K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

15 tháng 11, 2013

BUỒN ĐI


                                                        Truyện đời vớ vẩn của V.
      …1973…1978-1979-1980… cả nước đói rét.
      V. mới ra trường, lương 53đồng 5 hào 9 xu. Trăm thứ bà dằn phải trang trải, tháng nào cũng nợ bà bán khoai trước cổng cơ quan, nợ tháng trước đè sang tháng sau. Hăng say trong các phong trào của cơ quan, đặc biệt là tìm tòi các cải tiến kĩ thuật, nó được khen nhiều nhưng cái giấy khen chẳng giúp được gì. Nó vẫn đói. Bọn dựa hơi Bố Mẹ tuy đít quần khá hơn, thế mà mặt cũng xanh sao lắm.


       Trí thức khổ kiểu mù mờ.
      V. chui rúc trong một gian 18m2 trên tầng 5 nhà E6-Kim Liên, ở với ba người cùng làm. Tuy nó bé nhưng cũng hay ra phết, bạn bè hay mượn chìa khóa lắm. Nhiều bố lịch sự khi về cho mình vài điếu thuốc vờ bỏ quên.
      Không chấp nhận đói rét. Nó làm mọi thứ việc để mưu sinh. Hết giờ làm việc ở cơ quan là nó lao ra đường phóng như bay, lúc đi Hưng yên chỉnh máy dập đĩa xe đạp, lúc vào Láng chỉnh Cóc dập xích xe, làm rây máy xay bột, toàn làm chui làm lủi cho mấy người làm hàng khi ấy gọi là “lậu”.
      Khi không có việc thì  nó lượn đến các chuy ô hút thuốc ké. Chuy ô là tên gọi mấy đầu mối buôn bán, chạy hàng cấm. Như Chuy ô Cô Mến ở Phùng Hưng thì: Vàng lá, vàng nhẫn, Kim cương, tiền Dolla Mỹ , Yên Nhật, Quần bò Jean, Kingdom, Giấy ảnh. Chuy ô Tiến ở Yết Kiêu (cạnh nhà Cụ Văn Cao) thì chuyên Mác, Curon. Ông Hồng Điếc ở phố Huế ( hình như là Tập thể Văn công ) thì Đồng hồ SK, DK, Giấy ảnh, Đường hóa học 5 cây dừa. Ông Tâm ở Trần Quốc Toản thì chuyên Kim cương, vàng lá Kim chung, Kim Thành.
      Ai cần thì có ngay, nhất là mấy anh, chị sắp sửa được đi nước ngoài. Không kể đi tham quan hay tu nghiệp… đi đâu thì cũng phải vay mượn vài chỉ vàng bán đi kiếm vốn mua USD, Yen, Mac, Đồng hồ SK, DK, Áo lính Mỹ…sang đó bán  kiếm lời rồi mua hàng gửi về. Mà hàng gửi về là lời to.
      Theo đóm ăn tàn, nhiều hôm cũng hay ra phết. Khối chú lơ ngơ vàng không biết bán ở đâu, cứ đeo ở tay mang ra chợ Giời sao được, có mà CA, Thị trường  gô cổ ngay. Không biết truyền tai nhau thế nào mà các bác ở Bộ Vật tư, Bộ Điện than cứ đi đâu là nhờ V. …cho nó chắc!
      Mua cũng nhờ nó, bán cũng nó mà  nhờ. Hàng đi, hàng về trôi chảy lắm. Vậy nên lâu lâu V. lại trúng quả.
      Một buổi tối thứ bảy đầu năm 1980 nó trúng quả “ Soi kim cương ”.
     Nó phởn phơ, tưởng tượng tí nữa ra Nhật Tân sẽ cho mấy thằng bạn Cơ Điện một chầu thịt chó tưng bừng.
      Từ nhà ông Tô H. nhạc sĩ ở con hẻm sâu đường H.H.Thám nó hí hởn tót ngay đến số 1B Đường H.H.Thám tìm thằng H.B.M, không gặp, nó vòng  xe, đạp về Quán sứ kiếm thằng H.M.H. lại không gặp, ngoắt xe về Quang Trung, quẹo vào Hạ Hồi xuyên qua Liên Trì kiếm thằng  H.T. cũng không gặp nốt.
      Đang cơn hưng phấn mà bọn kia trốn đi đâu hết (sau này biết tụi này đi trồng cây si nhà ami), bực mình tiện đây, nó tút thẳng vào cổng nhà cái S. ở phố N.G.Thiều, bấm chuông tính rủ nhóc tì này đi ăn Bánh Trôi nước vậy ( không nhớ ra nhà số mấy, tháng trước thằng H.Thột chỉ đây là nhà cái S.).
      Thực ra nó chỉ kiếm được tí ti, vì xem cho mấy người buôn bán hạt xoàn: giác Cúc hay giác Bí, có bị cưa tâm hay không, nước trong cỡ nào, có ngậm than, có xước hay không?
       Ai mua được thì cho một tí, trẻ thì hôn cho một phát, già thì cho 5-10 đồng thôi.
      Chui vào nhà, chễm chệ ngồi salon, hỏi thăm sức khỏe hai phụ huynh, ông già cái S. trông rất phúc hậu nhìn nó lườm lườm đi lên gác. Bà già S. nhìn nó cười cười nhưng cảnh giác lắm.
      Nó giật mình nhìn lại bộ dạng: tóc dài trùm tai, mặt xanh đít nhái, râu ria lởm chởm, áo lính Comangdo gồ ghề phanh ngực như lính sắp đi càn, chẳng trách các phụ huynh đề phòng là phải.
      S. mang chén nước ra, nhìn nó ngờ ngợ, như nhìn Jăng van Jăng, chẳng nhớ cái ông trông quen quen này là ai, nhưng nói toàn chuyện Cơ điện thì S. cười tươi lắm. Thằng V. lại còn xà vào đống hộp Cao sao vàng mà S. và bà già nó đang dán dán quệt quệt, tích cực làm thêm để tăng thu nhập (Ngày nay có Bộ Trưởng nào được như vậy không?)
      Gỉa vờ mót đái, nó lượn ra WC, nói nhỏ với  cái S. có đi ăn bánh Trôi không? Hôm nay anh mày trúng quả. Con bé dãy nẩy lên như bị điện giật.
      Chẳng ai cùng chia vui có chán không, tiền thì lạo sạo trong túi không yên được.
      Không chịu lùi, nó đạp ngược lên phố Yên ninh rủ hai đứa em Dg. đi ăn chè. Khuya  mới về, bị chị thằng Dg chửi cho một trận.
      Trưa mấy hôm sau đang ngồi ngáp ở quán khoai lang gần cơ quan thì thày Vt. dạy Nga văn đến gặp chia vui. Thày được đi Liên xô ba tháng tu nghiệp. Mừng rỡ, nó tháo cái đồng hồ Seiko cũ đưa thày. Thày chối đây đẩy, không nhận. Nó cứ dúi vào túi áo, cài cúc lại. Thày ứa nước mắt ôm nó.
      Cũng chiều hôm đó họp phòng, cãi nhau như mổ bò. Ông H. Bí thư đảng ủy cơ quan kiêm Phó phòng đang học tại chức, lôi thằng V. ra cạo một mẻ tơi bời vì đầu tóc, tác phong, ăn mặc, làm thêm chỗ nọ chỗ kia. Ông nói đây là lần thứ ba rồi, phê bình cậu này không có chuyển biến. Ông lớn tiếng rằng cả nước khó khăn thì phải chịu chứ không được làm thêm làm bớt gì, như vậy là vi phạm đạo đức, sai đường lối, tiếp tay cho tiểu thương phe phẩy. Kĩ sư có một thân một mình mà không lo liệu được, còn cứ xoay sở cái gì?
      Chị C. cùng phòng nóng tiết nói, anh H. hàng tháng đều phải về quê mang gạo mang mắm của vợ lên, anh biến sân vườn cơ quan thành vườn rau, tưới phân bắc phân chuồng thối um ngạt thở, anh em cắn răng chịu cho rau của anh. Chúng nó thanh niên cơm ăn không đủ, bữa trưa toàn thấy tụ tập quanh bà bán khoai. Anh là Bí thư chả giúp gì được anh em khó khăn mà cứ nói đạo đức, đạo đức vớ vẩn!
      Anh B.Trưởng phòng thì bảo, về chuyên môn và giờ giấc cậu ta tốt, hăng hái tham gia các phong trào của thanh niên cơ quan còn chuyện ngoài giờ phòng không quan tâm. Chi bộ sao lại cứ áp cái tóc của mình vào anh em thanh niên?
      Bác Viện trưởng ngồi dự cứ mỉm cười. Tan họp bác vỗ vai, cho V. điếu thuốc lá bảo hút đi. Nó nhìn bác Viện trưởng hơi lâu như đọc cái gì, rồi rít hơi thuốc thật dài ngửa cổ phà khói tròn tròn nghi ngút lên trên đầu.
      Khó sống quá, nó rời Hà nội, tìm cách đổi đời. Buồn nó đi.
                                                           ***
     Hai mươi năm sau, giữa Sài gòn nó gặp lại thày Vt, hai thày trò ôm ghì lấy nhau cười rạng rỡ.


                                                                       Chuyện Cơ điện lăn lộn với đời-2013.



11 nhận xét:

  1. Đó mới mang "hơi thở" của Cơ Điện.

    Trả lờiXóa
  2. Tuân vịt
    Chuyện của mỗi người không dễ kể ra . Mà kể ra thì mỗi người mỗi tạng . Có người kể chuyện thật như đùa có người thì chuyện đùa nói như thật . Tuân vịt thuộc diện thứ nhất . Ngày xưa ở trường thế nào thì sau này Tuân vịt vẫn thế . Ra trường bươn chải cựa quậy cũng như tất cả mọi người . Gặp Tuân ở thương trường hay lúc ngồi tâm tình bè bạn mấy chục năm nay Tuân vẫn cứ nói khơi khơi cứ cười vung tàn tán . Tưởng cái thằng chém gió ruột ngựa . NHưng không phải , Tuân không vô tâm đến vậy , hắn có thể không khéo nhưng là người nhiệt tình và vì bạn . Cái con người vì bạn nhưng không dễ kết bạn . Hắn chỉ có bạn Cơ Điện là nhất . Hắn cực đoan đến là đáng yêu .
    Đời hắn cũng sóng gió . Thế mà ở cái xứ Sà goong hắn cũng chút số má . NHưng kệ hắn . Số má giàu nghèo kệ hắn . Cứ mỗi lần vào công tác là hắn cười hơ hớ là nhậu và chỉ toàn chuyện Guột , Sắn , Quán THê , quán chị Bẩy , quán Ông già , quán Thủy mù , quán Sáu … rồi chia tay rồi gọi nhau cho tới tàu bay lăn bánh ngoài Tân Sơn Nhất . Cũng như những sinh viên khác , hắn uống chè thành tinh .
    Chuyện hắn lăn lộn lúc ở Hà nội chả lạ gì . Nhưng Tuân vịt hào hoa ngay cả lúc bĩ cực thì phải tự mồm hắn nói ra . Nhưng tôi tin . Từ cái hồi ở cái viện con con thiết kế săng dầu hắn đã thế .
    Tuân làm chủ tịch hội Phụ huynh học sinh ở cái trường tăm tiếng – PTTH Lê Quí Đôn kề ngay Dinh Độc Lập . Cái trường dành cho nam sinh con nhà giàu khi xưa nay vẫn là trường nhớn . Hắn lo việc ở đấy không kém gì lo cho hội k9 . Tài thật , nhưng kể ra cũng loogic vì đó mới là Tuân . Ngày mai hắn ra với k10 . Già có nõ rồi mà từ mấy hôm nay hôm nào cũng gọi điện nói về ngày được đi chơi vơi k10 . Hay thế , cứ như thằng trẻ con nhà quê được bố hứa cho đi chơi Hà nội ngày 2/9 để xem duyệt binh . Đêm nào cũng mong chóng sáng mong chóng đến ngày 2/9 .
    Ối Tuân vịt ơi là Tuân vịt

    Trả lờiXóa
  3. THỢ HÀN10:34 Ngày 16 tháng 11 năm 2013

    Đọc bài này dăm ba lần thấy mấy điều trăn trở bấy lâu.
    - Khổ mà không chịu trói.Không cam chịu vùng vẫy vươn lên.
    -Gian khó vẫn chia sẻ với bạn với thày khi chỉ có được một tí tiền công.
    -Ai cũng thấy mình ở đây, cái lúc khốn khó phải xoay sở nuôi vợ nuôi con.
    -Chất sống Cơ điện đúng là cuồn cuộn.
    - Đoạn cuối: "Bác Viện trưởng ngồi dự cứ mỉm cười. Tan họp bác vỗ vai, cho V. điếu thuốc lá bảo hút đi. Nó nhìn bác Viện trưởng hơi lâu như đọc cái gì, rồi rít hơi thuốc thật dài ngửa cổ phà khói tròn tròn nghi ngút lên trên đầu." làm cho tôi suy nghĩ nhiều. Cám ơn tác giả V.

    Trả lờiXóa
  4. Một thằng Cơ Điện tuyệt vời.

    Trả lờiXóa
  5. Mõ Blog làm gì mà bài này khó đọc quá, sửa phông cho chúng em dễ đọc.
    Chẳng phải của riêng ai cái nỗi vất vả, mấy ông Bí thư cq em cũng rưa rứa dù chúng em mấy năm sau ra gặp ở đời cũng bị bịt mắt bắt dê.
    Còn vượt trên số phận lại vi vu như bác tiền bối này thì ác đấy. May mà cq bác còn có nhiều người không luồn cúi, ông Viện trg còn sâu xa thương người.

    Trả lờiXóa
  6. Các viện chuyên môn là chính, rất ít đảng viên. Viện trưởng chỗ N. còn tính xem đứa nào chưa đi LX tìm cách cho nó đi, không thực tập sinh thì đi HTLĐ để cải thiện cuộc sống. Cũng có những người như vậy thời cổ hủ.
    Có nơi cán bộ chuyển thành công nhân cho đi HTLĐ là khía cạnh ngược lại.
    Một thời mơ đi làm thuê nước ngoài để gia đình đỡ khổ. Cũng nhiều gia đình tan khi vật chất đến.
    Xem “Người làm thuê số 1” thực sự kính nể những con người đó vì không cần xuất ngoại mức lương ngất ngưởng…
    Quả là một kho chuyện nơi T.V. Lăn lộn với cuộc sống, nghĩa hiệp với bạn, tận tình với thầy cô…một điển hình của người Cơ Điện.

    Trả lờiXóa
  7. Lại là Tuân, và chắc chắn chỉ là Tuân mới dám xông vào những đề tài " mới" như thế vầy.
    Hình như lần đầu tiên đọc blog của chúng mình mới được gặp đôi dòng viết về ngành nghề: "lúc đi Hưng yên chỉnh máy dập đĩa xe đạp, lúc vào Láng chỉnh Cóc dập xích xe, làm rây máy xay bột".. thấy một thời xông pha vô tư như của chính mình.
    Văn Tuân sôi nổi, khinh bạc lắm đấy , nhởn nhơ mà sâu lắng. Ngẫm lại , mình và ối bạn không đc như V là : Khó sống quá, nó rời Hà nội, tìm cách đổi đời. Buồn nó đi. Thật là can đảm.
    Mừng cho Bạn dám đi và đã đến, bờ bến HUY HOÀNG.
    Cảm ơn những ký ức hiện thực về những ngày gian khổ nhưng năng động được 1 người CƠ
    ĐIỆN " dọc ngang nào biết trên đầu có ai " tái hiện lại. Chân thành cảm ơn tất cả
    Tôi ấn tượng với cái tít BUỒN ĐI

    Trả lờiXóa
  8. Đọc chú này cứ phải mỉm cười,văn khơi khơi hay đáo để, tải nhiều ý như của người ta lại là của mình. Mẹ thằng Tuân Vịt, nó kết cũng hay mà tên bài cũng " đi "lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. K4 ơi tên bài tôi nghĩ là đi ngã chứ!!!

      Xóa
  9. Trác Dũng giỏi lắm, tớ cất cái dấu ấy đi cho nó ẩn sau chữ đi mà Dg nhận ra.

    Trả lờiXóa
  10. Tuân...- gọi là Tuân Vịt thì đúng rồi ! Bởi xem và nghe hắn "bơi" ở cái "ao Cơ Điện",- Thái Nguyên những năm..70, ở "hồ Hoan- Kiếm" -đẹp nhưng quá hẹp thuở mới ra trường rồi bùng vào bơi ở Sài Thành như vậy là Vận động viên nòi nhà Cơ có số như nhiều người biết ! Nhưng đọc bài T viết thì cảm rằng gọi Tuân Văn cũng xứng - cái tên Văn Tuân , e viết lộn !

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]