K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

16 tháng 2, 2014

XIN ĐỪNG QUÊN

17 tháng 2 là ngày gì ?, xin đừng quên!.
     Năm ấy- 35 năm trước tôi đang bước vào năm cuối cùng của những sinh viên K11 năm cuối (tôi vốn K10 được "lên" Ka, ngay chuyện này với tôi cũng nhiều điều đáng nói lắm!).
     Hôm ấy tôi nhớ đài báo thông báo giặc Tàu đã mở cuộc tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới nước ta , khi ta mới trải qua cuộc chiến thống nhất đất nước chưa bao lâu.
     Quê tôi là một Thị Xã nhỏ trên miền biên giới, cha già của tôi vốn là một viên chức hiền lành đã về hưu, ở lại đó với gia đình chị gái tôi đang công tác tại một cơ quan Ty lao động tỉnh. Tất nhiên khi nghe tin như vậy lòng dạ tôi không thể yên. Ngay hôm sau có thằng bạn tôi đánh con xe Hải Âu 26 chỗ ngồi chở gia đình nó cùng gia đình bố mẹ vợ tôi ( khi đó tôi mới cưới vợ khoảng một năm) về tập kết tại gia đình tôi, khi đó vợ chồng tôi đang ở trong một gian nhà tập thể trường Trung cấp Thái Nguyên. Hôm sau nữa lại một thằng em họ đánh con xe Zinkhơ mang theo vợ con tạt qua nhà tôi (trước khi họ về Hà Nội với họ hàng). Qua thằng em họ tôi được biết Bố tôi cùng gia đình chị gái tôi chạy theo Ủy Ban tỉnh đã bị kẹt lại trong vòng vây quá bất ngờ của bọn  "đồng chí" Tàu. Thùng gạo quê vợ chồng tôi tích cóp cho ngày sinh cháu bé, vơi đi nhanh chóng chỉ ít ngày.
     Lòng như lửa đốt, ngay hôm sau tôi xin nghỉ học nhảy xe của thằng em họ từ Thái Nguyên chạy trở ngược lại vùng chiến sự, mặc dù biết là sẽ nguy hiểm, nhưng vì sốt ruột cho tính mạng của Bố và gia đình chị gái, nên tôi không hề đắn đo cho cái sự liều mạng ấy.
     Tuy vậy chuyến xe ấy buộc phải dừng lại tại một Thị Trấn (mà khi đài BBC tường thuật là Thành Phố) chỉ cách nơi đang xảy ra chiến sự ác liệt chừng 10 Km.
     Trước mắt tôi hai bên đường Quốc lộ 3 chạy từ Cao Bằng xuống Bắc Cạn, con đường "Hữu Nghị" do chính bộ đội Trung Quốc "giúp" xây dựng hồi ta chống Mỹ, là la liệt bà con chạy loạn từ Cao Bằng vói đủ loại phương tiện có thể có, mà chủ yếu là chạy bộ. Hồi đó phương tiện Cơ Giới là cực hiếm.
Trong bộ mặt âu lo tôi cố tìm trong đám người chạy loạn xem có Bố tôi cùng gia đình chị gái trong đó không?. Dù đã mất cả ngày tìm và chờ đoàn người chạy loạn về, nhưng tôi không hề nhận được tin gì về bố tôi cả. Đêm hôm ấy tôi ngủ trên xe thằng em họ. Nó đã tìm được đơn vị, ngay hôm đó nó đã phải nhận nhiệm vụ mới.
     Hôm sau tôi lại phải lang thang trong dòng người chạy loạn để mong tìm bố, đến gần trưa may mắn tôi gặp một người quen, qua người này tôi được biết bố tôi chạy nạn vào một khu sơ tán của cơ quan tỉnh và khu vưc ấy đã nằm trong vòng vây của giặc tàu.
     Thất vọng cùng âu lo, vả lại tôi cũng  phải quay về trường, vì tôi cũng chỉ xin nghỉ có hai ngày, trong khi không biết liệu bố tôi cùng những người kẹt lại khi nào có thể thoát ra được
      Những ngày sau đó với tôi là những ngày dằng dặc.
     Chừng 10 ngày sau một chiều anh rể tôi bỗng xuất hiện cùng bố tôi, cụ gầy đen, râu tóc bù xù lởm xởm. Ngày trước cụ đẹp lão lắm: "trông ông già mày như một ông tiên"- một anh bạn tôi nói vậy khi đến thăm cụ tại nhà tôi.
     Hồi ấy nhà nghèo lắm mà có lẽ ai cũng thế, trong nhà không có nổi 10 đồng. chúng tôi chỉ xúc vài bơ gạo dự trữ cho vợ tôi sắp đẻ, gửi anh rể đem cho các cháu khi anh quay lên khu tập kết cán bộ nhà nước chạy loạn trên Bắc Cạn.
     Bố tôi kể lại rằng, giặc tàu tràn vào rất nhanh và bất ngờ, hóa ra chúng có gián điệp đã ém sẵn từ thưở nào mà tình báo ta chẳng hề hay biết, dẫn đường(đúng là Thâm như Tàu). Các hướng thâm nhập đều bất ngờ đến mức ban đầu dân ta còn hoan hô , vì cứ tưởng bộ đội Việt Nam. Bố tôi trong đoàn người chạy loạn đã phải cắt rừng về Bắc Cạn, do giặc đã bao vây tứ phía khu tập kết của UB tỉnh. Trong lúc chạy, cụ cùng đoàn người đã phải trốn trong hang đá 4 ngày giữa vòng vây giặc tàu, uống nước vắt từ cây chuối rừng và ăn gạo sống, nên mọi người đều bị đi tháo và xuống sức rất nhanh. Cụ kể chúng đông lắm, nhưng cứ 10 thằng thì mới thấy 1 thằng có súng, còn lại là gậy gộc và giáo mác. Chúng tàn bạo lắm cứ thấy ai mặc đồ cán bộ là chúng giết thẳng tay. Tôi được biết nhiều người trong số bạn tôi và người thân đã bị mất mạng vì giặc tàu giết. Vụ giết người tập thể dã man ở Cao Bằng của giặc tàu , đã xảy ra ngay trên quê gốc của tôi - Thị Trấn Cao Bình.
    Tất cả những người bị giết họ chỉ là những người dân vô tội, thậm chí tất cả họ đều chưa từng biết đến biên giới, họ trong đó có cả bố tôi và gia đình tôi đã làm gì với chính phủ "nước cộng hòa nhân dân trung hoa", mà Đặng tiểu Bình phải xua hàng chục vạn quân sang để "dạy cho một bài học".
    Bố tôi phải chạy loạn vào rừng cùng các con, cùng các cháu nhỏ, đồng bào tôi bị giết chết không thương tiếc; thật cay đắng đó lại là sự "giận dỗi" của "các đồng chí" với nhau, nhưng cuối cùng chỉ những người dân lành phải hứng chịu. Đớn đau hơn hôm nay không ai được phép nói về những ngày đau thương chưa từng có trong lịch sử nước Việt từ hàng ngàn năm giữ nước ấy.
    Tôi viết vài dòng này gửi tới các bạn để muốn nói rằng : Ngày này! Ngày - 17 - tháng - 2 là ngày chúng ta Mãi Mãi Không Được Quên!.

8 nhận xét:

  1. Đúng TB ơi , không thể quên . Những ngày này bên Quân sử những bài về 17/2/79 luôn tràn ngập. những kí ức của CCB chiến đấu ở Biên giới , cả những bài viết của CCB người Trung hoa cũng tham gia . Bạn vào Hà Giang - kí ức chúng tôi và đồng đội và khoảnh khắc 17/2 đọc và tham gia

    Trả lờiXóa
  2. Tôi chẳng thấy ai trong các bạn đi dư kỉ niệm ngày tưởng niệm cuôc chiến biên giới ở tượng đài li thái tổ cả. những người có mặt trong buổi ấy thật đơn độc...Tôi ,bạn,mọi người...đâu cả rồi :thật xấu hổ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn ơi! tôi vẫn theo dõi họ đấy!. Tôi vẫn phải lo miếng cơm manh áo, tôi cũng muốn tham gia cùng... Nhưng Chính Quyền này thì...hình như là của... ông bạn vàng vẫn đang "dạy" cho chúng ta hàng ngày đấy.

      Xóa
  3. Xin cảm ơn Triệu Bình rất nhiều! Hôm nay mình đang đi phượt trên Mai Châu - Mộc Châu nên không ở nhà để đăng bài về chủ đề này được (và cũng rất tiếc không tham gia được chương trình cùng với các văn nghê sĩ Hà Nội)

    Trả lờiXóa
  4. Sự hận thù ,sự đau khổ ,lòng xót xa không phải cứ nói ra ,chũng không phải có mặt ở này nơi kia là thể hiện mà chính là trong trái tim đang rỉ máu từng ngày từng giờ dõi theo những diễn biến chính trị khó lường. Những đợt sóng ngầm theo thời gian có thể làm nên tất cả ...

    Trả lờiXóa
  5. Thật đúng như vậy, cả dân tộc này không thể quên được ngày 17.2.1979. Dân cơ điện đi lính 8.1978 chỉ có 2 người em Nguyễn Trọng Bằng K10MC và Triệu Núi K12MD tham gia cuộc chiến tranh tàn khốc này. Em nhớ mãi sáng ngày 17.2.1979, cả đại đội 16,E197 thuộc tỉnh đội Thái Nguyên vẫn vác súng 12.7 lên núi ở Làng Lai, Võ Nhai, đến 8 giờ 30 có lệnh hành quân gấp lên Lạng Sơn vì Trung Quốc đã xâm lược 6 tỉnh biên giới. Dọc đường quốc lộ 1B lên Đồng Đăng đã thấy hàng nghìn người dân di tản và rất nhiều người bị thương cả thương binh lẫn dân thường, tất cả trong sự tuyệt vọng và đau đớn vì họ đã chạy loạn hàng mấy chục cây số. Trung đoàn 197 được sáp nhập vào F337 ngay hôm đó trực tiếp chiến đấu tại cầu Khánh Khê cho đến ngày 8.3, quân TQ cút khỏi biên giới Việt Nam. Có ngày 17.2.1979, em mới biết thế nào là chiến tranh và sự khắc nghiệt đến tột cùng của nó. Nhưng cao hơn tất cả là sự hy sinh của bao nhiêu đồng đội của mình, của cả dân tộc mình mà sao không được tri ân, báo đáp ? Một nén nhang trong tâm tưởng gửi tới các đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến tranh phi nghĩa này, thành kính phân ưu!

    Trả lờiXóa
  6. Mình thích bài viết của Tr. Bình : hay, mạnh mẽ, tư thế. Các ý kiến của D. Thọ, Hồ Nam và các bạn cũng không sai, hoàn cảnh của chúng ta chỉ cần thể hiện yêu, ghét rõ ràng, đứng về phía chính nghĩa và dám nói ra là tốt rồi.
    Bảo rằng nhớ hay quên thì chẳng ai quên cả, ngược lại còn nhớ rõ mọi việc vì đã ngẫm và thấm rồi.
    Những cái gì là đen, bẩn, xấu, ác của Tàu mà dân ta căm ghét thì hơi hướng của nó bây giờ vẫn đang thao túng đầy trong xã hội. Nhìn vào đám quan chức và nha lại thì lại càng thấy rõ, thật là
    " thâm như Tàu ".
    Không nói không có nghĩa là không có gì để nói, ngược lại có rất nhiều chuyện muốn nói, nhưng vì chúng cứ chen nhau đòi được nói trước nên thành ra lại bị . . . tắc. Thôi đành nói ngắn một câu vậy.

    Trả lờiXóa
  7. Nói ra hay không nói ra là quyền của từng người. Không ai bảo ai là đúng hơn ai! Như ở cái nước mình thì chỉ được nói theo một chiều, bây giờ trước mắt thế giới thì khó cấm nên tìm cách ngăn cản sao cho có lý nhất. Nhưng những đầu óc thông minh tài trí với kẻ thù ngày xưa bay đi đâu hết nên chăng nghĩ ra được kịch bản gì hay. Lần Hòang Sa mình ra tận nơi để xem vở hài kịch 1 màn, còn lần này có vở hài 2 màn thì lại bị rủ đi phượt xa nên không được xem. Tiếc lắm!
    Có lẽ bây giờ mất chính nghĩa hay sao ấy nên các quân sư của chính quyền chẳng thể thông minh được. Cứ xem họ xử sự như gà mắc tóc, loay hoay cưa đá rồi thi công sân khấu mãi chẳng xong nghĩ mà buồn quá!

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]