(chuyện Cơ Điện)
Tại Hội thảo nhân kỷ niệm 1395 năm danh xưng Diễn Châu do Huyện ủy, UBND huyện Diễn Châu phối hợp với Nhà Xuất bản Công an nhân dân tổ chức năm 2017, tôi được phân công viết và trình bày một chuyên đề mang tên “Tính cách quyết liệt, thẳng thắn thể hiên ở những người Diễn Châu thành đạt”. Trong bài gửi in kỷ yếu, Ban biên tập cắt bỏ của tôi phần nói về 3 người Diễn Châu nổi tiếng, chưa thật thành đạt nhưng là những người đặc biệt, cần nêu gương về ý chí vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Đó là: Tạ Quang Luyện, Nguyễn Đức Chi và Lương Hoài Nam. Trong bài này tôi nói kỹ về anh Tạ Quang Luyện, người Thầy, người anh, người bạn mà tôi vô cùng kính trọng và yêu quý.
Anh sinh năm 1949 (hồ sơ 1950), tại xã Diễn Cát huyện Diễn Châu. Tốt nghiệp phổ thông, anh được đi học đại học tại Rumani. Năm 1973, tốt nghiệp kỹ sư chế tạo máy, về nước anh được phân công làm cán bộ giảng dạy tại khoa Chế tạo máy của Trường Đại học Cơ Điện Bắc Thái. Ngay khi về Trường anh được bầu vào BCH Đoàn trường, đảm nhận chức vụ Bí thư đoàn trường. Thời ấy, năm 1977, tôi ra trường, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại khoa Điện. Thời anh làm Bí thư đoàn trường, tôi làm Phó Bí thư Liên chi đoàn khoa Điện. Hai anh em tuy khác khoa, khác cấp bộ cán bộ đoàn nhưng là đồng hương Nghệ An nên nhanh chóng “bắt sóng” âm thanh và trở nên thân thiết. Với vóc dáng to cao, phong thái “soái ca”, lãng tử, bao nhiêu người đẹp vây quanh, anh trở thành thần tượng trong lòng “bọn trẻ” chúng tôi. Biết bao người đẹp ngẩn ngơ khi nghe tin anh lấy vợ. Chị Hương vợ anh, người Hà Nội, Thạc Sỹ quản lý khí, kỹ sư xây dựng, đẹp hơn hoa hậu (anh luôn khoe thế) là con gái của bà Phó giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc II, chức vụ đáng nể cho những người có đủ những điều kiện và nhãn quan làm chính khách. Thời anh lâm vào vòng lao lý, chị Hương đang đảm nhận cương vị Quản đốc Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, nhà máy gas duy nhất của Nước ta lúc đó. Chị vẫn thăm nuôi, động viên chồng chu đáo và quản lý tốt Nhà máy.
Sau khi thi đỗ và đi nghiên cứu sinh, anh là Phó tiến sỹ, chuyển tiếp làm Tiến sỹ khoa học tại Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc bây giờ). Chúng tôi ngưỡng mộ anh và hy vọng anh sẽ là một nhân tài, cống hiến rất nhiều cho đất nước. Vậy mà…ai học hết chữ ngờ.
Cũng như nhiều “tiền bối” khác, khi ấy ở Trường Đại học Cơ điện. Sau khi có tấm bằng Tiến sỹ, ai cũng muốn thoát khỏi Thái Nguyên, thoát khỏi cuộc sống cơ cực của người Cán bộ giảng dạy thời bao cấp. Vậy là bằng mọi cách, anh xin chuyển công tác vào Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Tại đây anh được ông Chủ tịch UBND tỉnh quý mến, nâng đỡ. Anh trở thành trợ lý của ông về Kinh tế đối ngoại của Tỉnh. Anh hăm hở, hăng say làm việc mong muốn đóng góp những kinh nghiệm, kiến thức cho sự nghiệp phát triển kinh tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi vợ anh mang anh vào, coi đó là quê hương thứ hai của mình. Tại đây, anh được mọi người dân Nghệ xa quê kính trọng và tôn vinh là chủ tịch Hội Đồng hương Diễn Châu tại Bà Rịa -Vũng tàu 5 nhiệm kỳ, đến tận ngày anh bị nạn. Sau khi ra tù anh lại được bà con Diễn Châu tín nhiệm bầu phục hồi ngay chức Chủ tịch đến tận ngày nay.
Thời kỳ đầu mở cửa, như các địa phương khác, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng chập chững những bước đầu tiên trên con đường kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài. Có một ông Việt kiều Há Lan, tên là Trịnh Vĩnh Bình, quê Sóc Trăng, vượt biên năm 1977, sau nhiều năm ky cóp, làm ăn nơi đất khách, gom được hơn 3 triệu đô la, mang về Việt Nam đầu tư. Anh là một trong những người Việt Nam đầu tiên mà Trịnh Vĩnh Bình tìm găp. Với kiến thức, quan hệ và chức năng nhiệm vụ của anh lúc đó, việc đưa Trịnh Vĩnh Bình đi gặp Chủ tịch, các sở ban ngành của Tỉnh để tìm kiếm cơ hội đầu tư là chuyện bình thường và hết sức nên làm. Anh trở thành cầu nối giưa nhà đầu tư nước ngoài và tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Nhà đầu tư nước ngoài Trịnh Vĩnh Bình, vượt qua rất nhiều rào cản của môi trường đầu tư Việt Nam đã triển khai được một số dự án tại Bà Rịa -Vũng Tàu.
Sẽ không có gì đáng nói nếu không xảy ra vụ án “xuyên thế kỷ” mang tên Trịnh Vĩnh Bình. Lóa mắt trước đồng tiền, không khống chế được lòng tham, từ những căn cứ ngụy tạo, cẩu thả, nóng vội, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trịnh Vĩnh Bình về tội đầu tư “chui” và Tạ Quang Luyện về tội môi giới hối lộ. Sau hơn một năm tạm giam, một phiên tòa “hết sức bất cẩn, không nghiêm túc” (theo lời anh Luyện) được diễn ra. Tại đấy Trịnh Vĩnh Bình bị tuyên phạt 13 năm tù và tịch thu toàn bộ tài sản, Tạ Quang Luyên bị tuyên phạt 4 năm tù giam về tội môi giới hối lộ.
Giải thích về sự cẩu thả của Cơ quan tố tụng lúc bấy giờ, anh cười: Anh không ngờ họ lại cẩu thả đến thế. Hôm đọc cáo trạng tại tòa, anh tưởng họ đang xử ai chứ có phải xử anh đâu. Này nhé, anh tên là Tạ Quang Luyện, quê Nghệ An, tòa đọc là Đào Quang Luyện quê Hà Tĩnh, Anh là Tiến sỹ khoa học, hồ sơ ghi là Tiến sỹ hóa học. Buồn cười hơn, anh sinh năm 1950, hồ sơ lại ghi sinh năm 1990, nghĩa là anh ra tòa khi mới 7 tuổi. Tòa kết tội anh “ môi giới hối lộ” mà không chỉ ra được chính xác ai là người đưa, ai là người nhận hối lộ và số tiền hối lộ là bao nhiêu. Vậy mà tòa vẫn “nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam” tuyên phạt anh 4 năm tù giam.
Sau này, khi Trịnh Vĩnh Bình trốn trại, vượt biên qua đường Căm-pu-chia về Hà Lan, kêu gọi chính phủ Hà Lan hỗ trợ, kiện Chính phủ Việt Nam ra tòa án quốc tế, vụ án này bị tuyên hủy, một số lãnh đạo Tỉnh, cán bộ phòng thi hành án và điều tra viên Công an Bà Rịa Vũng Tàu bị kỷ luật. Riêng “đồng chí” Tạ Quang Luyện, thần tượng chính trị của tôi, vẫn được “hưởng trọn” 4 năm tù giam mà không nhận được một sự bồi thường nào, dù chỉ là một lời xin lỗi.
Lo lắng cho cuộc sống sau khi ra tù của anh, tôi hỏi bây giờ anh sống ra sao. Anh đáp: anh hiện nay đang là Tiến sỹ chủ nhiệm Khoa chế tạo máy của trường đại học Bà Rịa-Vũng Tàu. Tôi hỏi: anh ra tù, sao lại được trọng dụng, cất nhắc, bổ nhiệm ngay như vậy. Anh nhấp một chén rượu rồi chậm rãi: Em biết không, người trọng dụng anh ngay sau khi ra tù chính là nguyên Bí thư Tỉnh Ủy Bà Rịa Vũng Tàu, lúc đó là Chủ tịch hội đồng Quản trị của Trường. Chính ông này là “chủ công”, chỉ đạo việc đưa anh vào tù năm nào. Anh coi hành động đó là một sự sám hối, lời xin lỗi muộn màng của những con người bị lương tâm cắn rứt. Từ đó, anh lặng lẽ, âm thầm tha thứ cho những kẻ đã đẩy anh vào cuộc sống “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, ai có trải qua mới thấu hiểu.
Ngay sau ngày mãn hạn tù vào năm 2001, anh lại lao vào chuyên môn chế tạo máy như chưa từng có cuộc bể dâu. Anh phụ trách giảng dạy 5 giáo trình quan trọng là Điều khiển tự Động, Hệ thống thủy lực, Bơm Van, Tuabin , Động cơ đốt trong. Đặc biệt, với môn Giàn giáo công nghiệp, anh không chỉ là giảng viên duy nhất của Việt nam từ 2006 đến nay, mà còn là giảng viên duy nhất về môn này ở một số nước Đông Nam Á khác. Hàng mấy chục ngàn công nhân tay nghề cao Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã được anh trực tiếp đào tạo. Ở Việt Nam nói đến giàn giáo công nghiệp, không ai không biết tên anh.
Hôm tôi xuống Vũng Tàu, bận lên lớp, không đón tôi được. Anh cử một học trò cũ của anh, bạn học đại học với tôi ra bến xe đón, đưa về nhà hàng “quý tộc” chờ anh. Dạy xong, anh đến. Vẫn phong thái “soái ca”, anh ôm tôi vào lòng như ngày nào. Bên anh tôi luôn thấy mình bé nhỏ, ngờ nghệch và kém cỏi.
Tự tay lái xe, đưa tôi ra bến xe trên chiếc ô tô sang trọng. Trên xe, anh tâm sự: người Nghệ mình luôn trọng danh dự. Anh không mong Chính phủ bồi thường oan sai cho anh như Tòa Án Quốc Tế đã làm với Trịnh Vĩnh Bình. Nhưng anh cần, cần lắm một lời xin lỗi, một lần minh oan công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đau khổ, cay đắng nhất đối với anh lâu nay là bạn bè, học trò và bà con Diễn Châu, quê anh vẫn nghĩ anh là một tên tội phạm. Rồi đây thế hệ con cháu anh có thể ngẩng cao đầu trước thế hệ con cháu bạn bè và các em như anh ngày nào không?
Tôi đã về hưu. Tôi không thể giúp được gì cho anh. Nhưng tôi tin vào luật nhân quả, tôi tin sẽ có người thay tôi trả lại danh dự cho anh, một ông đồ “gàn “ xứ Nghệ. Chia tay, mắt ngấn lệ, anh nhắc lại bài thơ đã đọc trong tiệc rươu, như thông điệp mang tên Tạ Quang Luyện với quê hương, đất nước. Đó là những vần thơ anh viết về “Lèn Hai Vai Diễn Châu”, đang lưu trên trang Web. VanChuongViet:
“Hai Vai Thục Phán nợ đất trời
Mộ Dạ nước mắt Mỵ Châu rơi
Nỏ thần Cao Lỗ hồn Hoan Diễn
Thảng thốt con đường lông ngỗng rơi”
Phú Đức Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]