Trần Minh Hải K6I
Già rồi nhiều khi bỗng dưng nhớ ra nhiều cái, có sâu sắc có chuyện tản mạn - chả
đáng viết, dưng mà lẩn quất tâm trí bao lần - thế mới lạ.
CCB những năm
1971-1972, chắc ấn tượng vùng miền ta đã ở, đã đi qua: Xóm làng nghèo xơ xác:
tường đất mái rạ, chõng tre, vạt đất trồng sắn rau, đống rơm cho trâu, lũy tre
còm lá rụng rơi đầy khắp nơi, cơm độn khoai sắn, cá mắm tôm khô, con cua mớ tép
làm đồng vơ về+tương cà ,rau má cây cần muối dưa làm thức ăn...con gà quả trứng
dành dụm bán chợ-chả dám ăn nếu không phải là giỗ tết. Đặc biệt rất vắng bóng
trai làng, trung niên vì đều ra trận cả lượt. Chỉ còn cụ già trẻ con, thấy các
chị dắt trâu đi cày bừa cấy hái. Chợt nhớ câu hát nhạc sỹ Lê Yên “các Anh về
mái ấm nhà vui...“ Thôn nào dày đặc áo lính thì không khí sôi động tý chút, vì
tháng có tối chiếu phim và sân kho có SH đại đội hát hò... Bật cười nhớ Đăng da
đen cháy, râu quai nón giả gái múa Hoa Chăm pa, giơ tay ngoay ngoáy múa hở lông
nách đen xì, bát sắt độn ngực rơi - hắn điềm nhiên lượm loay hoay đút vào cooc
xê - Lính cười chảy nước mắt. Ca sỹ Thanh Chừng đoàn tuyên văn F304B, hát bài
nào thì sáng sau Lính ê a hát theo... Thấy gia đình nào cũng đầy bằng Tổ quốc
ghi công, đầy ảnh liệt sỹ (ảnh mầu tô vụng về) lấp ló sau các bát hương gian giữa
nhà, vách tường đầy giấy khen học sinh giỏi...Khi mang cơm về ăn chung với gia
đình lúc giỗ tết, Bầm phe phẩy quạt nan vừa tiếp miếng thịt gà cho Lính “Các
con ăn đi, bầm tin con Bầm nơi nào đó cũng được các bà chăm sóc như thế này...“.
Nhớ cái quán nước khi thồ gạo qua, trong trời mưa phùn giá lạnh, chủ quán xinh
xắn bế cu con đỏ hỏn loay hoay tránh dột dưới mái cọ nát, Lính hè nhau giúp lợp
lại, rồi mới uống bát chè tươi nóng hổi nghe tâm tình...(Anh vào B gần 2 năm, đây
là quê chồng, sức yếu làm ruộng không được đành mở quán nhì nhằng chờ chồng đỏ
mắt). Tôi lại nhớ nhà chị dân Quan họ (Yêu chàng đóng quân nhà mình 2 tháng-gật
đầu theo chàng về được 2 năm- tòi ra 2 cu lính tương lai, một mình chèo chống-chưa
về quê ngoại lấy 1 lần). Củng cố nhời tự nhủ “không lấy vợ khi ở lính“ khổ con
người ta ra. Nhớ đại đội tập trung tại sân kho HTX cùng nhân dân dự lễ Truy điệu
Liệt sỹ : trang nghiêm- xúc động-rồi đêm gác nghe tiếng khóc của các bầm các chị
mà buốt lòng, giờ bên tai vẫn còn văng vẳng...Phụ nữ thời chiến tranh là khổ nhất
hạng !. Rất nhiều lần tôi giở blog cũ để xem lại các bài viết của hội K6 thăm
viếng gia đình Liệt sỹ đông môn chúng ta-xúc độngvô cùng. 27/7 năm nay sắp tới
rồi !
Quả thực hay nghĩ
về K6 ĐHCĐ, hồi ấy ăn đói mặc rét -triền miên, sách ít- vở giấy rơm đen sì- bút
máy còn mòn vẹt ngòi- đèn dầu leo lét. Lên rừng chặt bương tre- cắt gianh về lợp
mái dựng nhà để ở+ lớp để học tập, học thì nhấp nhổm chờ ngày đi bộ đội (chả
phút nào yên). Các thầy chém không thương tiếc (như K6 có 49/160 tên đi lính-có ngay 1 lớp K5
xuống bổ sung) khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp hỏi còn có bao nhiêu tên chính chủ
K6 ? Đấy là nhời của các tên học trọn vẹn 5 năm. Bọn ta mất thêm 4 năm học sau
xuất ngũ thì mới được ra trường. Ấy vậy mà khi viết về kỷ niệm lớp cũ trường
xưa, sao trong trẻo nên thơ đến vậy?... Có lẽ khi ta đi lính- mất đi cái đời SV
ngắn ngủi, tan mộng học hành thì mới tiếc đau tiếc đớn, đau đáu nỗi niềm bao giờ
được về học tiếp đây ?. Bây giờ già hết lượt, hưu trí cả lũ dễ đằm tính hơn,
nghĩ ngợi nhiều hơn-đắng cay nhiều ngọt bùi ít. Nhiều bác kết luận đanh “Giờ chỉ
còn chữ Tình“ với nhau. May mà có Bờ lốc +phây búc giúp đỡ cho, còn nhòm
thấy ảnh
nhau -biết nhà cửa vợ con cháu chắt... rồi là dăm dòng cho nhau-quý hóa quá.
Dưng mà thích khen-sửng cồ khi bị chê-khái tính là nhiều “lẽ ra là phải thế này...“. Tự dưng “tư tưởng nhớn gặp nhau“ tâm tình- bị quy kết bè phái. Bình loạn? Ô hô
ai tai -thượng hưởng các loại suy xét vẩn vơ nhá. Mừng cho các tên giò cứng tay
khỏe đi Phượt. Vui khi thấy các Lão vui thú điền viên bên con cháu, Thích gặp
nhau để cạch chén cái, Khoái khoắng tách cà phê cà pháo hàn huyên mọi nhẽ,
Ngóng chờ BLL hội K6 ta a lô “đi nhá“...
10 năm đội mũ rơm
nấp hầm trú ẩn-tránh bom đạn Mỹ ăn học, tốt nghiệp cấp 3 phổ thông (thời ấy mỗi
xã chỉ dăm thằng oai như cóc ?). Mơ mộng thành kỹ sư làm tại các nhà máy xí
nghiệp hiện đại y như phim Liên xô ám ảnh cả loạt người. Phải chăng đó là động
lực thúc đẩy SV xơi mỳ luộc, tháng vào Tân cương kiếm củi nấu ăn, trốn vé nhảy
tầu hỏa, tẩy xóa tem thư dùng lại, nay K5 cũ mai vào Tân cương Bình định sơ
tán. Bọn ta đi lính-chỉ ước ao sao còn cái gáo về cái đã-sau rồi ra sao thì ra.
Thực lòng khi về K9,K10 sự hòa nhập với lứa đồng môn kém ta 4 tuổi-không thể
hoàn toàn, vẫn có cái khoảng cách trải nghiệm lính tráng ở giữa. Bọn ta hưu cả
loạt sau khi xóa bỏ bao cấp đa phần đều èng èng cả ?!, các em còn đương chức vài
năm-thời mở cửa này họ khá hơn bọn ta nhiều thứ: từ vi tính tới quan hệ, ăn nên
làm ra tới hưởng thụ ghế ngồi-Rõ mừng
Sau 10 năm tốt
nghiệp tôi mới lên trường lĩnh bằng, may mà có Lại khắc Lãi nhiệt tình giúp cho
mọi việc đều hanh thông. Vui vì có dịp chạm cốc với chú em đồng môn K10IA+ đồng
lon Thiếu úy SQDB ngày nào. Tôi ra ga Lưu
xá xuôi về, để tìm lại cảm giác đi tàu ngày xưa. Ngó qua cửa sổ bồi hồi
thấy nơi ngồi ôn thi, nơi cuốc bộ nhởn, đường đi xem phim và ti vi... vẫn như hồi
xưa. Tàu vắng vẻ lan man nhớ cảnh trốn kiểm soát vé, cảnh đứng bậc toa suốt
hành trình tàu chật cứng, leo nóc toa trải ni lon nằm hò nhau rạp xuống tránh
dây điện căng ngang, nhớ cú nhảy vội lập
bập đứng lên phủi bụi áo quần, khập khiễng bước đi, vào quán Thủy mù đèn dầu
leo lét chia quà cho những thằng ra đón.... Đến ga Gia lâm lại đợi tránh tầu
chiều y như xưa (lúc xuôi chiều thứ bẩy háo hức, lúc ngược về trường buồn
bã-ánh đèn TP lùi dần, tàu lầm lũi lao vào màn đêm trung du...). Chả biết có ai
như tôi không ?, có lúc mơ mình đang còng lưng làm đồ án, lúc toát mồ hôi
choàng tỉnh dậy-sau cơn mơ trả bài thi cuối kỳ ?...
Viết
nhăng cuội một tẹo, trình lên blog mời các bác đọc cho đỡ buồn (khi hết mùa Ơ
rô)
Một thành viên mới của CLB BB CĐ: [img]https://fbcdn-photos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtf1/v/t1.0-0/s526x395/13659089_842835762516206_8387351838368606579_n.jpg?oh=26879e4477e79d604cf7bcabb3fa7a04&oe=582469FC&__gda__=1479495634_ac3fde44623c76b6e0194fd97ecd835d[/img]
Trả lờiXóa