TBTân
Một trong những thành công lớn nhất của Tam Quốc diễn nghĩa là tính chất quy mô, hoành tráng của cốt truyện và nhân vật. Bộ tiểu thuyết này có thể chia thành rất nhiều "truyện nhỏ" mà đa phần trong số đó có thể hoàn toàn dựng được thành những bộ phim truyện theo đúng nghĩa. Do vậy mà phần sau đây chỉ cố gắng tóm tắt hết sức sơ lược toàn bộ truyện theo những nét chính yếu mà không đi vào chi tiết nhân vật và sự kiện:Triều đình tranh giành quyền lực
Truyện lấy bối cảnh vào thời suy vi của nhà Hán khi mà những hoàng đế cuối cùng của nhà Hán quá tin dùng giới hoạn quan mà gạt bỏ những bề tôi trung trực. Triều đình ngày càng bê tha, hư nát, khiến kinh tế suy sụp và an ninh bất ổn. Đến đời Hán Linh Đế, năm 184, loạn giặc Khăn Vàng nổ ra do Trương Giác, một người đã học được nhiều ma thuật và bùa phép chữa bệnh, cầm đầu. Sau đó là sự xuất hiện của ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi, cả ba người đều muốn dẹp loạn yên dân nên đã kết nghĩa với nhau ở vườn đào.
Hà Tiến chỉ huy các quan đại thần đi trấn áp chẳng mấy chốc dập tắt cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng. Hà Tiến là anh rể vua và nhờ đó mà nhậm được chức đại tướng quân của triều đình. Sau khi Hán Linh Đế mất vào tháng 5 năm 189, Hà Tiến lập Hán Thiếu Đế kế vị. Điều đó khiến Đổng thái hậu (mẹ của Hán Linh Đế) không hài lòng. Hà Tiến phải đầu độc giết bà ta để trừ họa. Sau đó Hà Tiến lại có mâu thuẫn với bọn hoạn quan, đặc biệt là 2 hoạn quan Trương Nhượng và Kiển Thạc nên muốn giết sạch hết bọn chúng để có uy quyền tuyệt đối trong triều. Hà Tiến lấy chuyện này bàn với Viên Thiệu. Viên Thiệu khuyên Hà Tiến nên triệu tập các trấn khắp cả nước vào Lạc Dương diệt hoạn quan. Tiến phê chuẩn ngay, kêu gọi quân đội ở các trấn vào cung giết hoạn quan. Hành động này của Hà Tiến bị Tào Tháo phản đối và cho rằng ông là kẻ làm loạn thiên hạ. Bọn hoạn quan về sau cũng biết tin này, cũng lo đối phó trước. Tháng 8 năm 189, khi mà mưu đồ diệt hoạn quan của Hà Tiến chưa thành thì ông lại mắc mưu của đám hoạn quan, bị chúng lừa vào cung Trường Lạc và giết chết. Liền sau đó các quan đại thần do Viên Thiệu cầm đầu đem quân vào cung giết sạch đám hoạn quan này, báo thù cho Hà Tiến.
Trong số các quan lại nhận lệnh Hà Tiến để diệt hoạn quan có Đổng Trác là thứ sử Tây Lương. Đổng Trác nhân cơ hội này vào kinh làm loạn triều đình. Năm 190, ông ta phế truất Hán Thiếu Đế và lập Trần Lưu Vương lên làm hoàng đế, rồi làm tướng quốc nắm hết quyền triều chính vào tay mình. Thứ sử Đinh Nguyên phản đối hành động này, hắn ỷ có tướng hầu là Lữ Bố hộ vệ nên không sợ bị Đổng Trác hãm hại. Tuy nhiên Đổng Trác lại dùng kế mua chuộc Lữ Bố, tặng cho Lữ Bố vàng bạc châu báu và con ngựa Xích Thố của mình. Lữ Bố nổi lòng tham, làm phản giết Đinh Nguyên ngay trong đêm hôm đó để quay về theo Đổng Trác.
Chiến tranh loạn lạc giữa mười quân phiệt (190-200)
Hành vi tàn bạo, lộng quyền của Đổng Trác khiến quan lại vô cùng phẫn nộ, họ hội quân với Viên Thiệu để diệt Đổng Trác. Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi cũng đi theo liên quân diệt gian tặc. Lữ Bố thường xuyên được Đổng Trác sai đi trấn áp, có lần một mình Lữ Bố đấu với cả ba anh em Lưu, Quan, Trương nhưng sau đó phải rút lui vì kiệt sức. Năm 191, liên quân Viên Thiệu đã tập trung dưới chân thành Lạc Dương. Nghe theo lời của mưu sĩ Lý Nho, Đổng Trác phải bắt hoàng đế, quan lại, xua hàng trăm vạn dân chúng từ Lạc Dương về Trường An lập kinh đô riêng, hắn còn sai Lữ Bố đào bới lăng mộ các vua nhà Hán trước đây để cướp vàng bạc châu báu, sau đó phóng hỏa thiêu cháy Lạc Dương rồi bỏ chạy. Liên quân của Viên Thiệu thừa cơ tiến vào Lạc Dương.
Trong thời kì Đổng Trác nắm quyền, vẫn còn nhiều trung thần như Vương Doãn đang tìm cách diệt trừ Trác. Một lần, Vương Doãn đã sử dụng liên hoàn kế, ban đầu tặng con gái của ông ta là Điêu Thuyền cho Lữ Bố nhưng sau đó lại dâng cho Đổng Trác. Lữ Bố tức giận hỏi Vương Doãn tại sao lại làm vậy. Vương Doãn nói rằng phải dâng Điêu Thuyền cho Trác vì bị Trác ép buộc. Có lần Lữ Bố nhân lúc Đổng Trác đang cùng Hán Hiến Đế bàn chính sự, Lữ Bố lén tới điện Phượng Nghi để gặp Điêu Thuyền. Điêu Thuyền nghe lời Vương Doãn, đã nói khích vài câu để li gián Đổng Trác với Lữ Bố. Đổng Trác nghi ngờ, vội vã về phủ, thấy Lữ Bố đang ôm Điêu Thuyền, nổi giận ném long kích vào Lữ Bố. Lữ Bố đã may mắn tranh được. Từ đó Lữ Bố hận thù Đổng Trác, tuyên bố rằng sẽ giết Đổng Trác để trả thù. Cuối cùng năm 192, Đổng Trác bị giết bởi chính người con nuôi Lữ Bố, do cùng giành giật Điêu Thuyền. Thuộc hạ của Đổng Trác là Lý Nho cũng bị chém đầu.
Trong lúc đó, trong các quan lại trong liên quân chống Đổng Trác lại lục đục nội bộ với nhau, Tôn Kiên, cha của Tôn Sách và Tôn Quyền, lợi dụng lúc lộn xộn, đã lấy được ngọc tỷ truyền quốc. Viên Thiệu nghi ngờ, lệnh cho Lưu Biểu ở Kinh Châu đem quân đánh úp Tôn Kiên đang ở Giang Đông để đòi lại ngọc tỉ. Tôn Kiên chạy thoát được nhưng quân sĩ đã tử thương quá nửa. Từ đó Tôn Kiên hận thù Lưu Biểu, chỉ chờ cơ hội báo thù. Cuối năm 191, Tôn Kiên dẫn quân đánh Kinh Châu và Tương Dương nhưng bị Lưu Biểu đánh bại, bản thân Tôn Kiên cũng bị tử trận. Con của Tôn Kiên là Tôn Sách phải đổi Hoàng Tổ vừa bắt sống được để lấy thi thể Tôn Kiên về an táng. Sau đó, Tôn Sách cùng các tướng dưới trướng chạy sang Hoài Nam nương nhờ Viên Thuật. Lúc đó liên quân chống Đổng Trác đã bị tan rã, các quan lại quay về địa phương của mình và bắt đầu giao chiến với nhau, quên cả chuyện quan trọng là diệt Đổng Trác. Nhiều anh hùng như Tào Tháo và Lưu Bị, mặc dù chưa chính thức được ban tước và quân, cũng bắt đầu xây dựng lực lượng riêng.
Viên Thiệu chỉ có 2 quận nhỏ là Quan Đông và Hà Nội. Có lúc lương thực bị cạn kiệt, Viên Thiệu phải mượn lương của lãnh chúa Hàn Phức ở Ký Châu. Bàng Kỷ bày mưu cho Viên Thiệu là một mặt dụ Công Tôn Toản cùng Thiệu đánh Ký Châu, mặt khác báo tin này cho Hàn Phức. Hàn Phức hoảng sợ, lại hèn nhát. Sau khi nghe lời dụ của sứ giả Viên Thiệu là Tuân Thâm, Hàn Phức liền mời Viên Thiệu tới Ký Châu để dâng Ký Châu cho Thiệu nhằm bảo vệ Ký Châu khỏi sự xâm phạm của Công Tôn Toản bất chấp lời can gián của nhiều quan lại khác như Cảnh Võ. Viên Thiệu lấy được Ký Châu mà không tốn một sức lực nào, cho Hàn Phức ở lại Ký Châu sống tới hết đời. Công Tôn Toản biết mình bị Viên Thiệu lừa gạt, lập tức cất quân báo thù. Kết quả là quân của Toản thảm bại, bản thân Toản suýt bị tướng của Viên Thiệu là Văn Xú bắt sống nếu không có Triệu Vân cứu.
Không lâu sau khi Đổng Trác bị giết chết, thuộc hạ khác của hắn là Lý Thôi và Quách Dĩ cùng Trương Tế, Phàn Trù đang đóng quân ở My Ổ cùng nhau nổi dậy làm loạn, báo thù cho chủ khi không được Vương Doãn xá tội. Con rể Đổng Trác là Ngưu Phụ cũng nổi dậy hưởng ứng. Lã Bố diệt được Ngưu Phụ, chủ quan khinh địch nên Lý Thôi, Quách Dĩ tận dung Lã Bố là kẻ hữu dũng vô mưu để lập mưu đánh bại Lã Bố thành công. Chẳng bao lâu sau, bọn Thôi, Dĩ chiếm được Trường An, giết được Vương Doãn, buộc Lã Bố phải bỏ trốn. Lý Thôi, Quách Dĩ nắm vua Hiến Đế thay Đổng Trác.
Cuối năm 193, Mã Đằng và Hàn Toại câu kết với Hán Hiến Đế, đem quân vào Trường An diệt bọn Lý Thôi nhưng thất bại. Phàn Trù nhận lệnh truy kích nhưng lại tha Hàn Toại vì nể tình đồng hương. Lý Thôi nghi ngờ Phàn Trù làm phản nên sang năm 194 liền hành thích giết chết Phàn Trù trong một bữa tiệc.
Năm 193, Tào Tháo cho cha mình là Tào Tung từ quê nhà tới căn cứ Sơn Đông của mình, có đi qua nghỉ đêm ở Từ Châu. Lãnh chúa Từ Châu là Đào Khiêm lệnh cho Trương Khải tiếp tục hộ tống Tào Tung về Sơn Đông. Nhưng Trương Khải lại nảy sinh ý đồ làm phản, đã giết Tào Tung trong đêm. Tào Tháo vô cùng tức giận, đem quân đánh Từ Châu báo thù cho cha mình, quân Đào Khiêm chống cự rất khó khăn, phải liên thủ với Lưu Bị mới đẩy lui được quân Tào. Năm 194, Đào Khiêm ốm chết, Lưu Bị thay Đào Khiêm cai quản Từ Châu.
Sau khi bị Lý Thôi, Quách Dĩ đánh bại, Lã Bố tạm thời chạy trốn, lưu vong một thời gian. Sau đó Lã Bố thấy Tào Tháo lơi lỏng phòng bị nên đã tập hợp quân đội cùng các thuộc hạ như Cao Thuận, Hầu Thành, Trương Liêu và Tạng Bá chiếm Bộc Dương. Sau đó, Lã Bố thu phục mưu sĩ Trần Cung. Với tài túc trí đa mưu, Trần Cung giúp Lã Bố thắng Tào Tháo bao nhiêu trận, đặc biệt là trận Bộc Dương năm 194. Tuy nhiên, Lã Bố đã trúng kế của Tào Tháo nên thua nhiều trận quan trọng sau đó. Lã Bố định sang theo Viên Thiệu nhưng bị từ chối nên Lã Bố đành kết nghĩa với Lưu Bị ở Từ Châu nhưng sau đó lại làm phản khi cướp Từ Châu của ông ta. Lã Bố muốn chuộc lỗi với Lưu Bị nên khi Viên Thuật đánh căn cứ Tiểu Bái của Lưu Bị thì Lã Bố đã bắn kích viên môn, buộc tướng của Viên Thuật là Kỉ Linh phải giải vây rút về. Lã Bố sau đó tiếp tục trở mặt đánh Lưu Bị và chiếm được Tiểu Bái. Lưu Bị dẫn quân về hàng Tào Thào làm thế lực Tào Tháo càng trở nên lớn mạnh.
Năm 195, ở Trường An, Dương Bưu và Chu Tuấn thấy bọn Thôi, Dĩ chuyên quyền, đã bày mưu với Hán Hiến Đế, buộc Lý Thôi và Quách Dĩ nảy sinh mâu thuẫn và phải trở mặt đánh lẫn nhau suốt 2 tháng, người chết vô số. Nhân lúc bọn chúng tiêu diệt nhau, Trương Tế họ tống vua Hán về Lạc Dương. Lý Thôi và Quách Dĩ nghe tin phải giảng hòa rồi đem quân đuổi theo bắt vua lại. Đổng Thừa, Dương Phụng, Từ Hoảng nhiều lần giúp vua đẩy lui được quân Lý - Quách nhưng binh lực cứ hao hụt dần. Hán Hiến Đế đành triệu Tào Tháo đem quân vào Trường An cứu giá, cả Lý Thôi và Quách Dĩ đều bị Tào Tháo đánh bại. Lý Thôi, Quách Dĩ đành đem quân về trấn thủ Trường An và My Ổ. Năm 197, Ngũ Tập giết được Quách Dĩ. Năm 198, Đoàn Úy giết được Lý Thôi, Tào Tháo đã xử trảm hơn 200 người nhà Lý Thôi.
Lúc này ở Hoài Nam, Tôn Sách không muốn ở với Viên Thuật nữa, cùng Chu Trị, Trương Chiêu và Lã Phạm ra sức tự lập. Tôn Sách lấy cớ đi đánh hai nghịch tặc nguy hiểm là Lưu Do và Nghiêm Bạch Hổ. Viên Thuật phê chuẩn. Năm 196, Tôn Sách đánh bại được Lưu Do, buộc hắn phải trốn chạy về Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu. Ngay sau đó thế lực Nghiêm Bạch Hổ cũng bị Tôn Sách đánh bại. Nhờ đó, Sách làm chủ Giang Đông, li khai với Viên Thuật và gửi thư bắt hắn trả lại ngọc tỉ nhưng Thuật không chịu. Cuối năm 196, Trương Tế tử trận khi đi đánh Nam Dương, cháu là Trương Tú lên thay và đang rắp tâm đánh Hứa Đô cướp Hán Hiến Đế trước sự lơ là của Tào Tháo. Đầu năm 197, Trương Tú đại phá Tào Tháo ở trận Uyển Thành, tướng của Tào Tháo là Điển Vi và con trưởng của Tào Tháo là Tào Ngang đều phải hi sinh tính mạng của mình để cứu Tháo.
Nhưng quyền lực của Tào Tháo lại ngày một mạnh lên khi sở hữu Hán Hiến Đế, làm thừa tướng ở Hứa Xương. Nhờ uy danh đó mà về sau Tào Tháo dụ hàng được Trương Tú. Viên Thuật ở Hoài Nam do có ngọc tỉ truyền quốc nên cũng tự xưng đế dù chỉ nắm 2 quận, niên hiệu là Trọng Gia. Năm 198, Tào Thào cất quân đánh Lã Bố, ông ta đem quân chiếm Từ Châu, Tiểu Bái và Hạ Phi và giết được Lã Bố ở lầu Bạch Môn. Viên Thuật thấy Tào Tháo vừa tiêu diệt được Lã Bố, thế lực đang rất hùng mạnh nên muốn đem ngôi vua sang trao cho anh hắn là Viên Thiệu để liên thủ nhưng không qua được mắt Tào Tháo. Năm 199, Tào Tháo sai Lưu Bị đem quân đánh Viên Thuật khi hắn đang đem ngọc tỉ và ngôi vua cho Viên Thiệu. Quân Viên Thuật thua to, thây chất đầy đồng, máu chảy thành sông. Không lâu sau thì Viên Thuật lâm bệnh qua đời và thế lực của Thuật hoàn toàn bị Tào Tháo tiêu diệt. Cũng trong năm 199, anh của Viên Thuật là Viên Thiệu đã tiêu diệt được kẻ thù phía Bắc của mình là Công Tôn Toản.
Khi Tào Tháo nắm vua Hán, trở nên lộng quyền ngang ngược, khi quân phạm thượng, lấn lướt Hiến Đế. Hán Hiến Đế không cam chịu thân phận đó, lập tức viết một mật chiếu cho Đổng Thừa, khuyên Thừa giết Tháo. Đổng Thừa lập ra hội Nghĩa trạng, tức là hội chống Tào Tháo. Ít lâu sau có sáu người tham dự là Vương Tử Phục, Chủng Tập, Ngô Thạc, Ngô Tử Lan, Mã Đằng và Lưu Bị. Về sau, Mã Đằng về Tây Lương, Lưu Bị về Từ Châu. Đổng Thừa giận họ nên phát bệnh, thái y Cát Bình phải chữa bệnh cho Thừa. Về sau, Cát Bình phát hiện Thừa muốn diệt Tào Tháo, xin tham gia vào Nghĩa trạng. Nhưng ngay sau đó Đổng Thừa mắc sai lầm nghiêm trọng khi đánh đòn người hầu của mình là Tần Khánh Đồng chỉ vì tội tư thông với con gái ông ta. Đồng oán giận, nói hết vụ hội Nghĩa trạng cho Tào Tháo biết. Tào Tháo liền giả bệnh, dụ Cát Bình tới chữa, sau đó bảo Cát Bình nếm thử thuốc trước rồi bắt Bình tra tấn tới chết. Sau một hồi điều tra, cả năm người bọn Đổng Thừa cùng cả gia quyến của Đổng Thừa đều bị chém đầu. Đó là vào tháng 1 năm 200.
Về Lưu Bị, sau khi tiêu diệt Viên Thuật đã không về Hứa Đô mà giết thái thú Từ Châu là Xa Trụ và ở lại Từ Châu để ngầm củng cố thế lực. Tào Tháo đã sai Lưu Đại và Vương Trung đem quân tới Từ Châu để giám sát Lưu Bị nhưng bị Lưu Bị dùng mưu đuổi về Hứa Đô. Ngay sau khi trừ Đổng Thừa, Tào Tháo dẫn quân đánh Từ Châu, Lưu Bị chạy về theo Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam còn Quan Vũ do cùng đường nên đầu hàng Tào Tháo. Về sau, Quan Vũ từ chối mọi ưu đãi của Tào Tháo, tự mình cưỡi ngựa qua 5 ải chém 6 tướng để về với Lưu Bị.
Tiền Xích Bích (200-208)
Lưu Bị sau khi li khai Tào Tháo đã sang Ký Châu với Viên Thiệu. Song do Viên Thiệu không quyết đoán, chỉ biết tham lợi nhỏ, lại nghe lời xàm tấu nên Lưu Bị đành bỏ đi theo Lưu Tịch và Cung Đô. Và trong chiến dịch quân sự đánh Viên Thiệu, Tào Tháo giành được thắng lợi ban đầu ở trận Bạch Mã và chiến thắng quyết định của Tào Tháo là tại trận Quan Độ cuối năm 200.
Sang năm 201, Viên Thiệu lại thua một trận lớn khác với Tào Tháo ở Thương Đình nên từ đó bãi binh. Năm 202, Viên Thiệu qua đời, các con của Thiệu là Viên Thượng, Viên Hy và Viên Đàm tàn sát lẫn nhau để chọn người thay thế. Tào Tháo thừa cơ hội đó mà đem quân tiêu diệt Viên Đàm năm 205, chiếm được Ký Châu. Viên Thượng và Viên Hy bỏ chạy sâu vào Liêu Đông. Tào Tháo đem quân tới truy kích thì nhiều trụ cột của Tào Tháo do không hợp thủy thổ mà bệnh chết như Quách Gia. Thấy hành quân khó khăn, Tào Tháo phải mượn tay thái thú Liêu Đông là Công Tôn Khang để giết Viên Thượng và Viên Hy vào năm 207. Thất bại của Viên Thiệu đã đặt cơ sở cho Tào Tháo củng cố quyền lực tuyệt đối khắp miền bắc Trung Quốc.
Cũng trong thời gian này, Lưu Bị thấy Tào Tháo quyền lực quá lớn, trước sau gì cũng cướp ngôi nhà Hán nên làm phản, lập được căn cứ ở Nhữ Nam, hai anh em của ông ta là Quan Vũ và Trương Phi cũng tìm đường theo về. Năm 201, Lưu Bị tự đem quân đi tấn công Tào Tháo nhưng bị thất bại, cả Lưu Tịch và Cung Đô đều bị giết. Lưu Bị bèn tới Kinh Châu nhờ Lưu Biểu là một người anh họ xa của Lưu Bị cho lánh nạn. Tại đó Lưu Bị thu phục mưu sĩ Từ Thứ. Từ Thứ với tài mưu lược của mình, ông đã giúp Lưu Bị thắng quân Tào nhiều trận. Nhưng Tào Tháo lập mưu bắt mẹ của Từ Thứ, buộc Từ Thứ phải theo mình. Trước khi rời bỏ Lưu Bị, Từ Thứ tiến cử Gia Cát Lượng với Lưu Bị. Sau ba lần đến thăm lều cỏ của Gia Cát Lượng, Lưu Bị đã chiêu mộ được ông ta làm mưu sĩ. Hai lần đầu tiên, Gia Cát Lượng lấy cớ đi có việc để từ chối gặp khách. Chỉ có lần cuối cùng vì cảm kích bởi sự chân thành và kiên trì của Lưu Bị mà Gia Cát Lượng mới quyết định theo phò tá.
Sau khi trừ được Viên Thiệu, Tào Tháo lập tức nhòm ngó về phía nam. Khổng Dung can gián, khuyên Tào Tháo không nên nam chinh để tránh làm mất đại nghĩa. Tháo giận lắm, lập tức chém đầu Khổng Dung, cả nhà của Khổng Dung cũng đều bị xử trảm.
Năm 208, Lưu Biểu mất, để lại Kinh Châu cho hai con trai nhỏ là Lưu Kỳ và Lưu Tông. Tào Tháo biết tin, lập tức tự đem quân đi chiếm Tân Dã. Lưu Bị được lòng dân chúng thành Tân Dã nên trước viễn cảnh bị xâm chiếm, toàn bộ dân trong thành một lòng xin đi theo Lưu Bị. Lưu Bị đành đưa dân Tân Dã về thành Tương Dương của người con thứ của Lưu Biểu, tại đây Lưu Bị bị từ chối không cho vào thành. Không còn cách nào khác ông phải tiếp tục nam tiến xuống Giang Hạ (江夏), là thành của Lưu Kỳ người con trưởng của Lưu Biểu, do bị tướng cũ của Lưu Biểu là Sái Mạo hãm hại nên rời bỏ Kinh Châu. Ở Giang Hạ, Lưu Bị cuối cùng cũng tạm có được một chỗ đặt chân để chống lại cuộc tấn công dữ dội của Tào Tháo. Còn ở Kinh Châu, Sái Mạo đưa Lưu Tông làm chúa rồi định giết Lưu Kỳ để trừ họa, nhưng Lưu Kỳ đã theo Lưu Bị trốn về Giang Hạ. Tào Tháo sai người đưa thư tới chiêu hàng Lưu Tông. Lưu Tông đồng ý, dẫn tùy tùng về Hứa Đô đầu hàng, chủ động nộp Kinh Châu cho Tào Tháo. Nhưng Tào Tháo không cho Lưu Tông ở Hứa Đô, muốn Lưu Tông về Kinh Châu để trông nom linh cữu của Lưu Biểu. Trên đường đi, Lưu Tông bị Tào Tháo sai Vu Cấm giết chết.
Còn ở phía đông nam, Tôn Quyền vừa mới lên nắm quyền sau cái chết của người anh là Tôn Sách năm 200. Năm 208, Tôn Quyền đánh bại được Hoàng Tổ ở Giang Hạ và giết được hắn, thu phục được hai tướng dưới trướng Hoàng Tổ là Tô Phi và Cam Ninh. Cả Tào Tháo lẫn Lưu Bị đều định liên kết với Tôn Quyền. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng tự mình đến quận Sài Tang (柴桑) và thuyết được Tôn Quyền hợp tác với Lưu Bị. Các bề tôi của Tôn Quyền chia thành 2 phe là chủ hàng và chủ chiến. Đứng đầu phe chủ hàng là Trương Chiêu, đứng đầu phe chủ chiến là Chu Du. Tôn Quyền nghe theo Chu Du, quyết liên minh với Lưu Bị để đánh Tào Tháo. Mùa đông năm 208, Tào Tháo dẫn đại quân tiến xuống phía nam để thống nhất Trung Hoa và liên minh Tôn-Lưu tận dụng quân Tào kém về thủy chiến, đã dẫn đến thất bại thảm hại nhất của Tào Tháo tại trận Xích Bích.
Hậu Xích Bích (208-220)
Sau khi thua trận Xích Bích, Tào Tháo đưa Kinh Châu, Tương Dương và Hợp Phì cho Tào Nhân, Hạ Hầu Đôn và Trương Liêu coi giữ. Liên minh Tôn-Lưu cùng xâu xé những vùng đất này. Năm 209, Chu Du dẫn quân đánh Nam Quận, đuổi được Tào Nhân nhưng Nam Quận đã bị Gia Cát Lượng chiếm mất trước đó, và cả Kinh Châu lẫn Tương Dương cũng lần lượt về tay Lưu Bị. Vận đen không ngừng đeo đuổi Đông Ngô khi Tôn Quyền dẫn quân đánh trận Hợp Phì thì bị Trương Liêu đánh bại, một tướng Ngô là Thái Sử Từ chết trận.
Muốn lấy Kinh Châu, Chu Du chỉ cho Lưu Bị mượn Kinh Châu và khi Lưu Kì (con trưởng Lưu Biểu) chết thì phải trả. Cuối năm 209, Lưu Kì mất, Chu Du lại sai Lỗ Túc đến đòi. Một lần nữa Gia Cát Lượng lại dùng mưu để trì hoãn vấn đề này. Vì thế Chu Du rất tức giận và thề sẽ tìm kế trả đũa Gia Cát Lượng.
Với ý định loại trừ Lưu Bị, Chu Du bày mưu cho Tôn Quyền gả em gái cho Lưu Bị. Sau đó, Lưu Bị mắc mưu sang Sài Tang để làm lễ cưới. Tuy nhiên, Tôn Quyền rất nghe lời mẹ Ngô Quốc Thái Phu Nhân; bà này rất quý Lưu Bị và không cho ai hãm hại Lưu Bị. Cũng do tài mưu lược của Gia Cát Lượng mà Lưu Bị cuối cùng đã thoát được quay về Giang Hạ cùng với người vợ mới. Năm 210, Chu Du liền dùng cách khác đánh Kinh Châu khi mượn tiếng đánh Tây Xuyên nhưng thực ra là muốn chiếm Kinh Châu để Lưu Bị chủ quan không phòng bị nhưng vẫn thất bại bởi những kế sách đúng đắn của Gia Cát Lượng. Thất trận, Chu Du buồn bã về Sài Tang rồi đổ bệnh, thổ huyết qua đời.
Tào Tháo sau 2 năm án binh bất động đã tiêu diệt luôn thế lực của Hàn Toại, Mã Đằng và đánh đuổi Mã Siêu (211) và Trương Lỗ (215), nhưng vẫn không thể thống nhất Trung Hoa. Tào Tháo cũng diệt trừ những kẻ phản loạn khác trong triều đình như Kim Vĩ và Phục Thọ. Về sau Mã Siêu quay lại đánh Tào Tháo ở trận Ký Thành để báo thù cho thất bại ở trận Đồng Quan nhưng vẫn đại bại. Siêu bỏ chạy, phiêu bạt qua Trương Lỗ, sau này do nghe lời khuyên mưu sĩ của Lưu Bị là Lý Khôi mà Mã Siêu mới về theo Lưu Bị.
Lưu Bị cũng dẫn quân Tây chinh đánh Lưu Chương, chiếm được Thành Đô (Ích Châu) năm 214. Tuy vậy đó là một cuộc chiến không mấy dễ dàng vì dù thắng trận nhưng Lưu Bị chịu nhiều tổn thất, đặc biệt cái chết trong đám loạn tiễn của mưu sĩ Bàng Thống ở gò Lạc Phượng. Sang năm 219, Lưu Bị muốn mở rộng đất đai khi sai Hoàng Trung đánh vào đất Hán Trung của Tào Tháo, giết được tướng Tào là Hạ Hầu Uyên. Tào Tháo tức giận đem quân đến cứu viện nhưng lại thất bại nặng nề phải rút về Trường An. Sau chiến thắng này, Lưu Bị lên ngôi Hán Trung vương.
Khi Lưu Bị đánh Hán Trung thì Quan Vũ cũng đánh Tương Dương và Phàn Thành vào giữa năm 219. Tướng giữ Phàn Thành là Tào Nhân thua trận liên tiếp. Tào Tháo phải sai Vu Cấm và Bàng Đức đem quân đi cứu viện. Quan Vũ đánh thắng cả đại quân cứu viện, Vu Cấm bị bắt sống, Bàng Đức không hàng bị chém, Tào Nhân phải bỏ Phàn Thành mà chạy. Tào Tháo thấy tình hình nguy khốn đành phải liên minh với Tôn Quyền để đánh Quan Vũ. Tháo sai Từ Hoảng đem quân đóng ở Ma Pha khiêu chiến để dụ Quan Vũ đem quân ở Kinh Châu ra đánh. Quan Vũ kiêu căng tự mãn dồn hết binh lực ở Kinh Châu tới Ma Pha đánh Từ Hoảng, trong thành Kinh Châu gần như bỏ không. Tôn Quyền thừa cơ sai Lã Mông đem quân chiếm Kinh Châu. Quan Vũ nghe tin thì hoảng hốt, đem quân từ Ma Pha về định chiếm lại Kinh Châu thì thất bại và bị quân Ngô vây chặt ở Mạch Thành. Quan Vũ phải sai sứ sang Thượng Dung bảo Mạnh Đạt và Lưu Phong đem quân tới cứu viện nhưng họ không đồng ý. Nỗ lực phá vây của Quan Vũ cũng không thành, ông bị Tôn Quyền bắt giết vào cuối năm 219. Con của Quan Vũ là Quan Bình cũng bị chém đầu.
Ba nước cùng xưng đế
Tình trạng giằng co giữa ba thế lực vẫn bế tắc cho đến khi Tào Tháo chết vào năm 220 có lẽ do u não (Tào Tháo chết do bệnh Thiên Đầu Thống). Năm đó, con thứ của Tào Tháo là Tào Phi ép phế Hiến Đế và lập ra nhà Ngụy. Đáp lại, năm 221, Lưu Bị tự xưng đế Thục Hán (để chứng tỏ vẫn mang dòng máu quý tộc nhà Hán nhưng đặt đô tại Thành Đô Thục). Trước khi lên ngôi, Lưu Bị cũng tập trung diệt trừ Lưu Phong và Mạnh Đạt vì trước đó họ đã không cứu Quan Vũ. Lưu Phong bị giết nhưng Mạnh Đạt thì chạy thoát và đầu hàng Tào Phi để khiêu khích Lưu Bị.
Lúc này, Tôn Quyền lại ngả về phía Ngụy. Ông chịu để Tào Phi phong vương nước Ngô. Tôn Quyền làm việc này nhằm tập trung lực lượng chống Lưu Bị do Lưu Bị khởi binh đánh Ngô để trả thù cho Quan Vũ đã bị Tôn Quyền giết chết.
Một loạt những sai lầm mang tính chiến lược do hành động nóng vội của Lưu Bị đã dẫn đến thất bại của quân Thục Hán trong trận Hào Đình. Tuy nhiên, Lục Tốn (陆逊), quân sư phía Ngô đã từng chĩa mũi nhọn tấn công về phía Thục, đã ngưng không tiếp tục dấn sâu về phía tây. Vì tin vào đòn trừng phạt của Lục Tốn, Tào Phi phát động một cuộc xâm lược vào nước Ngô vì cho rằng như vậy quân Ngô vẫn còn ở ngoài địa phận. Cuộc tấn công đã bị đè bẹp bởi sự kháng cự quyết liệt của quân Ngô cùng với bệnh dịch bùng phát phía bên quân Ngụy.
Trong lúc đó tại nước Thục, Lưu Bị bị bệnh mà mất năm 223 và để lại con trai Lưu Thiện còn nhỏ dại. Trương Phi đã chết nên Lưu Bị đành phó thác Lưu Thiện cho Gia Cát Lượng chăm sóc. Nắm bắt cơ hội này, Tào Phi gắng mua chuộc một số lực lượng, trong đó có Tôn Quyền và các bộ tộc thiểu số để tấn công nước Thục. Một sứ giả của Thục thuyết được Tôn Quyền lui quân, nhưng Gia Cát Lượng vẫn phải lo xử lý quân của các bộ tộc thiểu số.
Một trong những mưu lược tài ba cuối cùng của Thục Hán là Gia Cát Lượng đã tiến hành chiến dịch thu phục Mạnh Hoạch, thủ lĩnh bộ tộc người Man (蛮族). Gia Cát Lượng đã bảy lần bắt sống Mạnh Hoạch, lần nào cũng cho thả ra nguyên vẹn. Mạnh Hoạch vì cảm động bởi mưu trí và lòng nhân từ của Gia Cát Lượng nên đã thề mãi mãi gắn bó với nhà Thục.
Trong lúc này, năm 227, Tào Phi cũng lâm bệnh mà chết. Gia Cát Lượng liền nhìn về phía bắc. Tuy thế, ông không còn sống được bao lâu nữa. Chiến thắng đáng kể cuối cùng của ông chống lại quân Ngụy có lẽ là chiêu hàng được Khương Duy về phía mình. Khương Duy trước đó là một tướng bên Ngụy, có tài năng quân sự. Sau 6 lần xuất quân ra Kỳ Sơn, Gia Cát Lượng dù đánh thắng nhiều trận nhưng với quá nhiều khó khăn về tiếp tế và tướng Ngụy là Tư Mã Ý chủ trương cố thủ không giao chiến, ông không thể đạt mục tiêu là đánh chiếm Trường An. Năm 234, Gia Cát Lượng mất.
Ở nước Ngô, năm 252 thì Tôn Quyền cũng qua đời. Các vua còn lại của Đông Ngô là Tôn Lượng, Tôn Hưu và Tôn Hạo đều chỉ là những kẻ bất tài khiến triều chính rối ren. Nước Ngô suy yếu từ đó.
Nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hòa
Cuộc chiến kéo dài nhiều năm giữa Ngụy và Thục thì phía Ngụy liên tục đổi ngôi. Nhà họ Tào ngày một yếu thế. Họ Tư Mã ở nước Ngụy liên tục lớn mạnh. Năm 263, Tư Mã Chiêu đem quân diệt Thục, bắt Lưu Thiện. Khương Duy tiếp tục tiến hành chiến dịch của Gia Cát Lượng chống lại Tào Ngụy, ngay cả sau khi Lưu Thiện đầu hàng. Khương Duy bày mưu kích động xung đột giữa hai tướng lớn phía Ngụy. Kế sách này đã tiến rất sát đến thành công. Thật không may, bệnh tim bộc phát ngay giữa trận đánh cuối cùng. Ông liền dùng kiếm tự vẫn, đánh dấu kháng cự cuối cùng của nhà Thục Hán.
Sau khi Tư Mã Chiêu qua đời, Tư Mã Viêm kế nghiệp. Cuối cùng, vào thời Tào Hoán, cháu đại thần Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm bắt Tào Hoán nhường ngôi giống như Tào Phi đã từng ép Hiến Đế, tức là Tấn Vũ Đế. Tấn Vũ Đế sau đó lập ra nhà Tấn vào năm 265.
Vua cuối cùng của Ngô là Tôn Hạo (孙皓) đến năm 280 bị Tấn Vũ Đế đánh bại. Cả ba vua cuối cùng của ba nước là Tào Hoán, Lưu Thiện và Tôn Hạo, được sống cho đến tận cuối đời. Và thế là thời đại Tam Quốc cuối cùng cũng chấm dứt sau gần một thế kỷ đầy xung đột.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]