K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

10 tháng 11, 2011

Chuyện chiến trường! - Hú hồn hú vía!


Triệu Bình

Có lẽ chuyện những người lính chiến trường, trong những trận chiến ác liệt thì những cú thoát chết thần kì chắc không phải là hiếm. Có hàng ngàn hàng vạn những tình huống hi hữu có thể kể lại.
Còn tôi - một thằng Lính Phía Sau thế mà lại cũng có những tình huống cũng chỉ thoát chết, có lẽ sẽ trong sự Vô - Cùng - Đau - Đớn mà trong...một khoảng thời gian... Hàng -Thế - Kỉ; đến bây giờ khi nghĩ lại tôi vẫn thấy lạnh toát cả sống lưng - Chuyện gì vậy?

Ngày ấy - những ngày hành quân gian khổ đi chiến trường, tôi và một số bạn không may, dù đã rất cố tránh nhưng vẫn bị Thần Sốt Rét quật ngã dọc đường. Thế là chúng tôi bị tụt lại...sau...hàng...quân. Chúng tôi được bổ sung vào các đơn vị phía sau, không được trực tiếp tham gia chiến đấu. Nhiều người trong số các bạn sẽ cho là chúng tôi may mắn vì không phải xông pha nơi chiến tuyến gian khổ và đầy hi sinh ác liệt.
Trong cái không may: bị sốt rét ác liệt lại có cái may: được ở Phía Sau không có bom đạn, không có chết chóc.
 Nhưng không hẳn lại cứ tiếp tục có may mắn mãi!
Là Lính Phía Sau cứ sau 10 ngày chúng tôi phải luân phiên nhau đi “cải thiện” cho đơn vị. Khi thì đi đào sắn, khi thì đi lấy măng rừng. Dù đi đâu chúng tôi đều phải tuân thủ nguyên tắc là phải đi về hướng không có bộ đội ta đóng quân, và phải cách xa đơn vị ước chừng 1 giờ đi đường (Nhiều cái khoác vai đeo Súng).
Hôm ấy tôi cùng thằng Điều - hình như hồi huấn luyện nó là liên lạc tiểu đoàn, tôi không nhớ lắm; nhưng khi vào chiến trường nó lại được cùng tôi bổ xung về Quân đoàn bộ B3- được phân công đi lấy măng rừng làm thức ăn cả tuần cho anh em trong đơn vị.
Chọn cánh rừng Lồ Ô - Một loại cây họ Tre- quen thuộc mà anh em thường đến đó để kiếm măng, tất nhiên đảm bảo các tiêu chí bí mật. Tôi và Điều đeo cái gùi to tướng lên đường, mang theo khẩu AK47 đầy đạn.
Đây rồi cánh rừng Lồ Ô nghút ngàn với những thân cây to cao vút hết tầm mắt. Rừng Lồ Ô vào mùa mưa các ngọn măng đua nhau mọc tua tủa như những ngọn mác chọc thẳng lên trời.
 Tách khỏi con đường mòn chúng tôi chui vào sâu trong rừng với mong muốn lượm được những ngọn măng ngon nhất.
Hạ gùi rút dao, tất nhiên súng không rời vai, chúng tôi chia làm hai hướng và bắt đầu công việc.
 Cánh rừng Lồ Ô nơi chúng tôi bước chân vào vẫn còn nguyên thủy chưa có dấu chân lính, chính vì thế măng ở đây nhiều vô kể và tốt lạ thường. Xen lẫn những ngọn măng mới nhú là những cây măng mập mạp cao vút tới vài ba mét. “Tội quái gì phải nhặt nhạnh những cây măng nhỏ bé mới nhú kia làm gì, chỉ cần dăm cái ngọn măng to đùng kia là ta đã đầy gùi rồi, nhanh chóng mà nhàn nhã!”. Với suy nghĩ có vẻ khôn ngoan ấy tôi chọn ngọn măng lớn đầu tiên và đi quanh nó để lựa thế chặt.
 Ai đã từng đi chặt măng Lồ Ô ở Tây Nguyên đều biết rằng chặt những cây măng to là phải cẩn thận vì măng non dễ gãy, rất có thể nó rơi cắm thẳng vào đầu mình như chơi. Cẩn thận là không thừa, nếu không muốn trở thành “liệt sĩ măng rơi” lãng sẹt.
Tôi lựa thế nhìn và đi quanh ngọn măng theo chiều kim đồng hồ - vì tôi thích thế!.
Bỗng nhiên đất dưới chân trái tôi tụt xuống và hình như một luồng gió mát lạnh bốc lên mà tôi cảm giác được qua lớp vải quần, nhìn cái chân vừa bị tụt xuống tôi tối sầm mắt, một luồng điện chạy dọc sống lưng, toàn thân tôi xù toát da gà. Bên cạnh chân tôi một luồng khói đen bốc lên và tỏa ra bốn phía kèm theo đó là tiếng gió vù...vù đầy chết chóc. Chết tôi rồi!..Tôi đã đạp trúng một tổ Ong Đất Tây Nguyên.
Ai đã hành quân vào chiến trường đánh Mĩ hẳn đều được cảnh báo phải tránh xa Ong Đất Tây Nguyên vì sự nguy hiểm của nó: Nó có thể đốt chết trâu trong chốc lát. Thật oái oăm thay tôi lại đang đạp vào giữa tổ của nó, tôi vô tình đã phá vỡ sự yên bình của đàn ong. Chắc chắn tôi sẽ phải trả giá cho sự vô tình chết người này.
 Đàn ong nhanh chóng tỏa ra xung quanh tôi, những con ong trinh sát dữ tợn đã bám vào quanh người, một số dày đặc thì đang vù vù trên đầu. Không kịp tính toán phải làm gì, tôi nhắm nghiền mắt, cốt chỉ để khỏi nhìn thấy một cái chết thê thảm đang đến với mình.
 Tôi nín thở và đứng im chờ đợi cú đốt đầu tiên...Cứ thế tôi chờ mà không dám thở mạnh.
 Thời gian trôi đi như vô tận.. vẫn chưa có cú đốt nào lên người. Một chân co trên mặt đất, một chân duỗi dưới tổ ong tôi cứ đứng im như thế mà không dám động đậy.
Tôi như hóa đá, không có thời gian để suy nghĩ miên man. À! Tôi đã kịp phát hiện ra một điều: Lũ này có mắt mà như mù, chúng chưa hề phát hiện ra tôi - một khối thịt lù lù, kẻ vừa phá bĩnh sự yên bình của chúng. Tôi giữ nguyên chiến thuật mà mình đã kịp phát hiện ra trong phút giây chờ chết. Xung quanh tôi yên lặng như tờ, tôi cũng chỉ mong nó mãi như vậy, thậm chí tôi còn sợ phải nghe thấy tiếng của thằng Điều đang ở đâu đó. Tôi muốn trả lại cho đàn ong sự yên bình để nó đổi lại cho tôi sự sống.
Tôi không biết thời gian trôi đi đã bao lâu, chân tôi đã thấy tê cứng, lũ Ong hình như không tìm thấy gì đã bắt đầu lần lượt bay vào tổ, có con còn hồn nhiên bò qua bàn chân đã tê cứng của tôi, tôi biết tôi sẽ sống miễn là tôi phải không được động đậy. Một điều thật quan trọng nữa là...không được ... tè ra quần vì mùi khai có thể làm hỏng mọi nỗ lực của tôi. Giữa nỗi sợ và sự sống tôi chỉ được chọn một và không ai có thể giúp tôi lúc này cả.
Bỗng từ xa có tiếng thằng Điều: “Bình ơi được nhiều chưa”? Tôi suýt ...vãi ra quần khi nghe nó gọi. Lạy trời nó đừng có lại gần đây! Không khéo mọi cố gắng hàng giờ qua của tôi sẽ sụp đổ và cả hai thằng sẽ phải trả giá đắt. Lẽ thường khi người ta gặp lâm nguy ai chẳng muốn được trợ giúp, nhưng trường hợp này của tôi rõ ràng thằng Điều không biết sẽ hay hơn và tôi mong thằng Điều đừng quan tâm đến tôi nữa. May mắn nó chỉ gọi tôi lấy lệ rồi lại tiếp tục làm việc của mình.
Những con ong cuối cùng đã bay về tổ ngay dưới chân tôi, tôi đã có thể ngắm nhìn từng con quái vật “đáng yêu” bò qua chân để vào trong tổ. Tôi bắt đầu thay đổi chiến thuật, cứ thế từ từ từng tý, từng tý một, tôi rút chân ra khỏi cái tổ Ong chết tiệt đó, với một sự cẩn thận chưa từng có trong cuộc đời.
Tôi đã thành công sau khi lùi xa cái nơi chết chóc kia vài mét, hạ khẩu súng khỏi cái vai tê cứng tôi nằm vật ra đất để tĩnh tâm lại và nghỉ ngơi. Một cảm giác thảnh thơi trôi qua - Tôi vừa hút chết!
Xách cái gùi rỗng không đi qua chỗ thằng Điều, cái gùi của nó đã đầy ặc là măng: “Tao vừa sa chân xuống tổ Ong Đất suýt chết”.
“Thế hả”? Nó nói mà thản nhiên như không. Rồi vác dao chặt thêm cho suất của tôi. Còn tôi lẳng lặng đi tìm xung quanh những cây măng nho nhỏ.
Từ cái đận ấy cả tháng sau mà bắp đùi tôi vẫn còn đau ê ẩm.
Còn bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy lạnh toát cả sống lưng.

                                                                              11.2011

1 nhận xét:

  1. Nghe T Bình kể lại Thọ còn thấy hốt nữa là .Chỉ nhờ kinh nghiệm sông trên rừng núi từ bé nên T Bình mới đủ bản lĩnh tự cứu mình như vậy.Vậy là số chưa chết hỉ .

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]