K6 - Một thời Tranh - Nứa Một thời để nhớ

Xin chào và chúc sức khỏe toàn bộ các anh chị, các bạn sinh viên khóa 6 trường Đại học Cơ Điện và mọi người từng trải qua mái trường thân yêu ấy!
Xin cảm ơn mọi đóng góp ý kiến, bài vở, hình ảnh để "Hội K6 Cơ Điện" là nơi thân thiết của mỗi cựu SV K6I - K6MA - K6MB - ... thuở ban đầu 1970!
Blog chào mừng cựu sinh viên các khóa khác nhau của ĐH Cơ Điện vào thăm và cùng xây dựng Hội K6 Cơ Điện thành "sân chơi" chung của chúng ta!
Mời các anh chị và các bạn chưa quen blog nhấn vào đây . Các bạn cũng nên ghi nhớ địa chỉ blog dự phòng: http://k6bc11r.wordpress.comBan biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11R Ban biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11RBan biên tập - K6BC11R -------- Email: k6bc11r@gmail.com

2 tháng 3, 2012

Trăn trở

Nghiêm Xuân Cường
Đội 16 – HTX THắng Lợi - BC11R

       Đà Nẵng giải phóng, tôi chuyển về trạm giao-tế Quân khu, đóng tại khách sạn Bạch Đằng soi mình bên dòng sông Hàn thơ mộng và xinh đẹp. Nếu so với thời sống trên rừng Trường Sơn thì đó đúng là những ngày “hoàng kim” trong cuộc đời Quân giải phóng của tôi.

      Thường xế chiều rỗi rãi, ba chúng tôi: anh Tại - tổ trưởng lái xe người Trung Hòa – Hà nội, Hồ Lê Thanh K6 và tôi lại cùng nhau đi dạo bên bờ sông Hàn lộng gió, rồi ngồi xuống những chiếc ghế tựa căng bạt nilon xanh đỏ của một quán giải khát vỉa hè bên sông. Cả ba chúng tôi đều khoái uống la-ze con cọp pha nước cam. Ới gọi cô chủ quán dễ thương: – Em ơi, Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát đi (thuốc CAPSTAN). Thế rồi chúng tôi hàn huyên đủ thứ chuyện: chuyện đời lính, chuyện gia đình, xã hội… và cả ước vọng cuộc đời sau ngày giải ngũ. Có một lần anh Tại bỗng hỏi chúng tôi: “Trong đời lính, ai có chuyện gì mà mình cho là sâu sắc nhất, hãy kể đi”. Một thoáng bối rối. Đời lính biết bao kỉ niệm sâu sắc mà không thể nào quên, nhưng đã lúc nào kịp xếp hạng đâu. Nhưng rồi tôi cũng kể cho mọi người câu chuyện đã khiến tôi phải trăn trở mãi.
      Đó là mùa hè 1973. Đơn vị tôi: D3-E230 với nhiệm vụ chính là mở đường. Tuy không trực tiếp cầm súng đối diện với ác liệt của chiến tranh nhưng với mức độ khốc liệt, gian khổ của chiến trường thì lãnh đủ. Cả đại đội đều là các chàng sinh viên Cơ-Điện mặc áo lính, chỉ quen cầm bút.Thế mà nay chọc xà beng, cầm cuốc, cầm trang, lại hăng ra phết. Nhiều lúc chúng tôi tự hỏi nhau không biết lấy sức lực, tinh thần từ đâu mà có thể làm tốt nhiệm vụ đến vậy. Thực hiện khẩu hiệu: hai tối một sáng (Nghĩa là ngày ăn 2 bữa trời tối 1 bữa trưa trời sáng). Và: làm việc ngày không giờ, tuần không thứ... Hàng ngày dậy từ 4 giờ, ăn mấy bát sắn khô độn cơm với lá sắn luộc xào muối rồi cầm đuốc soi đường ra tuyến. Trời mờ sáng là chúng tôi hùng hục chọc chọc, cuốc cuốc, cào cào… Làm “thí xác”, dưới nắng hè Tây Nguyên như đổ lửa. Quần áo lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi như lội từ dưới suối lên. Buổi trưa, sau bữa ăn tại chỗ do anh nuôi gùi ra, mọi người bẻ lá rừng trải lên mặt đường nham nhở ngả lưng lấy sức mươi phút rồi lại tiếp tục chiến đấu. Đến tối không rõ mặt người mới thu dụng cụ về trại. Vất vả là vậy mà ai cũng hăng say làm việc quên mệt nhọc, trên tuyến không lúc nào ngớt tiếng cười nói trêu chọc nhau. Đúng là tuổi trẻ có khác, sinh viên Cơ Điện có khác.
      Ngày qua ngày. Con đường dần kéo dài ra. Nối từ sông Trà Gùi. Qua Nước Nẻ, sông Tranh, sông Din, sông Tang, rồi đến đất Trà Bồng - Quảng Ngãi. Hôm đó là một ngày của tháng 8 năm 1973. Tuyến đường chúng tôi phải mở, đi qua không phải là triền núi hoang vu không một bóng người, mà là đi qua ngang một rãy lúa của đồng bào dân tộc. Khi nhận tuyến, nhìn những cây lúa đang thì con gái xanh mơn mởn ai cũng ái ngại. Nhưng biết làm sao, tim tuyến đã được cắm cọc, chăng dây rồi. Chợt nhớ câu thơ viết cho báo tường đại đội của ĐVT (K7): “ Vượt qua chông gai mà ra tuyến; Đảng chỉ rừng sâu bảo phải làm...” Rừng sâu còn không sợ, chứ huống hồ đây chỉ là nương lúa… Thế là chúng tôi lại hùng hục chọc chọc, cuốc cuốc, cào cào… Làm “thí xác”. Xế chiều, khối lượng hoàn thành. Nhìn lại đoạn đường mới mở, đất đỏ au, đạt tiêu chuẩn. Này nhé: ta-luy dương phẳng phiu đủ độ dốc, mặt đường 4 mét rưỡi đất nguyên thổ, bằng phẳng. Hẳn ai cũng hài lòng với thành quả của mình.
      Tôi nhìn xuống ta-luy âm. Rẫy lúa mơn mởn khi sáng nay chỉ còn là hoang tàn, bầm dập. Chợt thấy một bóng người liêu xiêu đi lại. Nhìn kỹ là một bà mẹ dân tộc Cor. Mẹ đang lom khom vuốt thẳng từng cây lúa dập nát còn sót. Không biết vừa làm mẹ vừa nghĩ gì? Nương lúa của bao ngày vất vả. Một nắng, hai sương. Lòng tôi thắt lại, trĩu nặng.
      Đem tâm trạng của mình tâm sự với một chiến hữu, tôi nhận được lời chia sẻ: “Thôi, quên đi, nghĩ làm gì. Mình không có lỗi vì ta chỉ là cơ cấu chấp hành thôi, họ bảo đâu mình làm đấy” à “Tất cả là do chiến tranh. Trong cuộc chiến này, những hy sinh, mất mát không chỉ chúng ta: những người lính, mà cả dân tộc đều phải chấp nhận”.
      Còn tôi, không hiểu sao hình ảnh bà mẹ Cor: khắc khổ, đen đúa, gầy gò, khẳng khiu, liêu xiêu trong xế chiều, lom khom vuốt thẳng từng cây lúa… đã làm tôi không thể, không bao giờ quyên được. Có phải chỉ do chiến tranh không? Tôi không thể lý giải được nên cứ trăn trở mãi.

1 nhận xét:

  1. Một kỷ niệm sâu sắc nhất mà lại thật đơn giản! Một kỷ niệm rất nhân đạo, tôi thấy còn sâu sắc hơn cả chuyện bắn tà dương hồi nào. Trước cái chết người ta dễ phân biệt hơn nhưng trong những cái mà nhiều người cho là nhỏ nhoi thì không dễ mà có được cảm xúc mà lại sâu sắc nhất đời lính như thế này được. Nhìn bạn nhớ lại cảnh người mẹ Cor vuốt từng cây lúa do bộ đội ta làm gẫy mà lòng tôi cũng vẫn còn xót sa!
    Tôi cũng có những câu chuyện... tượng tự như câu hỏi Thọ mom đang ở Ba Tơ tìm mộ Toàn. Thị trân Ba Tơ bây giờ thế nào, hỏi hộ tôi xem Dốc Cọp (nơi thu dung của QK5 đóng) hiện nay ra sao, phải hỏi các bậc cao niên mới định vị được, chụp cho càng nhiều ảnh trong chuyến đi càng tốt. Sở dĩ vậy vì ngày xưa giải phóng Ba Tơ nhưng không một người dân TT Ba Tơ nào ở lại vùng giải phóng (gần như không thích được giải phóng) mà bỏ chạy về các vùng còn đang nằm trong sự kiểm soát của phía bên kia.
    Tại TT Ba Tơ không một bóng người, một ngôi nhà nguyên vẹn tôi đã một lần đói lả đến gần chết...

    Trả lờiXóa

Dùng những mã code này để cài ảnh, phim, nhạc vào lời bình
Link ==> <a href="URL">Ở ĐÂY</a>
Hình ảnh ==> [img]URL[/img]
Youtube clip ==> [youtube]URL[/youtube]
Nhạc của Tui ==> [nct]URL[/nct]