K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

30 tháng 1, 2012

Người Cộng sản gần gũi của tôi.

(viết nhân ngày 3/2/2012)

Trác Dũng

"Trò chuyện với một người là tri kỷ, chia sẻ tâm tư với nhiều người là blog..."
Nhà văn Đường Hân Nhiên

Tết này nhiều người than vãn, Tết dương lịch gần Tết Âm lịch quá nên thời gian cập rập, rồi hối hả sắm tết.
Người vác cành đào đi lên phố trên, người chở chậu hoa dọc theo phố dưới, sắc đỏ rợp trời, hương hoa quả sực nức, lan tỏa mọi ngõ ngách...
Tuy vậy, trên nét mặt những người có tuổi vẫn phảng phất đâu đó nét ưu tư. Cái ưu tư buồn phiền bởi vụ việc Tiên Lãng - Hải Phòng. Mình cũng không ngoài nó.
*************
Chợt nhớ một câu chuyện cũ:
Vào cuối năm 80-90, cơ quan cũ của tôi, có mở hội nghị góp ý cho các đảng viên. Tôi cũng được đi họp. Vào phòng, thấy mấy cô bé xinh tươi của phòng kế toán ở 1 góc hội trường. Tôi liền chen vào, ngồi thì thầm nói chuyện linh tinh. Sau rồi quay ra trắc nghiệm tình yêu, đại loại là viết ra giấy: "H ơi, anh yêu em lắm"... (Trả lời: 1-Sao bây giờ anh mới nói. 2-Em hồi hộp quá anh ơi. 3-Đừng có mà mơ,  -- rồi cho các em tự chọn đáp án). Đương nhiên, các em cười khúc khích, mất trật tự. Viên chủ tọa nhắc nhở "Đề nghị chỗ đồng chí Dũng trật tự, anh Công đang góp ý cho anh đấy", tôi ngơ ngác -"tôi đã được là đảng viên đâu?". Cả hội nghị cười phá lên, anh Công cũng ngượng nghịu cười rồi lúng túng nói "Xin lỗi, tôi nhầm. Tại thường ngày thấy anh ấy cũng gần gũi với anh em công nhân chúng tôi"
A, thì ra là vậy. Đảng viên Cộng sản là phải gần gũi với mọi người.
Bác Hồ Kính yêu của chúng ta, có lẽ là hiện thân lớn nhất cho sự gần gũi. Khi Người lội ruộng, đạp guồng tát nước chống hạn cùng bà con nông dân, khi Người đến công trường, biên giới hải đảo, đến với người lao công quét rác đêm giao thừa... tất cả đã làm nên hình ảnh lãnh tụ vĩ đại và thật gần gũi.

Tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" - (ảnh tư liệu)
Đồng chí Vũ văn Hiếu, người bí thư Đảng đầu tiên của xứ mỏ Hòn gai, trước ngày ra pháp trường ở nhà tù Côn đảo, đã cởi tấm áo cũ trao cho Đồng chí Lê Duẩn, nói "mày mặc vào, để còn lấy sức phục vụ cách mạng. Tao chết không cần nữa"
Anh Trỗi bị ngụy quyền SG bắt trong vụ án đặt mìn ám sát Macnamara. Khi chị Quyên đến thăm, câu đầu tiên anh nói là "những người bị bắt đã về chưa em"?
.....
Đấy là những gì mà tôi học được trong sử sách.
Còn những người lính 1040 chúng ta, trong những ngày quân ngũ của mình, không thể nào quên hình ảnh các thủ trưởng tiểu đoàn tuổi cha chú, như Trần Châu, Nguyễn văn Bút, Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn văn Ta.. đã tham gia quân đội từ thời kháng Pháp. Khi đi B với chúng ta đã ngoại tứ tuần, nhưng vẫn xốc vác, ung dung mà sôi nổi, đi dọc hàng quân Nam tiến, truyền cho mỗi chúng ta niềm vui nho nhỏ, lời động viên chân tình lúc mệt nhọc.
Rồi những ngày ở rừng Trường sơn. Hàng năm cứ đến các ngày lễ của dân tộc: ngày1/5, ngày2/9, ngày 22/12, ngày tết Nguyên đán, từ thủ trưởng tiểu đoàn cho đến mỗi binh nhì, binh nhất chúng ta, cũng đều khẩu phần giống nhau, mỗi ngày lễ là một điếu thuốc Tam đảo! Tổng cộng mỗi năm 4 điếu cả thảy! Đúng là "Tướng sỹ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" -Nguyễn Trãi, Bài cáo bình Ngô.
Hình ảnh mấy chiến sỹ C2 1040 như Phạm Bá Dục, Nguyễn văn Chi, Tôn Thất Bá, Dương Quang Trung, Nguyễn văn Chinh...đứng trên sườn dốc cheo leo, đường đất trơn như đổ mỡ. "Mấy thằng chúng nó" vươn tay ra đỡ, kéo từng người vượt lên đỉnh dốc ba thang, dốc Bà Định, dốc Nguyễn Chí Thanh, và nhiều cung đường khó khăn khác nữa suốt dọc đường hành quân từ Bắc vào Nam, mãi ghi sâu trong tâm trí mỗi người.
Hình ảnh Lại Duy Quỳ (lúc chưa ốm) trên đường hành quân lúc nào cũng đi sau cùng, dìu Hồ Nam bị ốm đi khật khừ, trên vai anh Quỳ luôn mang hai ba lô của mình và Hồ Nam, vẫn hiện trong tôi. (Thật may, bây giờ vẫn gặp anh Quỳ, vẫn "to mồm" như ngày nào, cái "vĩ thanh" một thời đã xua tan mệt nhọc).
Hình ảnh những người lính C2 1040 vượt sông Trường đoạn qua Trà Mi, khi hành quân từ xưởng mũ khu 5 về khu B. Có người đã bơi qua sông 3, 4 lần để dìu những người không biết bơi qua sông... Họ ôm lấy nhau, đẩy nhau qua sông, ba lô cuốc xẻng trồi ngụp trong sóng nước... Làm sao mà quên được...
Sau chiến tranh, họ trở lại trường.
Những người lính phải mất 1 thời gian học đuối (là cái chắc). Nhưng họ không quay cóp khi thi cử -nói đúng hơn họ không dám vi phạm kỷ luật của nhà trường Đại học. Có chăng, họ chỉ "chuyển" mất anh bạn Đặng Duy Đông của tôi (như anh Thị lớp trưởng K6MA chẳng hạn) sang phòng anh để tiện giúp anh ôn học hàng ngày. Họ cũng không "cậy" mình là lính, hoặc "diễn" bằng cách cứ phải luôn mặc quần áo lính xám xịt để khi đi thi các thầy "cảm thông, chiếu cố", cho đỗ đạt...( nhưng thực tình tư trang của họ cũng không gì khác, ngoài hai bộ quân phục cũ, sắc xanh trùm lấn lên màu da sốt rét).
Nhân đây cũng nên nhắc đến Nguyễn văn Tế, học K6MB, người lính C3-1040. Cùng chúng mình, hắn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người lính. Trở lại trường, hắn nhanh chóng trở thành người hay có được danh hiệu học sinh tiền tiến của Đại học Cơ điện. (Được HSTT là có thưởng tiền đấy nhé). Hắn có cô người yêu, yêu suốt mấy năm lính, giờ là vợ hắn -Huê, K7 trường mình. Ra trường, hắn lại xông pha ở Quảng nam, Đà nẵng. Hắn trở lại sông Tranh, Nước Mỹ, Nước oa, Trà gùi... thường xuyên, không phải đi đào đãi vàng mà là đi xây dựng các công trình thủy điện trên "nớ". Năm 2009, K10 Cơ điện gặp mặt 30 năm, hắn trở về, ngồi giữa anh em hòa đồng thân thiện, uống rượu hết mình, hát hết mình, uống và hát tới khi trăng cũng "thò cổ" xuống lắng nghe! Có 1 lần tôi và Trần Quỳnh (K6MB-lính 1040) đàm đạo với nhau, kết luận: Hắn chính là hình mẫu Cộng sản hiện đại" thứ thiệt". Hội tụ đầy đủ, dũng cảm, thông minh, nhân ái, hòa mình, thủy chung.
Viết tới đây, tôi xin phép bạn đọc, kể chút ít về cái "gần gũi" của người cha thân yêu của mình.
Khi cha tôi khuất núi đã có được 55 năm tuổi Đảng. Người được vào Đảng trong những ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), và cũng bị kỷ luật ngay trong những ngày sau đó một thời gian. Trước ngày ông mất quãng mươi năm, trong một bữa tất niên chiều cuối năm, tôi ướm hỏi ông: "con xem trong sách -Hà nội 60 ngày khói lửa* của Ông Vương Thừa Vũ viết Bố bị kỷ luật là thế nào vậy"?  Bố tôi ngồi trầm ngâm khá lâu, mắt đỏ hoe, rồi sẽ sàng trả lời: "Đó cũng là vụ kỷ luật đầu tiên của quân đội đấy. Hồi đó là cuối tháng 1/1947, vẫn trong lúc giằng co với giặc Pháp, để bảo vệ Trung ương và chính phủ rút về căn cứ địa. Trời rét lắm, khu vực bố phụ trách là từ Phúc xá, Bưởi, Thụy khê, Hoàng Hoa Thám, Đội cấn, Quần ngựa, Kim mã... và bảo vệ đường đi Sơn tây. Khi đó trang bị của ta không có nhiều, chủ yếu thô sơ, chiến sỹ mới thành lập, huấn luyện chưa được bao lâu, chủ yếu là thanh niên học sinh và nông dân nên tinh thần là chính. Ở ngoài ngoại thành rộng rãi, Pháp triển khai được xe bọc thép và tập trung được đông quân, nên bữa đó đã đánh nhau suốt mấy ngày trời rồi. Mọi người rất mệt và đói rét. Khi cấp trên ra lệnh rút quân để bảo toàn lực lượng, lập phòng tuyến mới, họ trùng chình chấp hành không triệt để. Pháp tấn công dữ dội, mất khả năng chỉ huy... Ta hy sinh nhiều lắm. Bố lúc ấy cũng lăn lê bò toài như chiến sỹ, không bắn nó để nó tràn qua thì mình chết hết. Sau Bố bị thương nhẹ, may có đơn vị bạn tiếp ứng, giải vây.. chứ không cũng chả có ngày hôm nay...". Ông quay ngang hỷ mũi, trầm lắng, buồn suốt cả tết đó...
Bây giờ Bố tôi không còn nữa.Nhưng mấy anh em chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ chuyện ông kể về những người chiến sỹ cảm tử quân ở mặt trận phía tây bắc Hà nội của tiểu đoàn 145, trong những ngày Toàn quốc kháng chiến. Và hình ảnh ông vươn tay ra làm động tác lăn lê bò toài cùng chiến sỹ của mình giữ từng tấc đất , trong giờ phút cam go... Hiểu rằng sự gần gũi thật là giản dị.

*************

Ơi những người bạn học và bạn lính của tôi. Các bạn không hề xa lạ với đời thường. Cũng ăn, ngủ nghỉ, làm việc, học hành, yêu đương, có lúc đánh bài tí chút vui vẻ. Các bạn chắc chắn là những đảng viên, và là đảng viên gương mẫu nữa là khác. Nếu không chí ít, vì lí do nào đó, các bạn cũng là con em của một thế hệ cộng sản xả thân vì đất nước - đã làm nên 1 dân tộc VN có tên tuổi trên bản đồ thế giới. Nhân dân tự hào vì hơn nửa thế kỷ, Đảng CSVN đã đưa lại cho mọi người hạnh phúc, cơm no áo ấm. Tinh thần cộng sản thấm đẫm cùng hồn dân tộc, nó lẫn trong nhân dân, nó kết nối tinh thần Việt và phát huy rực rỡ mỗi khi dân tộc đòi hỏi vươn tới những giá trị mới, những tầm cao mới, sánh cùng văn minh nhân loại. Những người cộng sản không tự thần thánh hóa mình để mà xa lạ với dân tộc của mình.
Ấy thế mà, tết nay tôi buồn. Buồn bởi có người mang danh hiệu cộng sản mà đánh những ván cờ hàng tỷ bạc, buồn vì tiếng súng đạn hoa cải của Đoàn văn Vươn ở Tiên lãng Hải phòng, buồn vì cách hành xử cùng những phát biểu vô trách nhiệm thậm chí quá non nớt của vài "đầy tớ" ở đó, đã làm suy giảm lòng tin ở tôi, ở thế hệ chúng tôi.
Anh Vươn tất nhiên sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Những người "kém cỏi" để xảy ra vụ việc sẽ bị xử lý.
Xã hội sẽ có bài học sâu sắc, để mãi không bao giờ lặp lại.
Không lực lượng nào cản trở dân tộc chúng ta cùng Đảng CS trên con đường hạnh phúc.
Dẫu vậy tôi vẫn mong tinh thần của những Đảng viên cộng sản của những năm 50, 60, 70, của thế kỷ trước hiện hữu nhiều hơn nữa trong đời sống hàng ngày.
Ơi những người cộng sản, tôi nhớ sự gần gũi của các anh!



* Trích hồi ký HÀ NỘI 60 NGÀY KHÓI LỬA của Trung tướng Vương Thừa Vũ - Nhà xuất bản Hà nội - 2006

Trang 164 và 165: "Suốt ngày 25 tháng 1, ở phía tây bắc Hà nội đã diễn ra những trận đánh quyết liệt. Nhưng rất đáng tiếc là trước đó tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 145 đã không nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh rút quân ở Tứ tổng ra bố trí ở Nhật tân, nên đơn vị đó đã bị tổn thất nặng. Tiểu đoàn trưởng đã bị Bộ chỉ huy mặt trận thi hành kỷ luật. Tuy nhiên, các chiến sĩ ở Tứ tổng đã chiến đấu rất anh dũng, giành giật với địch từng bờ ao, gốc chuối...."

1 nhận xét:

  1. May mắn cho chúng tôi bạn của Tr Dũng cũng kịp về Quảng Ninh đưa tiễn cụ tới nơi an nghỉ cuối cùng.Còn bao người như Dung mong mỏi điều tôt dẹp áy nhỉ,Tôi chơt nhớ câu nói của một bí thư Đảng Phường ngày nọ "thằng ấy là đảng viên ,nhưng nó tốt lắm"

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]