K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

29 tháng 12, 2016

CHUẨN BỊ TẾT NGUYÊN ĐÁN XƯA…

TRẦN MINH HẢI - K6I

Sang tháng Chạp ta, viết vài dòng ký ức xưa nhá. Chư vị có hay nhớ về các tết Nguyên đán xưa không? Chứ tôi nhớ lắm, càng già càng nhớ thế mới kỳ.
Khẩu hiệu “Thi đua cấy xong trước Tết” viết bằng gạch non giăng đầy tường nhà sát đường đi ngõ xóm. Các buổi tối đội thiếu niên xếp hàng ngũ đi đủ hết các ngõ-trống ếch thì thùng, đồng thanh gào rõ to “Quyết tâm“ 3 lần, sau tiếng hô khẩu hiệu của đội trưởng. Rét thâm da nổi gai ốc, tím tái môi các bà các chị đi cấy về muộn là sà vào bếp rơm. Nhớ ngày 24 cuốc bộ đường cái dưới- ven mương máng Hòa mục (nơi đây 12/6/1966 chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi đầu tiên trên bầu trời Hà nội ta, rớt sau chùa Thông) tới phiên chợ Mọc (ở gần Đình có tổ làm bún xáo đổi gạo cho bà con), 27 tháng chạp đi đường đìa lơ xuyên cuối làng tới phiên chợ Cót (giữa làng) cả lũ đi xem chợ là chính, chợ quê toàn là mặt hàng nông sản gạo, rau, hoa quả, mật, mía, gà qué, lá dong gói bánh chưng. Quà là các mẹt kẹo bột và âu đất nung chứa kẹo mạch nha, bàn kẹo kéo bu đầy trẻ con (rút que thăm chẵn lẻ lấy truyện tranh). Quầy tranh tết bày truyện tranh Kim đồng và báo tết-cầm đọc lướt-nhòm cho đỡ thèm thuồng,  chứ tiền đâu có ra mà mua.
Chúng tôi hồi ấy mua được bộ Tam cúc thật 3 hào+cái còi sắt sơn đỏ chóe 5 xu+viên bi ve thủy tinh có hoa khế ở lõi giá 1 hào, còi để thổi toe toe dọc đường trở về là hạnh phúc nhất trần đời! Trẻ quê thích tới bác Meng (đầu cầu Cót) xếp hàng cắt tóc, nghe dàn đồng ca của lũ chim cảnh đua nhau hót lảnh lót, đàn cá vàng thong thả bơi trong hộp kính, cái máy hát quay tay kim mòn rè rè ca cải lương… Hi hi sao mà thú vị thế không biết!. Sau này là ông Nam tẹt mũi quán giữa 2 cây muỗm cổ thụ ven sông Tô lịch lối rẽ qua cầu Đỏ xưa sang đường Láng (tay này chuyên tán bậy). HTX tổ chức tát 3 ao Phe, Hào, ao các Cụ: chia cá cho xã viên vào đận 26, 27 tháng chạp ta: Tiếng máy bơm hút nước phình phịch, quanh bờ ao đông đặc trẻ con chờ hôi cá, nhớ ghim vào óc chỗ cá quẫy để mà ào xuống trước tiên, không thì có thằng nó vớ được -còn mình bị hụt sẽ tức vằn mắt ra!.Sau đó là vất vả quét vôi tất cả các gốc cây, dọn vườn đốt lá khô rụng, mửa mật chẻ các gốc tre. Các ao chật ních người lau rửa lá dong, mang về buộc vào cột nhà, lau chùi ban thờ, lấy tro trấu đánh bóng đỉnh đồng cùng là các đồ tế khí gia bảo.. Xóm giềng ý ới là vác bìa phiếu HTX đi mua hàng tết tại Điếm, chờ gạch sổ ô phiếu lần lượt từng thứ: Bánh pháo tép, nước mắm, dầu hỏa, xà phòng, mứt, dúm mỳ chính, kẹo thuốc lá bao bạc, thuốc lào, gói chè 3 hào.Về sau đạp xe vào Bình đà mua phụ liệu về làm pháo-có người đã mất tay vì quấn pháo rồi). Ngày 28 chạp ra xem thanh niên dựng cây nêu và đóng giá đu quay tại mảnh ruộng trước ao cửa Đình chơi 5 ngày tết. Ngày 29 tháng chạp có thịt lợn đội SX (mấy nhà chung 1 chú ỷ), bọn tôi cứ hay loanh quanh đấy cả buổi, khói rơm cay xè mắt, tiếng lợn eng éc khi bị chọc tiết, tiếng băm chặt xương côm cốp, tiếng sừn sựt pha tảng thịt,tiếng thịt phịch rơi vào nong nia lát lá chuối tươi, tiếng nói cười xen lẫn tiếng pháo tép nổ đì đẹt.. Cả lũ nuốt nước bọt nhìn họ vớt từ chảo lớn ra dải lòng non, khúc dồi chín, đầu lợn nhe hàm răng trắng nhởn , miếng gan, miếng phổi, quả thận quả cật.. rải ra chiếc nong lớn cho nguội -rồi sau mới chia phần. Bày hàng la liệt bát to chờ chia lấy tiết hãm và hàng xoong nồi chia nước xuýt rón rén bưng về nhà trước đã.
Bố tôi thư thả làm món tiết canh, tỷ mỷ nhặt rau thơm ngâm nước muối. Thời ấy đói kém lắm, làm gì có mỳ chính - nước xuýt mang về được pha thêm nước, đun sôi dành 3 ngày tết. Thịt lấy về thì mới gói được bánh chưng mặn! Gạo đỗ xanh, nhân mật, lá dong cùng lạt giang tước mỏng buộc, nùn rơm bện nắp nồi, đống gộc tre và củi đã sẵn sàng bên ba ông đầu rau xếp bằng gạch chắc từ lâu! Miếng này để cho rán mỡ, xương đây chặt ninh măng, phần này thì nấu ăn ngay. Mấy lạng sống gáy lợn được thái con chỉ ngay để làm trạo - đặc sản làng Giàn, được bóp với gạo rang cháy xay thành bột, với nước cốt quả chanh và tý muối, lát ớt chín đỏ +nắm lá sung non.. Nhà nhiều khẩu thì giã giò bùm bụp, nhà nghèo thịt con gà nấu đông. Tiếng mỡ rán xèo xèo từ các nhà, bốc mùi thơm ngậy lâu lắm rồi mới thấy (ngày xưa làm gì có thịt thà, cua ốc tôm tép là chính). Đây đó có người vác dăm cây mía đẹp về dưng cây nêu ban thờ. Đến thời tôi còn chứng kiến vẽ cung tên bằng vôi, dựng cây Nêu ở 2 sân Đình và Mảng hài. Nhà khá giả ra hàng Lược mua cây quýt cảnh về chơi, hình như nhà nào cũng mua có cành đào nhỏ+hoa quanh vườn hái lên cắm ban thờ...Vác chai đi cuối làng mua cho bố nửa lít rượu nếp.  Chao ơi, nhớ đời khi bố chia cho 2 thìa tiết canh nhỏ - ăn sao cứ ngọt thỉu đi, cái sần sật của miếng sụn, cái đăng đắng của cọng rau thơm húng Láng. bữa cơm ý có thêm chút thịt thà, nước canh xuýt ngon mà hẳn ra, xoa bụng phưỡn no căng rốn !
Tôi phải mất mấy lần đến nhà người (mà bố mẹ tôi nhờ xông đất đầu năm mới) để họ nhớ giờ tốt mà tới.(Đến giờ nghiệm ra người xông đất năm mới cho nhà mình hệ trọng cho cả năm sau) Thích nhất là chầu chực đợi mẹ tôi quấy xong mẻ chè bà cốt, hay là món chè đậu xanh đổ ra mẹt, cả lũ chia nhau gặm 2 cái đũa cả còn “ba via “. Chờ bà thím giã xong mẻ chè lam, rồi véo cho nếm mẩu bánh còn âm ấm: vị ngọt sắc của mật đường, cay cay của nước cốt gừng, cái đậm đà của bột nếp thơm thơm được rang chín, thi thoảng cắn phải miếng lạc rang ron ròn. Sáng 30 tết hì hụi làm thịt cặp gà trống+mái, đồ chõ xôi gấc cúng Giao thừa,nhà cửa vườn tược sạch sẽ tinh tươm...đến sẩm tối mọi người đều lử lả vì dọn dẹp và chuẩn bi cỗ bàn lễ Giao thừa. 
Năm 1979 làng ta mới có điện. Các năm trước đó chỉ có loa truyền thanh của TP phát có giờ sáng-trưa-tối (phục vụ báo đông máy bay Mỹ tới là bất kể giờ giấc), ăn nước giếng cổ (đầu làng, chùa) sau HTX đào thêm các giếng xóm Trại, Chùa, Trại chăn nuôi. Ban tối thắp đèn dầu hỏa để chẻ tăm và trẻ mỏ học hành.. đêm khuya còn nghe văng vẳng tiếng PTV ga Hàng cỏ báo tàu về, tàu đi. Hai bến tàu điện Cầu  giấy, Ngã Tư Sở đều cách làng gần 3km, Đi bắt cua đóng xóc bán 3 hào/chục cua, mẻ ốc vặn, mớ tôm kéo te, mớ cá kéo vó ở các mương tưới tiêu - mang đi bán qua đường Láng, có hơn 2km mà sao thấy xa xôi quá thể… Chiều 30 tết, đi gửi lễ nhà thờ trưởng họ, bên đằng ngoại, và phải gánh đổ đầy các chum vại chứa nước lấy lộc. Sẩm tối lũ trẻ à à chạy theo đèn Măng sông từ nhà ông hai Thao ra Đình xem biểu diễn văn nghệ Tuồng chèo cải lương với các diễn viên; hai Thao, cả Thung, vợ ông Triệu, Lan tại, Mạch...21h về  rồi thì đun tiếp nồi bánh chưng (xưa phải luộc đủ12h liền) tranh thủ tắm nước nóng lấy từ chậu đè nồi có thêm tý lá thơm, suýt xoa vì rét,  mi mắt nặng trĩu vẫn cố giương to đợi giờ vớt bánh, tiếng nước sôi ùng ục tràn ra gặp lưỡi lửa kêu sèo sèo, để chờ đón bánh chưng tép của mình. Khói bếp cay sè cả hai mắt, pháo tép lũ trẻ con hàng xóm nhót nhót lại nổ giật mình. Đầu tiên là dàn âm thanh ùng ục rền, thi thoảng điểm tiếng nổ rõ to từ thành phố vọng về.. Sau đó là tiếng pháo nổ rõ to, rõ gần của thôn bên, rồi là pháo của hàng xóm nổ chát chúa.. loa truyền thanh nổi nhạc hiệu… nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết. Ấy là đến phút giao thừa thiêng liêng!Rồi thì là mà ngủ thiếp đi lúc nào chả rõ !Mấy tối tết hay ra bãi Khương thượng, Cầu giấy xem phim hay-nhờ rủng rỉnh tiền mừng tuổi. Được nghỉ học (chả phải hoáng hoàng dậy tới trường lớp). Ngày thường còn bận xếp và cưa nứa, chẻ que tăm kem và chân xát tưa...
Mỗi năm trôi qua đi thì mỗi năm sẽ lại có những cảm xúc khác nhau.. khó tả hết lắm. Xúng xính trong bộ quần áo mới may bằng vải xanh chéo -chờ mãi chú hai Phan, bác Tịch, anh cả Trá, bác Bùi (thợ may làng) mới cắt xong lúc chiều. Cung kính đứng sau lưng bố mẹ lễ vái ban thờ Gia tiên, pha ấm chè ngon mời bố mẹ. Rồi thì háo hức chờ mong bố mừng tuổi 1, 2 hào, rón rén nhận cái kẹo mẹ chia phần, chui vào chăn ấm ngủ thiếp đi. Đài hết giờ phát thanh - đêm tĩnh lặng, nhà nhà chỉ có mùi hương thơm và thấp thoáng ánh đèn dầu le lói trên ban thờ.. Có lẽ vui nhất là ở các ngày áp tết, dù phải tất tả bận rộn với đủ thứ việc! Chợt nhớ câu thơ cụ Vũ đình Liên “… Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”? Tập tục cả nhà đi chúc Tết đầu năm mới thưa thớt dần-chả có không khí như xưa kia. Khi cái tất bật náo nức chuẩn bị đón tết như ngày xưa đã không còn nhiều ở đâu đó ngày nay. Ngày xưa, các bác ở thành phố thì không dám nói làm gì, còn chư vị ta ở nông thôn thì chuẩn bị đón tết Nguyên đán-có giống như tôi đã kể không đấy?

Thời buổi này cái gì cũng có sẵn, chỉ thiếu tiền chi. Mất một hai buổi dạo 2 cái chợ ở làng, ra siêu thị BigC buổi tối.. là nhà nhà thôn tôi có đủ các thứ cho 1 cái tết. Cầu kỳ thì phóng xe đi Nhật tân chọn mua cành đào, ít tiền thì tản bộ ra các đường xem các loại quýt, đào, hoa, cây cảnh bày tràn vỉa hè đường Lê văn Lương, 18h ngày 30 tết nhởn cái: hoặc là mua được rẻ như cho, hoặc là lắc đầu khi giá cả vọt thăng thiên. Đắt rẻ tưng năm do giời định ra cả đấy, thực lòng không khí tết xưa đã phai nhạt dần theo thời gian. Chỉ còn đọng lại trong ký ức của người cao tuổi, viết đôi dòng trình ra.                

1 nhận xét:

  1. Bộ nhớ mấy gigabye mà nhớ được nhiều thế?
    Có lẽ mình cũng phải luyện dần, trò chuyện với bạn bè hàng xóm ở quê sẽ nhớ dần ra, nhiều kỉ niệm mà chỉ có thời ta, chứ thời nay lớp trẻ con cháu đâu còn!

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]