tranh tập huấn 12/1973 và 1/1974 xin cho tôi về ban, Cụ đều không cho, nói trước mặt tôi và TB “có thằng vẽ giỏi nhất, các ông lôi đi lấy ai thay thế nó, các ông cần lúc nào tôi cho mượn lúc đó”. Khi đi học TTV báo, Cụ cho gọi tôi lên động viên “Mày đi học về để viết tin đơn vị ta cho tốt vào” ngày 1/8/1975 Cụ triệu tôi theo xe xuống D11 lấy tin "207 ta nhiều thành tích, phải viết ngay gửi ngay đưa tao ký". Cũng chính Cụ trả lời TB quân lực, muốn giữ tôi ở lại, khi quê Tổng đài nói lại “Thôi cho nó về học tiếp Đại học đi, giữ lại nó làm gì, làm khổ tiền đồ của nó ra”. Trái ngược với TMT Lĩnh-hay ốp chúng tôi rào dậu tăng gia, giục 2 thằng tôi đi móc cua cải thiện ?!. Chính ủy lưng còng Đoàn Hùng cười khà khà, E phó Dưỡng to béo làm việc chắc chắn, đúng quy lát. CN kỹ thuật Hứa lưng còng, các Trợ lý phục là người nắm chắc các loại Tăng ta. Các trợ lý yêu cầu tôi đều nhiệt tình giúp các anh biểu đồ,tranh vẽ đẹp mang xuống các D  giảng bài…Cũng ở đây ngày 5/11/1974 chúng tôi được nghe Thượng úy biệt động Anh hùng LLVT Thu trang kể về chiến công, chị ấy duyên dáng lắm nhé. Không thể kể ra hết các chiến hữu mà tôi đã ở cùng với họ. Chỉ ấn tượng là CSV đi lính nổi trội nhiều mặt HL,TT,VN,Báo tường... trong đơn vị mà thôi.
        Gần đến ngày kỷ niệm thành lập Binh chủng Tăng 5/10/2016. Các CCB nhóm họp với nhau kỷ niệm ngày nhập ngũ, kỷ niệm ngày thành lập Binh chủng (trong mọi câu chuyện đều kể kèm các Cán bộ B,C,D,E-lính nhớ các vị, chứ các vị nhớ gì đến các tên lính quèn ? Là CCB E207 xưa, tôi viết bài nhỏ này, tặng các Quê lính Tăng một thuở- nhòm cho vui- Chốc.



2 nhận xét:

  1. Càng ở càng thấy cậu thật lắm Tài. Thường thì lắm tài -nhiều ... vậy mà chẳng thấy cái tật nào cả. Có thể được. cho bọn tôi nghe tý với

    Trả lờiXóa
  2. Tế K5I, hay là Tế K6M đới? cả 2 bác đều là CCB ta cả. để cho tôi tiện liên lạc giả nhời nhá. Có điều về hưu rồi và càng già càng hay nhớ lại kỷ niệm xưa-thế mới kỳ. Mình viết loạt bài hồi ức, chỉ mong sao các bạn đọc :chuyện của tôi sẽ gợi mở cho mọi người nhớ lại ký ức của riêng mình.Cái thuở mọi thứ đều chân thật và trong sáng nghĩa tình đồng đội vô ngần. Đời quân ngũ ngắn-nhưng đời Lính lại kéo dài suốt cuộc đời chúng ta...

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]