K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

6 tháng 7, 2016

THIỂN NGHĨ

Trần Minh Hải K6I

         Vừa rồi thăm Trường xưa, lang thang những nơi 46 năm tôi đã ở và 37 năm đã rời xa, tràn bao cảm xúc. Cảnh vật thay đổi nhiều quá, cảnh cũ ấn tượng trong óc bao lâu nay tràn về ào ạt-so sánh định vị chỉ là tương đối về các căn nhà+ lớp học gianh tre nứa lá K6 ĐHCĐ xưa kia. Ai nhớ đúng –ai ang áng cũng là tốt rồi, còn nâng niu chốn xưa+kỷ niệm cũ là quý hóa quá rồi !. Ở đó : Chợt nhớ ra những người đã mất, bật ra các tên đồng môn xa tám hoánh, chả bao giờ vác mặt gặp anh em ta.  
         Những tên sống nhăn răng tới giờ, hệt nhau ở mái tóc bạc (bạc ít hay nhiều) bộ nhá đã đến hồi… vơi đi cái sự gắp rót. Nhìn nhau trên Phây- Bờ lốc ảo thấy Hoành tráng và kháu lão lắm. Đến lạ : cái lúc chờ nhau tại điểm hẹn, lúc trong ô tô đi và về, khi ở hội trường họp khóa-tự nhiên thấy mình trẻ lại thời SV xa xôi, ở trong không khí của ngày xưa, ăn nói là bỗ bã, vỗ vai thì bồm bộp, xiết tay là đau nhói, câu réo rắt “Ối, à”,  cái cười “Ha ha, hi hi, khì khì” văng tung tóe. Cơ man đủ chuyện… Bước khỏi không gian đó, rẽ vào quán nước bắn thuốc tâm tình với tên cùng đi. Lại lập tức về đời thường ngay, lan man đủ: Giày dép còn có số, huống chi con người ta (ái ngại cho bạn bệnh tật, thương thằng còn nặng gánh vợ con, khen tên may mắn thành đạt giàu có...) mỗi thằng mỗi phận. Hình như về già giống nhau: thích khen-sửng cồ khi bị chê bai-cái gì cũng cho là mình đúng…tốt nhất nên là nhường nhịn. Oai gì, hơn gì với đồng môn khi giờ già cả tất, bằng nhau tuốt= có sổ lương hưu, cùng uống thuốc đều hơn ăn cơm. Giời cho thằng nào thọ hơn mới là quan trọng và ‘hồi sau sẽ rõ”. Ngay giờ đây ối tên muốn vi vu đó đây “dối già” và “tiền không phải là vấn đề”, ấy mà phải “bó tay.com” do ngọc thể không chịu đựng được đường dài- nào có đâu xa ngái.
Lứa sau khóa ta hay hò hét “Tình Cơ điện như lửa cháy”, tôi thấy ấm lòng khi các CCB rủ rỉ chuyện về thăm các gia đình khi xưa đóng quân, rủ nhau thăm gia đình liệt sỹ đồng môn (Khóa 6 có 160 SV, đi lính 49-hy sinh 11) nhân ngày giỗ tết…Đàn anh quan chức khóa trước nhận con cháu bạn học và đàn em khóa sau vào nơi mình làm việc, thăm hỏi hiếu hỷ ốm đau chu đáo…những việc này có đâu đăng nhiều trên mạng ?! Có thể không đều giao lưu theo lớp, thì hội khóa càng thân chứ sao đâu. Với lại K6 -có đông đảo gì cho cam ?!
Nhìn áp phích trường treo đầy lối đi, giật mình khi đã thấy “Chào tân sinh viên K51 tựu trường”-nghĩa là Trường đã qua nửa thế kỷ, 45 năm trước ta đã như các em bây giờ. Tôi truyện trò với SV k46, K51 vui lắm, thấy mình trẻ lại, dù chúng nó “thưa bác, thưa chú” lễ phép lắm-thấy lứa SV sau hiểu biết+ nhanh nhẹn+ diện đẹp hơn+ không đói khát như bọn ta nữa ?!, đứa nào đứa nấy máy ảnh xịn giơ lên chụp nhoay nhoáy, vi tính ngoại ngữ sành điệu. Áo dài thướt tha, diện như đi hội hè, đám cưới, dự sinh nhật bạn. Trạnh nhớ dân điện xếp hàng- mượn truyền tay nhau thước Lô ga rít làm bài tập nhớn bé, dân cơ gò lưng vót bút chì+ miệt mài vẽ tay (thầy quạc cho vài nét là hỳ hụi vẽ lại) ốm ho…của Ngày xưa ! Trao đổi với các tên CSV Cơ điện có máu mặt là ông chủ, là quan chức to nhỏ trong xã hội này . Họ đều chung nhận định: Thấy rằng các lứa đầu tiên ra trường đều làm được việc ngay (dù hai năm sau mới được trường phát bằng tốt nghiệp nhé), “ga ni đăng” nhiều thứ, thợ bậc cao ở các xí nghiệp thử tài, đánh đố Kỹ sư mới ra trường-quân ta đều “Chuẩn không cần Chỉnh” giáo trình hồi ấy thiết thực-dù sách giáo khoa và lượng kiến thức thầy dạy ít hơn bây giờ nhiều. Kính trình các bác nhận định họ nói đúng hay sai nhé ?!. Cơ chế ngày xưa bao cấp khốn khổ nhưng có tình người… khác xa ngày nay ?, anh em ta vất vả thích ứng- tự lực tự cường vượt qua tuốt luốt, để rồi có ngày nhởn vui hôm nay. Nghĩ thế nên lòng cứ thơi thới, đôi khi còn khoai khoái-khỉ thế !
Cả nghĩ khi nhìn thấy hàng chục cái máy ảnh toanh toách chụp choẹt…lại quý các tấm hình đen trắng thuở xưa, hiếm ảnh dăm ba người bạn, chỉ có ảnh tập thể 4 nhân 6 cm là kịch bảng. Mỗi thằng đi lính đều phải ra cầu Ca (Phú bình) làm một pô gửi về gia đình và người thân…phòng khi đi B ta “toạch”, đang trẻ trai-nở vai-khuôn mặt đẹp, trai tơ đầy phong độ gái mê-thì hiếm ảnh, có nhẽ chụp đấy, rồi ra thất lạc-đau hơn hoạn bây giờ ?!. Giờ thì ảnh mầu nhá, tóe loe ảnh, ở mọi nơi mọi lúc, ở các góc độ. Còn video nữa…Ngồi nhà nhìn thấy mặt nhau, chát chít cứ như bù cho cái thời chỉ lo ăn no mặc đủ, không có-vui phết. Ơn giời ở thời đại tân kỳ này, các khóa đều có Blog-cho thần dân Cơ điện thỏa chí viết bài, đăng ảnh như Nhật báo, trao đổi kỷ niệm xưa và văn thơ lai láng. Xa về nơi ăn chốn ở- nhưng lại gần+ nhanh chóng biết tin nhau-thích thật. Thật lòng cảm ơn các nhiếp ảnh gia Cơ điện, các văn sỹ Cơ điện, các Phượt thủ cho chúng mình món ăn tinh thần lúc dối già. Giờ lại còn cả Phây búc ra nữa-nhòm thấy ham-khỉ thế !

Chờ đợi trận bóng hay, vẩn vơ nghĩ, mạnh dạn viết “thiển nghĩ”, trình chư vị nhòm chơi ợ !

2 nhận xét:

  1. Thiển nghĩ mà cũng dài ra phết!
    Thiển nghĩ mà sâu sắc ra trò!
    Nếu mà cả nghĩ thì là một bộ sách chứ chả chơi!
    Hì, hì ....

    Trả lờiXóa
  2. Em rất thích cách viết của bác Trần Minh Hải, những cảm xúc sâu sắc mà như nửa thực nửa hư cứ như lấy ở trong túi ra vậy, đan xen giữa quá khứ, hiện tại và một thoáng tương lai làm cho người đọc bị lôi cuốn không dứt ra được, đành phải mải mê đi theo đến hết câu chuyện.
    Bác chít nói đúng đấy, nếu biên tập lại thì bác Hải nhà mình cũng có một bộ sách đồ sộ không kém gì bác Luân đen đâu, có thể xếp vào "Di sản văn hóa phi vật thể cơ điện".
    Cảm ơn bác về tản văn trên!

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]