K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

4 tháng 7, 2016

ÔI TIẾNG VIỆT NHƯ BÙN VÀ NHƯ LỤA

Cám ơn nhà Thơ Hoàng Liên Sơn đã nêu vấn đề về sự đúng/sai, hay/dở của câu thơ "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa" trong bài thơ "Tiếng Việt" của nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ, mà một đoạn trích trong đó được Bộ Giáo dục sử dụng trong một đề thi môn Văn. Trước đó tôi có đọc về điều này trên fb nhà báo, nhà viết kịch Nguyễn Quang Vinh với lời lẽ rất gay gắt giành cho BGD và người ra đề, tuy nhiên tôi cũng không để tâm lắm như nhiều câu chuyện đao to búa lớn của nhà báo này, vốn nổi tiếng và tai tiếng từ thời tiếng súng Đoàn Văn Vươn.

Qua những bàn luận trên fb nhà thơ HLS, tôi mới tìm đọc bài thơ của LQV. Trước đó, tôi có đọc một số bài thơ của ông trong tập "Mây trắng của đời tôi" được giới thiệu trên báo như bài "Vườn trong phố" hay các bài thơ tặng 2 người vợ của nhà thơ là diễn viên Tố Uyên và nhà thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ này thì tôi chưa đọc, thậm chí chưa nghe đến dù đã được giới thiệu trong chương trình phổ thông. Cũng phải thôi, tôi tốt nghiệp PTTH năm 1974 còn bài thơ này ra đời khoảng năm 1978.
Tôi không quan tâm đến chuyện đúng sai về phương diện văn bản học, báo chí đua tin về điều này còn trái ngược nhau về chuyện ai trong số LQV và Phạm Tiến Duật mới là người so sánh tiếng Việt như bùn (Tất nhiên với hình ảnh đăng kèm là bút tích của nhà thơ thì mọi chuyện đã rõ). Tôi chỉ suy nghĩ về câu thơ như trích dẫn của đề thi " ôi tiếng Việt như bùn, như lụa" có phản cảm, đen tối như nhà báo NQV phải la làng lên không, anh muốn BGD phải xin lỗi nhà thơ và độc giả và người ra đề phải cúi đầu nhận tội. Nhiều bạn đọc khác trong đó có nhiều nhà thơ, nhà giáo, có cả các vị TS, thạc sỹ văn chương cũng chê chữ "bùn" kể cả khi đã biết đó là do chính tác giả đã viết.
Dù chưa đọc hết bài thơ vì nó khá dài, trái với cảm nhận của nhiều người, tôi không cảm thấy từ bùn có vấn đề gì, chăng có gì phản cảm và đen tối. Tôi có bàn luận trên fb của nhà thơ HLS rằng, sở dĩ mọi người nghĩ nó phản cảm vì mặc định trong đầu bùn là thứ hôi tanh (gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn). Thực ra về bản chất bùn chỉ là đất ngâm dưới nước, bùn có hôi tanh hay không là do nước. Bùn sông Tô Lịch, rạch Thị nghè thì chắc cắn là hôi tanh nhưng bùn sông Hồng, sông Hậu... thì khó mà hôi tanh được. Thời của LQV chua có tắm bùn, chưa có dịch vụ du lịch bắt cá trong bùn ớ các cù lao đồng bằng Nam bộ, có thể không biết món cá lóc bọc trong bùn nướng trui thì LQV vẫn gần gũi với bùn đất nông thôn miền Bắc thời chưa có ô nhiễm, thời người nông dân có thể dùng nón múc nước sông, ngòi lên uống cho đỡ khát.
Về mặt hình ảnh, ngôn ngữ thơ, tôi cũng thích từ bùn của LQV hơn từ đất cày của PTD dù về bản chất thì chúng chỉ là một. Nhiều người ủng hộ LQV thì nói từ bùn nó mượt mà, hợp với từ lụa hơn là đất cày. Tôi không nghĩ thế, hình ảnh so sánh với bùn ở đây tôi nghĩ tác giả muốn nói đến thuở khai thiên lập địa, còn chua có chữ viết "chưa chũ viết đã vẹn tròn tiếng nói", bùn và lụa vừa có hàm ý gơi nhớ thời trồng lúa và dệt vải, hai kỹ nghệ chính của nền văn minh lúa nước, vừa thể hiện sự đa dạng của tiếng Việt, có tiếng nói que mùa dân dã như bùn, như đất, có thanh cao bóng bẩy như tơ lụa, như ngà.
Tôi đọc lại đề văn, đọc cả đáp án của 2 thạc sỹ GV Trường PTTH Việt Úc, tôi thấy có chút gợn, phải chăng mọi sự bất đầu từ đây.
Theo đề thi thì câu 1 là hãy tìm những từ ngữ nói lên tính mượt mà tinh tế trong khổ thơ 4 câu:
Chua chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ
Tôi thì nghĩ, mặc dù khổ thơ có so sánh với những thứ mềm mại như tơ nhưng khổ thơ này không chủ ý nhấn mạnh về sự mượt mà tinh tế. Vì câu hỏi này và đáp án vủa các cô giáo ( vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ, tiếng Việt như bùn và như lụa, óng tre ngà và mềm mại như tơ) khiến nhiều người thấy việc dùng từ bùn là phản cảm khi muốn nói về sự tinh tế, mượt mà. Thực ra LQV muốn nói gì qua khổ thơ này thì chỉ có tác giả biết chính xác, vì vậy mặc định tác giả nói về sự mượt mà tinh tế khiến nhiều người thay vì phản ứng với đề thi lại đi phản ứng với tác giả.

5 khổ thơ trích dẫn, 20 câu thơ từ " chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói" đến "thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời" với bao hình ảnh so sanh, với bao cung bậc cảm xúc mà đáp án cho câu 3 "nội dung chính của đoạn trích" vẫn chỉ là "đoạn trích thể hiện sự mượt mà tinh tế của tiếng Việt" thì tôi thấy khả năng cảm thụ của các cô giáo thạc sỹ văn chương cũng mượt mà tinh tế thật.
Bình loạn đoạn trích trên hay cả bài thơ đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian nên tôi xin miễn bàn. Tôi chỉ nói cảm nhận ngắn gọn của tôi là LQV thông qua bài thơ rất dài về tiếng Việt mà ông ví mình như chim còn tiếng Việt như rừng, ngoài việc ca ngợi tiếng Việt là ngôn ngữ của lao động, của yêu thương ông còn xót xa cho những người nói tiếng Việt phả tha hương, tiếng Việt của hai chiến tuyến, tiếng Việt xót xa tình...
Và tôi có cảm giác, LQV viết bài này sau khi nghe bài " Tình Ca" của Phạm Duy, người bên kia chiến tuyến và lúc đó cũng là kẻ tha hương "Tôi yêu tiếng nước tôi, yêu từ khi mới ra đời", sự đồng cảm của những trái tim nặng lòng với tiếng Việt, người Việt, đất Việt.
Tôi ngồi còng lưng gõ bài này cũng vì những điều như vậy

1 nhận xét:

  1. Nhuần nhuyễn như bùn, không có gì trên đời này nhuần nhuyễn hơn bùn. Chỉ có Tiếng Việt mới nhuần nhuyễn được như bùn và mềm như lụa.
    Cám ơn Trịnh Công Vương!

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]