K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

14 tháng 5, 2016

LÀM GIA PHẢ

TRẦN MINH HẢI - K6I

       Chả biết các bác có gặp phải ca thế này, như tôi không đấy? 
      Cách đây hơn chục năm  trời, thấy mẹ đưa thẻ hương kèm câu hỏi ‘‘bố mày có cần thêm chục lễ nữa không, phong bì đã chuẩn bị chưa đấy?“. Thằng trưởng con tôi hỏi ‘‘người bố đi phúng viếng là thế nào với nhà ta, hả bố?“.‘‘theo họ nội thì họ gọi bố bằng Anh, còn theo mẹ thì nhà mình là vai dưới. Ở làng thì phi nội tắc ngoại, về bố sẽ giải thích rõ cho con sau“...Về sau tôi có giải thích thì cu cậu bảo bố nói lằng nhằng quá, con không hiểu- tức thị đành phải vẽ quạc cái sơ đồ đơn giản. Ông con gật gù hiểu ra, tiện thể lại hỏi tới vài người nó quen mà chưa biết vai thứ trong họ.
       Ngẫm nghĩ về cái sự sau này, tôi đâm phát hoảng-mình có “toạch” thì chúng nó biết hỏi ai?. Mò sang anh trưởng họ 65 tuổi, thì mới biết Gia phả đã cháy theo mái rạ nhà trưởng đã vài chục năm! Anh tôi thủng thẳng nói ‘‘Gia phả lập mới sẽ làm lâu đấy, từ từ anh sẽ làm dần sau“. Sang trưởng chi, may quá mượn được 10 tờ bản gốc chữ nho (ông bác ruột thuê nhà nho ‘‘do cụ Tổng sư giáo học huyện Thanh oai...lập thành ngày 23/8 năm Quý Sửu“, lập vào năm 1973 có kèm chữ quốc ngữ. Trang nhà tôi, có đủ 3 đời Ông bà-Cha mẹ-và 5 anh chị em tôi, gia phả ghi tôi là Trần ngọc Hải-giấy khai sinh bố mẹ đặt lại là Trần minh Hải-cái tên tôi đã và đang dùng liên hệ công việc mọi nhẽ 63 năm giời qua!

Nhà thờ chi tôi
       Năm 2005 tôi bắt đầu túc tắc viết gia phả nhà mình, từ nhà mình tới gia đình riêng của các em ruột...lần ngược lên đến các cụ: tên húy, tên cúng cơm, kỵ ngày, mộ táng tại, quê quán các cụ làm dâu, suy tuổi thọ để ra năm sinh (tra ngày-tháng-năm âm sang dương lịch) Bên nội thì ngam ngám biết, bên ngoại thì lên Kẻ Cót mượn GPhả họ Hoàng+ hỏi ông cậu ruột cho tỏ tường. Thưở xưa các bà đi lấy chồng thì dân làng quen gọi tên chồng hoặc tên con đầu, thay tên cho các bà ấy:Thế là mất tên cha mẹ đặt!. Năm 2008 lụt to ở đất Hà thành, thì tôi đã làm xong tập an bum ảnh các gia đình trong chi nội ngoại, phô tô gửi cho các em mình mỗi đứa 1 quyển. Có khó gì đâu, đến từng nhà trình bày ý định+chọn lựa một số ảnh cá nhân và gia đình, đặc biệt là các sự kiện cưới hỏi-mừng thọ xưa nay, mang tới hiệu phô tô copi quét thả dàn+ghim từng tập, còn ảnh các cụ trên ban thờ thì tôi thắp hương xin phép cho tháo ảnh đi scan...Ảnh ngày xưa tuyền đen trắng nên in lại khổ nhỏ cũng nét+ rõ đẹp lắm nhé!. Ơ hay thấy ảnh bố mẹ và anh em tôi có mặt tại nhiều đám xưa kia, giờ mình mới biết, thú vị vô cùng. Nhà xưa vốn ít ảnh-nay bỗng dưng thì lại có thêm nhiều ảnh! Cứ như là lộc từ trên giời rơi xuống, dù không phải là ảnh gốc và rồi có còn hơn không, tốt chứ nhỉ. Các con tôi tròn mắt khi lần đầu thấy mặt ông bà nội ngoại, các bác, cô chú, cậu dì, các em mình thuở xa xưa.
Ảnh bìa Gia phả họ Trần và Ảnh gia tộc gia đình
       Cũng năm này tôi xong tập Gia phả chi-in và phát tới từng nhà. Bỏ tiền mình thuê công đánh máy vi tính, scan ảnh, đóng quyển (5 lần 7 lượt sửa chữa góp ý), người ít kẻ nhiều tự đến đưa tiền cho tôi thực hiện, tôi không nhận thì họ bảo :” Họ ta chỉ có chú nhiều chữ nghĩa-cẩn thận-ghi chép tỷ mỷ mới làm được sử, còn chúng tôi thì chịu. Các cụ đã ủy nhiệm cho chú, GPhả là của chung thì kẻ góp công-người góp của chứ“. Tất nhiên là tôi lấy hóa đơn về báo cáo, tuyệt nhiên không tham nhũng một đồng nào!

       Nói cái chuyện ảnh, tôi lại nhớ 1 chuyện: 4/2009 Mẹ tôi mất, mải lo tang gia...cho tới cuối năm, anh em tôi mới thu dọn đồ dùng của mẹ. Trong hộp sắt tây có bức ảnh lạ, chụp cụ ông khoảng 45,50 tuổi: khăn xếp- áo the-giày đơ cu lơ-ngồi ghế trạm trổ cầu kỳ. Nghĩ là các cụ bên ngoại mẹ cất giữ, bèn đem phô tô phóng to mang tới bà cô ông chú họ và các cụ trong làng hỏi. Ông chú họ hơn 80 tuổi khẳng định ngay “đây là bác ruột tao, tức là ông nội mày, rõ chửa!“ rồi Người bùi ngùi “các anh còn có ảnh ông, chú đây chả có cái ảnh nào của bố cả, nghèo ăn còn chả đủ, lấy đâu tiền ra Bờ hồ chụp ảnh, dù chỉ dùng thờ về sau“.A lô báo mọi người, con giai chi tấp nập kéo về đủ ngay trong vòng 60 phút, ngắm chân dung cụ Trần ngọc Tri (1882-1948) mừng hơn bắt được vàng. Nhanh chóng quyết định tôi đi phục chế ngay-về phát cho từng nhà.Ai cũng bảo cơ duyên các cụ nhờ nhà tôi giữ hộ, tôi càng nung nấu thực hiện cho xong việc viết Gia Phả + Anbum ảnh.  

Trang tư liệu

       Giỗ họ Trần ngọc năm 2006, gia tộc quyết định Trưởng tộc chủ biên, tôi làm thư ký biên soạn, phối hợp các trưởng chi làm ngay gia phả họ. Từ các thành viên hiện tại lần ngược lên các đời trước, biết đâu viết đến đó, theo các tư liệu viết chữ nho hiện có thì được 8 đời. Tranh thủ hỏi các bậc cao niên để viết ra. May thay bản chính thức hoàn thành tháng 8 năm Canh Dần 2010, các cụ trịnh trọng ký xác nhận từng trang Gphả-đều đã lần lượt về cõi Vĩnh hằng. Anh trưởng họ  mất cuối năm 2015, cũng kịp bổ xung thêm một số xuất đinh vào GPhả gốc. Có đi đến các nhà lấy tư liệu thì mới thấy họ ghi đơn giản: tên người đã khuất kèm ngày giỗ tính theo âm lịch. Thế là phải hỏi cụ thể: cụ ý tuổi con gì- mất năm nào-thọ bao nhiêu tuổi (các cụ bà chỉ nhớ như thế). Thành viên hiện tại hỏi chủ hộ, con thì nhớ đủ đệm tên-cháu thì sửa đi sửa lại tên đệm rõ nhiều (xưa các cụ đặt tên xấu phòng ma bắt-nay nhiều cháu “thường thôi” mà đệm rõ kêu- rõ đẹp). Chỉ có chi tôi mới có bản chữ nho kể trên. Có đi làm GP mới được biết nhiều thông tin ngày xưa, đủ hỷ nộ ái ố…Với tinh thần Cây có gốc-Nước có nguồn-Quốc gia có sử-Tộc có phả. Gạn đục khơi trong, cân nhắc từng câu từng con chữ viết trong phả hệ (thực tế tôi làm tất, trưởng họ duyệt từng ly từng tý, ý kiến các cụ cao niên họ khác cấp cho thì phải xác minh cẩn thận) 5 năm trời qua mấy lượt bản thảo, đọc cho các cao niên nghe dăm lần, biên tập sơ đồ: cây-cành-nhánh của từng chi, từng hộ nhà, định danh mã số+địa chỉ nhà ở cho từng người, Quê quán các bà các mợ các cháu làm dâu trong Họ. Làm sao cho thế hệ sau xem dễ hiểu, dễ tiếp nối bản GPhả hôm nay. Hình như là các cụ đã nhập đồng vào tôi?! có nhiều đêm sực nhớ vấn đề gì, là bật dậy ghi ghi chép chép. Hăng hái đi tìm hiều từng nhà trong họ, mất ối tiền điện thoại liên lạc các thành viên ở ngoài phố, mình ra mà không gặp được…Sau một ngày các trưởng chi họp duyệt và ký tên vào trang chi mình. Hai anh em tôi mất nửa buổi đi in ấn, anh trưởng họ phấn khởi lắm thiết tôi chầu bia với đồ nhắm ngon- thả dàn ngay sau đó. Anh trưởng họ đi xem: Chọn ngày lành tháng tốt, huy động con cháu sửa dăm mâm tiệc cúng lễ tổ tiên- báo cáo tiên tổ con cháu đã làm xong Gia phả họ Trần ngọc tại Kẻ giàn-Trung hòa-Cầu giấy-Hà nội. Làm lễ Phát hành: bản phổ thông tới từng gia đình, bản đủ tư liệu tham khảo cho các trưởng chi (đề phòng thất lạc), bản gốc Trưởng tộc giữ-hàng năm bổ xung danh sách đinh. Tôi thỏa tâm nguyện đóng góp công sức nhỏ của mình với dòng tộc đúng ý nghĩa thiết thực. Họ Trần ngọc xưa nghèo khó lắm, thuần nông, ăn còn chả đủ no, ít người được đi học chữ nho, làm sao nghĩ tới làm gia phả đúng nghĩa cho được… Các ông các bà phấn khởi lắm! Các em và các cháu mới biết rõ vai thứ họ mạc-thay cho hồi xưa biết cứ là mang máng. Cũng sau này, các dòng họ khác ở trong làng chưa có gia phả, họ đến tìm tôi nhờ hướng dẫn. tôi nhiệt tình giúp họ mọi nhẽ.
Trang tư liệu

       Các bác K6 may mắn hơn tôi vì đã có gia phả các cụ để lại, nên chả vất vả như tôi. Thời buổi bây giờ chúng mình đều có điểm chung: ít con, bé ở với mình, lớn cưới vợ có con thì ra ở riêng mỗi đứa mỗi nơi, các cháu tối mắt tối mũi cái sự học hành…anh em ruột rà máu mủ có tuổi cả rồi - ít gặp nhau, nói chi tới anh em họ bên nội cũng như bên ngoại bé biết -lớn quên mặt... Chỉ khi nhà có việc, ngày giỗ tết, cưới hỏi… thì bọn trẻ mới kéo tới nhoáng nhoàng. Gia phả là để cho chúng nó dùng khi đến tuổi xế chiều như ta bây giờ. Rỗi rãi tôi kể chuyện làm gia phả ở quê này, hầu các bác đọc cho vui lúc rỗi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]