Luân K5M - 3002
Lại sắp đến tết rồi. Bây giờ nghỉ hưu, chẳng phải lo lương, thưởng quà tết biếu xén cấp trên, lo ngoại giao… Nhẹ tênh. Chỉ còn lo việc ăn tết ở Hà nội hay về quê để còn lên kế hoạch với vợ con.
Nghĩ đến quê, lại vừa mừng vừa tủi. Quê mình nghèo thật nhưng bây giờ cũng đã có đủ cái ăn. Buồn vì ở quê cha mẹ đã đi cả. Mẹ cha nằm trên cánh đồng mà mỗi lần về đến đầu làng là nhìn thấy bia mộ thấp thoáng sau bãi ngô non.
Tình cờ, một hôm dò trong máy tính, thấy bài viết của thằng con trai út. Từ lâu lắm rồi mà mình đọc cũng rơi nước mắt. Hóa ra nó nghĩ còn sâu sắc hơn mình. Từ hôm đó mình nhìn con thấy không phải thằng cu của mình nữa. Nó lớn thật rồi.Tết ở quê
Nguyễn Xuân Nam
Về quê ăn tết đối với tôi đã thành thông lệ. Đến nỗi mà bạn bè cứ gần tết họ lại hỏi bao giờ mày về quê? Bao giờ thì xuống Hà Nội? Với họ chắc chẳng có ai có không khí tết giống tôi. Cứ đến 25, 26 Tết bố mẹ tôi và các chú chuẩn bị đồ Tết để có những ngày tết no đủ. Nào là gạo ngon nhất, mì chính, nước mắm, rau củ cũng ngon nhất... Đến 27 Tết tôi bám đít bố mẹ và mọi người cùng về quê... Có lẽ đón Tết ở quê mới thấy được không khí Tết truyền thống thực sự. Sáng sớm 28 Tết năm nào cũng vậy, những người đàn ông khoẻ mạnh trong nhà xúm lại bắt con lợn thật béo, thịt thật ngon và cùng nhau mổ lợn. Cảm giác sáng sớm ngày hôm đó chắc sẽ còn mãi đọng lại trong tôi, trong kí ức tuổi thơ của tôi. Tôi sẽ không quên được những sớm mai bị đánh thức bởi tiếng lợn kêu eng éc. Mắt mũi cay sè vùng dậy dưới cái lạnh se se mưa trắng mờ vườn tược. Nồi nước to tướng sôi ùng ục, khói cay mắt, cái mùi khói đun nước mổ lợn mà ở thành phố không bao giờ có. Lũ trẻ con chúng tôi chạy ra xem các anh các chú mình thể hiện sức mạnh. Mổ xong mọi người cùng lấy phần thịt mình được chia. Mỗi nhà một phần. Lũ trẻ con chúng tôi thì “thủ” được cái bóng lợn. Cả lũ không có bóng đá nên tìm cách thổi quả bong bóng đó lên và chia đội đá như mấy anh thanh niên. Vui thật là vui.
Ấy là những cái Tết vui khi còn cả ông và bà nội tôi. Đêm giao thừa cả nhà lần lượt chúc Tết ông bà. Bố tôi bao giờ cũng xúc động nói lời chúc ý nghĩa nhất, mong ông bà luôn mạnh khoẻ và sống lâu cùng với con cháu. Ông bà đã phải chịu khổ nhiều rồi, bây giờ bố mẹ tôi và cả cô chú nữa đều đã có công việc ổn định, và có chỗ đứng trong xã hội. Chỉ mong ông bà mạnh khoẻ để các con các cháu đền đáp công ơn. Nhưng thời gian đó không có nhiều với ông bà. Ông trời thật không công bằng cho ông bà được được hưởng thụ chút sung túc, những đáp đền nhỏ nhoi của con cái đã lớn khôn. Thật đúng là con cái chẳng bao giờ có thể đền đáp được công ơn cha mẹ.
Bây giờ ăn tết ở quê chẳng còn ông bà, chẳng còn được vui như trước nữa. Vẫn mổ lợn, vẫn gói bánh chưng. Lũ trẻ con ngày nào giờ đã lớn cả và không còn có những trò nghịch ngơm như ngày xưa nữa. Năm nay chỉ có nhà tôi về ăn Tết, còn cô chú thì bận việc ở Hà Nội không về được. Năm nay nhà tôi vẫn mổ lợn nhưng tôi lại không thấy được buổi sáng sớm của tôi ngày xưa. Cả ông trời nữa, đúng là thật oái ăm. Tết nhất gì mà nóng như mùa hè, nắng chang chang. Mọi nhà phải lôi quạt ra ăn cơm mùng 1. Đêm giao thừa không còn ông bà để cho chúng tôi chúc mừng. Mỗi nhà tôi, cả cô và thằng em nữa. Ngồi xem bắn pháo hoa qua TV thật vô vị. Có lẽ chưa bao giờ lại có 1 cái tết tồi tệ như năm nay. Phút sang canh, bâng khuâng nhìn ra vườn. Đêm tràn ngập cái không khí vừa lạnh, vừa ấm giao hoà. Bố và mẹ rưng rưng thắp hương. Ảnh ông bà nội mờ trong những sợi khói hương cong vòng như dấu hỏi.
Tết năm nay để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Tôi buồn. Mới đầu năm mà toàn nói về chuyện buồn như thế sẽ bị dông. Nhưng không thể không nói, định viết về một cái gì đó ấn tượng về tết nhưng có vẻ khó qúa. Những ngày tết ở quê tôi chẳng đi đâu, mà cũng chẳng biết đi đâu. Chỉ loanh quanh ở nhà và chăm sóc chú mình. Chú sống ở quê, chú không được may mắn như mọi người trong nhà. Từ khi bà nội sinh ra chú, chú rất bình thường, nhưng được vài tháng chú bị ốm và nó để lại di chứng khiến chú có vấn đề về thần kinh. Ai cũng thương chú và lo cho chú. Tôi cũng vậy. Thương chú nhiều lắm. Nhìn thấy chú như vậy mà chăng biết làm gì, thấy chú lên cơn, chú khóc chú bảo chú lên cơn đấy mà lòng tôi như bị dao cứa vậy. Biết nói với chú gì đây hả chú. Cháu thương chú nhiều lắm. Sắp hết tết rồi. Biết mọi người sắp phải xuôi tàu chú buồn lắm, chú hỏi tôi bao giờ thì cháu đi mà mắt chú rưng rưng. Chú mong đến hè. Vì tôi hứa hè tôi về với chú, tôi rất sợ thất hẹn, bởi chú chỉ mong có vậy thôi. Mọi người nghĩ chú không biết gì, nhưng nói chuyện với chú tôi mới biết chú hiểu mọi điều. Sao xưa nay mọi ngưòi trong nhà tôi không nghĩ thế nhỉ??? Chú tâm sự với tôi, dặn dò tôi khi nào về mua cho chú cái áo. Chú ơi hứa với chú hè này cháu sẽ mang biếu chú áo mới nhé.
Không biết bao giờ lại có Tết thật là vui như ngày xưa. Ông bà mất rồi khiến con đường về quê trở nên xa lắc. Tôi chỉ muốn níu kéo tuổi thơ mà không được. Chỉ còn chú, chú vẫn coi tôi là trẻ con và trong tôi thì người chú tàn tật chẳng bao giờ già. Với tôi, tết quê là hình bóng ông bà nghèo khổ và người chú tật nguyền, là những cái bánh chưng có mồ hôi tay của bà là những sớm mai lạnh thấm đẫm sương, là con đường chen chúc về ga tàu cũ, là tiếng còi tàu vừa vui, vừa buồn, là nỗi nhớ không dứt… xa xăm.
Tôi chỉ cầu mong mỗi cái tết mọi người trong gia đình tôi gắn bó hơn với nhau và gặp nhiều điều may mắn.
Thật đồng cảm với Nam (con bố Luân), Quê chú cũng vậy, đọc những dòng tâm tư của cháu về "tết ở quê" mà lòng chú dâng trào, những kỷ niệm về quê hương nghèo, hình ảnh về bố, về mẹ, anh, chị em cứ ùa về buồn vui lẫn lộn. Vui vì sắp được quây quần cùng anh em họ mạc vào ngày tết... Buồn vì bố chú cũng đã về với tổ tiên, cũng như cháu chú cũng thấy con đường về quê trở nên xa lắc từ ngày bố chú mất. Đúng "Ông trời thật không công bằng cho ông bà được được hưởng thụ chút sung túc, những đáp đền nhỏ nhoi của con cái đã lớn khôn". Nói vậy thôi quê hương vẫn là chùm khế ngọt, nơi đó có những người thân của mình, vậy thì dù có buồn nhưng ta vẫn và mãi mãi phải về, đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi chúng ta. Để mỗi gia đình, cũng như cộng đồng gắn kết nhau hơn, để không mất đi truyền thống của người Việt vì những ngày tết mọi người được trải lòng mình, được phần nào đền ơn, đáp nghĩa với bố mẹ và người thân.Mong cháu cùng gia đình cháu vẫn luôn giữ được cái nếp về quê ăn tết để cháu suy ngẫn, để hồi tưởng những kỷ niệm đẹp và cả kỷ niệm vui hay buồn nữa. Mong cháu mãi gữi được tình cảm về quê hương như vậy.
Trả lờiXóaNếu cháu Nam không hoặc chưa vào BLOG này thì nhờ anh Luân chuyền giúp lời tâm sự của em đến cháu. Vì tâm tư của cháu rất đồng cảm với những tâm sự bấy lâu nay của em. Lớp trẻ như cháu trong thời buổi này mà nghĩ về quê sâu sắc thế là vô cùng hiếm.
Cám ơn anh Luân trước nhé !
Mình rất trân trọng những suy tư những cảm xúc của cháu Nam về quê hương về những người thân yêu như thế.Lớp trẻ thành phố ở thời nay có những suy nghĩ như cháu thật hiếm.
Trả lờiXóaMừng cho anh Luân.
Mình gửi tặng cháu Nam mấy vần thơ, bài thơ này mình đặt tên là "Ao Nhà". Chúc quê hương có mãi trong trái tim tấm lòng của cháu!
"Ta về ta tắm ao ta"
Câu thơ lắng đọng thiết tha nỗi lòng
Ao nhà dù đục dù trong
Đi xa vẫn nhớ vẫn mong muốn về
Dù cho cuộc sống đề huề
Ngọt bùi ta vẫn nhớ quê của mình
Nhớ cây trúc mọc đầu đình
Cây đa, bến nước in hình bóng ai
Nhớ về những tháng Giêng,Hai
Chăn trâu- cắt cỏ, sắn khoai một thời
Nhớ về cái miệng cười tươi
Nhớ đôi mắt đẹp của người bạn xưa
Dịu dàng nhớ tiếng võng đưa
Mẹ ru con ngủ sớm trưa ngọt ngào
Bây giờ thì chẳng tắm ao
Quê hương vẫn đậm biết bao nhiêu tình.