Trên
ca-no đang phóng nhanh từ Năm Căn về phía Đất Mũi, nhìn hai bên rạch
Ông Trang thấy có một loài cây lạ mà tôi chưa từng biết, hình như rễ của
nó mọc ngược lên tua tủa phía trên mặt đất, tôi hỏi chú Bảo Ngọc đấy là
loại cây gì, chủ bảo: Anh
chưa nghe câu “Câng câng như cặc bần sóng đánh” cây bần đấy ! rễ nó mọc
ngược lên và rất cứng cho dù sóng lớn, nước chảy dọc mạnh rễ nó vẫn trơ
trơ, người Nam Bộ không gọi nó là rễ mà gọi nó “cặc bần” và do đó có
câu phương ngôn “Câng câng như cặc bần sóng đánh” để chỉ ai đó có tính
cách ngang ngược không nghe người khác khuyên bảo bao giờ …
Mới
nghe từ “cặc bần” có vẻ tục, thô nhưng đó là danh từ địa phương nhiều
nơi vẫn dùng như vậy như người miền bắc gọi hoa mít đực là “dái mít”,
trong khi đó ở miền Trung thì gọi là Huê mít, hoặc khi người miền bắc
gọi con bề bề thì quê tôi gọi là con tôm vỗ L…còn người Nam bộ thì gọi
là con tôm tít…người dân quê tôi cũng gọi rễ cây dứa dại mọc ở ven biển
là cặc dứa trong khi các nơi khác thì gọi là rễ dứa !Tôi thấy thú vị lắm khi về Trà Vinh được gặp Nam Tuấn lúc thuyền đi dọc sông Long Bình chúng tôi lại gặp cơ man nào là cây bần và lúc vui miệng Nam Tuân đọc hai câu đối rất thú vị như sau: ” Sóng vỗ cặc bần rung bẩy bẫy, Gió đưa dái mít giẫy tê tê”
Đó là một câu đối rất chỉnh mà ai nghe chắc cũng thấy thú vị và khó quên..
Cây nghèo hay Thủy Liễu:
Khi về thăm Cồn Thới Sơn nơi có rất nhiều cây bần mọc phía bờ sông, tôi lại được nghe cô hướng dẫn viên du lịch kể chuyện cây bần. Ở miệt sông Tiền, sông Rạch Gầm, Cái Bè người ta gọi cây bần là cây Thủy Liễu (Cây Liễu mọc dưới nước).
Chuyện kể rằng tháng 1 năm 1785 Đại quân Nguyễn Huệ bày trận phục kích quân Xiêm trên sông Tiền đoạn từ Cù Lao Thới Sơn đến Cái Bè, Rạch Gầm-Xoài Mút, vì ém quân lâu ngày để chờ quân Xiêm do Nguyễn Ánh cầu cứu đang hùng hỗ và gian ác vừa đi vừa cướp, hiếp giết đổ bộ từ phía biên giới Việt-Miên xuống theo dòng sông Tiền. Lương thực của nghĩa quân Tây Sơn có lúc không còn. Một hôm Nguyễn Huệ thấy đói bèn hỏi một người nông dân ở cồn Thới Sơn rằng liệu có thể cho ông một thứ gì để ăn cho đỡ đói được không, người nông dân liền trèo lên cây bần hái vài quả và một ít mắm nem đưa cho Nguyễn Huệ ăn, thấy quả bần ngon và có vị hơi chua ông liền hỏi đó là quả gì, người nông dân phân bua rằng vì nghèo đói nên người dân ở miệt sông Tiền thường hái quả cây này để ăn cho đỡ đói nên gọi đó là Cây bần (Cây nghèo). Nguyễn Huệ lấy làm cảm động lắm và nói với người nông dân là từ nay đừng gọi là Cây bần nữa mà hãy gọi nó là cây Thủy Liễu vì cành và lá rất mềm và có dáng đẹp, thường rủ xuống mặt nước như cây liễu xứ bắc vậy. Về sau khi biết tên và vị thế người lính đó chính là vua Quang Trung - Nguyễn Huệ nên người dân vùng Tiền Giang đã gọi cây bần là cây Thủy Liễu.
Trái bần có vị hơi chua và hơi chát, nên ăn khi quả còn non, khi già thì có vị chát và có nhiều xơ, nếu ai biết ở vùng duyên hải bắc bộ thường có cây roi dại, thì hoa và quả bần cũng hao hao giống trái cây roi dại vậy. Có hai loại bần: bần chua bà bần ổi. Bần chua quả dẹp, bần ổi quả tròn có vị ngon hơn.
Hoa bần trông rất đẹp, đặc biệt có rất nhiều nhụy trắng, chỏm vàng đài hoa màu xanh lục và cánh hoa màu đỏ tía duyên dáng như một bông hoa cảnh.
Cặc bần có thể khai thác xuất khẩu để dùng làm nút chai rượu vang vì nó xốp, dẻo khi nén nó rất đàn hồi và không bị dò nước.
Cây bần được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định là một thứ cây có thể trồng để làm rừng phòng hộ chắn sóng và chống xói mòn đất rất tốt, rừng bần có thể góp phần duy trì và bảo vệ hệ sinh thái cho vùng ngập nước rất có triển vọng. Nó có thể trồng và phát triển nhanh chóng ở nước mặn, nước lợ và cả trên vùng nước ngọt.
Gần đây do sự phát triến ồ ạt nghề nuôi trồng thủy sản nên việc chặt phá và lấn dần diện tích cây bần ở vùng Tiền Giang, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau. Đây là sự báo động nghiêm trọng cho nguy cơ diệt chủng cây bần.
Cây bần từ lâu nó đã trở thành người bạn gần gũi của người dân Nam bộ, nó là cái cớ để họ mượn nó nói lên tình yêu thương trai gái hay tình cảm quê hương da diết của họ mỗi khi ho sống xa quê, những sự ví von ấy thường thể hiện qua các ca dao sau:
Thân em như trái bần trôi,
Sóng dập gió dồi biết tắp vào đâu?
Cảm thương ô dước, bời lời,
Cha sao mẹ sến, dựa nơi gốc bần.
Chiều chiều xuống bến ba lần,
Trông em không thấy thấy bần xơ rơ.
Muốn ăn mắm sặc bần chua,
Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm !
Chế Trung Hiếu - K10IA
Cây này chỗ tôi ở trước đây mọc rất nhiều,thủa bé, tôi thường dấm rạm dưới gốc cây. Quê tôi gọi là cây lậu, rễ đâm lên, gọi là buồi lậu và chỉ căt về làm nút chai.
Trả lờiXóa