Ls. Nguyễn Văn Quynh
Nhận xét về tự do ngôn luận ở một số trí thức Việt Nam
Trọng điểm của cuộc tranh cãi xoay quanh mức án tù 42 tháng cho bác sĩ Hoàng Công Lương. Bản án sơ thẩm ngày 30/1/2019 tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương có tội Vô ý làm chết người vì đã cẩu thả trong khi thực hiện chức trách. Ông này đã ra lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân, trong khi không có biên bản nhận bàn giao máy lọc nước chạy thận (trước đó đã được đem đi sửa chữa). Trước tòa, người súc rửa máy lọc nước (thuê ngoài) khai đã dùng các thứ hóa chất bị cấm để súc rửa, gây tồn dư chất độc trong nước. Anh ta cũng khai rằng từ trước đến nay khi súc rửa xong thì chỉ cần thông báo miệng là bác sĩ cho chạy thận luôn. Nhưng lần này anh ta chưa bàn giao máy.
Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hòa Bình kết luận việc làm của ông Lương đã trực tiếp gây ra cái chết của 9 bệnh nhân. Ông bị kết án tù cùng với 6 người khác có trách nhiệm trong vụ việc.
Đầu tiên, giống như trong tất cả các sự kiện gây chú ý khác, vụ này chia những người quan tâm ra làm hai phe. Một bên theo dõi các chi tiết trong vụ án được xét xử, cho rằng bác sĩ Lương bị kết án là đúng pháp luật. Bên kia cho rằng bác sĩ Lương bị oan. Trong cả hai phe, ngoài những người ngoài ngành thì đều có những y bác sĩ và sinh viên y khoa.
Những cuộc tranh cãi ngày càng căng thẳng theo diễn biến phiên tòa diễn ra trong suốt 10 ngày. Đến chiều 30/1/2019, khi bản án được tuyên thì nó bùng nổ trên bề nổi, trong giới làm ngành y.
Bác sĩ tuyên bố không chữa bệnh cho những người bất đồng ý kiến
Trên mạng xã hội facebook, bác sĩ Phan Xuân Trung, một người từng nổi tiếng thời còn trẻ vì sự nhiệt huyết và nhạy bén, từng lập nên trang web ykhoa.net để chia sẻ miễn phí các kiến thức y tế cộng đồng vào thời hầu như xã hội còn rất ngố với công nghệ thông tin, từng được trân trọng trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin, viết trên trang nhà: “Từ nay tôi từ chối khám chữa bệnh cho bất cứ ai trong ngành tư pháp Việt Nam cho đến khi bác sĩ Hoàng Công Lương được tuyên vô tội”.Một người có nick là Nha khoa Vũ Anh, viết: “Tất cả nhân viên ngành Y hãy để cho bọn Kiểm sát viên và Tòa án tỉnh Hòa Bình chết trong bệnh tật, đừng cứu chúng”. Vào trang nhà xem, hóa ra đây cũng là một bác sĩ, trông đã lớn tuổi. Ông ta tự giới thiệu mình là Chủ nhiệm Bộ môn tại Bệnh viện 103 - Học viện Quân y.
Dưới những status như vậy có khá nhiều comment đồng tình và cổ vũ của những người trong ngành y.
Thậm chí có những lời đe dọa công khai hơn nhắm vào bất kể ai cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương bị kết tội là đúng pháp luật.
Trên facebook của mình, bà Phan Vũ Diễm Hằng, một người phụ nữ có uy tín trong xã hội, từng nhiều năm công tác trong ngành y tế tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chương trình phòng chống AIDS của Liên hợp quốc và làm tư vấn độc lập về y tế công cộng, thể hiện quan điểm đồng tình với việc bác sĩ Hoàng Công Lương phải chịu trách nhiệm hình sự. Và đây là một comment đáp trả bà:
“Ở đây đồng tiền đang làm mờ mắt quan toà
Mày phải biết luật nhân quả không trừ ai đâu
Sự ngu dốt và thất đức của mày sẽ phải trả giá bằng tính mạng con mày”.
Người viết không ngần ngại để ảnh mặc áo blue trắng, đeo thẻ nhân viên ngành y tế cười rất tươi trên avatar, ghi rõ “Học bác sĩ Nội-nhi tổng quát tại Đại học Y Thái Bình”.
Trên trang nhà của người này, còn có những comment dữ dội hơn. Một người tên Nu Dinh Thi viết” Ngành y bảo nhau cứ thấy lũ quan toà bị bệnh là dứt khoát không chữa để chúng chết vợi đi cho giá nhà đất giảm xuống kaka”.
Bình luận này nhận được “yêu thích” của chính vị bác sĩ nữ chủ nhà.
Trên các trang nhà của nhiều bác sĩ khác cũng đầy rẫy những lời nguyền rủa, hứa hẹn và đe dọa công khai rằng sẽ không chữa trị cho bất cứ người nào dám có ý kiến không đồng tình Hoàng Công Lương vô tội.
Những ý kiến phản đối lập tức bị “ném đá” tập thể bởi những nhân viên làm trong ngành y tế. Họ bị gán ghép “là người nhà của công an, viện kiểm sát, tòa án TP Hòa Bình”, là “ăn tiền của phe bên kia để cố đẩy bác sĩ Hoàng Công Lương vào tù”, là “có hận thù cá nhân với bác sĩ Hoàng Công Lương”, hoặc chỉ đơn giản là “không làm trong ngành y mới có thể suy nghĩ như vậy”.
Tự do ngôn luận là bảo vệ đến chết quyền phản biện của người khác
Với những người sống tại các thể chế dân chủ hơn cũng như có nền pháp luật phát triển hơn, việc các bác sĩ công khai trên mạng xã hội đe dọa, buộc tội người khác, cũng như hăm dọa sẽ không chữa trị người bệnh như thế sẽ gây ra sự kinh ngạc và sợ hãi. Nhưng tại Việt Nam, các chuỗi phản ứng tương tự đã xảy ra nhiều lần cho nên nó khá quen thuộc. Ở góc độ xã hội, những phản ứng cực đoan thậm chí phi nhân tính đều thể hiện một nét đặc thù của một xã hội đang tập tành thực hiện dân chủ, bắt đầu từ những trí thức tập tành tự do ngôn luận.Vì tập tành, cho nên mới có những khái niệm cốt yếu mang tính nền tảng của nền dân chủ không những bị bỏ qua, mà còn bị chà đạp như kể trên.
Có một câu nói nổi tiếng để diễn tả nguyên tắc của sự tự do ngôn luận. "I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it," [4] (Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó). Câu nói này của nhà văn người Anh Evelyn Beatrice Hall (1868 – 1956) bút danh S. G. Tallentyre (nó thường được trích dẫn nhầm là của Voltaire). Bà Tallentyre đã viết câu này trong tác phẩm ''The Friends of Voltaire''.
Tôi đoán các bác sĩ chắc nhiều người biết câu nói ấy.
Quyền Tự do ngôn luận cũng được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (có hiệu lực ngày 23/3/1976), tại điều 19, như sau: “ Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp” tuy nhiên “phải kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt (…) có thể phải chịu một số hạn chế nhất định. Những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.
Minh bạch như thế đấy
Tự do, trong một xã hội có pháp luật, là việc thực hiện các quyền được pháp luật bảo hộ của bản thân, trong một giới hạn không được đe dọa đến các quyền tương tự của các cá thể khác. Đồng thời tất cả các quyền tự do cá nhân vẫn đều phải đặt các lợi ích công cộng khác lên hàng đầu (ở đây là an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe và đạo đức xã hội).Những bác sĩ kể trên (còn nhiều bác sĩ nữa) thật may mắn vì luật pháp tại Việt Nam chưa được thực hiện nghiêm khắc. Nếu không, chỉ với những bằng chứng trên mạng xã hội như thế, họ hoàn toàn đối đầu với vụ kiện vì đã công khai đe dọa đến sức khỏe của người khác, cũng như xâm phạm đạo đức xã hội (đe dọa không chữa bệnh là vi phạm đạo đức của ngành y).
Tháng 5/2018, ở Mỹ, có một vụ kiện lý thú liên quan đến tổng thống Trump và quyền tự do ngôn luận. Báo Dân trí trích dịch vụ việc này như sau: “một thẩm phán liên bang Mỹ ở New York tên là Naomi Reice Buchwald đã cấm Tổng thống Trump không được chặn các tài khoản mạng xã hội Twitter chỉ trích ông. Theo phán quyết của bà Buchwald, hành động chặn của ông Trump –tài khoản của ông được để ở chế độ công cộng và được xem như một diễn đàn công cộng- sẽ khiến những người dùng không thể đọc và tương tác với những bài viết của ông trên Twitter. Như thế ông đã vi phạm quyền tự do ngôn luận trực tuyến. Điều này được cho là đi ngược lại với Tu chính án thứ Nhất trong Hiến pháp Mỹ.
Kết luận này được đưa ra sau khi một nhóm người dùng mạng xã hội Twitter đã nộp đơn kiện ông Trump (sau khi họ đưa ra các ý kiến trái chiều trên trang Twitter của ông, ông đã chặn họ)”.
Với vụ án hiếm có trên, tôi lại muốn thốt lên câu nói này, cho dù có thể nó không hoàn toàn chính xác trong mọi trường hợp: “Quả là đất nước của tự do, nơi pháp luật được thượng tôn”.
Tập tành dân chủ
Quay trở lại với thực trạng Việt Nam. Những ví dụ kể trên tuy không đại diện cho tất cả những người tham gia mạng xã hội, nhưng sự lặp đi lặp lại và số lượng người hưởng ứng rất cao của nó cho thấy sự thật là có một số đông người được liệt vào tầng lớp trí thức của Việt Nam cũng còn rất xa mới tiến đến ngưỡng cửa của việc thực hành dân chủ, trong đó quyền tự do ngôn luận là điều đầu tiên và cơ bản nhất.Tuy vậy, đây vẫn là dấu hiệu đáng mừng. Từ những người không dám mở miệng, nói ra câu gì cũng sợ hãi; từ một xã hội “mackeno” (mặc kệ nó) của những năm 90 thế kỷ trước, bây giờ người Việt đã dám nói công khai ý nghĩ của mình và cùng nhau thiết lập một xã hội tranh cãi tưng bừng trên mạng xã hội.
Bất kể là nói ngu hay nói khôn, chỉ cần là suy nghĩ thật sự thì nên cần mở miệng ra nói. Qua tranh cãi, những người cầu thị và có tư duy độc lập sẽ nhận được lợi ích nhiều nhất qua những kiến thức và góc nhìn đa chiều. Họ sẽ là người tìm ra chân lý. Tuy thế, những ý kiến cảm tính và cực đoan cũng không hề vô ích. Vì chúng luôn luôn kích thích sự phản biện và lập luận đúng nghĩa của những người khác. Xin cảm ơn công lao vô lượng của anh Mark Zuckerberg.
Việt Nam sẽ còn phải dò dẫm đi trên con đường rất dài, rất gập ghềnh để có một tầng lớp trí thức có hiểu biết và có trách nhiệm xã hội thật sự, xứng đáng là tinh hoa dẫn dắt xã hội. Nếu biết tranh cãi một cách cầu thị, biết tư duy độc lập phản biện, đừng để cho bất cứ ai dắt mũi mình, chúng ta sẽ đẩy được nhanh bước tiến trên con đường ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]