TRẦN MINH HẢI - K6I
Hai
tháng đầu năm âm lịch Bính Thân này, tôi có hân hạnh méo mồm đếm tiền chuẩn bị
6, 7 cái phong bì. Quan trọng nhất, mừng nhất là 2 em ruột tôi đều tổ chức đám
cưới cho 2 con ra ở riêng, cùng trong tháng 2 ta. Thế là chuẩn bị com lê - ca vát-
củ sếch, oánh giày bóng loáng - tất bật đi mời giúp - trong ban tổ chức chuẩn bị - đợi
ngày giờ đi ăn cỗ cưới!
Thế
là khó ngủ ngẫm nghĩ cái sự cưới xin từ xưa cho đến giờ, viết đôi dòng trình
chư vị đọc cho vui! Có đám mình chỉ “thường thôi”, có đám được thay mặt các cụ
đã khuất núi - ngồi cho đẹp đội hình, có đám được nhà đám - nhờ phát biểu khi đưa
đi đón về “hai đứa sướng nhất quả đất”, loại MC nửa mùa ý! Mong ngày cưới đỡ
trùng nhiều đám - khỏi phải chạy sô, oải lắm! Như thành ngữ thời @ là cơm bụi giá
cao, vẹt hết cái quỹ 2 tháng lương hưu lĩnh mẻ trước tết. Vui vui thì nói thế
thôi, chứ đời con người ta, ai mà chả có một lần làm nghĩa vụ trưởng thành: cưới
vợ - sinh con - lên chức để rồi làm ô-sin cho lũ chúng nó khi về già. Thời đại dân
chủ này, quý hóa ngược chiều thời xưa: Con cái đặt đâu thì cha mẹ ngồi đó! Nó
yêu ai về bẩm báo, bố mẹ xuất ngân lo liệu mọi nhẽ - rồi ra tiễn gái rượu vu
quy, đón dâu tây về nhà mình! Cứ là oải thần bì qua các bước - như các đám cưới
nhà người! Còn việc được nhận thiếp mời: Họ nhớ đến ta và đến mời ăn cưới
trân trọng, quý hóa quá vậy - thì ta đi thôi nào! Nợ đời chỉ khi ta toạch thì mới
coi như là ôn ổn
Cơ
mà tôi hay nghĩ lẩn thẩn lắm, nửa thế kỷ nay chuyện đám cưới thay đổi đến là
chóng mặt. Xưa mùa thu là mùa cưới, nay thì cưới quanh năm! Cơ quan tôi ra tết
năm ngoái ông bạn vàng tổ chức cho thằng nhớn, ấy vậy mà đến tháng 6 cùng năm -
nóng bỏ mẹ ra, ông con thứ - tiêm con nhà người ta ỏng bụng 4, 5 tháng phải cưới
vội. Chả dám mời chư vị thân bằng cố hữu dự đông như các giải QT mở rộng. Bọn
tôi cười “Rõ nhà ông là tốt phúc quá”. Vì bản tin thời sự của VTV1 buổi tối
cũng năm ngoái ấy, có dòng tin chạy đít màn hình “Thành phố HCM tỷ lệ vô sinh
nam chiếm tới 40%”. Mới nhất bản tin trưa 23/2/2016 của VTV1 phát “dùng điện
thoại di động sẽ hạn chế khả năng SK sinh sản” nôm na là đàn ông dúi ĐTDĐ vào
túi quần - sóng điện từ sẽ tiêu giảm số lượng nòng nọc duy trì nòi giống đới. Và
rồi ở cái làng tôi 2, 3 năm nay lũ thanh niên chưa vợ, hay nói bô bô “Chưa chửa
thì chưa cưới”. Các phụ huynh đi mời cưới con, hay ca điệp khúc “Chúng tôi định
tổ chức cho các cháu tháng tám âm lịch cơ, nhưng mà các cháu nó nhỡ ra, thì
đành tổ chức gấp… Nói thật với ông (bà) chúng nó có chửa thì chúng tôi mới yên
tâm”. Ơ hay chửa kìa! Ngày chưa xa lắm nhé - đâu có thế! Giờ thì sống thử nhiều!
Quả là thực tế có nhiều đám nghiêm chỉnh cái sự yêu, thì các cô vợ trẻ ấy - giờ
vòng 2 nguyễn y vân như thuở chưa chồng - làm phụ huynh sốt tiết đứng ngồi không
yên! Tại sao vậy nhỉ? Tại bởi do số phận chúng nó - dù có đi xem số mạng có hợp
nhau không rõ là kỹ nhé? Giời biết.
Tôi
lại nhớ các đám cưới năm 1958 ngày xưa ở làng. Chư
vị có bao giờ được xem chú rể áo the khăn xếp, cô dâu áo dài nâu chưa? Họ hối lộ
bọn trẻ tôi tiền xu để cho đi qua cổng làng. Mâm cỗ cưới làng phải dành dăm mâm
cho trẻ con (12 tên/mẹt), có 1 phụ nữ đứng ra chia đều vào 12 cái bát phần thịt,
xôi, giò, lòng lợn chín. Lại nhớ nhà văn Nam cao có nhan đề truyện ngắn “Trẻ
con không được ăn thịt chó” mà bật cười, hình dung trẻ chí chóe ăn cỗ cưới - và
cơm với canh nước suýt. Bịt tai chờ tràng pháo đón dâu nổ hết, là chí chóe
tranh nhau lượm các quả pháo tịt. Giờ thì khi tôi bảo các con đi ăn cưới, chúng
nó cẩn thận hỏi “Đi ăn đám này thì tình nghĩa hay là trách nhiệm? Bọn con phải
đi hả bố (mẹ), chúng con không đi, thì có được không?” Thường thì tôi với bu nó
sóng đôi đi dự, hiếm khi có đủ 2 ông con đi tháp tùng.
Thời
1961 làng có 2 đám cưới: một đám cô dâu Hà lội, nhà trai phải mua mấy đống rơm
để trải từ cổng làng về nhà đám, cho nàng dâu TP tóc uốn phi dê đi khỏi lấm
chân giày. Trẻ con dồn đống tới đám này để xem mặt cô dâu, phù dâu mắt xanh môi
đỏ điệu đàng! Có kèn hát quay tay ca nhạc, có đèn măng sông sáng xanh lẹt, kẹo
bánh cho trẻ con ngon nghẻ. Một đám dâu rể người làng, lũ tôi biết tỏng ra ắt
là: Phông cưới có khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, đèn bão sáng mờ.
Có một vài cái chậu sắt tráng men, dăm xoong quấy bột trẻ em, một hai cái
phích, đống khăn mặt đủ kích cỡ, một hai bình cắm hoa vườn nhà - bày tại cái bàn
sát phông. Rồi thì là cán bộ xã, đoàn thanh niên phát biểu giao nhiệm vụ “Yêu
nhau cho đến đầu bạc răng long”. Còn chư vị cao tuổi ngồi im nhẻ, BTC mời thì mới
được dăm câu vài điều. Văn nghệ 1 bác thì gân cổ hò - đám đông cười hét đáp nhời
“hò khoan” và “Ai đi hò lờ”, hoặc tý chèo
cổ, tý cải lương, tý trống quân. Nhớ có đám cưới chàng đi CN than vùng mỏ, phải
về làng cưới vợ đỡ đần cha mẹ. Giờ vẫn nhớ như in chú rể áo sơ mi trắng toát,
đi dép da bồ kết - cô dâu răng đen hạt na, áo dài nâu mới, chít khăn mỏ quạ. Sau
1 tuần chàng bỏ nhà ra đất mỏ, 45 năm sau thì mới dắt bầu đoàn thê tử về thăm
quê, còn cô dâu xưa ở vậy với ông anh - nay cũng đã 70 xuân.
Thời
1964 làng Cót còn phong tục tối đón dâu về, tan buổi hôn lễ, cô dâu còn gào
khóc hơn 30 phút - để tỏ lòng nhớ thương cha mẹ, trước khi vào “động phòng hoa
chúc”, đâu xa là bà vợ cậu ruột tôi đấy - mà rằm nguyên tiêu vừa rồi anh em nhà
tôi lên mừng thọ mợ 75 mùa xuân. Làng tôi giờ vẫn chê ông Đỉnh, năm 1965 đăng
lính có hẹn hò với bà Che, xinh gái nhất nhì thôn - ăn hỏi rồi nhé. Năm 1975 ông
lù lù trở về kèm theo bà vợ miền Trung du, kèm thêm 1 thằng cu. Uổng phí cả cuộc
đời cô Che chờ đợi mỏi mòn, nhan sắc tàn phai theo năm tháng, giờ là bà cô đơn
độc.
Tôi
cá là 100% chư vị đi ăn cỗ cưới tổ chức tại gia ở quê, thường dự ở nhà trai
(hay nhà gái) nào, thì chỉ biết mặt chú
rể (hay là cô dâu). Vì ta đến nơi thì mồm sẽ thốt ra vài lời có cánh, tay ta
đưa phong bì trao tay gia chủ, sẽ vào bàn nước bắn phát thuốc lào tợp hụm nước
chè, đợi chiến hữu đến đủ mâm - sẽ là dô, uống rõ nhiều - mà măm thì ít, kiêng khem
các món “Tôi đang uống thuốc, kiêng món này”. Có thằng bay hết hàm răng, dù có
quả răng giả vưỡn móm mém cái sự gắp nhắm. Già khú rồi đi đám gặp lại các kiểu
bạn bè là khoái nhất, chuyện trò rôm rả nhất, tu tửu là vào được nhất. Có thằng
lâu lắm mới gặp, nhìn nhau ngờ ngợ rồi thì á ố, ay cờ. Chuyện dự đám cưới nhà
hàng khách sạn, chư vị đều biết tỏng, không dám viết ra - làm các bác lẩm bẩm “biết
rồi, khổ lắm, nói mãi”
Thời
còn làm QĐốc: thợ mới ra trường, về đơn vị tôi làm việc. Chúng nó máu cưới vợ
ngay, nằn nì mời thủ trưởng phải về quê ăn cỗ cưới “Sự hiện diện của chú sẽ là
niềm vinh hạnh cho gia đình cháu”. Oai chưa, khoái tỷ chưa nào! Rõ thị mình được
ngồi mâm trên, với các vị đại diện nội ngoại. Bù cho quãng đường dài đi xe máy
xóc nảy đít - mỏi nhừ tay thì mới tới. Các vị đới đã xơi cơm rượu trước đó rồi,
thấy đoàn cơ quan đến là ý ới phân đủ vai vế đến tiếp thủ trưởng. An tọa và mất
chục phút chào hỏi giới thiệu, cạch chén với nhau 1, 2 tăng mới được xơi
nhé. Đang rón rén nhai phải bụm miệng nuốt
ực đáp lời, đón lần lượt các chén của 5 vị trong mâm “Bác về đây được là quý
hóa quá, mời bác cạn chén này”… Lũ lính ngồi bàn ngoài chỉ tay, che mồm cười “Sếp
ăn ít, tu nhiều - chắc chết đến nơi”. Lính ra uống nước rồi mà mâm tôi vưỡn chửa
xong, thường là tôi phải xin cáo từ. Còn các vị phương trưởng cùng mâm, đua
nhau chèo kéo, đua nhau nói với giọng khê nồng - ề à mai mãi.
Ra
giêng tôi nghĩ tản mạn thế - chư vị ợ!
T/B Nhờ Dũng
chit chèn hộ mấy cái ảnh đám cưới con cái của K6 chúng ta nhé!
Lời BBT: Sau khi đọc và sửa vài lỗi chính tả thì thấy bí, chẳng có cái ảnh cưới nào của đám K6 ta hoặc con cái ta hợp với bài viết của Hải cả. Những cái ảnh chèn có thể không ăn nhập gì với bài viết, xin các bạn thứ lỗi!
Sướng |
Rất đông các bạn nữ K6 đã đến vui! |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]