K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

31 tháng 10, 2020

TÂM SỰ VIẾT SAU NGÀY GIỖ ĐẦU CỦA CHỒNG

 Lê Kim Loan (CSV K11Ia)


(Bài dự thi cuộc thi viết “Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Những ký ức đi cùng năm tháng” –Mã số: TNUT-2020-028)
 
Anh ơi!
Rời bệnh viện với kết quả chụp City của anh, u trung thất sau nghi di căn từ tiền sử ung thư thận, em về nhà nằm vật ra và mơ màng trong vô thức, em thấy hiện lên hàng cây bạch đàn nơi sân bóng đá xưa chúng mình hay đi qua để lên căng tin của Trường Đại học Cơ Điện Bắc Thái, nơi anh và em đã từng là sinh viên của Trường. Bao ký ức tràn về từ những ngày tháng xa xưa ấy anh ơi. Lẽ nào lại chia ly …
Em vào trường thì anh học năm thứ 3. Vừa Thống nhất đất nước xong bao hân hoan cũng lại là bao nhiêu khốn khó bủa vây. Em đến trường bâng khuâng như bao nhiêu bạn khác. Tháng 9 năm 1975, được xếp vào lớp K11IA. Theo lời các anh chị khóa trước, K11 điện đông nữ nhất, chẵn mười em chia đều hai lớp điện A, B.
Thường thì chị em đi đâu cũng che nón kín mặt, nên việc tiếp xúc với sinh viên nam rất hạn chế. Sáng lên lớp che nón, về nón che, đi lấy cơm cũng che nón. Vậy nên hầu như chỉ biết các sinh viên nam cùng lớp và xa hơn chút là mấy anh đồng hương. Việc yêu đương thời sinh viên rồi năm hai bắt đầu đến với một số nữ sinh, có đôi thành, có đôi tan trong nước mắt học trò. Em vô tư và tham gia mọi phong trào đoàn thể giống như khi em học cấp 3 ở Hồng Gai quê em. Thế rồi anh đến. Anh hay đi cùng với anh Đào Bá Văn người Hồng Gai và cũng là bạn anh trai em. Nhờ thế nên anh mới xuống khu nhà sinh viên nữ. Trong em lúc ấy chỉ nhớ một anh chàng dáng đi khuỳnh khuỳnh, hơi ngang tàng, có cái mũi cao gọn rất ấn tượng. Em thích tuýp những anh chàng có mũi cao như vậy.
Có một sự kiện để nhớ, năm thứ hai của bọn em. Nhân ngày thành lập Trường ngày 6-12 năm ấy, trường tổ chức thi đá bóng nam. Vào chung kết đội K9 Máy gặp K9 Điện. Em chẳng mấy quan tâm đến môn này, nhưng chập tối hôm ấy thấy mấy đứa nữ K11IB chạy ào về reo lên như báo bão: K9 Điện thắng sau loạt đá luân lưu rồi, tuyệt vời thủ môn Chiến …
Sau trận cầu “đỉnh cao” ấy, một fan nữ K11IB dính sét đánh với thủ môn Chiến, người hùng của đội bóng K9 điện. Còn em K11IA chẳng là fan bóng đá lại vướng lưới tình với chàng thủ môn K9 máy chính là anh. Đời nó oái oăm thế đó.
Em nhận bức thư tỏ tình của anh vào một tối thứ 2 đầu tuần ngay sau trận cầu đó. Cả tuần ấy em xốn xang, em cảm tình với anh chứ yêu anh thì em chưa biết.
Ngày 8 tháng 3 năm ấy khu ký túc xá nữ vẫn nhộn nhịp các đoàn nam sinh lên thăm các nữ sinh. Anh Văn đến nhưng không có anh. Em hỏi, anh Văn bảo nó ốm nằm trạm xá nửa tháng rồi. Em thấy mình như người có lỗi, có phải vì sự thờ ơ của mình mà anh buồn ốm. Em nhặt mấy bông hoa đẹp trong bó hoa được lớp tặng, lấy tờ báo in ngày 8/3 gói ghém lên trạm xá xem sao. Tới nơi thấy anh nằm chỏng trơ đang ngủ, em đặt nhẹ bó hoa trên đầu tủ rồi về. Vào ngày thứ sáu tuần ấy thấy người gõ cửa phòng nữ K11, mấy đứa gọi em ra. Anh đứng đó như trời trồng. Em hỏi thăm mấy câu, bỗng anh nắm tay em đưa lên môi, mắt nhìn ngước chờ đợi. Em bối rối rút tay, rồi anh chào em quay lui. Vào phòng rồi yên vị tại góc giường mình, em không sao tập trung học bài được nữa, đôi mắt ấy, đôi mày rậm gần giao nhau ấy cứ chập chờn trước mắt. Hình ảnh ấy, cảm giác môi anh chạm tay em theo em suốt tuần đó. Thế rồi chuyện gì đến phải đến, em nhận lời anh.
Yêu em rồi anh học khá hơn. Anh bảo, vì yêu mà học kém thì thà chả yêu làm gì. Anh học khá, anh thông minh và bương bướng. Khi gặp nhau anh hay đọc cho em nghe bài thơ mà nay em còn nhớ câu kết: Nếu cuộc đời mỗi người đều kết thúc ở nấm mồ. Thì vì sao người ta được sinh ra? - Đây có lẽ là điều mà sau này suốt đời mình, anh luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó…
Vào đúng lúc chuẩn bị nhận đồ án tốt nghiệp thì anh lên đường nhập ngũ lên biên giới phía bắc. Anh đi bộ đội thật nhẹ nhàng giống như bao người trai khác ra trận. Em cứ nghe gió bấc phía bắc lùa về mà lòng lạnh giá trống vắng. Ngày ấy bao nhiêu lần Nhà trường tổ chức văn nghệ em lên hát những bài về biên giới mà thầm thương thầm nhớ anh. Năm 1979 em nhiều lần lên tận Cao Bằng thăm anh. Anh cùng các anh trong đơn vị mừng rỡ và đón tiếp em rất ân cần chu đáo. Rồi anh được trở về sau chiến tranh biên giới. Lúc ấy là năm 1981 chúng mình cưới nhau rồi dắt nhau về quê anh, thành phố biển Nam Trung Bộ- Đà Nẵng. Vợ làm Sở điện lực còn chồng làm việc tại Công ty Vật tư Công nghiệp, sau chuyển thành Xí nghiệp Giày da xuất khẩu Đà Nẵng. Vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn thời bao cấp, anh luôn phấn đấu hết mình, giành trọn sự tín nhiệm của toàn thể công nhân Xí nghiệp, họ đã chọn anh là Giám đốc bằng hầu hết phiếu tín nhiệm.
Anh đến Matxcova, để đi học đóng giày. Thời ấy được đến Liên Xô là cả niềm vinh dự tự hào. Ngày anh đi em chẳng có đủ tiền để mua cho anh cái áo ấm. Chồng em lên đường với cái áo khoác mong manh.
Anh về, đem những gì học hỏi được một nghề mới, cùng các chuyên gia Liên Xô xây dựng thành công Xí nghiệp giày da xuất khẩu đầu tiên của tỉnh nhà.
Một hôm, anh đưa về nhà một đoàn cán bộ ở Hà Nội vào thăm. Sau khi họ ra về, anh giải thích, Tổng Công ty Da giày Việt Nam vào thăm định mở Chi nhánh miền Trung tại Đà Nẵng và mời anh về làm Giám đốc. Anh quyết định rời Xí nghiệp địa phương làm Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Da giày VN với nhiệm vụ xây dựng hệ thống mạng lưới tại Đà Nẵng.
Tay không bắt giặc, vốn liếng phải tự lo vay ngân hàng, đầu ra đầu vào tự lo, chỉ với cái danh là thuộc Tổng Công ty Da giày VN. Anh xoay sở kiếm được một dự án may túi cặp xuất khẩu sang Hàn Quốc, và rồi những chuyến công tác dày đặc lo đưa thiết bị máy móc từ Hà Nội về lắp đặt tại Đà Nẵng để tuyển công nhân vào sản xuất. Bản tính thật thà, anh chỉ biết làm cật lực với đồng lương mà không hề kiếm cách khai tăng khối lượng để tư lợi. Lúc này em mới sinh thằng cu thứ 2, cứ ôm con một mình lo mọi việc nhà với đồng lương còm cõi. Anh bảo, khó khăn lắm phải không, nhưng cũng chẳng thấy tăng phụ cấp để mà em lo cho con. Em phải tự xoay sở lấy thôi, xưa nay quen vậy rồi, để anh khỏi bận tâm mà lo công việc. Nhiều năm anh rời Đà Nẵng ra Thái Nguyên lập Nhà máy giày xuất khẩu. Khi Nhà máy tạm ổn rồi thì anh lại về Nam. Anh như người lính chữa cháy, khốn khổ vất vả mà chả oai phong gì. Những năm tháng làm trong cơ chế Nhà nước biết bao nhiêu sự không vui của của sự đen trắng giả thật lẫn lộn khiến anh buồn bực. Em luôn tâm niệm, cố gắng lo con cái, thậm chí cả kinh tế cho gia đình để anh yên tâm vì sự nghiệp, tuyệt đối không để anh sa vào việc làm ăn phi pháp, vả lại tính anh cũng thật thà, trung thành với chế độ như cha của anh, từng là Đại tá Giám đốc một Xí nghiệp cơ giới, từng là Giám đốc X50 Hải quân nhưng khi về chỉ mang theo ít huy hiệu kỷ niệm, và về hưu không nhận nhà của Nhà nước phân cho mà về lại ngôi nhà nơi quê quán để ở. Anh ơi tài sản chúng mình chỉ là hai đứa con trai khôn lớn khỏe mạnh và học hành có nghề có nghiệp, và ngôi nhà do hai vợ chồng dành dụm xây cất. Hạnh phúc thế là đủ đầy. Hạnh phúc là bởi em có anh.
Bỗng nhiên anh đổ bệnh, mà là bệnh K thận. Em và con đưa anh ra Hà Nội để chữa trị, anh phải cắt quả thận bị K. Sau khi mổ cắt thận bệnh K di căn vào phổi, thể hiện thành khối u trung thất làm anh nuốt rất khó khăn. Khi phát hiện ra thì đã quá muộn, khối u đã lớn khiến bác sĩ chỉ định không cho di chuyển ra Hà Nội hay Sài Gòn chữa trị. Những ngày này em đau đớn vô cùng cứ loay hoay chuyển qua lại mấy bệnh viện lớn ở Đà Nẵng để anh đỡ đau.
Lúc này, các bạn cùng khóa K9 Đại học Cơ Điện biết tin anh, người không đi được thì gửi tiền thăm hỏi, còn số anh em thân hữu đã lần lượt về thăm.
Từ Quảng Ninh, anh Nguyễn Cát Tường đã có lịch đưa mẹ và mẹ vợ vào xem bắn pháo hoa, nên các anh Phùng Gia Hải, Hoàng Dũng, anh Lê Danh Bưởi lớp K9MB cũng hội với nhau để vào thăm anh. Trong tất cả các lí do các anh đưa ra là đi ghé qua thăm anh- em hiểu hết, các anh không mốn làm vợ chồng mình buồn đó thôi. Cảm động nữa là các anh cùng lớp K9MA : anh Nguyễn Trọng Luân, anh Tạ Sỹ Bình ( Hà Nội); anh Lê Đức Hậu, anh Vũ Quyết ( Hải Phòng) đã mang cả tình cảm đóng góp của lớp vào thăm. Cả hai anh K9 ở Hải Dương là anh Lâm và anh Lộc cũng đáp xe đò vào thăm. Và rồi các anh Thiết Sơn, Tiến Dũng (Sài Gòn) cũng gói ghém tình cảm của mấy anh K9 Sài Gòn ra thăm, anh Vũ Quang Sáng học K9 điện cũng đã cất công vào thăm anh. Có anh Bạc Cẩm Tiến từ Bungari về dịp này cũng đã về thăm bạn thân xưa cũ, cùng đến với anh Lãm cũng rất thân thiết với anh. Bất ngờ là sự xuất hiện của anh Hồ Ngọc Năm ở Quảng Trị cũng lặn lội qua Huế cùng chị Vân Anh vào thăm anh. Tại Đà Nẵng, em luôn nhận được sự động viên giúp đỡ kịp thời và cần thiết của vợ chồng anh Xuân Dũng, vợ chồng anh Hồng Sơn, anh Hải K10. Các anh chị ở Đà Nẵng đã là điểm tựa cho em những giờ phút khó khăn nhất khi bệnh viện trả anh về nhà lo hậu sự. Trong lúc em tuyệt vọng vì đau buồn thì có các anh Cơ Điện, có những người bạn xa gần của anh nâng đỡ em. Có lẽ chưa bao giờ em hiểu tình người Cơ Điện, hiểu về trường Đại Học Cơ Điện như những ngày anh sắp rời xa mẹ con em. Anh không nói được nhiều nhưng mỗi khi một người bạn Cơ Điện từ Sài Gòn ra hay từ Hà nội Hải phòng vào… mắt anh lấp lánh xa xăm. Em biết anh đang nhớ về trường Đại Học Cơ Điện. Nơi ấy cho chúng mình đến với nhau. Anh đang nhớ một vùng cỏ khô đồi guột , nhớ giảng đường , nhớ con đường từ nhà A2 của anh đến nhà A8 của em, con đường ấy chính Chi đoàn K9Ma , K9Mb . K9Mc trồng hàng cây xà cừ nay đã thành cổ thụ.
Ngày anh rời em và các con cháu mà đi, các anh K9 lại lần nữa không quản đường xa, vào thăm anh lần cuối. Phía Bắc ngoài anh Sỹ Bình đại diện K9MA lớp anh học khi xưa, còn có các anh trong đội ngũ cựu chiến binh sinh viên Cơ Điện cùng đi đánh giặc Tàu năm 1978 cũng vào thăm lần cuối. Đó là anh Hoàng Dũng, anh Gia Hải, anh Đặng Hùng. Đoàn phía Nam ra viếng có các anh: Trần Thanh Tuân, anh Lãm, anh Hiệp, anh Hoài. Đặc biệt anh Lê Tuấn, người bạn thân lâu năm nhất của anh cũng vào tiễn anh trong nỗi buồn đau. Anh ơi , có lẽ người anh Quảng Trị tên Hồ Ngọc Năm là gây xúc động nhất khi anh ấy đến vào khoảng 9 giờ tối để kịp sáng mai tiễn anh ra đồng. Nhìn anh Năm khắc khổ nghẹn ngào, sao em lại chợt thấy nhớ ngày mình đã sống ở trường Đại học Cơ Điện đến thế. Anh ơi, ngày cúng 100 ngày của anh, anh Nguyễn Cát Tường một mình từ Quảng Ninh vào thăm mộ anh, đã đọc lời điếu của anh Thiết Sơn trước mộ trước sự chứng kiến của các anh khóa 9: anh Nguyễn Xuân Dũng, anh Nguyễn Hồng Sơn, anh Phan Râng. Một bài điếu về bạn tha thiết nhất em từng được nghe.
Nguyễn Thanh Vân của mẹ con, bà cháu em.
Trang phây búc của anh còn đó. Em muốn viết thêm gì trong đó mà nỗi đau khôn cùng khiến em không làm nổi. Từ ngày anh đi xa em nhận được điện thoại của các anh chị Khóa 9 , của bạn bè mình ở Trường đại học Cơ Điện nhiều hơn. Mỗi lần nghe điện thoại của người Cơ Điện là thấy lòng mình ấm áp, thấy mình vững tin vào cuộc sống này, rằng trên đời này còn có rất nhiều điều tốt đẹp anh ạ.
Sau ngày giỗ đầu anh, em được mời tham gia cuộc gặp gỡ của Khóa 9 các anh tại Đông Hà. Em tự nghĩ mình là người Khóa 9, là dâu Khóa 9, mình phải làm hai vai, thay cả phần anh nữa. Bao nhiêu là thân thương, là hoa là thơ là nhạc, Khóa 9 các anh thật tuyệt vời. Chúng mình thật may mắn anh ạ. May mắn vì mình cùng học ở một ngôi trường mà tình người gắn bó thương yêu nhau hiếm có một trường đại học nào có được. May mắn anh là sinh viên Khóa 9, một khóa tài hoa, lịch lãm chỉn chu yêu thương nhau sâu sắc.
Anh ơi, những ngày em đi cùng K9 em hạnh phúc bao nhiêu thì em càng nhớ anh bấy nhiêu. Em cũng tham gia văn nghệ với Khóa 9 của chúng mình. Em hát đấy, em ngâm thơ đấy mà nước mắt em nuốt vào trong. Giá như Vân của em còn sống, anh sẽ là một thành viên quan trọng trong những ngày Gặp gỡ mùa thu Đông Hà Quảng Trị phải không anh.
Có một cuộc thi viết về TÌNH NGƯỜI CƠ ĐIỆN của Trường ta anh ạ. Em xin phép anh, em viết những dòng này để tỏ lòng cám ơn những người Cơ Điện thân yêu của vợ chồng mình. Viết những dòng này để lần nữa cám ơn số phận cho chúng mình cùng là sinh viên Đại Học Cơ Điện. Viết những dòng này để tri ân những người thày đã dạy dỗ truyền đạt kiến thức và bản lĩnh sống để chúng ta vững bước vào đời , viết để con cháu mình thêm yêu một ngôi trường đại học ở vùng cao phía Bắc rất nhiều gió bấc và hương chè Thái Nguyên đằm thắm ngọt bùi. Viết để em lại đưa anh về vùng đất cằn cỗi nay đã ngút ngát màu xanh mà ở đó họ vẫn sống với nhau như câu thơ của anh Nguyễn Trọng Luân cùng lớp K9Ma của anh:
“ Người Cơ Điện ở đâu/ Tình vẫn như lửa cháy”
Em không muốn đây là bài thi, nên em gửi bài vào ngày cuối cùng hết hạn cuộc thi này Vân ạ. Hãy về cùng với mẹ con bà cháu em để cùng cám ơn ngôi trường Đại Học Cơ Điện của mình anh nhé.
Đà Nẵng những ngày vừa qua cơn bão số 10
30/10/2020

1 nhận xét:

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]