K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

27 tháng 8, 2011

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

     Mới 17h hôm qua nhắn tin cho Mom là blog đã được trả lại tự do rồi đấy, vậy mà chắc Mom chưa kịp rã hết hơi bia mừng chiều qua thì blog đã lại bị nhốt lại y như 15 ngày trước. Mom chỉ mới kịp "còm" được một cái như là một tiếng kêu (hét) lên sung sướng giữa đại ngàn Trường Sơn rồi lại câm lặng ngay trước cái thực tế phũ phàng.

    Như đã dự đoán sẽ có nhiều chuyện hay từ trước, các tấm che mặt của đạo Hồi rồi cũng được lật ra. Như báo Hà Nội Mới đã "lật tẩy một trò lố"....và rồi sẽ có rất, rất nhiều "trò" sẽ được lật tẩy. Ước gì tất cả sẽ được công khai minh bạch như một xã hội trong sạch mà các nghị quyết đã "ra rả" cả mấy chục năm nay.
    Đầu tiên mời các bạn xem hai văn bản chứng tỏ một đất nước Việt Nam văn minh, sống & làm việc theo pháp luật và tự do ngôn luận nhé!
Một văn bản không số, không người ký, không nơi gửi và rất nhiều cái không... thể hiện trình của bộ máy quản lý thủ đô và đất nước (vì đài THVN cũng phát TB này)







Thế này thì làm sao các báo chẳng ra sức chống biểu tình đến "bệnh hoạn"
    
Hãy thể hiện đúng lòng yêu nước 

26/08/2011 06:36



(HNM) - Lòng yêu nước là tình cảm thiêng liêng bậc nhất trong những điều thiêng liêng; là phẩm chất cao quý hàng đầu trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là yếu tố quyết định mọi văn công, võ công hiển hách của dân tộc suốt mấy nghìn năm lịch sử, điều ấy hầu như mọi người đều rõ.

Nhưng thể hiện lòng yêu nước như thế nào? Thể hiện lòng yêu nước đúng cách, phù hợp với yêu cầu khách quan của lịch sử sẽ ích nước lợi nhà, rất nhiều trường hợp góp phần cứu nguy cho dân tộc. Trái lại, thể hiện lòng yêu nước không đúng cách, không tính đến yêu cầu của từng thời điểm lịch sử, không quan tâm đúng mức đến những khía cạnh phức tạp và nhạy cảm của thế sự thì không những lời nói, việc làm ấy gây phản cảm trong xã hội mà có khi còn có thể làm hỏng đường đi nước bước trong đại sự. Cách đây gần một thế kỷ, một nhà cách mạng đồng thời là một nhà tư tưởng lớn đã nói đại ý, nhiệt tình cộng với ngu dốt sẽ dẫn đến sự phá hoại. Thời gian đã khác, bối cảnh cũng khác nhưng một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của nước ta gần đây ở trung tâm Hà Nội gợi cho người ta nhớ đến tinh thần của câu nói mang giá trị chân lý ấy.

Biểu tình hoặc những việc làm tương tự như biểu tình, nhiều khi cũng cần thiết. Nhưng cần phân biệt hai loại biểu tình để có ứng xử phù hợp. Biểu tình ủng hộ, có thể có cả nhắc nhở, phản biện và biểu tình phá hoại, chống đối. Hiến pháp Việt Nam thừa nhận quyền biểu tình của công dân nhưng biểu tình phải trong "khuôn khổ pháp luật" là như vậy. Ngay loại thứ nhất, đúng lúc, đúng mức độ, không quá đà, biết tính đến "ném chuột nhưng không để vỡ đồ quý" cũng rất quan trọng. Vượt quá những giới hạn cho phép, tính chất cuộc biểu tình sẽ thay đổi và buộc chính quyền phải can thiệp. Không chỉ nước ta, trên thế giới đều thế, đó là trách nhiệm thực thi vai trò quản lý xã hội của mọi nhà nước.

Đấy là nói về biểu tình. Nhưng biểu tình không phải là biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất. Thể hiện lòng yêu nước tốt nhất là thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Cách đây gần bảy trăm năm, Nguyễn Trãi đã sảng khoái tổng kết: "Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông cương vực đã chia. Phong tục Bắc-Nam cũng khác" (Bình Ngô đại cáo - Bản dịch). Khi giành được độc lập thì giữ vững cương vực, chủ quyền quốc gia. Thời bình thì khoan sức dân, tranh thủ phát triển đất nước. Khi Tổ quốc đứng trước mối họa xâm lăng thì toàn dân một lòng, đứng lên chống ngoại xâm, làm nên những chiến công vang dội sử sách còn ghi. Truyền thống vẻ vang ấy được dựng nên bằng công sức, trí tuệ, máu xương của hàng triệu con người thông qua những việc làm của họ, không phải bằng những hành động tự phát do ngộ nhận, hay bị kích động, hoặc tự đắc kiểu như con gà trống ra sức gáy vì nghĩ rằng mặt trời mọc là nhờ tiếng gáy của mình.

Lòng yêu nước không phải đặc quyền của riêng ai, đúng như thế. Vậy lòng yêu nước cũng không phải đặc quyền của một số người đi biểu tình. Họ không yêu nước hơn những người không đi biểu tình, càng chưa chứng tỏ được rằng mình yêu nước hơn những người đang đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong học tập, lao động, sáng tạo, những người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền đất nước, giữ vững biên cương Tổ quốc trong vị trí và trách nhiệm của mình. Đấy là nói về những người nhẹ dạ, cả tin, nóng nảy hoặc cực đoan, chưa tính đến các thế lực chống đối trong và ngoài nước muốn lợi dụng lòng yêu nước, lợi dụng chủ trương mở rộng tự do dân chủ để thực hiện những mưu đồ của họ. Những mưu đồ đó là chống phá, cô lập, làm suy yếu Nhà nước Việt Nam bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc lợi dụng chính một số người Việt Nam ngộ nhận, thiếu thông tin, lôi kéo họ dần dần vào quỹ đạo ngược với lợi ích của nhân dân và đất nước mình mà những người trong vòng quay đó khó nhận biết được.

Thời gian qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều tiếng nói đại diện cho gần 90 triệu người Việt Nam đã khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ quốc gia, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh trước dư luận trong và ngoài nước. Những điều cần nói đã nói rồi. Những điều cần biểu lộ đã biểu lộ rồi. Hãy hành động, bởi chúng ta đang có quá nhiều việc cần làm trước mắt vì độc lập, chủ quyền và phát triển đất nước.

PGS-TS Vũ Duy Thông
 

May mà bây giờ có internet nên chúng ta còn được đọc những phản biện như dưới đây:


THƯ GỬI ANH VŨ DUY THÔNG
Nhà thơ Trần Trương
TNc: Nhà thơ Trần Trương và Vũ Duy Thông đều là bạn đồng nghiệp của tôi. Cả hai ông đều hạ cánh cả rồi. Ông Trương hồi hưu về viết những bài thơ nhân tình thế thái. Ông Thông hồi hưu nhưng vẫn vung roi. Thế mới biết ở đời biết mình khó lắm thay

Anh Thông thân mến! Vừa qua tôi có đọc  bài viết của anh trên báo HNM  tôi thấy cách thể hiện “Lòng yêu nước” của anh hơi quá mức so với trình độ, chức vụ cũng như học hàm học vị của anh. Sự “lên gân” và cách nói có thể là thiếu lễ độ ấy rất gây phản cảm cho bạn đọc. Cái Oai của anh cũng chỉ là cái chức Vụ trưởng một thời mà thôi, ngày xưa biết bao vị công hầu, khanh tướng lúc về hưu cũng có bao giờ nói “mạnh” như anh đâu. Người ta biết đến anh ở những bài thơ 5 chữ ấy, chứ họ không biết anh làm chức vụ gì, vì thế nếu cứ ngỡ “Cái ghế” là vị thần cứu tinh cho danh giá của mình thì thật là nhầm lẫn, nhầm lẫn giữa cái “Đế”(gọi chệch đi một tí) với cái Đầu(Cũng là chữ Đ cả) thì thật là thảm hại. Đến ngay ông G/Đ sở CA HN cũng bảo biểu tình là yêu nước, Ông Phạm Quang Nghị, Ông Nguyễn Thế Thảo cũng phát ngôn trước các nhà trí thức rất đàng hoàng, cởi mở, đúng mức và khiêm nhường, hèn chi anh mới ở cái chức “bạch mã ôn” mà đã lên gân quá. Không biết anh có nghe dư luận người ta nói về cái bài viết theo kiểu “bồi bút” của anh như thế nào không, tôi cũng thấy có cái gì đấy ở cái giọng nói của anh đã đi quá bước chân của mình, và có ý coi thường những người tham gia biểu tình, và đặc biệt là các nhà trí thức vào loại bậc đàn anh nếu không muốn nói là bậc thầy của anh. Nhiều người nói bóng, nói gió về anh, nhưng tôi chọn phương cách nói thẳng với anh để khỏi băn khoăn, vì dù sao tôi vẫn còn nhận ra rằng, có thể anh viết theo đơn đặt hàng hoặc vì một sự mưu sinh bức xúc nào đó. Anh hãy nhớ rằng khi xúc phạm đến danh dự của ai đó mà theo kiểu "cả vú lấp miệng em” là rất không nên, dù người ấy là “Đại Giáo sư” đi nữa, chứ không phải mới chớm giáo sư như anh. Tôi không là người bị anh xúc phạm, nhưng tôi thấy cái nguy hại ở bài báo anh viết trên HNM mang tính “răn đe” theo kiểu  áp đặt thì chính cái lời lẽ phản cảm ấy có khi lại là mồi lửa đốt cháy cả cái ý đồ mà anh tưởng là “trong sáng” của anh. Rất mong  nhà “tập làm chính trị” Vũ Duy Thông hãy viết những câu thơ 5 chữ thật hay, đừng nhầm tưởng đứng cạnh “Ông to” lại ngỡ mình cũng TO, anh ạ. Chúc anh mạnh khỏe bằng chính tinh thần của mình. Thân ái!

NGHĨ VỀ LÒNG YÊU NƯỚC SAU SỰ KIỆN BIỂU TÌNH

NGUYỄN TRỌNG TẠO
1. Sự kiện biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, cắt cáp thăm dò dầu khí và khủng bố ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên biển chủ quyền của Việt Nam đã khiến báo chí rộ lên những phát ngôn về LÒNG YÊU NƯỚC. Ở thời điểm này, lòng yêu nước được đem ra mổ xẻ và xem ra mỗi người đều có cách “mổ” riêng của mình.

Biểu tình trước ĐSQTQ tại Hà Nội

Những người tham gia biểu tình cho rằng, đó là cách thể hiện tức thì lòng yêu nước khi chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc bị nước ngoài xâm phạm, là cách làm “ngoại giao nhân dân” mà Đảng đã từng vận dụng trong các cuộc đấu tranh chính trị trước đây. Điều đó là hiển nhiên, đến nỗi lực lương Công an bảo vệ bình an cho xã hội cũng khẳng định một cách đanh thép qua tuyên bố của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc công an Hà Nội: “Đây là những cuộc biểu tình yêu nước”. Đó là cách nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề, được dân ủng hộ. Nhiều người khác cũng phát ngôn trên báo, mạng xã hội khâm phục tinh thần yêu nước của người dân tham gia biểu tình. Nhưng từ sau khi UBNDTP Hà Nội có thông báo yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình thì đài báo đã làm dấy lên một phong trào phê phán và nghi ngờ lòng yêu nước của người dân biểu tình. Nhiều người cho rằng, yêu nước là phải làm việc vì nước chứ không phải là đi biểu tình hô hét phản đối (TQ gây hấn), dễ bị bọn phản động kích động, xúi dục.
“Yêu nước là phải làm việc vì nước”, đúng vậy, nhưng làm việc gì và làm như thế nào thì có trăm nghìn sự khác nhau tùy vào công việc và khả năng của mỗi người. Nhưng dùng cái định nghĩa chung chung ấy để nhằm phê phán người biểu tình lại là phiến diện và cực đoan. Bởi người biểu tình không phải ngày nào cũng đi biểu tình như một nghề chuyên nghiệp, mà họ chỉ dành ngày nghỉ của mình để thể hiện lòng yêu nước khi có vấn đề bức xúc chung của đất nước. Họ là người dân lao đông, là nhân sĩ, trí thức, là thanh niên, học sinh hay cựu chiến binh… Họ đã và đang làm công việc hàng ngày của mình vì đất nước đó thôi. Vậy thì phải coi họ là những người “hai lần yêu nước” mới phải.
Tôi đến một số nước, thấy nhiều cuộc biểu tình rất ôn hòa như biểu tình đòi tăng lương, biểu tình phản đối xâm hại môi trường, biểu tình phản đối một chính sách chưa phù hợp nào đó của chính quyền… Lúc đầu tôi thấy lạ, sau thì thấy đó là một nét đẹp mà luật pháp của họ cho phép và bảo vệ. Chả có gì là xấu, là mất trật tự công cộng cả. Nếu chúng ta nhìn đúng bản chất biểu tình vừa qua như Trung tướng Nhanh, thì chúng ta cũng ủng hộ và bảo vệ biểu tình thôi.
Vậy thì lòng yêu nước có tội gì mà phỉ báng? Tôi nghĩ những người phỉ báng lòng yêu nước của người khác, cũng có nghĩa là đang phỉ báng quyền lợi và nghĩa vụ của chính mình.

"Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam!"
2. Hệ thống truyền thông Trung Quốc lợi dụng việc CAVN ngăn chặn bắt người biểu tình để xuyên tạc bản chất của các cuộc biểu tình phản đối họ. Đó là thuật tuyên truyền xảo trá truyền thống của ông bạn láng giềng. Họ nói rằng, thực chất những cuộc biểu tình đó là chống chính quyền VN chứ không phải chống TQ. Thật là một sự xuyên tạc trắng trợn, ngược lại với nhận định chân thành và chính xác của Giám đốc CAHN. Họ nói vậy để che chắn cho âm mưu đen tối của họ mà nhân dân và chính quyền VN đã vạch mặt chỉ tên bằng tuyên bố của Bộ Ngoại giao và những cuộc biểu tình phản đối những hành động TQ xâm phạm chủ quyền VN. Nhưng sự xuyên tạc của họ khi nói cuộc biểu tình đó là “chống chính quyền VN” cũng khiến cho đôi người lúng túng, nghi ngờ và cuối cùng là quay lại chống lại lòng yêu nước của dân biểu tình. Đó là thắng lợi của xảo thuật tuyên truyền xuyên tạc của TQ.
Một lúng túng và nghi ngờ nữa là đằng sau những cuộc biểu tình đó có sự xúi dục kích động của bọn phản động trong và ngoài nước, mà cụ thể là đảng Việt Tân. Chưa thấy CA công bố bằng chứng về các đảng phái phản động này tác động vào các cuộc biểu tình như thế nào. Nhưng có thể đó cũng là một sự cảnh giác, phòng xa không thừa; nhưng khi chưa có điều đó xảy ra thì vô tình đã xúc phạm vào lòng yêu nước tự nguyện của người dân. Điều này phải hết sức thận trọng, thì mới tạo ra được sức mạnh yêu nước của khối đại đoàn kết toàn dân. Nếu cứ cãi nhau mãi về lòng yêu nước, thì vô tình lại gây chia rẽ, làm giảm sức mạnh tự thân của dân tộc vốn có truyền thống yêu nước từ nghìn xưa.
Sự lúng túng, thiếu minh triết về các vấn đề xã hội nóng hổi dễ dẫn đến các nhận định trái ngược về hiện tượng và bản chất sự việc. Và theo tôi, điều đó đã xảy ra: 10 cuộc biểu tình ban đầu được cho là yêu nước, ôn hòa, đến cuộc biểu tình thứ 11 thì lại được cho là gây rối trật tự công cộng. Đó là một sự lúng túng mà ai cũng nhìn thấy.

Trẻ em cũng đi biểu tình yêu nước
3. Lịch sử nước ta cũng ghi lại chuyện một em bé đứng ngoài cuộc họp của vua quan bàn việc chống giặc ngoại xâm, vì căm thù giặc em đã bóp nát quả cam lúc nào không biết. Sau đó em đã tự thêu lên lá cờ 6 chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, báo ơn vua) và trở thành một anh hùng nhỏ tuổi chống xâm lược, đó là Hoài văn hầu Trần Quốc Toản.
Lòng yêu nước không là độc quyền của ai. Câu này quen nhưng không cũ. Không ai có quyền tự cho mình là yêu nước hơn người khác. Dù tôi là một người lính thế hệ chống Mỹ, thì tôi vẫn mãi mãi nghiêng mình trước những người đã hi sinh xương máu, tính mạng cho Tổ quốc vẹn tròn. Dù anh là người có chức vụ to nhất nước thì anh vẫn phải khâm phục một em bé biết nhường nửa chiếc bánh mì cho một em bé nhỏ hơn giữa cơn bão lụt nhà tan cửa nát.
Tôi thú nhận rằng, tôi mới chỉ là người quan sát một số cuộc biểu tình vừa qua với tư cách một nhà văn, một nhà báo, một công dân, nhưng tôi khâm phục những người biểu tình yêu nước, họ đã thắp lên trong tôi ngọn lửa yêu nước, họ truyền điện vào bình ac-qui vốn sống của tôi, để tôi có thể viết nên những câu chữ mang tâm hồn và nhiệt huyết của dân tộc tôi. Đó là lòng yêu nước Việt Nam không bao giờ vơi cạn.
Hà Nội, 27.8.2011   

Bắt người biểu tình - Hà Nội 21.8.2011

21 phản hồi

  1. em xin bác 10 điểm, chuẩn không cần chỉnh nữa
  2. BIỂU TÌNH LÀ YÊU NƯỚC
    Bùi Hoàng Tám

    Cách đây khoảng 2 năm, tôi sang Thái Lan vào đúng dịp phe áo đỏ biểu tình rầm rộ nhất. Đoàn chúng tôi do một người Thái gốc Việt làm hướng dẫn viên du lịch. Điều thú vị là cậu này ủng hộ phe áo vàng, còn vợ chồng người lái xe ủng hộ phe áo đỏ. Thỉnh thoảng, lại thấy vợ chồng người lái xe nói gì đó với cậu hướng dẫn viên rồi bỏ đi một lát mới về. Mình hỏi:
    - Ông ta nói gì với chú vậy?
    - À, ông ta xin phép em để đi biểu tình.
    - Thế à? Mình ngạc nhiên hỏi – Nhưng cậu ủng hộ phe áo vàng cơ mà?
    - Thì có sao đâu. Đó là quan điểm của ông ấy. Mà những lần em đi biểu tình, ông ấy cũng lo lắng giúp em mọi việc.
    Ơ, té ra quan niệm biểu tình của người Thái rất giản dị.
    Cũng vì cuộc biểu tình của phe áo đỏ mà chuyến đi của đoàn chúng tôi không được trọn vẹn. Tất nhiên là cả đoàn đều không vui. Tôi phàn nàn với hai vợ chồng bác tài và cậu hướng dẫn viên du lịch. Đại để rằng đất nước Thái Lan tươi đẹp, Vua Thái được quần chúng nhân dân yêu mến, Chính phủ hết lòng lo cho nhân dân, người dân thì mến khách… Thế mà còn biểu tình để gây khó khăn cho sự phát triển đất nước. Rồi như buột miệng, tôi bảo:
    - Các ông làm thế là không yêu nước!
    Cậu phiên dịch rất ngạc nhiên nhưng sự ngạc nhiên còn lớn hơn trong đôi mắt của bác tài xế sau khi nghe dịch câu nói của tôi sang tiếng Thái. Rồi họ xì xầm với nhau có vẻ ngạc nhiên lắm. Tôi hỏi cậu hướng dẫn viên du lịch:
    - Ông ta nói gì với chú đấy?
    - Ông ta bảo sao anh lại nghĩ biểu tình là không yêu nước? Họ rất yêu nước Thái đấy chứ. Có điều, khi người dân họ không tin chính phủ hiện tại làm tốt cho họ và cho đất nước họ thì họ biểu tình đòi thay đổi chính phủ. Bởi họ cần có một chính phủ tốt hơn, biết vì dân hơn chính phủ hiện tại… Bác ấy còn hỏi bên Việt Nam không được biểu tình à?
    Tôi định cãi: Có chứ. Ngay từ khi mới giành độc lập, Hiến pháp Việt Nam đã công nhận quyền được biểu tình cơ mà… Nhưng rồi nghĩ nói không phải, thế nó thế nào ấy, đành thôi.
    Bây giờ thì tôi đã hiểu biểu tình (kể cả phản đối chính phủ) cũng là một hình thức yêu nước. Chỉ buồn, cái chân lý giản dị ấy mà ở ta cho đến tận bây giờ, không phải ai cũng nhận ra.
  3. [...] Nguyễn Trọng Tạo NGHĨ VỀ LÒNG YÊU NƯỚC SAU SỰ KIỆN BIỂU TÌNH [...]
  4. Cảm ơn chủ bút rất nhiều. Lòng yêu nước không là độc quyền của ai-quá đúng. Song cái cách truyền đạt và khêu gợi lòng yêu nước của cơ quan chức năng thực sự có vấn đề. Dẫn đến nhận thức bị lêch lac. Tôi có mấy người bạn, khi gặp nhau mà quan điểm về biên giới, hải đảo, chủ quyền cứ đối chọi nhau chan chát. Dẫu biết rằng sự khác biệt là bình thường, không ai giống ai. Song thực sự cách thể hiện từ lời nói, đến việc làm, cách ứng xử của các cấp, các ngành trong vấn đề chủ quyền biên giới, hải đảo của ta là có vấn đề. Khẩu ngữ: Dân biết – dân bàn – dân làm – dân kiểm tra, chắc sẽ được thực hiện khoảng 500 năm nữa…
  5. Người nông dân vốn chỉ biết ” côi cút làm ăn, lo toan nghèo khó”, thôi Bác Tạo à.
    Xưa em đi K, nghỉ nhờ 2 vợ chồng già trong ” túp lều bác Tôm” ở Tây Ninh, cụ nói ” các chú đừng đứng gần chuồng trâu bò, nó nhìn thấy lính tráng, nó sợ “. Cụ cương quyết không cho mượn chậu để giặt quần áo vì lí do : chậu “cho trâu bò uống nước có mùi xà phòng”, ngủ đêm không cho mắc màn vì ba má cũng không mắc màn…
    Đêm 21.12.78 bắt đầu chiến dịch đánh vào Phnonpenh, chào ba má để 5h sáng theo chiến dịch, 3h sáng thấy trong lều có hương khói, trong ánh nến lơ mờ, em nhìn thấy có đĩa xôi, con gà, hoa trái…trong bóng tối, thấy má khấn ” cầu mong cho tụi thằng ba ( cụ gọi em là thằng ba) đi trận, hòn tên, mũi đạn nó tránh em ra…. nước mắt em vòng quanh gối…4 năm xa nhà, chinh chiến nhiều chiến dịch mà dễ xúc động đến thế! Sáng hôm sau, thấy có xôi, gà, một gói thuốc rê to, 2 bịch trà blao để đầu giường cho em, không một lời từ biệt …nào thêm nữa !.
    Sau cuộc chiến trở về, để rồi 36 năm nhìn lại, thấy cuộc sống người dân và thực chất là người nông dân không được cải thiện là bao, nhìn nông dân Thái, Malai, Indo…mà cảm thấy buồn tủi cho kiếp người Việt ta. Cũng chẳng hiểu các bác lãnh đạo, ăn trên ngồi chốc, được học hành chữ nghĩa nhiều …nghĩ suy gì ?
    • Đọc câu chuyện về các ba má Tây Ninh năm chiến tranh biên giới Tây Nam của chiếnsỹ kể lại, tôi đã khóc. Dân ta khổ thế và tốt thế. Hành động của họ có phải yêu nước không? Đó là lòng yêu nước tự đáy lòng, được dồn nén từ bốn nghìn năm lịch sử yêu nước mà họ dành cho người lính của mình. Bây giờ những người dân ấy ở đâu? Họ đã xây nhà lầu, đã có xe hơi chưa hỡi các nhà lãnh đạo và các đại gia trên đất nước này?
      Tôi đọc mà không cầm được nước mắt. Nước mắt cứ trào ra vì thương dân, cảm phục dân, và lo cho số phận của họ có được tốt đẹp hay không?
      Cám ơn chiếnsỹ và mong chiến sỹ có ngày gặp lại ba má năm xưa…
    • Một câu chuyện thấm đầy nước mắt. Xin cám ơn!
    • đọc câu chuyện mà mắt đong đầy hai khóe ,tôi thấy rằng bao giờ cái khổ vẫn là người dân nghèo ,nghèo mãi.nhưng tấm lòng thì đại đa số là nhân hậu và chân thành
    • Anh chiến sỹ nói sao ấy chứ, tôi đọc báo cả hai “lề”, đều thấy tràn lan cái kiểu lãnh đạo xài bằng dởm, đa số chỉ học bổ túc, rồi lên đại học tại chức, thạc sỹ, tiến sỹ tại chức,v.v…chớ có mấy ai làm lãnh đạo “được học hành chữ nghĩa nhiều” như anh nói đâu. Vì thế nên như thế!
  6. Cảm ơn Nhà thơ, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Trong lòng tôi, ông là người nghệ sĩ tài hoa và tử tế. Ông khiêm tốn, chân thành… Tôi đã nhìn thấy hình ảnh ông “ngang qua” một số cuộc biểu tình. Ông trung thành với Đảng, với chế độ nhưng không vì thế mà ông uốn cong ngòi bút để vu cáo, xỉ vả, lên lớp… những người dân biểu tình như một số kẻ bồi bút khác. Chính họ đã đánh mất đi tình cảm của nhân dân… Thật tiếc cho họ. Họ sánh sao được với Nhà văn Nguyên Ngọc về phẩm giá và cống hiến cho đất nước này… Thế mà họ cũng xông vào đánh hội đồng, gọi Bác Nguyên Ngọc, các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân đi biểu tình là phản động… Thật là quá đáng và không ai chịu nổi… Và góp phần vào giọng của bọn văn nô ấy cũng có những PGS – TS – nhà thơ mà tôi không tiện nêu lại tên. Nhân dân khắc cốt ghi xương lời họ nói. Vì “lời nói là đọi (bát) máu”. Trong cuộc đời này tôi hy vọng gặp họ đâu đó để hỏi cho ra nhẽ.
    Tôi chưa đi biểu tình nhưng tôi quan sát và cảm phục những con người đó như NT-NS Nguyễn Trọng Tạo nói rất chính xác: họ đã 2 lần yêu nước. Cảm ơn ông – NT-NS NTT, xin gửi ông lời chúc tốt đẹp nhất từ trái tim một người lính thời đánh Mỹ
  7. Từ trước tới nay tôi là người vẫn thường hâm mộ ông bởi “ông là người nghệ sĩ tài hoa và tử tế. Ông khiêm tốn, chân thành… “, tôi cũng không có ý so sánh ông với nhà văn Nguyên Ngọc ” về phẩm giá và cống hiến cho đất nước này “, tôi trân trọng ông vì ông đã dám nói :
    “Tôi thú nhận rằng, tôi mới chỉ là người quan sát một số cuộc biểu tình vừa qua với tư cách một nhà văn, một nhà báo, một công dân, nhưng tôi khâm phục những người biểu tình yêu nước, họ đã thắp lên trong tôi ngọn lửa yêu nước, họ truyền điện vào bình ac-qui vốn sống của tôi, để tôi có thể viết nên những câu chữ mang tâm hồn và nhiệt huyết của dân tộc tôi. Đó là lòng yêu nước Việt Nam không bao giờ vơi cạn.”
    (Do trong một hoàn cảnh tạo nên tôi là người đã từng chủ động thưa chuyện với ông qua điện thoại)
  8. BÙI MINH QUỐC
    MỖI NGÀY CỦA TA – MỖI NGÀY THÁNG TÁM
    Kính tặng đồng bào biểu tình yêu nước
    Mỗi ngày của ta – mỗi ngày Tháng Tám
    Dấn bước bước lên thoát kiếp xin – cho
    Thoát cảnh thân giun, thoát vòng phận kiến
    Mỗi bước ngẩng đầu hát vang Tự do
    Lập quyền dân tiến lên, Việt Nam !
    Tiếng hát năm xưa tim ta dâng tràn
    Người đi người đi nối vòng tay lớn
    Đối mặt bạo quyền đối mặt bành trướng :
    Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam !
    Lũ tráo trở bám dùi cui ngược dòng Tháng Tám
    Ngược lòng dân sóng dậy ắt tan chìm
    Mỗi ngày của ta – mỗi ngày Tháng Tám
    Mỗi bước ngẩng đầu hát vang Tự do !
    Đà Lạt 23.08.2011
    BMQ
  9. HOA KHÔI ĐƯỜNG PHỐ
    Mến tặng Tr.K.T
    Thu Hà Nội mưa rơi trên phố
    Xuống đường em hãy mang theo ô
    Kẻo ướt tóc mai, nhớ lời mẹ dặn
    Cá tươi thì xem ở mang
    Gái ngoan xem ở đôi hàng tóc mai.

    Tà áo dài và băng biểu ngữ
    Sáng lên nụ cười tươi đóa hoa
    Em là hoa khôi đường phố.
    Anh viết câu thơ đúc thành phiến đá
    Lót đường em đi giữa gió mưa.
    Ngày mai nắng tươi hoa cười
    Em như cánh én bên trời tự do.
    Tuyên Quang, 28/8/2011
    Vũ Xuân Tửu
  10. Đúng! Không ai,không tổ chức nào lại cứ khăng khăng tự nhận chỉ có mình được quyền yêu nước hay mình yêu nước hơn người khác hết ;bắt người ta “phó thác” tinh thần yêu nước chomình,cho tổ chức mình là vô lý.Cấm dân làm điều sai trái thì thì đã đành.Ở đây người ta biểu lộ lòng yêu nước cũng không được,cũng bị quy kết là thế này thế khác.
    Thật buồn!
  11. - Không thể cứ phải “yêu” Chính phủ, mới là yêu Nước (đất nước); không thể cứ phản đối Chính phủ (về một cái gì đó) là không yêu Nước.
    - Không tự coi Chính phủ(hay nhà nước) và Nước là một.
    - Chính phủ (thời Hồ Chủ Tịch còn sống) với Chính phủ thời nay khác nhau nhiều lắm trong suy nghĩ mọi người, nhưng đất nước này vẫn là một-Việt nam.
  12. Cái này cũng nhiều bàn cãi, biểu tình xuất phát từ lòng yêu nước thì ai cũng hiểu, nhưng trong số đó không phải ai cũng thế. Biết đâu cũng có mấy tên có ý đồ xấu kích động biểu tình thì sao. Chính quyền cũng có cái khó và cái lý riêng, chả biết ai đúng ai sai nữa, hạ hồi phân giải vậy thôi…
  13. Hay lắm. Cám ơn anh Tạo !
  14. Không tin dân thì làm sao thực hiện được “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Không nên quan niệm những người dân “bảo gì nghe nấy” là dân yêu nước; dân biểu tình “phật ý mình” là phản quốc. việc “đàn áp” biểu tình là chính anh tự đào sâu hố ngăn cách giữa dân và Nhà nước !
    Bài viết của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo quá hay, quá chí lý !
  15. Tỷ lệ nhà văn lớn yêu nước (dám viết những lời yêu nước) rất thấp ; đó là một trong những nguyên do làm cho dân trí thấp . Vài nhà văn không nhận giải thưởng chưa nói rõ được điều gì ; thế nhưng thêm được vài nhà văn yêu nước nữa trong bối cảnh này thì thật là “phúc cho dân tộc”.
    Cảm ơn nhà anh TẠO

PGS.TS VŨ DUY THÔNG 12 NĂM TRƯỚC "LƯỠI CÒN CHƯA PHUN NỌC ĐỘC"


Thi Hữu

Vũ Duy Thông (ảnh bên) sinh năm 1944 tại Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Năm 1979, ông xuất bản tập thơ đầu tay Nắng trung du. Những năm sau đó, ông lần lượt cho ra mắt các tập: Những đám lá đổi màu (1982), Tình yêu người thợ (1987), Gió đàn (1989), Trái đất không chỉ có một người (1991), Chối từ cô đơn (1998), Một trăm bài thơ (1999),  Và cuộc đời sẽ cứu rỗi (2003). Ông có học vị tiến sĩ mỹ học, có chức danh phó giáo sư, từng là vụ trưởng một vụ ở Ban tư tưởng – văn hóa trung ương (nay là Ban tuyên giáo trung ương), từng là phó tổng biên tập báo điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam. Hiện nay Vũ Duy Thông nghỉ hưu ở Hà Nội. Nhân đọc bài “Cần nhận rõ những mưu đồ thâm độc” của nhà thơ, phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Duy Thông đăng số ra ngày 22/8/2011 của báo Hà Nội Mới (cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam – Thành phố Hà Nội, Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô) bôi nhọ và vu cáo những người biểu tình yêu nước ở thủ đô hai tháng qua, Thi Hữu tôi có hai việc trình với mọi người gần xa.

Thứ nhất, mời mọi người đọc bài thơ dưới đây của Vũ Duy Thông viết cách nay đúng một giáp, khi ông thăm thú Trung Quốc, vào đất Ba Thục của Lưu Bị xưa.. Đặc biệt chú ý đến khổ cuối, và nhất là câu thứ hai của khổ này mà Thi Hữu tôi xin bôi đậm. Đọc xong bài thơ ắt mọi người hiểu vì sao Vũ Duy Thông có bài báo đó.

 Uống rượu ở xứ người
 
Chiều nay vắt vẻo Phương Đình quán
Mây bay khuất nẻo rượu nghìn bình

Nghìn đôi mắt rắn ngâm trong rượu

Lặng lẽ nhìn người qua thủy tinh

Xưa nghe Tây Thục lắm rắn rết
Khe núi hổ mang đêm gầm rít

Mồ hoang rải rác đường lên trời

Nọc độc nghìn năm chưa tan hết

Xưa nghe xà tinh hiển hiện người
Dan díu duyên trần thân lạnh toát

Bao tình yêu rắn bị trời hành

Thân xác tan tành con côi cút

Nay hâm rượu nóng ngồi đọc thơ
Ngỡ mình thành vua miền cực lạc

Giữa nhà mồ rắn rượu rót tràn

Trong say cách trời ba bốn bước

Nửa đêm tỉnh giấc chợt rùng mình
Mừng lưỡi còn chưa phun nọc độc

Cay đắng cũng xin làm kiếp người

Mảnh tình phương nam xa xôi ơi

Thứ hai, Thi Hữu tôi mạn phép nhà thơ, phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Duy Thông làm cái trò chơi ghép tên các tập thơ của ông thành một bài tứ tuyệt gọi là, trước để tặng riêng ông, sau để mọi người đọc vui.

Nắng trung du những đám lá đổi màu
Chối từ cô đơn tình yêu người thợ
Trái đất không chỉ có một người, hãy nhớ
Và cuộc đời sẽ cứu rỗi cho ai?

Thi Hữu tôi xin cảm tạ ông Thông và mọi người.

Bộ QP VN sang TQ họp và như thế này để lấy lòng TQ:

Trong cuộc đối thoại ngày 29/8 tại Bắc Kinh, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam với Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc
”Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn.”
Quan điểm của Chính phủ Việt Nam‎ về cuộc biểu tình yêu nước là như thế. “đàn áp” biểu tình để báo cáo cho Trung Quốc.
Thế là được Trung Quốc khen nhé

  
(còn tiếp)

1 nhận xét:

  1. Hóa ra mình là 2 lần yêu nước chứ không phải là phản động! Cảm ơn bác Tạo nhé!

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]