Kỷ niệm 40 năm ngày lính tiểu đoàn 1040 đi B(17/8/1972—17/8/2012)
Lính 1040
Trùng phùng ở Hạ long
Ghi chép
(Tiếp theo kỳ trước)
3- Những khúc ca người lính sinh viên.
Dường như hôm nay Từ xúc động, nên hắn nói rất hay, nhiều mà chu đáo. Từ nhắc đến Đào Bá Văn, đang điều trị sau tai biến não, nhiều người trong chúng ta đã đi thăm, ngay trước giờ cũng điện đàm báo tin cho Vãn toét biết; Từ cũng thông báo , bạn Quân ( C1. lý 2 ) bận đi làm hội thẩm tòa án; bạn Thành Vân lính c2, cơ điện, Hoàng văn Nghiên vắng có lý do chính đáng, nhưng lần sau đến phải phạt mỗi người 1 két 333!
Nhớ mình có đem theo 1 chai rượu Black Lào, (cách trước 1 tuần, hay tin có gặp gỡ 40 năm lính, bạn Nguyễn Cát Tường, hắn cũng là lính huấn luyện cùng chúng mình, cùng nhập ngũ 30/5/72, khi đi B, hắn bị ốm nên ở lại đất bắc, giờ hắn là giám đốc nhà máy Cơ khí tỉnh Quảng Ninh, hắn nhờ mình khi hội ngộ, rót mời mỗi anh em 1 ly). Mình rót đầy các ly, rồi cầm một ly đưa lên sân khấu, mời Từ, ý là để Từ chủ động nâng ly khai cuộc.
Lúc này Từ đang nói tới ngày về, vắng bóng ai đó…
Bỗng cửa phòng mở toang, bóng mấy thanh niên vận quân phục Tô châu, bạc phếch, lưng đeo ba lô ùa vào phòng. Một trong toán người đó kêu lên: - Có chúng tao đây, đường xa, xe cộ đông, về muộn tụi mày thông cảm nhé. Mà chúng tao cũng chỉ ghé tý thôi, còn đang phải đi lấy gạo cho đơn vị…
Tất cả hội trường ngả nghiêng. Phải rồi, kia là thằng Thơ, nó là thằng ở lại binh trạm 36, mấy chục năm rồi mà nó vẫn mặc áo rách, phía sau lưng nó hằn rõ miếng vá đen sì. Bên cạnh nó là thằng Nguyễn Tài Năng, thằng này học toán 3, quần áo nó lâm thâm ướt, vài ba con vắt vẫn vắt vẻo cái đầu ngo ngoe, Năng đau bụng hay sao mà cứ thấy lom khom ôm bụng? Cạnh đó là Lương Công Thu và Quyền. Hai thằng ướt sũng, da tái xám, chắc vẫn thường xuyên bị sốt rét? ….
Giọng Từ run run:
- Các bạn ơi, hãy cạn chén rượu này với đồng đội rồi mới đi đâu thì đi. Nhớ chúng mày quá!
Nói rồi, Từ lơ mơ, lảo đảo, chén rượu trên tay nghiêng ngả tưới nhẹ nhàng xuống nền nhà, ánh sáng của nắng ban trưa phản chiếu qua mặt biển hắt vào dòng rượu đang tong tong chảy lóe lên trong mỗi cặp mắt mỗi người, rồi chấp chới lan xa như đốm sáng đom đóm. Thoảng nghe trong thinh không: Đi nhé, chào nhé…
Chợt tôi nhớ những lần trước đây, khi lính 1040 gặp nhau ở Thái nguyên, ở Lạng sơn, ở Hà nội, hay ở bất kỳ vùng miền nào, đều thấy mấy thằng đó ghé thăm, dù chỉ chút ít thôi. Ôi chắc chúng nó vẫn vất vả lắm, thiếu thốn lắm, chắc thiếu nhất là tình cảm bạn bè, tình cảm đồng đội…
Tiếng bật nắp lon bia Ken sì sụp, tiếng cụng ly leng keng rộn rã. Có ai đó nói: Hôm nay đúng nghĩa là uống ở đâu và uống với ai?
Anh Đoàn Văn Huấn cầm mic hô lên: Xin các anh em, cho tôi nói vài lời…
Chúng tôi hướng lên khán đài. Anh Huấn râu e hèm liên tục, chắc đang xúc động. Giọng anh trầm lắng, sâu sắc. Đại ý, nhiều năm qua anh vẫn mong có cuộc gặp gỡ như thế này với anh em lính sinh viên 1040; anh coi những năm tháng đi B sống cùng anh em là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời; anh nói về làng anh, lứa thanh niên như anh đóng góp cho cuộc kháng Mỹ 16 người đi B, nhưng chỉ duy nhất mình anh trở về. Mỗi lần về làng, gặp những gia đình liệt sỹ ấy thương lắm, đến giờ vẫn khó khăn nhiều lắm… nên luôn tâm niệm là mình may mắn được lành lặn trở về, được học hành đầy đủ vậy cần cố gắng sống tốt, đức độ. Rồi anh đọc tặng mọi người hai câu thơ cổ:
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
Dịch thơ :
Say ngoài chiến trận xá chi
Xưa nay chinh chiến mấy khi quay về
(Anh Đoàn văn Huấn hôm nay béo khỏe trẻ trung, râu ria nhẵn nhụi, áo hoa xanh vắt chéo công huân,rất chi là đẹp trai )
Cả khán phòng ồ lên, mọi người tranh nhau chúc rượu anh Huấn. Nhiều người lấy giấy bút đề nghị anh Huấn đọc cho chép lại câu thơ để làm kỷ niệm.
Rồi anh chàng Vũ Khắc Sinh cầm mic. Sinh nói :- Qua cuộc chiến , về rồi tôi vẫn ấm ức; những ngày trong đó , thấy lao động gian khổ quá, Như nô lệ- chữ Sinh dùng ; mà đi chiến trường không được bắn AK tằng tằng thì thấy thế nào ấy , thế là tôi cùng mấy thằng trốn xuống chiến đấu, bị bắt lại, làm kiểm điểm, trấn an tư tưởng….Rồi Sinh khà khà cười, vẫy Tuấn hát chung một bài. Mấy chục năm rồi, hai thằng nó vẫn khỏe giọng vang hào sảng.
Vũ Khắc Sinh và Dương Minh Tuấn đang phiêu
Tuân vịt nói nhỏ với mình:
- Thằng Sinh thật khéo, nó cố kéo thằng Tuấn hát để vợi nỗi buồn! À, nhớ rồi, nghe bạn Sơn nói đầu năm Tuấn có chuyện đầy thương cảm (bà xã mất do bạo bệnh), thương lắm. Tuấn ơi, cố lên vậy nhé.
Tuán Phúc (Phúc hát) cũng đang phiêu nặng |
Rồi giọng ca vàng Tuấn Phúc cũng góp vui với anh em 2 bài. Cái bài đầu là Thanh niên ra tiền tuyến mà Phúc hát tại lễ xuất quân đi B, bài sau làTôi là người thợ lò. Giọng hát điêu luyện, hình ảnh gần gũi, giàu kỷ niệm làm mỗi người sống lại những ngày trẻ trai , tự hào.
Sau Tuấn Phúc hát, không biết do rượu , do không khí trẻ trung vô tư đồng đội, mọi người như không còn là mình nữa. Ai cũng nhảy múa, ai cũng gào lên những bài hát của lính , của Trường sơn.
Bùi Công Ba lớn tiếng:
- Ưu tiên vùng sâu, vùng xa, cho tôi 2 phút.
Bùi Công Ba- Đoàn Xuân Từ |
- theo Ba, động lực là người lính, lính làm được tất cả (Vỗ tay nhiệt liệt). Sau cặp kính cận, Mắt Ba hấp háy, tuyên bố: lời cuối
- Hiện giờ chỉ tiếc có mỗi 3 cô cô gái nên không thể đi lính được nếu có chiến tranh xảy ra! He... he. Hắn trẻ trung đến vậy đấy. Cả hội nâng cốc hô to:
- chúc mừng Ba gái.. Ba gái... Tiếng cười tan vỡ cả phòng, mấy cô bé phục vụ má lúm đồng tiền chúm chím cười theo, rạng rỡ.
- chúc mừng Ba gái.. Ba gái... Tiếng cười tan vỡ cả phòng, mấy cô bé phục vụ má lúm đồng tiền chúm chím cười theo, rạng rỡ.
Hà Thắng Nhân, người đến từ Thái nguyên đón lấy Míc phát biểu. Bạn này trước ở C2, sau làm quan có cỡ của Đại học sư phạm, lại là Phó chủ tịch hội cựu chiến binh 1040 - đơn vị thành viên chính thức của hội CCB tỉnh Thái nguyên, nên phát biểu rất văn hoa, bài bản (Chủ tịch là Trần Cử, dân Cơ điện nhưng lâu nay bác này ốm nên công việc Nhân lo cả)
|
4- Lời cuối.
Ký ức 40 năm ở buổi gặp lại bạn đồng ngũ trôi nhanh qua mấy tiếng đồng hồ. Chúng tôi hát, những bài hát của lính về Trường Sơn, những bài hát về tâm hồn Nga gần gũi, hào hùng; Chúng tôi tâm sự, chúng tôi đọc thơ, nhiều người chưa kịp cướp mic, nhưng đành... Ta phải về thôi xa nhau thôi.
Cánh Thái nguyên phải về cho kịp trưa mai các đồng đội ở trên đó hội ngộ.
Tuấn Phúc, Trác Dũng cũng về Hà nội để chiều mai 17/8 gặp mặt ở Cầu giấy (theo lệnh của hội trưởng Lại duy Quỳ)
Anh Huấn cũng vậy, chị ở nhà một mình.
Tùy về Đông triều, Ba về Hoành bồ...
Vả lại, bão cũng đang sầm sập về đến biển đông rồi. Chúng mình phải chia tay mà lưu luyến quá.
Từ và cả hội QN thân ái tiễn mọi người. Riêng tôi, Từ lớn tiếng:
- Thằng Trác Dũng đi Hà Nội, nhưng mày vẫn là 1040 Quảng Ninh, họp là mày phải về, và phải đóng góp!
- Thằng Trác Dũng đi Hà Nội, nhưng mày vẫn là 1040 Quảng Ninh, họp là mày phải về, và phải đóng góp!
Từ và các bạn QN yêu dấu của Dũng ơi. Mình về chứ, các bạn là phần đời tươi đẹp nhất của mình kia mà. Biết bao kỷ niệm với Tống Châu, với Từ, Tuân ở Cấp 3 Cẩm Phả; với cô nàng Hương, vợ Châu, với Hậu (cô gái hoa khôi năm nào của hóa 9) vợ Tuân; với Thơm, cô vợ dịu dàng đằm thắm của Từ. Rồi vợ chồng Quốc Anh - Hồng Nhung, vừa là bạn đồng ngũ, vừa là hàng xóm nhiều năm, vừa chứng kiến cô con gái yêu của Anh - Trương Tùng Lan lớn lên và ãm giải nhất người đẹp Hạ long... Với Đào Bá Văn, Tiến Hưng, Khải, Thiết, Biên, Quỳnh....
Nhớ nhé, khi nào gặp nhau, nhớ gọi mình.
Mình luôn muốn nói, mình yêu quý các bạn, những chàng trai Quảng ninh phóng khoáng, mạnh mẽ, thủy chung.
Trác Dũng
Khiếp quá lột sạch từng người thế này thì 1040 Hà nội không theo được tr Dũng rồi.Nhưng cũng không thể phủ nhận sự tâm huyết và sâu nặng với đất Mỏ của tác giả.ai cũng vậy thôi nơi gắn bó một phần đời của mình mà,với Thọ :Thái nguyên hay E88 và Quảng trị là nơi cũng vậy.
Trả lờiXóaNhân bài viết của Trác Dũng, mõ blog thấy có một đề tài hay mà chúng ta chưa viết đến. Đó là những mẩu chuyện hay lớn hơn là chân dung của một thành viên K6 chúng ta. Giờ là lúc 96% đã nghỉ hưu nên tôi nghĩ là đã có thời gian để suy ngẫm và hồi tưởng lại những chuyện ngày xưa, đề nghị mọi người tham gia kể những câu chuyện vui, những lỷ niệm nho nhỏ nhưng nhớ lâu của từng người. Tôi tin là chúng ta sẽ có một kho chuyện chứ chẳng ít đâu, đó sẽ là một cái "gối êm" cho ta ngủ ngon hơn đó! Vậy nhé!
Trả lờiXóa