K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

31 tháng 10, 2012

Chuyện bây giờ mới kể


KỈ NIỆM VỀ MỘT THẰNG BẠN ĐÃ HI SINH NƠI CHIẾN TRƯỜNG
   Triệu-Bình
                                                                                                                
 Tôi gọi chuyến đi THĂM LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA của đoàn Cựu chiến binh Cơ-Điện là "chuyến đi lịch sử". Tôi biết rằng thật khó để có thể thực hiện lại một chuyến đi như thế trong tương lai.
Vì không thể đi cùng đoàn tôi đành dõi theo họ để mà tiếc, tôi tiếc vì nếu đi được cùng đoàn biết đâu ở một nơi nào đó trong một nghĩa trang liệt sĩ, tôi sẽ được thắp nén nhang để gặp lại một thằng bạn nào đấy thủa xưa cũng như tôi, khoác súng ra chiến trường nhưng rồi mãi mãi nằm lại.
 Dõi theo bước đi của đoàn, trong tôi lần lượt mờ ảo hiện lên hình ảnh của những thằng bạn năm xưa - những chàng thanh niên mới lớn đầy sức sống, đầy hoài bão, cực kì hiếu động mà tôi biết chắc chắn rằng chúng nó - là Liệt sĩ- đã nằm lại vĩnh viễn ở đâu đó, trên con đường thăm lại chiến trường xưa của đoàn.
Trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh của nó rõ nét nhất, như ngày nào cách nay hơn 40 năm về trước, chỉ vì với tôi nó đặc biệt hơn cả. Nó trên tôi một lớp đang lớp Chín, còn tôi đang lớp Tám.
 Ngày ấy là những ngày chiến tranh ác liệt, giặc Mĩ đang đánh phá miền Bắc, các cơ quan dân chính phải sơ tán khỏi thị xã Cao Bằng. Cơ quan nơi Bố tôi làm việc được sơ tán lên một khu trường học của nghành Lâm Nghiệp gần phố huyện trên một khu đồi, bỏ hoang lâu ngày vì trường đã bị giải thể.
Gia đình nó có bà mẹ là cán bộ cũ của trường, đã kịp dựng riêng một ngôi nhà ngoài khuôn viên khu trường. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ đó là ngôi nhà cột gỗ nghiến, lợp ngói âm dương, vách nhà cũng giống như những căn nhà phổ biến khi đó là vách nan tre được trát bằng đất trộn rơm khô. Tôi với nó thân nhau chỉ vì cả cái khu đồi hẻo lánh có mõn hai thằng cùng trạc tuổi, mà lại học cùng một trường cấp 3 nữa chứ!
           Ngôi nhà còn đặc biệt là có cả một cái gác xép được lát bằng những tấm ván cũ, dành làm chỗ cho nó ngủ và học. Thật bất ngờ khi nó rủ tôi trèo lên cái giang sơn của nó, tôi còn nhìn thấy một cây đàn gui ta cũ,cầm cây đàn nó bập bùng một vài bài làm tôi tròn xoe mắt. Sau này nó thường rủ tôi ra ngồi gốc bạch đàn vào đêm trăng sáng, nó bập bùng chán chê rồi lại nhường tôi tỉa tưng tưng vài gam cơ bản trong cái vốn nhạc lí nghèo nàn mà tôi được học hồi lớp năm, vào ngay trước khi phải đi sơ tán vì chiến tranh.
 Có lẽ nó ước mơ sau này sẽ trở thành sinh viên đại học nên lúc nào nó cũng gảy đàn hát bài “Bài ca Sinh viên” nghe nhiều thành ra tôi cũng thuộc, nhưng sau này tôi mới biết nó hát và dạy tôi sai toét- tòe- loe.
Tôi luôn phải nể nó không phải nó học trước tôi một lớp, mà hình như cái gì nó cũng biết hơn tôi, nó dạy tôi biết cách để mài con dao rựa hay cái búa chặt củi sao cho thật sắc mà lâu cùn để đi chặt củi vào hàng cuối tuần. Mặc dù là con nhà cán bộ, bố mẹ nó đều là cán bộ ăn lương nhà nước nhưng nó cày ruộng như một nông dân thực thụ. Nhà nó khai hoang được vài thửa ruộng nước trồng lúa gạo đủ ăn quanh năm. Ngày ấy cán bộ nhà nước mà có gạo quê ăn là quý tộc lắm. Thỉnh thoảng nó mời tôi ăn bát cơm nguội với cá mắm lúc các cụ đã đi làm, nó ngon đến nỗi đến giờ tôi vẫn còn cảm giác ngòn ngọt nơi đầu lưỡi.
 Nhìn nó điều khiển con bò kéo cái cày đi phăm phăm lật từng hàng đất ngọt ngào thẳng tăm tắp tôi thèm lắm: “Mày cho tao cày thử cái!”. Tôi nói với nó. Nó cười với một nụ cười thật hóm, rồi trao dây dắt Bò và Cày cho tôi. Tôi tự tin quất cho con bò bước tới, lúc này tôi mới biết cày ruộng không đơn giản chút nào, lưỡi cày do tôi điều khiển không chịu chui vào dưới đất mà nó lại vọt lên rồi đổ kềnh.
 Ba anh em nó đứng trên bờ nhìn tôi lúng túng với cái cày cười như nắc nẻ, còn tôi mặc dầu cay cú cầm cái cày lên làm lại vài ba lần không khá hơn phải ngượng ngùng trả lại Cày cho nó. Nó bảo :”Cái dân Thị Xã chúng mày làm sao mà cầm cày được cơ chứ!”. Đau nhất là cô em gái xinh xắn của nó vừa hái đậu vừa cười tủm tỉm ở ruộng rau bên cạnh. Còn cái đau khác là cổ tay tôi, nó bị trật chỉ vì tôi đã cố gắng giữ cho cái cày khỏi đổ. Cái đau ấy chỉ một tuần là khỏi, nhưng còn “cái đau” kia của tôi đến giờ nghĩ lại vẫn còn thấy cay.
Ấn tượng nhất và cũng làm tôi nể nó nhất là trong lần vào kì nghỉ hè, anh em nó rủ tôi đi lấy củi bè. Hồi đó ở những bản làng xa xôi dọc bờ sông, bà con dân tộc ít người thường chặt cây phá rừng để làm nương rẫy. Họ thường đốn cả một vạt rừng chờ khô rồi đốt lá để lại các cây gỗ khô cháy ngổn ngang bờ rẫy. Thằng Quảng-tên của nó, phát hiện ra điều này từ bao giờ không rõ, nó rủ tôi cùng em trai nó mang theo dao rựa, gạo, cùng cá mắm, mắm tôm- cái này thì nhà nó sẵn, đủ ăn cho 4 đến 5 ngày, lần ngược theo bờ sông đến chỗ nào có nhiều cây củi khô bị đốt thì hạ trại đóng thành bè rồi thả trôi theo sông. Nghe kế hoạch của nó tôi sướng mê liền xin phép bố cho mang theo vài kg gạo đi theo anh em nó.
Sau một ngày chuẩn bị, sáng sớm hôm sau tôi háo hức cơm nắm lên đường cùng hai anh em nó. Chúng tôi đi một mạch dọc bờ sông, chỉ dừng lại ăn cơm trưa chốc lát.Xế chiều chúng tôi gặp một vạt rẫy cây khô ngổn ngang bờ rẫy và xen giữa các vạt lúa nương đã mọc mơn mởn. Chắc chắn số cây này đủ cho tất cả chúng tôi.
 Hạ trại ven bờ suối tôi và nó chặt cây dựng lều, còn em nó thì lo nấu cơm. Giường nằm được chúng tôi kê cao đề phòng rắn rết và quây lá kín xung quanh: “Để đề phòng hổ, báo” nó bảo. Đêm rừng nhanh chóng đổ xuống, chúng tôi đi ngủ sớm sau khi có bữa cơm đơn giản nhưng vô cùng ngon miệng. Vào lều ngủ nó phân công tôi và nó nằm ngoài còn thằng Luyến em nó nằm giữa, nó không quên dặn tôi phải để con dao ở vị trí thuận tiện: “Có gì lấy cho dễ!”. Cái sự bình tĩnh của nó khi ngủ ở giữa rừng, trong khi thằng em nó nằm im thít không dám thở mạnh làm tôi vô cùng cảm phục.
Sáng hôm sau khi đã cơm nước xong xuôi, nó bắt đầu hướng dẫn cho tôi QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ ĐÓNG BÈ CỦI. Hóa ra đây không phải là lần đầu nó đi đóng củi bè, làm xua đi sự lo lắng trong tôi về sự ngây ngô của mình. Tôi có biết gì về bè mảng đâu, ngoài cái khả năng bơi lội do lang thang bờ sông từ bé.
Ngày đầu chúng tôi tập kết củi cây xuống bờ sông, nó dặn tôi phải chọn cây thẳng, nhẹ, ít vấu: “Như thế bè sẽ nổi, nhẹ dễ điều khiển!”, nó bảo tôi. Do rẫy củi ngay sát bờ sông, vì thế chỉ một ngày là chúng tôi đã tập kết đủ số cây cần thiết để đóng bè cho mình.
Sáng hôm sau nó đưa tôi vào rừng để kiếm dây buộc bè. Hóa ra kiếm dây buộc bè cũng thật nhiêu khê, trong rừng có rất nhiều loại dây chằng chịt, nhưng dây buộc mà chúng tôi cần là một loại dây cứng leo thẳng lên những ngọn cây: “Càng dài càng tốt, đỡ phải nối, buộc sẽ chặt hơn!”, nó bảo với tôi. Về điều này tôi làm tốt hơn nó, cuộn dây của tôi thường to hơn. Tôi đã có tới hai lần ngã cây suýt chết trong sự nghiệp leo trèo của mình.
Chỉ cần hai tiếng là chúng tôi đã có đủ cơ số dây cần thiết.


“Phải khẩn trương nếu xong sớm, ngay chiều nay chúng ta nhổ neo thì chỉ ngày kia là chúng ta đến nhà”. Nó bảo tôi. Một ngày đi đường bộ sẽ phải mất hai ngày đường sông, trong khi thả bè theo dòng sông còn phải vượt qua nhiều ghềnh thác nguy hiểm nữa.
Nó hướng dẫn tôi đập dập dây rừng rồi xoắn lại trước khi buộc những cây gỗ to lại với nhau, giải tỏa nỗi lo của tôi khi tôi chưa biết với cái sức thư sinh như mình không biết tôi sẽ làm thế nào để buộc bè cho chặt.Phải công nhận loại dây này rất dai nó không hề đứt khi cái bè được buộc bằng nó trượt qua những khối đá lô nhô án ngữ dọc dòng sông, đặc điểm của những con sông chảy ở vùng núi.
Sau bữa cơm trưa chừng hai giờ đồng hồ chúng tôi đã hoàn tất công việc đóng bè. Cái bè chúng tôi đóng  nối bằng hai cái bè con được ghép lại từ 4 hoặc 5 cây gỗ khô có đường kính chừng độ gang tay, dài khoảng ba bốn mét: “Không được đóng quá rộng và quá dài, để có thể luồn lách qua các luồng nước chảy siết mà lởm chởm đá”, nó dạy tôi một điều quan trọng trong kĩ thuật đóng bè vượt thác.
 Chất đồ đoàn lên bè chúng tôi tranh thủ nhổ neo và háo hức lên đường.
Đêm đó chúng tôi hạ trại ở một bãi đá sỏi lúp xúp mọc ngang bụng một loài cây có thân và lá trông tựa như cây Trúc đào. Bãi sỏi nằm ngay giữa lòng sông chúng tôi thường gọi là Bãi soi, cho đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao lại gọi nó như vậy. Cũng giống như đêm trước thằng Luyến nằm giữa tôi và nó nằm hai bên,nó và thằng Luyến ngủ say như chết còn tôi không thể ngủ được vì sương lạnh.
Hôm ấy chúng tôi dậy sớm nấu cơm ăn thật no, sau khi đã vo tròn cho mỗi thằng một nắm dành để đi đường. Nó dặn tôi: “Hôm nay đi sẽ vất vả đấy, vì sẽ  phải vượt qua nhiều ghềnh thác nguy hiểm”. Tôi sẽ phải đi sau và phải tuyệt đối theo nó nếu không tôi sẽ bị mắc cạn ngay giữa dòng sông chảy siết, vì sai luồng.
Tôi phấn chấn lao vào những cái ghềnh nước chảy siết lởm chởm các khối đá như những cái lưng Trâu dập dờn dưới nước. Phía trước tôi đã có nó dẫn đường.
 Cứ vượt qua một cái ghềnh hoặc thác là thế nào chúng tôi lại được đi vào một vùng nước sâu xanh ngắt lười nhác chảy. Ở những đoạn này chúng tôi chỉ việc dùng sào khua nhẹ cho bè gỗ đi được thẳng hướng, lúc đó chúng tôi được thư giãn tha hồ nghắm cảnh sông núi. Nó có thằng em giữ bè vì thế cứ việc nằm khểnh trên bè mà nghêu nghao hát, đôi lúc sướng lên tôi cũng phụ họa theo và khoản này thì tôi ăn đứt cái giọng khàn như vịt đực của nó.
Đã qua vài con thác và dăm cái vực nước sâu, quãng đường về nhà đã ngắn lại, bữa cơm trưa bằng cơm nắm đã lùi xa. Chúng tôi sắp đi hết một đoạn dài, có nước chảy chậm mà không sâu lắm. Bỗng nhiên nó bắt chúng tôi dừng lại: “Chuẩn bị đi vào con thác nguy hiểm nhất đấy!. Dừng lại để tao hướng dẫn, nếu không sẽ không qua được đâu”. Nói rồi nó chỉ cho tôi nhìn theo luồng nước chính nhưng nhỏ hẹp, đang cuồn cuộn đổ xuống thác, oái oăm ở chỗ sau khi trườn qua một lườn đá rộng nó gần như lao thẳng vào một vách đá thẳng đứng rồi đổi hướng.
 Tôi nhìn quanh phần sông còn lại, nước chảy ào ào len lỏi qua những khối đá lớn chắn ngang. Đúng như nó nói đó là lối đi duy nhất để bè vượt qua, nhưng phải đúng cách: “Trước khi bè lao tới lườn đá kia phải chuẩn bị sào cắm mạnh vào nó không được để bè trượt lên trên, ngay sau đó là phát chống thứ hai quyết liệt hơn vào ngang vách đá chỉ cần đẩy được mũi bè ra là xong, đầu xuôi đuôi lọt”. Nó vừa hướng dẫn vừa như an ủi tôi.
Nó yêu cầu tôi đi cách nó một đoạn và dặn nhìn nó đến chỗ nào cắm sào vào đâu cứ làm theo nó, nhớ phải thật chính xác. Sau đấy nó lao bè xuống thác, em nó ngồi sau ôm chặt lấy hai bên bè còn nó lăm lăm cầm cây sào rất tập trung trông thật hùng dũng. Nó vào khu vực hiểm nguy nhất, động tác nó quyết liệt như đang chiến đấu với một con quái vật thật sự. Dòng nước cuộn siết chồm lên như muốn nhấn chìm cái bè của nó, nhưng cái bè của nó đã kịp lướt qua vách đá rồi nổi lên.
 Nó đã vượt qua, tôi mừng cho anh em nó, bây giờ đến lượt tôi. Chỉ mấy giây nữa tôi sẽ phải làm y như nó, chỉ cần hai cú ra đòn chính xác là tôi cũng sẽ chiến thắng. Chắc chắn tôi sẽ thành công, tôi tự tin bởi xét về sự nhanh nhẹn tôi ăn đứt nó. Đến nơi rồi… nào! hai!... Ba!, tôi nghiến răng cắm nhát sào đầu tiên lên lườn đá.
 Thay vì được hưởng cảm giác cùng trôi ra theo mũi bè, tôi dường như cảm thấy có ai đó quật mạnh vào người hất tôi ngã ngửa trên bè. Nằm trên bè tôi bất lực nhìn nó lao vào vách đá, tôi đã thất bại mà không biết vì sao.
  Dòng nước cuồn cuộn nhanh chóng nhấn chìm cái bè và lôi phăng tôi ra khỏi nó. Tôi vùng vẫy bơi trong dòng thác về phía bè của anh em thằng Quảng. Tôi nhìn thấy những ánh mắt thất vọng và thương cảm. Ngoái lại cái nơi vừa thất bại ê chề, tôi nhìn thấy cây sào của tôi vẫn đang cắm ngang vào lườn đá. Hóa ra tôi đã cắm nó đúng vào một cái khe trên đó, cái sào bị giữ cứng lại hất ngã tôi trên bè.
Một không khí buồn bã bao trùm cả ba chúng tôi. So với vụ cày ruộng lần trước thì vụ này cay đắng vô cùng. Mấy ngày làm việc vất vả của tôi thế là công cốc.
 Thằng Quảng lên tiếng đầu tiên như để an ủi tôi: “…Thôi! Ghé bè vào bờ, chuẩn bị vớt lại củi rồi đóng lại bè, được bao nhiêu thì được”.
Chúng tôi neo bè của nó lại và chờ những cây gỗ nổi lên từ bè của tôi.
 Nhưng rồi chẳng thấy có cây gỗ nào cũng như cái bè nào nổi lên cả. Nó cùng tôi leo lên bờ và tìm cách lội ngược lên chỗ tôi gặp nạn. đứng trên lườn đá rộng và trơn nhẫy tôi tiến ra nơi cây sào đang còn bị cắm lại. toàn bộ cả khối đá lớn ấy chỉ có duy nhất một cái khe nhỏ thế mà tôi lại cắm sào đúng vào nó. Hai thằng chúng tôi cùng nhìn vào cái vách đá ngay bên dưới, nơi cái bè gỗ của tôi lao vào. Thì ra nó vẫn nằm đấy, cả khối nước cuồn cuộn xối vào vách đá đã ép chặt cái bè của tôi vào ngay sát mép nước.
 Chúng tôi tìm cách giải phóng các cây gỗ ra khỏi những sợi dây đang buộc chặt. Công việc thật khó khăn vì những cây gỗ đang bị ép cứng dưới dòng nước chảy siết. Sau hàng giờ vật lộn chúng tôi chỉ tháo ra được vài cây phía trên. Thằng Quảng không một lời phàn nàn, tôi biết rằng nó đã rất mệt. Còn tôi vốn thư sinh nên càng mệt nhanh hơn nó: “Thôi bỏ, thế cũng đủ rồi!”, tôi tuyên bố. Chúng tôi gom số cây giải phóng được, buộc lại bằng bất cứ thứ dây dại nào bên bờ sông và buộc nối vào cái bè của hai anh em nó.
Hôm sau gần một ngày lênh đênh trên sông nước, rất may quãng sông còn lại không còn những con thác hung dữ nữa, chúng tôi cập bến. Một bến nước ngay giữa thị trấn.
 Những người đang trên bến nước nhìn chúng tôi với làn da đen xạm cháy nắng có vẻ cảm phục: “Các cháu giỏi lắm!”.
 Cái bến nước ấy cách nơi chúng tôi ở chừng hơn một cây số. Hôm sau tôi lại cùng anh em nó đánh Bò của nhà nó ra kéo củi về, nó bỏ thêm cho tôi vài cây nữa ngoài số của mình:”Cho thêm phần hoành tráng” nó bảo tôi!.
Từ cái buổi ấy trở về chúng tôi dường như càng thân nhau hơn, líu ríu với nhau còn hơn cả anh em ruột.
Nó cũng có những thằng bạn thân cùng lớp, nhưng có lẽ nó coi tôi thân hơn cả, chính vì thế nó muốn có tôi tham gia vào những sự kiện quan trọng của mình. Một hôm nó nói với tôi:”Bình ơi! Hôm nay mày đi với tao đến chỗ cái Hoa Bảo Lạc đi!”. “Ái chà! Chà! Thằng này gớm thật!” tôi nghĩ. Số là ngày ấy một số huyện xa không có trường cấp 3, vì vậy có một số bạn trong huyện phải ra chỗ trường tôi để học. Hoa là một trong số đó, em ở huyện Bảo Lạc ra học sau tôi một lớp, em vào lớp 8 còn tôi lớp 9 đương nhiên thằng Quảng là lớp 10.
Hoa là một cô gái có khuôn mặt bầu bầu, trắng trẻo. Em thường buộc tóc thành lọn vắt vẻo hai bên trông thật nhí nhảnh. Phải nói là em khá xinh, đủ để các chàng trai đi ngang phải chú ý. Ngay cả tôi cũng không  ngoại lệ.
 Việc thằng Quảng lựa chọn đối tượng tấn công làm tôi ngạc nhiên:”Mày có liều quá không đấy!”. Tôi ngạc nhiên vì thằng Quảng vốn không được sáng sủa gì: Da thì ngăm ngăm, mặt lại đầy mụn trứng cá. Trái ngược hẳn với hai đứa em dưới nó da lại thật trắng trẻo mịn màng.”Sợ đ. rzì!!!”- Nó quê Thái Bình-“Cứ mặt dày là xong!”. Nó nói rất tự tin.
Tất nhiên tôi phải ủng hộ nó, thậm chí còn cầu mong cho nó sẽ thành công trong phi vụ này.
Tối hôm ấy vào thứ Bảy, nó tắm rửa ngon lành có xà phòng thơm Hoa Nhài hẳn hoi. Đèo tôi trên chiếc xe đạp khung Sterling của bố nó. Nó đèo thẳng tôi tới nhà em Hoa trọ (hình như là họ hàng gì đó), nó đã “tăm” nhà em từ lúc nào.
Lúc đó trời mới tối chưa được bao lâu, nó muốn đến sớm có lẽ để chơi bài chặn trước. Chàng trai nào đến sau trông thấy chúng tôi có lẽ phải lẳng lặng mà rút. “Thằng này thế mà quái thật” tôi thầm khen nó.
  Hoa thấy chúng tôi đến chơi pha trà mời với một thái độ phải chăng, dù sao em cũng là người ở nhờ. Cái thằng tôi do chẳng có ý tứ gì nên cứ hồn nhiên thao thao đủ mọi chuyện, còn nó chẳng hiểu sao là nhân vật chính mà chẳng nói được câu nào ra hồn. Thậm chí tôi còn phải căng ra tìm cách khỏa lấp cái không khí trầm lắng giữa họ khi chẳng biết nói gì với nhau. Trên “mặt trận” quan trọng này chẳng hiểu sao bản lĩnh đàn ông của nó biến đâu mất.
Khi không còn gì để nói nữa chúng tôi tạm biệt em rồi ra về. Ra khỏi ngõ nhà em tôi mắng nó:”Mày chẳng ra đ. gì cả, đến cưa người ta mà chẳng chịu nói năng gì hết”. Nó cười như mếu:”Chẳng hiểu sao lúc ấy lưỡi tao nó cứ cứng cả lại mày ạ!”. “Thế thì viết Thư đi!” tôi nói. Nó gật đầu đồng tình.
Sự đời thật oái oăm, đây cũng là điều làm cho tôi luôn day dứt vì nó. Sáng hôm thứ hai đầu tuần chúng tôi đến trường.Trường tôi có các lớp học được nằm rải rác trong những khe đồi, phải bố trí như thế để tránh máy bay bắn phá. Các lớp học trước khi rẽ vào khu của mình đều phải đi chung một đoạn đường khá dài, men theo bờ những thửa ruộng. Đang rảo bước vào lớp bỗng Hoa đứng ngang đường gọi nhỏ tôi:”Anh Bình!” rồi em nói khẽ và rất nhanh:”Em và anh Quảng không có gì đâu đấy!”. Tôi sững người chỉ còn biết “ờ…ờ…”. Ngay sau đấy em hỏi tôi có thích đọc truyện không. Tất nhiên tôi phải trả lời là có, bởi vì tôi vốn là người ham đọc truyện.
Sáng hôm sau trên đường tới lớp, tại chỗ hôm trước em đã đợi tôi từ bao giờ rồi dúi vào tay tôi một cuốn chuyện:”Anh đọc đi, chuyện hay lắm đấy!”. Tôi chỉ biết cám ơn rồi cầm cuốn sách đi vào lớp.
 Vào giờ ra chơi tôi tò mò giở ra định đọc lời giới thiệu, mở trang bìa tôi nhận thấy kẹp trong đó là một mẩu thư, lá thư em gửi cho tôi nội dung là thanh minh về cái việc thằng Quảng đến chơi. Em còn mong cho tình cảm giữa em và tôi sẽ ngày càng nên tốt hơn và quan tâm nhau nhiều hơn. Đọc thư em tôi thầm thốt lên:”Thôi hỏng rồi Quảng ơi!”.
Ngay hôm sau tôi trả lại em cuốn truyện, thậm chí tôi còn chưa đọc một chữ nào. Kèm theo đó là mẩu thư của tôi trả lời em. Tôi cám ơn vì sự quý mến của em đối với tôi, nhưng tôi không quên nói rằng Quảng là một người rất tốt, Tôi mong Quảng, em và cả tôi sẽ luôn được là người bạn tốt của nhau.
 Sau lá thư ấy em không buồn chào tôi nữa, mà cũng chẳng thấy cho mượn chuyện gì cả. Còn tôi luôn giục thằng Quảng:”Mày đã viết thư cho em Hoa chưa đấy!”. Chỉ thấy nó trả lời cụt lủn:”Chưa!”.
Cuộc chiến tranh đang đi vào hồi ác liệt. Thằng Quảng phải đi bộ đội chỉ sau đó hai tháng. Nó gửi về cho tôi một lá thư dày, trong thư ngoài lá thư cho tôi kể lể chuyện tập tành bắn súng còn có cả phong thư nó nhờ tôi gửi cho Hoa.
Sáng hôm sau tôi đến trường sớm và đợi Hoa ở đúng cái chỗ bữa trước Hoa đưa sách cho tôi mượn. Gặp Hoa tôi nói:”Hoa ơi! Em có thư anh Quảng!”. Hoa đón lá thư trong tay tôi với một thái độ hờ hững lạnh nhạt. Tôi không biết thằng Quảng nói gì với Hoa trong thư và tôi cũng không biết liệu Hoa sẽ làm gì với bức thư ấy. Còn tôi, tôi cảm thấy có lỗi với thằng Quảng. Giá như hôm ấy nó thừa bản lĩnh để đi một mình và giá như hôm ấy không có tôi…
Vài năm sau trước khi trở thành người lính, tôi nghe tin nó đã hi sinh. Tôi biết chắc Hoa đã không trả lời thư nó, Hoa đã có người yêu.
 Từ đấy trong tôi càng day dứt hơn về cái lỗi của tôi với nó.
 Tôi rất muốn được một lần thắp hương trước vong linh nó, mong nó hãy hiểu và tha thứ cho tôi. Trong tôi, nó luôn là người bạn tốt và mãi mãi là người anh hùng.

                                                                                      Cao-Bằng 30.10. 2012
* Câu chuyện mà tôi kể lại đã đổi tên người con gái.

8 nhận xét:

  1. Trong lần đi Ba tơ tìm mộ Đặng Văn Toàn ,tôi có biết nhiều ngôi mộ có tên là người Cao Bằng và Lạng Sơn.Không biết trong số đó có Quảng của Bình hay không.Nhưng khi đoàn CCB Cơ Điên đi thăm chiến trường xưa vừa về đến Hà nội trưa nay có thăm khá nhiều nghĩa trang Liệt sỹ và ngang qua còn nhiều hơn.Mỗi lần như thế tôi đều nghĩ về Họ và mong Họ yên nghỉ nơi xa đó mà phù hộ cho người thân và đồng đội còn sống.Tiếc là Tr Bình không đi được chuyến hành hương lịch sử này

    Trả lờiXóa
  2. Những bạn trẻ hãy nhớ kỹ điều này : Em chỉ yêu anh mối thôi!
    Đi tán gái mà rủ Triệu Bình đi thì cầm chắc cái thua!?.
    Chỉ nên đi với "Tớ " thôi nhé.

    Trả lờiXóa
  3. ngay 24/10 tai thi tran NAM CAN tinh CA MAU rat nhieu thanh vien doan CCB co dien da thay cua hang van phong pham TRIEU BINH ,anh chang nay vao day khi nao nhi ?co THO MOM lam chung

    Trả lờiXóa
  4. Là mõ mà bây giờ mới đọc hết bài của Triệu Bình. Hay quá! Thật bõ để bỏ việc mà đọc các bạn ạ! Không ngờ tuổi thơ Triệu Bình dữ dội ghê!

    Trả lờiXóa
  5. Triệu Bình Yêu quý.
    Bạn làm mình tâm phục vì đã bỏ không ít công sức cho bài viết cảm động này...
    Thực tình cốt chuyện không mới, nhưng rất thật, rất tâm lý học trò thủa mới lớn, như thời học sinh phổ thông của chúng mình... Chính vì vậy viết nên được thật là khó- Xin chân thành chúc mừng, bạn đã thành công.
    Mình chỉ vương vấn đôi chút , giá như Bình hư cấu tý chút , cho phần kết có hậu hơn , thì có 1 người đọc như mình chẳng hạn, đỡ buồn hơn chăng?
    Thân ái

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thì lại khoái cái đoạn đi lấy củi mất mấy ngày của Triệu Bình, lại còn đóng bè thả trôi theo dòng thác. Còn đẹp trai lại tài giỏi như TB thì đoạn sau không có gì lạ lắm! Như mình mà còn có đoạn như thế thì TB kể ba chuyện cũng không hết!

      Xóa
    2. Chào Dũng khi tôi viết bài này, cảm xúc tự nhiên nó đến thậm chí nó giống như một cuốn phim quay chậm. Mọi hình ảnh như bày ra và tôi hối hả ghi lại.
      Tôi có cảm giác Quảng hối thúc tôi viết, vì thế tôi không thể và cũng không kịp nghĩ phải hình tượng và văn học hóa nó' Thậm chí rất may trước khi kết thúc bài viết(lúc 23h ngày 30.10) tôi còn kịp "giấu" tên người con gái.
      Đó chính là điều duy nhất tôi có thể làm như Dũng mong muốn.

      Xóa
  6. Vừa comment bài của tr Dũng mà không được bởi mạng báo lỗi ,tôi liền thở ở đây không biết coa được không .

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]