"Sáng nay bỗng nhiên cô con gái lật những tờ lịch và nói: Sắp đến ngày chiến thắng rồi mẹ nhỉ? Mà lúc đó không khí ở Hòa Bình như thế nào hả mẹ? Mẹ còn bé thế có nhớ không ạ? Mẹ kể lại con nghe đi!
Tôi hiểu mong muốn của con gái. Lớp thanh niên sinh ra trong hòa bình không biết đến tiếng bom rơi đạn nổ. Bây giờ chúng có quá nhiều mối quan tâm vậy mà muốn tìm hiểu về những ngày tháng đó cũng là quí lắm rồi. Còn khoảnh khắc nhận tin chiến thắng sao lại không nhớ! Đó là một ký ức không thể nào quên trong lòng mỗi người dân đất Việt và tôi dù lúc đó là cô bé 12 tuổi. Những giây phút xúc động nghẹn ngào đến trào nước mắt. Vậy là dòng chảy thời gian đưa tôi trở lại với buổi chiều ngày 30-4 rực nắng vàng hôm nào.
Hòa Bình tháng tư những ngày đầu hạ nắng vàng rực. Nhịp sống của thị xã nhỏ cần lao ấy vẫn diễn ra như mọi ngày. Trên con đường số 6, những dẫy nhà tranh lúp xúp dựng đầy nứa cót. Những năm 70.80 đây là công việc mang lại thu nhập chính cho những người lao động của Hòa Bình. Dù đó là công việc nhọc nhằn mà thu nhập thì thấp hơn bất cứ nghề nào. Góc này mấy chị chẻ nan, góc kia mấy đứa nhỏ đan cót. Tiếng nói chuyện í ới. Thỉnh thoảng có chị cao hứng lại ngân một câu vọng cổ bài Cô gái tưới đậu........Anh ơi! anh đừng khen em quá mà má em bả rầy bả quở... Lại có giọng nam vỡ tiếng..Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn , đá mòn mà đôi gót chẳng mòn...Lại thấy lòng hừng hực khí thế. Nắng đã đổ nghiêng trên đỉnh núi Ô Tô màu vàng mơ.
Bỗng nhiên có tiếng reo, tiếng gọi , không đúng hơn là tiếng kêu đến phát khóc. Tiếng một giọng đàn ông trung niên ồm ồm....Bà con ơi! Xóm làng ơi! Làng nước ơi! Miền nam giải phóng rồi.....Miền nam ta giải phóng rồi....Thống nhất rồi..
Cả xóm tôi đổ ra con đường nhỏ. Hình ảnh đầu tiên là bác Viết- người đàn ông làm nhiệm vụ đi giao lương - đang xuất hiện phía đầu dốc. Ngày đó gạo, lương khô, bánh mỳ.... khẩu phần của mỗi người, được chở đến tận gia đình qua tổ giao lương. Bác Viết người gầy gò, cao lêu nghêu đang đang gò lưng đạp chiếc xích lô chứa đầy các bao tải gạo vừa đạp cuống cuồng miệng vừa hét đến lạc cả giọng. Nước mắt bác chảy giàn giụa trên gương mặt xạm nắng, gầy gò và hốc hác. Miền nam giải phóng rồi bà con ơi.!
Cha tôi chạy ra sau vườn và lặng lẽ khóc. Đất nước giải phóng. Ông xúc động và hạnh phúc trong ngày thống nhất bao nhiêu thì lại nhớ tới chú tôi bấy nhiêu vì chú đi nam đã bặt tin từ lâu lắm rồi.
Bác Thành Hải hàng xóm thì lại khác. Bác mặc một chiếc quần hai mông tích kê dầy cộp, lộn đằng sau ra đằng trước mà chạy khắp xóm..Giọng bác nói chắc như đinh đóng cột. Tôi đã bảo mà, cấm có sai: Mỹ cút thì Ngụy nhào. Thua là thua. Dân mình yêu nước thế cơ mà. Ôi sung sướng quá..Vui quá bà con ơi.!
Tôi cuống lên chạy băng ra ngõ. Chiếc quần phíp đen bị hàng rào nứa xé toạt một miếng. Tiếc đứt ruột.
Đêm hôm đó cả xóm tôi không ngủ. Bọn trẻ chúng tôi túa ra đường hát, hò reo đến lạc cả giọng. Không biết những bài hát nào được cất lên như một chuỗi những khúc yêu nước mà trẻ con thời đó đứa nào cũng thuộc...Trường sơn ơi..trên đường..ta qua...Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân...Tiến về sài gòn ta quét sạch giặc thù...Tiếng trống múa sư tử của bác Cự Tài trên tiểu khu Đoàn kết rộn lòng chúng tôi. Cả bọn mê đi đầy sảng khoái , rồng rắn theo sau đám múa sư tử đến tận khuya.
Cứ thế đi và hát và hò reo tưng bừng . Cả thị xã bé nhỏ như thức suốt đêm trong niềm vui chiến thắng ngất ngây.
Sáng hôm sau, đến trường, không ai học được. Không làm gì nổi cô giáo cũng vậy. Tôi nhớ cô giáo Thành dậy văn đã cho cả lớp chúng tôi cùng đọc to bài thơ ....Học đi em, học đi mà nhớ mãi, quê hương ta một dải từ mũi Cà mau đến địa đầu Móng cái.....Quê hương ta đồng ruộng phì nhiêu đủ bốn mùa hoa trái, núi trường sơn vĩ đại.bờ biển rộng bao la......
Ngay cả bây giờ khi viết những dòng này, nghĩ đến lúc đó đọc thật to và đầy tự hào về mảnh đất quê hương, tôi vẫn muốn trào nước mắt..và những ngày sau đó chúng tôi múa hát dọc con đường số 6, hô khẩu hiệu đến lạc cả giọng...Nhiệt liệt....Nhiệt liệt...Chiến thắng...chiến thắng....Muôn năm ....muôn năm. Lá cờ giải phóng nửa đỏ nửa xanh treo dọc phố trước những mái tranh lúp xúp. Bọn trẻ con xếp hàng dài và tập trung trên sân vận động thị xã bắt đầu với những bài múa; Cả nước đang vui mừng...mừng chiến công lẫy lừng miền bắc...Những đôi bàn tay bé xíu, gầy guộc, những nụ cười rạng rỡ và đặc biệt bài hát như có Bác trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên..đã trở thành một bài hát chính thức và không khí ca của những ngày tháng đó.
Chiến tranh đã lùi xa. Có thể trong chiến thắng ấy ngẫm lại có nhiều cảm xúc khác nhau trộn lẫn song chiều nay nắng về vàng tươi trên thành phố Hòa Bình trẻ trung và trên đất nước yên bình đang từng bước phát triển đi lên. Tôi chắc một điều ký ức về ngày chiến thắng sẽ còn mãi trong lòng tôi, trong các thế hệ đi trước và hôm nay viết ra để các bạn trẻ và con gái tôi có thể hình dung những khoảnh khắc xúc động của dân tộc mình khi thời gian đã quá xa xôi..."
Lê Mai Thao
Trần Liệu (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]