K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

20 tháng 3, 2016

HỘI ĐÌNH KẺ GIÀN 2016

BBT K6:  Theo lời mời của TMH khi chúng tôi bày tỏ sự mong muốn được tham dự một lễ hội truyền thống của một làng quê bởi vì chúng tôi không sinh ra từ làng, chúng tôi đã đến thăm và tham dự một ngày lễ chính của làng Trung Kính Hạ. Một buổi lễ đã diễn ra trong nghi thức truyền thống từ hàng trăm năm, bên những đình làng, giếng làng, miếu làng, cây đa làng, cây si, cây bồ đề đều hàng trăm tuổi. Buổi lễ rước và cúng trang trọng vô cùng nhưng cũng ấm cúng tình làng xóm vô cùng. Thật quý báu khi những truyền thống làng xóm Việt vẫn còn được lưu giữ đến bây giờ và hy vọng sẽ còn mãi mãi! 
  
TRẦN MINH HẢI - K6I

      Chủ nhật 20/3/2016 nhằm ngày 12/2 Bính Thân, Làng Kẻ Giàn - Xã Kính Chủ, Hộ nhi hương xưa - nằm ven sông Tô lịch của chúng tôi đã tiến hành Lễ hội truyền thống Đình Trung Kính Hạ, địa điểm tại Hà nội Tỉnh - Từ liêm Huyện - Trung hòa Xã xưa kia (PhườngTrung hòa, Quận Cầu giấy,TP Hà nội hiện nay).

      Theo hồ sơ của Sở VHTT Hà nội tôi có và Ngọc phả của Đình hiện có, thì có thể tóm tắt như vầy: Đời vua Hùng vương thứ 18 là Hùng Duệ vương, có cử tướng Chủ chưởng Ô Châu Nộn - họ Hùng tên Độ - đi đánh giặc. Ngày 12/6 âm lịch Ngài dẫn quân đến Kính Chủ - huyện Từ liêm, được dân làng mang lễ ra mừng. Đức Hùng công Nộn thấy địa hình làng lưỡng lợi thủy bộ tương thông, nên cho quân lập đồn dinh chống giặc. Sau một thời gian, Ngài đã lấy bà Cẩn Lương người làng đây làm vợ, cho lưu binh tại chỗ 1 năm. Ngài đã ban cho trẩn dưỡng lão, giáo hóa người trong thôn mọi điều tốt đẹp... Ngài theo Thánh Tản viên dẹp giặc, cầm đầu cánh quân lên Lạng sơn giao chiến, thắng trận trở về Ngài được Vua khen thưởng vàng bạc, phong cho

chức Bảo quốc hầu - cho được định cư ở làng Kính chủ. Thanh niên ở xã còn được Vua phong là Hộ Nhi Hương. Từ đây thiên hạ thái bình, vài chục năm sau Thánh Tản viên, Ngài cùng các Chủ chưởng còn đi đánh trận một lần nữa - quân địch lại bại trận lần thứ hai. Đức Hùng công Nộn đem quân về đất Hoan châu. Đến tới nơi (ngày 12/10 âm lịch) Ngài không bệnh mà mất, chỗ Ngài nằm lại có đám mây vàng từ đất bay lên, chỗ đất ấy địa phương lập miếu thờ… Vua Hùng vô cùng tiếc thương - sắc phong Ngài là Quốc vương Đại thần, cho dân thờ phụng tại Kính chủ. Đền và Miếu thờ 2 vợ chồng Ngài đều linh ứng vô cùng.
      Trải qua các đời Đinh, Lý , Trần, Lê… Ngài đều được Vua các đời đó gia phong mỹ tự. Thời vua Lê Đại Hành đi đánh giặc Tống + Thời vua Lê Lợi đánh giặc Minh đi qua làng, đều đến đền thờ Ngài tại Kính chủ - làm lễ mật đảo, cầu phù hộ cứu dân cứu nước - tất thảy đều ứng nghiệm. Sau khi thắng trận về, các vị vua trên đã lần lượt sắc phong Ngài mỹ tự : Vạn cổ phúc thần, Uy dũng đại thần nhị tự - Linh ứng Hùng lược nhị tự. Ngọc phả do Hàn lâm viện Đông Các đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn (ngày 10/3 năm Hồng phúc nguyên niên), do Quản giám bách thần chi điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Lãm Tuân tiến triều vua Lê Hy Tông - năm thứ 5. “Năm Canh Tý - tháng ba - cát nhật Long Đức thừa sao”.
      Đình Kính chủ là di tích cổ dạng Đình Đền, đã có từ rất lâu đời - trải  nhiều lần tôn tạo, quân Pháp đốt đình cháy trụi vào năm 1946. Qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, Đình và Miếu thờ giờ chỉ còn thần phả và các đạo sắc phong - để nói lên sự có mặt của di tích trải từ triều Lê đến triều Nguyễn. Thời mở cửa này, nhân dân làng tôi hăng hái cung tiến tiền bạc, xây dựng tu tạo Đình Chùa hoành tráng lắm!  
      Lệ làng cứ 5 năm thì mở hội to, năm lẻ mở hội nhỏ. Ví dụ như các năm 2008 đón bằng CN di tích của Thành phố, năm 2013 có tổ chức hội to, trọng thể như thể lệ xưa: Đủ các bước tế lễ, rước kiệu Thánh đi vòng quanh làng, có phường bát âm đàn ca sáo nhị réo rắt, có
đội trống hội - oánh thì thùng, hát quan họ đứng chèo thuyền trong ao cửa đình, các dòng họ - các gia đình lần lượt vào lễ bái, cung tiến, thụ lộc. Hôm trước ngày chính hội, các dòng họ phải tập trung con cháu + biện mâm lễ mặn, lễ ngọt, hương hoa trà nến - Gần trưa mới xếp thành đoàn lũ lượt tiến ra Cửa đình, kiên nhẫn chờ đến lượt vào lễ Thánh. Ngày chính hội to, BTC tổ chức 5 máy quay ghi hình - các phó nhòm tự nguyện cung tiến cái sự quay - rồi về họp nhau dựng 1 đĩa chương trình DVD, phát cho từng nhà lưu lại. Xa xưa hội còn có Đu dây, kéo co, tổ tôm điếm, cờ người, chọi gà, sới vật…
      Còn hội năm lẻ, các cụ vẫn tế lễ, các gia đình vào lễ Thánh như thường (không rước kiệu Thánh từ Đình sang Miếu), buổi trưa vẫn làm cỗ mời các cụ, bà con và khách thập phương xơi cỗ thụ lộc Thánh - các dòng tộc đăng ký suất ăn trước cho BTC. Lúc về còn được phát lộc lá như nhau - mang về cho con cháu nhà, vì “1 miếng lộc Thánh bằng gánh lộc trần”
      Lễ hội thỏa sức mong đợi, ước ao cho các cụ cao tuổi ở làng, UBND phường kết hợp tặng bằng khen mừng thọ các cụ từ 80 xuân trở lên. Các cụ xúng xính áo dài, khăn đội đỏ chóe, con cháu xúm xít quây quanh đông đúc - chụp quả ảnh lưu niệm, còn các loại máy ảnh - ĐT di động cứ là hoạt động hết công suất, đèn Flash chụp nháy sáng nhấp nhóa. Các bà các mợ thi nhau trang điểm má hồng môi đỏ, diện y phục mới đẹp tùy theo độ tuổi - ý ới bày mâm lễ gia đình - réo nhau dồn đống vào cho bọn trẻ nó chụp hình - hồ hởi móc hầu bao cung tiến hòm công đức. Các vị đàn ông y phục nhõn có 2 kiểu áo the khăn xếp - complê là cứng cựa, trịnh trọng quá mức nom ra là cứ buồn cười. Chỉ có đám nam thanh nữ tú là y phục rực rỡ sắc màu, vui tươi tý tởn, điệu đàng, cười nói truyện trò rôm rả, ồn ã loa đài…
   
  


Ban ngày vào giờ lễ: đội văn nghệ phường tấu nhạc lễ - Buổi tối đệm nhạc cho các danh ca - làng ta ca hát. Mấy ông đồ cho chữ ở Văn miếu dịp tết - nay là nhạc công gò lưng kéo nhị, phùng mồm thổi sáo, đung đưa người gẩy đàn dân tộc, chăm chăm đánh trống giữ nhịp phách. Làng tôi có 2 vị NSND + 1 vị NSƯT về múa, 1 vị NSƯT về hát dân ca (đã mất), 2 cháu đoàn quân nhạc tận tâm chỉ bảo, nên cái sự ca múa nhạc chỉ có kém chuyên nghiệp tý ti, vì hàng tháng đội nhạc công nam nữ này - chăm tập tành đều đặn lắm.

Lễ hội năm 2016 này được tổ chức trong 3 ngày: 
18/3/2016 Sáng các cụ ông lễ tế nhập - chiều các cụ bà làm lễ dâng hương, đàn ca sáo nhị réo rắt.
19/3/2016 Cả ngày các dòng họ + các hội đồng niên + các gia đình hồ hởi từ mọi ngõ ngách tiến ra cửa Đình + Miếu biện lễ hầu Thánh. Rồi quây quần chụp ảnh kỷ niệm, rước lễ về nhà Trưởng họ thụ lộc - Hội đồng môn sau lễ là tụ ở đâu đó măm rót giao lưu. Thuyền hát quan họ dân ca bơi vòng quanh ao trước đình. Các hội thi chim, chọi gà, bóng đá, cầu lông bắt đầu khai trận..Dù thời tiết mưa phùn ẩm ướt, vẫn đông đảo mọi người tới dâng lễ vui hội làng.
20/3/2016 Sẽ là ngày Chính hội,
Năm nào cũng vậy, khi lễ hội truyền thống của Đình làng tôi tan, nhưng dư âm của nó còn râm ran mãi mãi. Ngay như tôi, thi thoảng mở 2 đĩa hội làng xem lại - vẫn cứ thấy cứ thu thú.
Tôi đã trân trọng mời NAG Đào việt Dũng về dự Hội Đình làng tôi, tác nghiệp ảnh kỷ niệm rồi xơi cỗ với các cụ đất Kẻ Giàn của Thăng Long xưa. Bác ý đã vui vẻ nhận nhời và đã góp ảnh vào bài viết nhỏ này - để chư vị và các bác đọc cho vui.





   Lời cuối BBT K6:      Nhân dịp này chúng tôi đã đi thăm một số công trình kiến trúc cổ kinh và giá trị trong làng  và đã ghi lại bằng hình ảnh. Xin tặng lại Trần Minh Hải và dân làng:
Đường vào đình làng

Cổng cổ của chùa làng

Cổng nhà cổ nhất còn nguyên dạng đã 78 năm

3 nhận xét:

  1. Xin bổ sung giếng cổ làng Kẻ Giàn:
    [img]https://fbcdn-photos-h-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xap1/v/t1.0-0/p296x100/12278943_780945425371907_6220768138511529752_n.jpg?oh=1ecf0e7800106a73ca06660865bc1082&oe=578F18EF&__gda__=1465123505_9d86d2c9b83b9ee0bb072c48883ed2cb[/img]

    Trả lờiXóa
  2. Trước hết cám ơn Bạn Dũng có con mắt xanh, những cảnh tôi thân quen từ ấu thơ-qua ảnh bác chụp đã trở nên đẹp lung linh.Xin đính chính: ảnh có ghi chú "Đường vào đình làng" thực ra là đường vào miếu. Các cụ mặc áo đỏ ngồi trước đình-đúng luật xưa-là phải có tuổi xuân từ 80 trở lên. Các bà áo vàng là đội ngũ hầu thánh

    Trả lờiXóa
  3. Bây giờ Tôi mới biết trang facebook "Làng Giàn" có rất nhiều ảnh về dân làng tôi. Mời bác tham gia dăm bức, cho các em các cháu nó học tập trình độ của bác

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]