K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

21 tháng 1, 2013

RÉT CƠ ĐIỆN

Nguyễn Trọng Luân - K5

      Suốt 5 năm làm học trò trên xứ Thái được trưởng thành trong đói và rét. Đói thì rõ rồi, còn đâu đói bằng sinh viên. Còn rét, tôi không gọi là rét Thái Nguyên vì nó hiển nhiên với cả bàn dân thiên hạ. Mà tôi gọi rét Cơ Điện. Cơ Điện rét lắm .
     Một vùng đồi trọc lúp xúp bạch đàn non và mua sim, mà bạch đàn non ngẳng nghiu lá bé thưa huểnh hoàng, sim mua lè tè làm sao chắn gió bấc. Vì thế gió bấc vi vu tràn thoải mái vào những ngôi nhà tranh của học trò. Gió bấc nhiều đến nỗi cỏ trên vùng trường Cơ Điện lúc nào cũng úa úa màu vàng xỉn. Lớp học thì không che kín. Trò ngồi dưới hai đùi rung lộn lên cho đỡ tê đỡ cóng. Con gái càng rung mãnh liệt hơn bởi tụi nó quần lụa phấp phới đâu có quần tây như bây giờ. Khiếp, gió Thái nguyên thoải mái lùa vào các cặp chân dài chân ngắn nữ sinh trường tôi. Trên bảng thầy đứng giảng vẻ là bình thản nhưng thỉnh thoảng thầy nói nhịu. Rõ ra là thấy thầy cũng rét lắm.
Trang phục chống rét thời sinh viên Cơ điện

      Buổi tối rét càng thậm tệ. Hát váng lên mà vẫn thấy rét. Càng rét càng đói. Càng đói thì càng phải hát cho nó quên đi. Chừng như không quên được nên phòng này hát phòng bên cạnh cũng hát. Con đường dốc qua đồi ra T-ba Nhất thỉnh thoảng có những cái bóng gật gù chùm cả chăn đi như ma trơi ra quán. Ngoài quán Thủy Mù, quán ông già, quán Thê học trò ngồi bó gối cả góc bếp gốc cây khói thuốc bay như sương. Rét càng đậm thì chè uống càng ngon. Càng uống càng xót ruột mà vẫn cứ uống. Dạo ấy bít tất đâu có rẻ như bây giờ thằng nào giỏi có đến hai đôi là oách lắm. Cứ mượn lẫn của nhau đen nhẻm hôi rình và đầy những cát bụi. Suốt một mùa rét tôi chỉ một lần đi tắm. Ấy là cuộc hành quân qua ga Lưu Xá sang Gang thép tắm nhờ nước lò cao. Quần áo ít, ăn uống ít, chả lấy đâu ra nhiều prô-tit mà lo hôi hám. Phải công nhận cái bẩn của người nghèo sạch hơn rất nhiều cái bẩn của người ăn nhiều chất bổ. Mùa đông nhìn đống lửa trong đêm đáng yêu thế. Góc sân đá bóng, cả ở trên đồi những đống lửa của mấy thằng kiếm được ít mì sợi đang vừa ngồi sưởi vừa đợi mì chín. Những lúc ấy chuyện như ngô rang. Những thằng đứng ở ban công ngó ra những đống lửa ngoài xa mà thèm.
      Rét trong lớp, rét trong phòng kí túc, …nhưng cái rét ở nhà ăn mới vui. Đứng ăn không thể chịu được. Vừa nhanh đói vừa lạnh lùng, lại run rẩy trước mặt bạn nữ thì chán quá. Ăn ngồi tất. Bàn ăn mặt đá chả cần, chúng tôi cứ thu lu vào các góc lê cái soong sèn sẹt hướng này qua hướng khác. Cái chảo nước sôi nghìn nghịt những người, ăn xong một bát nước sôi là tươm vừa rửa bát vừa uống rồi co ro về phòng.
      Mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ những chuyến tàu đêm mùa đông lên Thái. Nó cứ xin xỉn màu mắm tôm, màu của gió bấc. Nhớ những đêm thực tập ngoài xưởng co ro về khuya, nhớ những giấc ngủ úp thìa vào nhau cho đỡ lạnh, nhớ những cái áo bông mặc chung nhau, nhớ những cái đầu bù dù suốt mùa đông không cắt tóc và nhớ những cặp má ửng đỏ của các bạn gái lúc đông về.
        Tôi nhớ rét Cơ Điện

9 nhận xét:

  1. Nữ K8MA
    Phải có lửa trong tim mới viết về rét hay đến thế. Mong được xem tiếp về đề tài khác.

    Trả lờiXóa
  2. Trời ơi đọc xong mà lại thấy đang rét như hồi nào vậy.

    Trả lờiXóa
  3. A Luân viết hay và sống động quá, lớp con cháu mình đọc nó bảo" Ông già bốc phét"...vì chúng không thể tưởng tượng nổi SV Cơ điện ngày ấy...đọc bài viêt của Anh, tôi càng thương các cháu học sinh vùng cao ngày nay, chúng cũng đói và rét như chúng ta cách đây hơn 40 năm về trước, chỉ có điều: Đất nước hòa bình lâu rồi, các quan chức người kinh có, người dân tộc có, thế mà vẫn để một số dân đói và rét....

    T.H

    Trả lờiXóa
  4. Nữ K8MA
    Những vùng hẻo lánh ít người lui tới đã đành. Vùng đã từng là khu căn cứ cách mạng, những người dân từng là cơ sở cách mạng, họ đã san sẻ bát cơm, ngô, khoai, sắn... cho những người không phải ruột thịt không biết bây giờ họ đã sống khá chưa hay vẫn còn đói rét? Những người viết về chốn xưa, đã về chốn xưa ấy ít lắm. Con em thành thị về sơ tán thôn quê, họ nhường giường, phòng ở, thậm chí cả lương thực lúc bố mẹ chưa kịp mang đến nhưng thành phố đối với con em họ thế nào? Thuê nhà giá cắt cổ, lúc nào cũng chỉ sợ họ đến làm phiền... ngay chính mình cũng bạc. Mình là dân còn bạc nói gì đến quan chức. Có mấy ai giữ quan hệ với những người đã từng cưu mang con em mình những lúc khó khăn ấy?

    Trả lờiXóa
  5. Anh Luân viết hay, sâu sắc và cảm động quá, thật đúng là thời anh em mình phải hứng chịu những cái rét khủng khiếp như vậy cho nên mới nhớ lâu và trải lòng chia sẻ nhiều đến thế!Bây giờ, những cơn rét khắc nghiệt ấy đang tàn phá hoành hành ở những vùng cao hẻo lánh, nơi mà những em bé đang còn đi chân đất, thiếu ăn thiếu mặc, không biết đến tương lai! Không hiểu sau mấy chục năm nữa, có em bé nào còn nhớ như anh Luân không?

    Trả lờiXóa
  6. K8MA
    Chắc là vẫn có nhưng em ko được hoc chữ, người ta đến vùng sâu vùng xa chỗ có đường để đi, ko ai đến chỗ em. Người có chữ ko đến chỗ em nên nơi em ở tuy ở đất liền nhưng lại giống như ở đảo hoang.Khi thống kê người biết chữ có thể họ đã kết luận đã phổ cập...

    Trả lờiXóa
  7. Các anh chị hãy vào các trang http://maithanhhaiddk.blogspot.com/, http://guihuongchogio.vnweblogs.com/ và nhiều trang khác nữa để hiểu thêm nỗi khổ của các em bé dân tộc ở vùng cao, nơi không có đường đi và người có chữ cũng chưa đến nhưng lại được sưởi ấm bằng tình người!

    Trả lờiXóa
  8. K8MA
    Không vào trang đó mọi người cũng hình dung ra. Chỗ mình ở vùng biển không biết cuộc sống của những người dân chài nay đã khá lên nhiều chua? Dạo trước lúc bố mình còn sống, ông đã ra đó về kể lại, thuyền bé, cặp vợ chồng còn rất trẻ mới ngoài hai mươi đã lốc nhốc 3, 4 đứa con rồi. Bé lân la bò mép thuyền rồi rơi tõm xuống nước, khách hoảng sợ la ầm lên, vợ chồng nhà đó thản nhiên:" Kệ nó, lát nữa lại lên ngay ấy mà!" Khách quay lại đã thấy thằng bé ướt lướt thướt môi tím tái bám mép thuyền trèo lên rồi. Mùa nóng thì cởi truồng, mùa rét lũ con nằm một chỗ. Vợ chồng có câu được con cá nào thì con buôn lại ra mua rẻ, bán lại rât đắt nhũng thứ họ cần mua. Vào đất liền bán cá được giá hơn, mua các thứ rẻ hơn nhưng xa quá...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đề nghị xem lại hướng dẫn cách viết lời bình để chữ Nặc danh không hiện lên làm xấu blog đi một chút!

      Xóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]